Dân kiểm soát quan

Nguyên Lâm

Dân kiểm soát được quan thì… tốt quá!

Vụ việc cưỡng chế ở Tiên Lãng - Hải Phòng đang đặt ra một câu hỏi nhức nhối: Làm thế nào để chống nạn “cướp ngày” đang lan tràn khắp nơi, làm thế nào đảm bảo được quyền lợi của dân trong khi thủ phạm lại là các cấp Chính quyền tức những người có bổn phận phải bảo vệ dân? Những người hiểu biết nhất trong lĩnh vực chuyên môn như GS TS Đặng Hùng Võ, lăn lộn với thực tế nhiều năm như bà Lê Hiển Đức… cũng đang thấy bế tắc. Đích thân người đứng đầu cơ quan hành pháp là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thân chinh về tận nơi giải quyết xem chừng cũng không xong… Vấn đề là phải truy tìm tận gốc, mà sửa gốc thì… nan giải lắm.

Trong tình trạng đang bế tắc ấy, báo Tuổi trẻ cung cấp một liều thuốc để chữa trị! Ấy là biện pháp Dân kiểm soát quan!

Ý kiến của tác giả thật chân thành và cũng có lý, nhưng… (xin dùng mấy chữ của nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương khi nói về giải pháp Phê và Tự phê của TBT Nguyễn Phú Trọng): Nếu được thế thì tốt quá!

Vâng, nếu giải quyết được những quốc nạn bằng Phê và Tự phê… thì tốt quá!

Cũng như nếu giải quyết được những quốc nạn bằng khẩu hiệu “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”… thì tốt quá!

Dân kiểm soát được quan… thì tốt quá!

Bỗng dưng ta nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine: Nếu loài Chuột đeo được một cái chuông bự vào cổ các con Mèo… thì tốt quá!

Sáng kiến rất hay, nhưng làm sao để thực hiện? Giữ gốc, sửa ngọn thì khác gì đánh đố?

Chẳng hạn tác giả hy vọng: “Hiến pháp phải là một thực thể sống, và sức sống đó được “trui rèn” qua những lần sửa đổi”. Khốn thay, từ 1946 đến 1992 Hiến pháp mấy lần sửa đổi nhưng càng “trui rèn” sao lại càng kém đi?  

Hà Sĩ Phu

TT - Những vụ việc liên quan đến hành xử không hay của các cơ quan công quyền và quan chức xảy ra khá nhiều trên thực tế khiến chúng ta đặt lại câu hỏi tại sao họ lại có thể làm như thế? Có ai kiểm soát họ không? Kiểm soát như thế nào?

Và đặc biệt, mỗi người dân có thể kiểm soát quan được không? Bằng cách nào? Trả lời câu hỏi này, dân có thể kiểm soát quan bằng nhiều kênh khác nhau. Trong đó trên nguyên tắc, với những điều kiện kèm theo, hệ thống tòa án là một kênh giám sát quan rất hiệu quả.

Ở Việt Nam, theo quy định của pháp luật, có thể kiểm soát hoạt động của các cơ quan hành chính thông qua khởi kiện hành chính và hành vi hành chính của cán bộ, cơ quan hành chính có thẩm quyền.

Mặc dù theo hiến pháp tòa án độc lập với bộ máy hành chính cùng cấp, nhưng thực tế khi giải quyết các vụ án hành chính, tòa án nhân dân cấp huyện (hoặc cấp tỉnh) rất khó quyết định ủy ban nhân dân cấp huyện (hoặc cấp tỉnh) thua kiện vì phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền các cấp.

Chẳng hạn trong vụ Tiên Lãng, các chuyên gia pháp lý đã chỉ ra những sự việc khiến người ta đặt vấn đề sự công tâm, minh bạch, độc lập trong phán quyết của tòa án khi giải quyết khiếu kiện về thu hồi đất.

Nếu theo mô hình tòa án với đỉnh là tòa án tối cao thực hiện tài phán hiến pháp, thẩm phán tòa án cấp sơ thẩm như ở huyện Tiên Lãng nếu cho rằng quyết định thu hồi đất là trái hiến pháp sẽ tạm dừng xem xét vụ án để chuyển tòa án tối cao xem xét vụ việc, ra phán quyết về các vấn đề hiến pháp, sau đó tòa án cấp sơ thẩm mới xem xét tiếp.

Còn trong trường hợp có tòa án hiến pháp, nếu công dân như ông Đoàn Văn Vươn cho rằng quyền của mình bị xâm phạm (quyền sử dụng đất, quyền khiếu kiện...), công dân có thể kiện ra tòa án hiến pháp để đòi lại quyền của mình. Tương tự, nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác từ trước đến nay và sau này đều có nguy cơ bị công dân kiện với lý do vi phạm các quyền công dân. Từ đó, hành vi của công quyền sẽ phải cẩn trọng hơn, vì dân hơn.

Nhân sửa đổi, bổ sung hiến pháp, cần tạo cơ chế hiệu quả để người dân kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước, quan chức nhà nước. Trước hết cần cải cách hệ thống tòa án để chốn công đường thật sự là nơi người dân có thể viện cầu công lý.

Cần bảo đảm sự độc lập cho tòa án bằng những cách thức như: hệ thống tòa án không nên theo đơn vị hành chính mà thành lập các tòa án khu vực; việc bổ nhiệm thẩm phán cần có sự tham gia của nhiều chủ thể, có thể là tòa án giới thiệu người, Chủ tịch nước bổ nhiệm, Quốc hội phê chuẩn; thẩm phán nên được bổ nhiệm cho đến lúc về hưu, độ tuổi về hưu của thẩm phán cao hơn của công chức bình thường.

Có thể giao cho tòa án tối cao chức năng tài phán hiến pháp hoặc thành lập cơ quan bảo hiến chuyên trách (tòa án hiến pháp hoặc hội đồng bảo hiến) có thẩm quyền phán quyết về những vi phạm hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn mô hình thích hợp cho Việt Nam, cần phải giải đáp sáng rõ những vấn đề: vị thế của cơ quan như vậy sẽ ở đâu trong hệ thống các cơ quan hiện có; năng lực của thẩm phán, của bộ máy, con người...

Hiến pháp phải là một thực thể sống, và sức sống đó được “trui rèn” qua những lần sửa đổi, qua hoạt động lập pháp của Quốc hội, nhất là qua tinh thần áp dụng hiến pháp trong thực tiễn của các tòa án.

Hiệu lực thực tế đó mang lại cho người dân cảm nhận về vị thế của mình. Cơ chế vì dân sẽ tạo ra niềm tin trong dân rằng có thể trông cậy vào đó để kiểm soát công quyền, bảo vệ các quyền của mình, để được sống trong sự an toàn, mưu cầu hạnh phúc.

N. L.

Nguồn: tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn