Đắk Nông ép dân khiếu kiện về nhà

Một số viên chức an ninh và chính quyền xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã đến Hà Nội để tìm cách đưa người dân M’Nông khiếu kiện lâu ngày trở về lại địa phương.

clip_image001

Nhiều người M'Nông phải bán hết tài sản để ra Hà Nội khiếu kiện

Trước đó, hôm thứ Tư ngày 7/3, báo Thanh tra, tiếng nói của Thanh tra chính phủ, đưa tin Phó Tổng thanh tra Lê Tiến Hào vừa gửi văn bản yêu cầu tỉnh Đắk Nông ‘cử ngay cán bộ có thẩm quyền’ tới trụ sở tiếp dân của Đảng và Nhà nước ở Hà Nội để vận động và đưa dân về lại địa phương.

Mục đích của việc này, theo cơ quan thanh tra, là ‘tránh gây diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến an ninh, trật tự công cộng ở thủ đô’.

Theo báo Thanh tra thì đoàn công dân của tỉnh Đắk Nông là đồng bào dân tộc thiểu số trú tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức đã ‘đeo bám trụ sở’ của Thanh tra chính phủ từ ngày 27/2 đến nay.

‘Công an bắt nạt’

Theo tìm hiểu của BBC thì đoàn nông dân khiếu kiện của Đắk Nông hiện tại chỉ còn bảy người đang bám trụ lại Hà Nội chờ giải quyết đơn khiếu nại.

Ông Điểu Xrí, người dẫn đầu dân M’Nông khiếu kiện này nói với BBC rằng đoàn của ông đang bị công an phường ở Hà Nội gây khó dễ.

“Cả hôm qua hôm kia họ bắt nạt đuổi mình không cho mình ở nhà trọ”, ông nói.

Ông cho biết là có hai vợ chồng già ở phường Thụy Khuê, quận Ba Đình, đã cho họ tá túc trong thời gian qua.

Ông Xrí cho biết công an bắt họ cam kết chỉ được ở đến trước 9 giờ tối ngày thứ Ba 6/3, nếu sau thời gian đó mà còn ở lại thì họ sẽ lập biên bản phạt ông và cả chủ nhà vì không có giấy phép kinh doanh nhà trọ.

Sau đó, có người quen chỉ chỗ nên đoàn của ông đã tìm chỗ trọ khác cách đó 2 km và hiện tại ở chỗ mới này thì công an ‘chưa làm khó dễ gì hết’.

"Họ đòi hỏi sổ đỏ đàng hoàng mới đòi đất được. Người dân tộc chúng tôi không bao giờ có sổ đỏ. Chính quyền không làm thì làm sao có được"

Điểu Xrí, nông dân M'Nông ở Đắk Nông

Ông Xrí thuật lại lời của cán bộ an ninh đi theo vận động ông rằng: ‘Ở đây có công văn về tỉnh rồi. Các ông không ở nữa. Ở đây càng phiền phức’.

“Họ bảo về dưới sẽ giải quyết cho bà con – những hộ nào thiếu đất thiếu nhà sẽ cấp lại chỗ khác”, ông kể.

“Các ông ấy chỉ nói lừa chúng tôi thôi. Bao nhiêu công văn của Trung ương rồi – hiện giờ là 10 cái – mà các ông vẫn chưa giải quyết dứt điểm cho bà con”, ông nói.

Do đó, ông Xrí nói lần này đoàn của ông phải đợi Trung ương giải quyết rồi mới về. Tuy nhiên các quan chức Đắk Nông dám nói là ‘đợt này sẽ giải quyết’, ông thuật lại.

“Nếu họ giải quyết thật thì mình về vì đằng nào thì mình cũng về”, ông kể, “Họ quả quyết cứ về trước đi rồi sẽ giải quyết”.

Không có sổ đỏ

Dù sao đi nữa, ông Xrí cho biết là ‘ngày mai (9/3) hoặc ngày mốt (10/3) thì chúng tôi cũng phải về thôi.’

“(Chúng tôi) ở hơn tháng rồi. Tiền bạc ăn hết rồi. Cơm nước không có”, ông than và cho biết thêm là hiện nay đoàn ông chỉ còn 2 triệu đồng chỉ đủ về xe còn cơm nước thì xin bà con xung quanh hoặc vào nhà chùa xin.

"Bà con xin thu mì để có tiền mua cơm gạo ăn nhưng họ không cho thu luôn. Họ cướp trắng tài sản trong rẫy không còn gì hết".

Điểu Xrí, nông dân M'Nông ở Đắk Nông

“Ý định bà con nếu không giải quyết thì phải lên lại đến chừng nào họ được trả lại đất”, ông nói.

Ông kể lại là những lần giải quyết trước chính quyền xã cho rằng người dân khiếu kiện không đủ thủ tục theo quy định của Nhà nước.

“Họ đòi hỏi sổ đỏ đàng hoàng mới đòi đất được”, ông nói, “Người dân tộc chúng tôi không bao giờ có sổ đỏ. Chính quyền không làm thì làm sao có được”.

Ông Xrí cho biết nếu ông về thì ông cũng không về cùng với các quan chức địa phương vì sợ ‘họ thuê xã hội đen’ đánh đập người dân.

“Ở dưới họ dùng mấy người xã hội đen không à để đánh đập bà con”.

Đoàn của ông Xrí từ Đắk Nông ra Hà Nội lúc đầu có 13 người, ông nói, nhưng do trời lạnh một số người bị ốm không ở được nên phải đưa về.

Về đất đai của ông và bà con, ông cho biết là bị ‘cướp trắng’ không những đất mà còn cây trồng trên đất.

clip_image002

Hầu hết các vụ khiếu kiện của nông dân Việt Nam đều do mất đất canh tác

“Bà con xin thu mì để có tiền mua cơm gạo ăn nhưng họ không cho thu luôn”, ông nói, “Họ cướp trắng tài sản trong rẫy không còn gì hết”.

Sau khi chặt phá, đốt nhà xong, chính quyền ‘giao cho công ty gì đó’ trồng mì, cao su cũng như họ đã trồng trong khi nông dân không lấy được một đồng nào tiền bồi thường.

Hiện giờ nông dân mất đất ở Đắk Nông chỉ ‘làm thuê làm mướn để sống qua ngày’ cho những hộ còn đất.

‘Đẩy dân lòng vòng’

Cụ bà Lê Hiền Đức, người theo dõi tình hình của các nông dân khiếu kiện đất đai để giúp đỡ cho họ, cho BBC biết rằng đất của nông dân M’Nông bị lấy để bán cho một công ty tư nhân tên là Hoàng Thiên.

“Tôi không gọi là thu hồi đâu mà là cướp đất – cướp trắng của dân”, bà bức xúc, “Họ đem xe đến ủi hết cây điều của bà con”.

Bà nói rằng không phải nông dân Đắk Nông khiếu kiện vượt cấp mà họ đã đi qua hết các cấp rồi nhưng không ai giải quyết được nên mới ra trung ương.

“Huyện bảo không có quyền giải quyết, tỉnh không giải quyết được. Lên trung ương thì lại đẩy bà con về huyện”, bà nói.

“Huyện cướp đất, xã đốt nhà của dân còn tỉnh thì bao che nên dân ra rồi lại về”, bà nói thêm.

Những người nông dân M’Nông này ra Hà Nội vừa rét, đói, khát, bà cho biết, nên một số người dân hảo tâm có ủng hộ mì tôm, một số chăn mền cũ, quần áo cũ và một ít gạo cho họ cầm cự qua ngày.

Về việc họ bị đuổi khỏi chỗ trọ ở Thụy Khuê, bà Đức cho biết bà đã cãi lý với công an phường Thụy Khuê rằng chủ nhà thương đồng bào cho ở nhờ và chỉ lấy một ít tiền trả tiền điện nước chứ ‘có mở nhà trọ, khách sạn đâu mà đòi giấy phép kinh doanh’.

"Huyện cướp đất, xã đốt nhà của dân còn tỉnh thì bao che nên dân ra rồi lại về".

Cụ bà Lê Hiền Đức

Đêm thứ Ba khi bị đuổi thì những người nông dân này có đến tá túc ở hành lang của trụ sở Thanh tra chính phủ ở quận Hà Đông nhưng đến 9h tối thì bị ‘bảo vệ đuổi ra’.

Sau đó, họ phải tìm thuê ở một chỗ khác với giá 550.000 đồng cho 7 người trong một đêm và đến sáng ngày mùng 7 thì họ hết tiền.

“Mục đích (của công an) là ép dân không có chỗ ở, hết tiền thì phải về”, bà bức xúc.

BBC đã liên lạc với ông Phạm Xuân Sáng của Công an Đắk Nông ra Hà Nội để vận động bà con M’Nông trở về nhưng ông nói là việc của nông dân chỉ chính quyền địa phương mới trả lời được.

BBC cũng liên lạc với ông Lê Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắk Ngo nhưng ông Minh từ chối trả lời.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn