Hạm đội Thái Bình Dương hợp tác với Việt Nam

clip_image001

Hạm đội Thái Bình Dương Nga đang có kế hoạch phát triển mạnh

Đầu năm nay có môt số sự kiện khiến cho giới quan sát quân sự chú ý.

Đó là việc chiến hạm chống tàu ngầm hàng đầu của Nga mang tên đô đốc Panteleev cùng hai tàu hộ tống đã tới thăm Indonesia vào cuối tháng 1 và sau đó thăm Philippines vào đầu tháng Hai.

Đây là lần đầu tiên trong 96 năm tàu chiến Nga thăm Philippines, cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của Moscow tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.

Đô đốc Panteleev là một trong các chiến hạm chủ lực của hạm đội Thái Bình Dương, Nga, bên cạnh tuần dương hạm Varyag và bốn khu trục hạm khác.

Hạm đội này còn có trong tay một cơ số tàu ngầm đáng nể gần 20 chiếc, trong có tám chiếc thuộc lớp Kilo cùng chủng loại đang sản xuất cho Việt Nam.

Tăng đầu tư

Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim của hạm đội Thái Bình Dương, một trong các hạm đội lâu đời nhất của Nga vì được thành lập từ thế kỷ thứ 18, dường như đã rời xa. So với hạm đội cùng tên của Hoa Kỳ, Hạm đội Thái Bình Dương, Nga không có trong tay hàng không mẫu hạm, cũng không có căn cứ đặt tại nước ngoài.

Dường như nay Nga đang quyết tâm thay đổi tình trạng này, với tuyên bố mới đây của Thủ tướng Vladimir Putin là Nga sẽ bỏ ra khoảng 678 tỷ đôla để hiện đại hóa năng lực tác chiến của quân đội trong thập niên tới, trong đó tới một phần tư ngân sách được dành cho hạm đội Thái Bình Dương.

Giới chuyên gia cho rằng một trong những lý do Nga bỏ tiền hiện đại hóa hạm đội Thái Bình Dương là vì Moscow muốn cho Trung Quốc thấy họ vẫn có quyền lợi ở các vùng chiến lược thuộc Á châu.

Cũng có đồn đoán về việc hạm đội Thái Bình Dương sẽ "quay lại Việt Nam".

Hạm đội này, cho tới khi rút đi năm 2002, đã từng quản lý hai cầu cảng lớn cho tàu và tàu ngầm, cùng khoảng 30 nhà xưởng có đủ máy móc, cùng một đường băng mà nhiều loại phi cơ đều có thể sử dụng ở quân cảng Cam Ranh, thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Hợp tác với Việt Nam

Hà Nội và Moscow, theo nhiều nguồn tin, đã thống nhất một dự án trị giá 220 triệu đôla để nâng cấp cảng Cam Ranh, dự kiến cho phép hải quân của nước ngoài, kể cả Hoa Kỳ, được tiếp cận sử dụng.

clip_image002

Hạm đội Thái Bình Dương Nga có nhiều tàu ngầm các loại

Năm ngoái, trong chuyến thăm của khu trục hạm Vinogradov của Hạm đội Thái Bình Dương tới Đà Nẵng, một trong các nội dung làm việc, theo giới quan sát, liên quan việc các đại diện của công ty Zvezdochka của Nga dự kiến thiết lập một cơ sở sửa chữa tàu thủy tại cảng Cam Ranh, mà đặc biệt là ký các hợp đồng cung cấp phụ tùng cho các tàu chiến.

Các phân tích gia tin rằng các bản hợp đồng gắn với thỏa thuận trị giá 2,2 tỷ đôla để Việt Nam mua sáu tàu ngầm Kilo từ Nga, một trong các thương vụ mua bán vũ khí lớn nhất đương đại, "được coi như một động thái đối lại với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp," tờ South China Morning Post tại Hong Kong cho hay.

Tuy giới ngoại giao và quan chức quân đội Nga luôn tuyên bố Nga không đứng về bên nào trong xung đột Biển Đông, giới phân tích cho rằng Moscow đang tìm cách tăng cường hiện diện trong khu vực cũng như mở rộng thị trường bán vũ khí ở Đông Nam Á.

Nga đã và đang đóng vai trò hàng đầu trong quá trình hiện đại hóa quân sự của Việt Nam, với thông tin mới nhất là hai chiến hạm tuần tra biển sẽ được chuyển cho Việt Nam vào tháng Năm này.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn