Khoảng trống và phiếu chống

Đào Tuấn

clip_image002

Chuyện áp phí đến mức “không thể đi” đối với ô tô và “cấm tiệt xe máy” sẽ là chuyện một sớm một chiều. Cấm quá dễ, đôi khi chỉ cầm cắm biển cấm và “sử dụng anh hùng Núp” – như cách nói của cư dân mạng. Nhưng câu hỏi không thể không đặt ra là người dân sẽ đi bằng gì?

Năm 2001, Hà Nội ra quyết định cấm toàn bộ xe xích lô sau vài năm cấm ở vài tuyến phố . Sau này, Giám đốc CA Hà Nội tướng Phạm Chuyên, một trong số các tác giả của  lệnh cấm , dù vẫn cho rằng: Chính phủ phải có chính sách khả thi với việc hạn chế xe máy ở các thành phố lớn” – như Hà Nội đã từng hạn chế xích lô, nhưng ông cũng nói tới trách nhiệm của nhà nước đối với xây dựng cơ sở hạ tầng và phương tiện vận tải công cộng như một điều kiện tiên quyết. “Phải làm thật tốt đã rồi mới nói được người dân. Thế mới công bằng. Đừng cứ nói đến tai nạn, ùn tắc thì đổ hết lỗi cho dân”.

Hôm qua, một bức ảnh lạ, hình một người đàn ông “cưỡi ngựa còi”  ngay giữa thủ đô Bắc Kinh được đăng tải trên một tờ báo chính thống [bức ảnh trong bài này chụp ngay ở thủ đô Hà Nội, chứ không phải Bắc Kinh, xem ở đâyBVN]. Bức ảnh sau đó được đưa lên mạng xã hội và nhận được vô số những lời bình luận. Hình như ngựa, sau vài tháng nữa – sẽ phổ biến trong các thành phố lớn ở Việt Nam. Hoặc xe trâu chẳng hạn.

Bức ảnh rõ ràng không ngẫu nhiên xuất hiện. Tuần rồi, hai tin xấu đồng loạt đổ ập xuống đầu dân chúng: Phí bảo trì đường bộ đã được chính thức quyết định. Chưa đầy 72h sau đó, Bộ GTVT, cương quyết đến kinh ngạc, tiếp tục đệ trình phí lưu hành phương tiện. Bộ trưởng Thăng thậm chí “đổi toẹt tên” thành ra phí hạn chế phương tiện cá nhân.

Đối với ô tô, Bộ GTVT tiên đoán “Sẽ có một bộ phận người dân mặc dù đủ khả năng mua ô tô cá nhân nhưng không chịu nổi mức phí đóng hằng năm, khi đó họ sẽ phải lựa chọn phương tiện khác thay thế”. Điều này thì khỏi phải bàn cãi khi các loại “phí lăn bánh” sẽ khiến những chủ xe nghèo nhất nhì thế giới sẽ phải bỏ ra đến 60 triệu đồng mỗi năm để có thể sử dụng loại phương tiện mà thế giới đã bắt đầu sử dụng từ năm 1885.

Người dân sẽ phải bỏ ô tô, khẳng định chắc chắn, để đi xe máy.

Nhưng xe máy cũng đang chịu sự ghẻ lạnh không kém từ Bộ trưởng Thăng. Nào là “Sẽ phải cấm xe gắn máy ở trung tâm Hà Nội và TP HCM”. Rồi thì  “Hạn chế xe cá nhân là một chủ trương lớn và nhất định chúng ta phải thực hiện nhằm đẩy lùi tình trạng ùn tắc giao thông”.

Chuyện áp phí đến mức “không thể đi” đối với ô tô và “cấm tiệt xe máy” sẽ là chuyện một sớm một chiều. Cấm quá dễ, đôi khi chỉ cầm cắm biển cấm và “sử dụng anh hùng Núp”- như cách nói của cư dân mạng. Nhưng câu hỏi không thể không đặt ra là người dân sẽ đi bằng gì?

Cùng với tuyên bố sẽ “hạn chế ô tô, tiến tới cấm toàn bộ xe máy ở 2 TP lớn”, Bộ trưởng Thăng cũng nói tới “việc tăng cường vận tải công cộng, đầu tư cơ sở hạ tầng, tàu điện ngầm và đường sắt trên cao”.

Có điều, tất cả chuyện công cộng, từ hạ tầng đến phương tiện- đều ở thì tương lai. Thứ duy nhất trong phạm trù “vận tải hành khách công cộng” đang hiện hữu là những chiếc xe bus. Loại phương tiện mà dân gian gọi là “Quan tài bay”. Loại “vận tải công cộng” mà Bộ trưởng Thăng từng bắt nhân viên ngành giao thông phải sử dụng “ít nhất một ngày trong tuần”. Và có lần, chắc buột miệng, Bộ trưởng đã thật thà: Đến tôi cũng không đi nổi xe bus.

Năm 2001, khi cấm toàn bộ xe xích lô, Hà Nội đã gặp may khi bỗng nhiên có một giải pháp từ trên trời rơi xuống”: “Làn sóng Loncin” ào ạt đổ vào Việt Nam với giá chỉ gấp 3 một chiếc xích lô. Có điều xích lô bấy giờ chỉ là phương tiện kiếm cơm của vài ngàn người dân, chứ không phải là 28 triệu đôi chân – chiếc cần câu cơm như của 40% trong số 90 triệu dân bây giờ. Và chiếc “quan tài bay”, rõ ràng không thể thay thế cho chiếc Loncin Tàu.

Chính xác là đang có một cách áp đặt chính sách ngược đời khi Bộ GTVT hạn chế, thực chất là cấm phương tiện tư nhân, trước khi hoàn thiện xong vận tải công cộng.

Cũng cần phải nói thêm, phí hạn chế phương tiện cá nhân là một trong nhóm những biện pháp giảm ùn tắc, chủ yếu ở hai TP: Hà Nội và TP HCM. Nhưng đây là một “khoảng trống” bất hợp lý của chính sách. Bởi như thế, người dân, trừ Hà Nội và TP HCM, nhất là gần 70% nông dân sống ở nông thôn, lại đang phải đóng phí cắt cổ để trả giá cho những bất cập về quy hoạch và phát  triển hạ tầng của HN và TP HCM?

Vì thế, nếu thực sự có một cuộc trưng cầu như hứa hẹn của các chính khách sống ở thành phố, “khoảng trống” này chắc chắn sẽ nhận được “phiếu chống”.

Năm 2008, Bộ NN và PTNT đã công bố một thông tin khiến nhiều người ngậm ngùi: Nông dân, ngoài chuyện phải nộp các loại phí và lệ phí, như tất cả những người không phải nông dân, còn phải nộp 30-50 khoản phí khác không nằm trong danh mục.

Nhưng khoản phí vô lý nhất, có lẽ mới chỉ sắp xuất hiện, nông dân ở nông thôn sẽ phải đóng phí hạn chế phương tiện cá nhân để chống ùn tắc cho Thành phố.

Đ. T.

Nguồn: daotuanddk.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn