Chính phủ còn nhượng bộ nhóm lợi ích xăng dầu bao lâu nữa?

Viết Lê Quân

clip_image001(Tamnhin.net) - Một lần nữa lại đã diễn ra, và nếu lại có những lần khác trong năm 2012 này, Chính phủ phải nhượng bộ trước quyền lợi và sự đòi hỏi vô lối của các nhóm lợi ích, người dân sẽ còn trông cậy vào đâu để khôi phục niềm tin của mình với Chính phủ?

Bóng ma lạm phát tái hiện: Chính phủ lại bị “qua mặt”

Không thể nói khác hơn là bóng ma lạm phát năm 2011 đang lừng lững quay trở lại vào đầu năm 2012, trở thành một thách thức rất cụ thể, rất hữu hình đối với “quyết tâm” kềm giữ lạm phát dưới một con số của Chính phủ trong năm nay.

Vào tháng 3/2011, các doanh nghiệp xăng dầu đã “vận động” Bộ Công thương, Bộ Tài chính để nhẹ nhàng “qua mặt” Chính phủ bằng một đợt tăng giá xăng dầu. Nhưng rủi thay, cơ chế tăng giá đột biến và khá tham lam như thế đã như đổ thêm dầu vào ngọn lửa lạm phát, vốn đang chực chờ bùng cháy. Bằng mô hình tính toán Leontief, một số nhà khoa học Việt Nam đã xác định được tác động của đợt tăng giá xăng dầu các loại ngày 29/3/2011 đã làm cho chỉ số CPI tăng khoảng 1,6%!

Một năm sau khoảng thời gian đầy “tai biến” đó, một lần nữa các doanh nghiệp xăng dầu lại thành công trong đợt tăng giá vào đầu tháng 3/2012. “Thành công” - chính xác là từ ngữ này, và nếu có thể nói thêm thì “Xin chúc mừng!”. Chỉ có điều, bối cảnh đầu năm nay đang khác biệt rất nhiều với đầu năm ngoái, khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã được trực diện với cái tên “Nhóm lợi ích xăng dầu”.

Lại một lần nữa, Chính phủ đã tỏ ra thờ ơ và khá chủ quan trước diễn biến “lobby” của nhóm lợi ích xăng dầu.

Hoạt động “lobby” như vậy đã được khởi động từ tháng 9/2011, nhưng bị kềm giữ bởi vai trò của cá nhân Bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ với triết lý đáng được ghi nhận vào biên niên sử kinh tế nước nhà “Không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu mà hy sinh quyền lợi của 84 triệu người dân Việt Nam”.

Nhưng vào tháng Chạp năm 2012, khi làn sóng phản ứng của dư luận đã dịu dần trước hàng loạt hậu quả trầm trọng do Petrolimex và một số doanh nghiệp xăng dầu gây ra từ đầu tư trái ngành và ý đồ “bù lỗ vào giá”, chính Petrolimex và một số quan chức của ngành công thương lại bắt đầu xúc tiến một cuộc vận động tăng giá mới. Không khí “nghị trường” vào thời điểm này lại bất ngờ mang một sắc thái thay đổi rất kín đáo, kín đáo đến hết sức tế nhị, khi ngay cả bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng không còn biểu hiện phản đối quyết liệt trước ý đồ tăng giá xăng dầu.

Logic “vận động hành lang” đã hoàn tất diễn tiến của nó. Vào những ngày cuối năm 2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đạt được thành quả như mong muốn khi vận dụng cơ chế được quyền “tự quyết” mức giá tăng 5%, với quyết định cuối cùng chỉ thuộc về Bộ Công thương mà hoàn toàn không liên quan gì đến vai trò của Chính phủ.

Cũng theo logic diễn tiến ấy, đợt tăng giá 5% của EVN đã “đóng góp” đến 0,36% cho chỉ số tiêu dùng CPI, khiến cho chỉ số lạm phát tháng 1/2012 được “kềm giữ” ở mức 1%. Dù giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và giá nhà trọ ngay lập tức bốc lên vài chục phần trăm theo giá điện, lại vẫn có những ý kiến cho rằng mức tăng 1% của CPI là lạc quan hơn cùng kỳ những năm trước. Tất nhiên, sự so sánh này đã biểu hiện đặc trưng lớn nhất của nó là… lý thuyết, bởi đã không hoặc cố không nhìn thấy bản chất của trào lưu tăng giá vô tội vạ từ những mặt hàng chủ chốt trong tiêu dùng xã hội khi “ăn theo” giá điện.

Còn bây giờ, tình thế giá cả, nền kinh tế và niềm tin công dân sẽ thăng trầm ra sao?

Vì sao chưa áp trần lãi suất cho vay?

Trong hai tháng đầu năm 2012, CPI đã tăng 2,36%. Với cách nhìn theo hướng “vươn lên một tầm cao mới” như Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số cơ quan nhà nước khác, mức tăng này vẫn nằm trong vòng kiểm soát, kèm theo “những dấu hiệu khởi sắc của kinh tế”.

Nhưng ở một chiều kích trái ngược, đã lại dội lên con số hàng ngàn doanh nghiệp phải giải thể, phá sản qua mỗi tháng; đời sống người dân, công nhân và sinh viên trở nên khó khăn hơn cả thời kỳ năm 2011, hàng trăm ngàn tỷ đồng ứ đọng trong hệ thống ngân hàng mà đã không làm cho tốc độ vòng quay vốn xã hội vượt quá 1 lần…

Cứ cho là con số lạm phát 2,36% trên là được thống kê chính xác, nhưng còn kỳ vọng của Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính về mức lạm phát tháng 3/2012 chỉ khoảng 0,5% sẽ bị biến thái ra sao trước “thành công” của đợt tăng giá xăng dầu?

Trong thực tế, kỳ vọng trên đã chỉ là sự ước lượng trước khi xảy ra “cơn điên” tăng giá gas đến 52.000 đồng/bình 12 kg - tức tăng đến 20%, và cũng trước khi diễn ra kết quả cuối cùng 10% của tăng giá xăng dầu vào đầu tháng 3/2012. Nhưng sau khi “sóng phục hồi” gas và xăng dầu được hoàn tất, liệu ai trong tất cả những cơ quan bộ và thành viên của Chính phủ dám bảo đảm là chỉ số lạm phát tháng 3/2012 chỉ ở mức 0,5%?

Trong khi đó, thời điểm cuối tháng 3/2012 lại đang đến rất gần. Đó chính là kỳ hạn tăng giá điện 3 tháng một lần, với mức 5% “tự quyết” của EVN như đã được “hứa hẹn”. Nếu quả thực đợt tăng giá điện sẽ diễn ra trong thời gian tới thì có thể nói, “chiến dịch tổng lực” của nhóm lợi ích điện lực và xăng dầu sẽ đạt được kết quả mỹ mãn khi 2012 chỉ mới bắt đầu quý đầu tiên của nó.

Cần nhắc lại, trong buổi họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2012, đích thân Thủ tướng đã phải yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải giảm ngay lãi suất sau buổi họp này. Tính đúng và tính đủ, đây đã là lần thứ năm kể từ phiên điều trần trước Quốc hội vào cuối tháng 11/2011, Thủ tướng chỉ đạo “giảm ngay lãi suất”. Tuy vậy, trong khi không đề cập cụ thể về loại lãi suất nào - huy động hay cho vay - cần được kéo giảm, thì Thủ tướng lại vẫn giao cho NHNN quyền chủ động về thời gian và mức giảm. Kết quả cho đến nay là Thống đốc NHNN mới chỉ có phương án giảm lãi suất huy động về 13%, trong khi điều cần thiết hơn nhiều là giảm hoặc áp trần lãi suất cho vay nhằm cứu vãn tình thế đang quá đỗi khó khăn của doanh nghiệp, lại vẫn không được NHNN tiến hành theo đúng chức trách của mình.

Và trong khi lãi suất cho vay chưa hề được định hướng kéo giảm, các loại giá xăng dầu, gas và điện lại lập tức lao lên, kích động tăng giá tiêu dùng và do đó kich thích tăng lạm phát, gây khốn khó trầm trọng hơn cho đời sống dân sinh và nền tảng sản xuất của đất nước.

Niềm tin công dân và uy tín Chính phủ?

Đã hơn 7 tháng trôi qua kể từ khi Chính phủ mới được thành lập. Cũng đã hơn nửa năm qua, kể từ ngày người dân và cử tri một lần nữa nhẫn nại đặt hy vọng vào khả năng điều hành khách quan, công tâm và có chuyên môn hơn của các bộ ngành chủ chốt trong chính phủ mới. Tuy nhiên, ngoài việc chỉ số lạm phát “được kềm giữ” nhưng dường như lại chỉ có ý nghĩa như một con số thuần túy, sức sản xuất và mặt bằng thu nhập xã hội lại tiếp tục bị giảm sút tương đối trước tác động tiêu cực thực tế của mặt bằng giá cả hàng hóa tăng vọt. Phải chăng đây là lời giải trọn vẹn cho bài toán kinh tế và tài chính mà các cơ quan giúp việc cho Chính phủ hướng tới?

Trong một năm qua, người ta đã phải nói rất nhiều đến tâm trạng khủng hoảng niềm tin - khủng hoảng niềm tin đối với các thị trường và với nền kinh tế nói chung. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho khách quan, bởi những nền kinh tế then chốt trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh… đang có dấu hiệu hồi phục.

Vậy cơ chế điều hành nào đã dẫn tới sự khủng hoảng niềm tin nội địa như thế?

Một lần nữa lại đã diễn ra, và nếu lại có những lần khác trong năm 2012 này, Chính phủ phải nhượng bộ trước quyền lợi và sự đòi hỏi vô lối của các nhóm lợi ích, người dân sẽ còn trông cậy vào đâu để khôi phục niềm tin của mình với Chính phủ?

V. L. Q.

Nguồn: tamnhin.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn