Gia tài bí mật của tỉ phú Putin

clip_image001

(Điều tra của Paris Match) Tài khoản ở nước ngoài, những cái tên mượn, hợp đồng giả hiệu…Tại Matxcơva, Tallinn và Monaco, nhiều nhân chứng đã tiết lộ làm thế nào nhân vật quyền thế nhất nước Nga có thể trở nên giàu có như thế.

Sống lén lút như một người bị truy nã, ông ta ngủ tại khách sạn hoặc trong những căn hộ cho thuê có sẵn đồ đạc. Từ khi trốn khỏi nước Nga, không bao giờ ông lưu lại một quốc gia quá một tuần lễ. Từ Estonia rồi đến Tallinn, Serguei Kolesnikov đến Washington và sắp sửa đi Thụy Sĩ. Doanh nhân 63 tuổi này nói: “Tôi không có một nơi chốn nào an toàn cả. Người ta đã báo cho tôi biết, Putin xem tôi là một kẻ phản bội tổ quốc”. Lý do? “Vì tôi đã tiết lộ làm thế nào mà ông ta đã bí mật vun vén được một khối tài sản khổng lồ, thông qua công ty của tôi”.

Với bộ com-lê xám và đôi kính giản dị, Serguei Kolesnikov không có vẻ gì là một kẻ chuyên nói dối. Trước khi bí mật rời khỏi đất nước vào tháng 8/2010, người tiến sĩ sinh học này đã sao chụp lại nhiều tài liệu kế toán của công ty mình. Ông trao lại cho hai tờ nhật báo uy tín là tờ Washington Post và tờ Financial Times, và các tờ báo này đã giao cho các văn phòng luật sư nghiên cứu. Nhật báo đối lập quan trọng của Nga là Novaia Gazeta cũng đã phân tích các tài liệu trên. Tất cả đều đưa đến  cùng một kết luận: cho dù không có bằng chứng xác đáng nhất, tức là một văn bản cho chính tay ông Vladimir Putin ký, và dù điện Kremlin có bác bỏ, nhưng có thể tin rằng Serguei Kolesnikov đã nói lên sự thật.

Những rủi ro mà ông Serguei Kolesnikov đã nhận lãnh cho mình cũng như cho những người thân thật là đáng nể. David Ignatius, bình luận viên của tờ Washington Post – người đầu tiên được ông Serguei Kolesnikov tin cẩn giao cho tài liệu – đã viết trong bài xã luận: “Ông ấy là một trong số những người can đảm hiếm hoi mà một nhà báo chỉ đôi khi mới gặp được”. Những tài liệu xác tín này đã khẳng định, ít nhất là một phần, những lời đồn đại lâu nay về tài sản được giấu kỹ của con người quyền lực nhất nước Nga.

Câu chuyện được nhà sinh học kể lại khá phức tạp. Đó là việc các hợp đồng được kê khống giá cao hơn, nhờ người khác đứng tên, và các công ty đặt ở nước ngoài… Tóm lại, ông Serguei Kolesnikov khẳng định đã quen biết Vladimir Putin từ đầu thập niên 90, lúc đó ông Putin là Trưởng ban Quốc tế của Tòa Thị chính Saint-Pétersbourg. Với chức vụ này, Putin đã thành lập một công ty hỗn hợp chuyên nhập khẩu vật liệu thiết bị y tế, tên là Petromed. Ông Putin đã giao cho một cựu nhân viên KGB cùng với ông Serguei Kolesnikov – cựu giám đốc một phòng thí nghiệm của quân đội – điều hành công ty này, sau đó cả hai lãnh đạo trên đã cùng mua lại công ty vào năm 1996.

Ngay khi ngồi vào điện Kremlin bốn năm sau đó, Vladimir Putin đã nhớ lại những người bạn cũ ở Saint-Pétersbourg. Ông ta đề nghị ban phát cho Petromed một siêu hợp đồng, với điều kiện là 35% thu nhập phải được chuyển sang tài khoản của một công ty Luxembourg là Lirus, trong đó tân Tổng thống Nga nắm đến 90% phần hùn – theo lời Serguei Kolesnikov, “tất cả đều không phải là cổ phiếu ghi danh”.

Theo ông Serguei Kolesnikov, từ năm 2000 đến 2007, có ít nhất 500 triệu đô la đã được chuyển vào tài khoản của Lirus. Số của chìm này đã giúp ông Putin, thông qua những cái tên mượn, đã mua được trên 20% ngân hàng Rossia (một ngân hàng lớn do một người thân của ông Putin điều hành), và xây dựng một dinh thự rộng đến 12.000 mét vuông bên bờ Hắc Hải. Nằm trong một khu rừng được bảo vệ, cơ ngơi rộng 76 hecta này bao gồm một casino, một nhà hát, hai hồ bơi và 20 tòa nhà phụ chủ yếu dành cho 200 người giúp việc.

Khi vụ này được tờ Washington Post đăng tải vào Noel 2010, điện Kremlin đã chối bay chối biến. Các chứng cứ xuất hiện: hình ảnh của tòa lâu đài sang trọng này được trang web RuLeaks đưa lên, nhiều nhân chứng cho biết ông Putin đã nhiều lần viếng thăm lúc dinh thự đang được xây dựng. Người ta còn phát hiện là cơ ngơi trên được cơ quan FSO (đơn vị bảo vệ yếu nhân của Nga) canh phòng cẩn mật, và việc xây dựng do một công ty nhà nước đảm nhiệm. Nhưng Dinh Tổng thống Nga tiếp tục cải chính là không có liên hệ gì với công trình trên.

Tháng 2/2011, tờ Novaia Gazeta tiết lộ một hợp đồng cho thấy Kremlin có liên hệ với công ty Lirus (mà Putin nắm 90% cổ phần). Ban đầu điện Kremlin cố gắng đưa ra những lời giải thích, nhưng sau đó quyết định “gây nhiễu”. Một tháng sau, tòa lâu đài được bán lại cho một doanh nhân là người hùn vốn với một người thân của Putin, với cái giá chỉ bằng một phần ba giá trị thật. Một hành động vội vã, cũng đáng ngờ như một lời thú tội.

Hầu hết giới thượng lưu Nga đều tin lời ông Serguei Kolesnikov, và họ không giấu diếm điều đó. Igor Yurgens, một cố vấn của ông Dmitri Medvedev thổ lộ với tuần báo Pháp Nouvel Observateur: “Còn có ai khác ngoài ông Putin có thể cho xây dựng một cơ ngơi như thế ở Nga, trong một vùng cấm, do FSO bảo vệ?”. Nhưng công chúng Nga thì không biết gì cả. Cho dù người doanh nhân đang lẩn trốn trên đây đã gởi một lá thư ngỏ cho Tổng thống Medvedev, vụ này vẫn bị ỉm đi. Từ một năm qua, truyền hình Nga – tất cả đều do Nhà nước kiểm soát – không một lần nào nhắc đến.

Đương nhiên, gia tài của nhân vật đứng đầu nước Nga là điều cấm kỵ nhất trong mọi điều cấm kỵ. Về mặt chính thức thì ông Vladimir Putin, người vừa nắm quyền Tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ ba, không phải là triệu phú. Theo như kê khai, thì tài sản của ông rất khiêm tốn. Vào tháng 12 năm ngoái, trước Ủy ban bầu cử, ông Putin khai là ông có 179.612 đô la, một căn hộ 75 mét vuông ở Saint-Pétersbourg, một căn hộ khác nhỏ hơn ở Matxcơva, và hai chiếc xe Volga thuộc loại sưu tập do người cha để lại. Như vậy sau mười hai năm cầm quyền, ông không hề giàu lên.

Putin muốn tạo dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn nhưng liêm khiết. Tuy nhiên thực tế thì ngược lại. Đã hẳn là mới đây nhà lãnh đạo Nga phải nhìn nhận là nạn tham nhũng đang hoành hành trong Nhà nước. Ông Putin không thể chối cãi được một sự thật hiển nhiên đang làm cho người dân Nga bất bình: dưới triều đại của ông, tất cả các bạn bè ông đều trở thành tỉ phú. Nhưng bản thân ông Putin thì không lợi dụng gì, không thể hối lộ ông được, và dù sao theo những gì ông nói, thì nhà cựu điệp viên chỉ yêu thích có thể thao và thiên nhiên, chứ không phải là tiền bạc.

Nhiều sự cố đã lật tẩy huyền thoại trên đây. Tháng 7/2009 nhân chuyến đi thăm Xibêri, Vladimir Putin đã tặng cho một thanh niên chăn cừu chiếc đồng hồ hiệu Blancpain của ông, trị giá trên 10.000 euro. Đến tháng 9, ông lại thưởng cho một công nhân ở Toula một chiếc đồng hồ Blancpain khác, cũng có cùng giá trị. Tháng sau đó, tại Trung Quốc, ông Putin đeo trên tay chiếc đồng hồ Blancpain thứ ba. Ông có một sở thích nữa là rất chuộng các bộ com-lê của hiệu Brioni. Cái gu xài hàng hiệu này quá lộ liễu đối với một nhân vật không tham nhũng.

Điện Kremlin bảo đó là những món quà tặng, nhưng theo dư luận thì đó là những tài sản được che giấu. Năm 2009, một người tên là Robert Eringer nói rằng biết các tài sản ấy ở đâu. Robert Eringer vốn là lãnh đạo cơ quan tình báo của tiểu quốc Monaco. Do bất hòa với ông hoàng Albert II nên bị cách chức, ông đã khai với lời tuyên thệ trước một tòa án California. Liên quan đến ông Putin, Robert Eringer cho biết: ”Vào tháng 11/2005, một điềm chỉ viên được trả thù lao đã cho biết các tin tức về những hoạt động rửa tiền ở Monaco và dọc theo Côte d’Azur. Theo đó, ông Vladimir Putin là người đứng sau một số vụ đầu tư vào bất động sản, được thanh toán bằng tiền chuyển từ khu vực năng lượng của Nga”.

Người cựu điệp viên nói rõ là nguồn tin của ông “làm việc cho DST (cơ quan phản gián Pháp) và DGSE (cơ quan tình báo Pháp)”, và cho dù không cung cấp những bằng chứng hiển nhiên, nhưng tất cả đều cho thấy nhân viên này nói sự thực. Do phải giữ bí mật, nên không thể cho biết thêm chi tiết.

Lời khai của Eringer không được xem xét nghiêm chỉnh, vì bị cho rằng có động cơ từ những hục hặc với vương quốc Monaco. Cũng giống như đối với nhà chính trị học Nga Stanislav Belkovski. Hồi cuối năm 2007, ông Belkovski đã khẳng định nhân vật quyền lực nhất nước Nga cũng là người giàu nhất châu Âu. Vào thời đó, những tiết lộ này đã được báo chí Nga đưa lên trang nhất, nhưng do không đủ tài liệu chứng minh cụ thể, nên sau đó bị xếp xó. Tuy vậy những hành động được Stanislav Belkovski kể ra, cũng tương tự như những gì được Serguei Kolesnikov đưa ra ánh sáng ba năm sau đó.

Belkovski đã nói những gì? Rằng Putin sở hữu 40 tỉ đô la cổ phiếu các công ty do bạn bè ông ta ở Saint-Pétersbourg điều hành. Ông Putin nắm 4,5% cổ phần của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom (được lãnh đạo bởi viên phó của Putin ở Tòa Thị chính trước đây), và nắm ít nhất 50% của Gunvor, công ty tư nhân xuất khẩu dầu hỏa lớn nhất nước Nga. Công ty này do Guennadi Timchenko điều khiển, ông này cũng là người hùn vốn với Putin để thành lập một câu lạc bộ judo ở Saint-Pétersbourg.

Sau khi được Belkovski nêu ra, người ta mới phát hiện rằng Gunvor có cơ cấu sở hữu rất lằng nhằng. Đặt trụ sở ở Genève, công ty trên trực thuộc một tập đoàn Hà Lan, tập đoàn này lại là chi nhánh của một công ty Chypre có địa chỉ thư tín tận quần đảo Virgin. Đáng ngại hơn nữa, theo chính các lãnh đạo của Gunvor nhìn nhận, thì những người chủ đích thực là ba cổ đông, trong số đó có một người không muốn nêu tên. Phải chăng người này chính là ông Putin như lời nhà chính trị học Belkovski?

Điện Kremlin đã kịch liệt cải chính những gì mà Eringer và Belkovski khẳng định, nhưng hai người này vẫn duy trì quan điểm. Belkovski cho biết đang có trong tay các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau thuộc các giới chức cấp cao thân cận “nơi mà các dữ liệu này đều được biết rõ”. Theo nhà chính trị học, thì những người gần gũi với nhân vật số một nước Nga kể lại rằng, tất cả bắt đầu từ cuối năm 1999, khi băng của Yeltsin đưa vị đại tá KGB, từ trong bóng tối trở thành ứng viên sẽ lên thay thế vị Tổng thống nát rượu. Belkovski tiết lộ: “Việc đổi chác là như sau: Putin không đụng chạm đến tài sản của các nhà tài phiệt thân cận với Yeltsin, để đổi lại, ông Putin có thể nắm lấy các lãnh vực và các công ty “còn trống chỗ”.

Điều đó giải thích vì sao Putin và các bạn bè ông ta ở Saint-Pétersbourg đã nhảy vào lãnh vực khí đốt và phân phối dầu hỏa, do vào thời đó giá còn thấp, nên “gia đình” Yeltsin không quan tâm đến. Tân Tổng thống Nga đã tự động xí phần trong vương quốc mới này, thông qua những người đứng tên giùm và các tài khoản ở ngoại quốc.

Là cựu Bộ trưởng của Yeltsin, Boris Nemtsov cũng lên tiếng tố cáo. Trở thành một lãnh tụ đối lập, ông đã thảo ra nhiều bài viết có những tài liệu hết sức cụ thể, về tài sản của các nhân vật thân cận ông Putin – bạn thời trẻ, đồng nghiệp ở KGB hay bạn trên sàn tập judo. Chẳng hạn như Nemtsov đã truy ra việc nhượng lại với cái giá rẻ mạt các chi nhánh của Gazprom, cho những người như anh em nhà Rotenberg hay Youri Kovaltchuk – đều là bạn đồng hương Saint-Pétersbourg – việc chuyển nhượng này lên đến 60 tỉ đô la.

Tổng cộng, từ khi Putin lên nắm quyền, các ông hoàng mới của nước Nga đã biển thủ được gần 200 tỉ đô la! Số tiền này chạy vào túi ai? Boris Nemtsov giải thích: “Có những lý do để tin rằng tất cả những người như Timchenko, Kovaltchuk và Rotenberg chỉ là những người đứng tên sở hữu những tập đoàn lớn, mà người hưởng lợi thực sự và cuối cùng chính là bản thân ông Putin”.

Nếu tất cả những điều trên đây là sự thật, thì Serguei Kolesnikov chỉ mới tiết lộ một phần nhỏ gia tài được giấu kỹ của con người quyền năng nhất nước Nga. Nhưng dù con số này là bạc triệu hay bạc tỉ, liệu một ngày nào đó ông Putin có thể trở thành chủ nhân ông chính thức của khối tài sản trên? Roman Shleynov, thuộc nhật báo kinh tế Nga Vedomosti nhận định: ”Cũng giống như trong tổ chức mafia, những tài sản này – nếu như có thật – đều dựa trên các hợp đồng miệng, không chính thức. Một khi ông Putin đang là chủ nhân của băng nhóm, thì không ai dám nghĩ đến việc đặt lại vấn đề các hợp đồng miệng cả”. Nhưng đến một ngày nào đó, Putin không còn ở ngôi Sa hoàng nữa thì sao?

Có vẻ như đương sự cũng lo ngại trước câu hỏi này, theo như một bức điện mật được WikiLeaks tiết lộ. Bức điện được gởi vào tháng 12/2007, thời điểm mà tất cả các bí thư đại sứ quán đều tự hỏi, giữa Ivanov và Medvedev, ông Putin sẽ chọn ai để thay thế mình tại điện Kremlin? Một nhà ngoại giao đã báo cáo cho Bộ Ngoại giao Mỹ ý kiến của một trong những nguồn tin của mình: “Vì Putin sở hữu nhiều tài sản bí mật ở nước ngoài, thông qua những người đứng tên giùm, nên ông ta lo sợ nếu đưa lên một người kế nhiệm tài giỏi như Ivanov thì có nguy cơ gậy ông đập lưng ông: Putin có thể trở thành mục tiêu bị cảnh sát điều tra và bị Interpol truy nã”. Và trên thực tế, ông Putin đã chọn lựa nhân vật Medvedev mờ nhạt.

Ngày nay vấn đề này không cần đặt ra nữa, nhân vật số một nước Nga đã quyết định lại trở thành Tổng thống… Do có quyền ứng cử thêm một lần nữa và nhiệm kỳ đã được kéo dài thêm hai năm, ông Putin chắc sẽ trụ lại điện Kremlin đến tận năm 2024. Tương lai là ông Serguei Kolesnikov còn phải lẩn trốn thêm mười hai năm nữa!

Nguồn: thuymyrfi.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn