Ông Đặng Văn Thanh – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Chưa bao giờ thấy phí dồn dập như hiện nay

clip_image001

Sau khi thu phí bảo trì đường bộ, Bộ GTVT có bảo đảm sẽ không còn những ổ voi như thế này? Trong ảnh: một xe tải bị lật do tránh ổ voi ở quốc lộ 14, đoạn qua huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông - Ảnh: Tiến Thành

TTO - Từng giữ vị trí Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, ông Đặng Văn Thanh đánh giá các đề xuất phí hiện nay là dồn dập, có thể gây sốc, đồng thời băn khoăn nhiều loại phí chưa sử dụng đúng mục đích.

Theo ông Thanh, phí đưa ra cần tham khảo ý kiến người dân, tránh cửa quyền, áp đặt. Ông nói:

- Không phải tự nhiên người dân, khắp nơi bàn chuyện phí. Thực chất, cùng với thuế, phí cũng là công cụ điều tiết thu nhập của người dân. Với các mức phí mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra, gần như mọi gia đình, mọi nhà sẽ bị ảnh hưởng.

Không được "thoát ly" thu nhập của dân

* Cái người dân bất bình hiện nay là đã có rất nhiều loại phí. Với phí Bộ GTVT đề xuất, phí sẽ chồng phí?

- Trong bối cảnh hiện nay, khi đưa ra phí, lệ phí mới, chúng ta không nên chỉ tính đến một mục tiêu, nhiệm vụ chính trị nào đó mà phải tính đến tổng thể lợi ích của cả nền kinh tế, đến tình hình khó khăn của người dân sau nhiều năm lạm phát.

Bản chất cuối cùng của thu phí cũng là nhà nước phân phối, định lại thu nhập của dân, đưa một phần thu nhập đó vào tay nhà nước. Việc đó có thể cần, nhưng tính thời điểm nên làm chưa thì phải tính.

Chuyện thứ hai là nó liên quan đời sống, thu nhập thực tế của dân. Phải xem khả năng chấp nhận của dân đến đâu.

* Mức Bộ GTVT đề xuất, người có ôtô sẽ phải chịu tới mấy chục triệu một năm, theo ông có quá sốc?

- Nhiều quốc gia sử dụng biện pháp kinh tế để điều tiết, điều chỉnh hành vi như tham gia giao thông, xả rác… Nó cần thiết, nhưng nếu đưa ra mức quá lớn, quá sốc so với thu nhập người dân thì không nên. Khi cần có thể đưa ra biện pháp quyết liệt nhưng nó cũng không được thoát ly thu nhập người dân.

* Khi nói thu phí, điều cần công bố là các loại phí liên quan đến giao thông trước đây đã được sử dụng đúng chưa, tốt chưa?

- Điều quan trọng khi tính đến thu phí, lệ phí tất nhiên là phải định rõ được mục đích của nó và phải đảm bảo nguồn tiền được thu sẽ được sử dụng đúng mục đích. Phí nào nhà nước nên thu để nhà nước điều hòa chung trong ngân sách; phí nào phục vụ duy tu, bảo dưỡng… cần công bố rõ ràng.

Thực tế còn có trường hợp sử dụng nguồn thu từ phí sai mục đích. Nên tới đây, khi nhà nước đưa ra phí mới, cần tính kỹ mục đích các phí đó và cần đảm bảo sử dụng nó hiệu quả, đúng mục đích.

Không nên áp đặt

 

 

Ông Đặng Văn Thanh - Ảnh: Cầm Văn Kình

* Kinh tế đang khó khăn, việc đưa ra các loại phí mới có phù hợp?

- Việc tăng giá điện, xăng 5-10% hiện nay, dù chỉ vài chục đồng/kWh hay vài ngàn/lit đã rất không đơn giản, phải tính rất thận trọng, thì không có lý do gì, việc đề xuất một loại phí đánh trực tiếp, có thể lên đến tiền trăm, tiền triệu lại không được tính toán kỹ, qua nhiều cấp thẩm định. Cái lớn là các loại phí có thể tác động đến toàn bộ nền kinh tế qua tâm lý của người dân. Và quá trình điều tiết, phân bổ đó sẽ tác động trở lại đến chính sách vĩ mô.

Nếu các loại phí chỉ giải quyết và tác động đến một vài vấn đề kinh tế thì khác, nhưng nếu nó tác động đến đời sống chính trị xã hội, tác động đến sự ổn định vĩ mô, tác động đến cả các chính sách an sinh xã hội lớn khác thì phải thận trọng.

Tôi tin Quốc hội sẽ cân nhắc kỹ đề xuất các loại phí mà các bộ, ngành đưa ra gần đây. Xu hướng chung, lâu dài, nhà nước nên khoan sức dân, giảm mức huy động GDP vào ngân sách, ít nhất là phải có lộ trình cụ thể trong những năm tới.

Cầm Văn Kình

TS. Phạm Công Hà - Chủ tịch danh dự Hội kinh tế và vận tải đường sắt, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia:

Nên thu phí qua xăng dầu hoặc lốp xe

Việc nghiên cứu cách thu nên tập trung vào thu phí qua xăng dầu hoặc lốp xe. Thu phí qua xăng dầu là hình thức hầu hết các nước trên thế giới áp dụng và bản thân bộ GTVT trước đó đã đề xuất. Có điều Bộ GTVT chưa có một nghiên cứu đầy đủ, chắc chắn, chặt chẽ để thuyết phục các bộ ngành khác.

Phương án này cũng rất thuận tiện khi không cần phải thêm bộ máy, nhân lực, hạn chế tới mức tối đa thất thoát. Đương nhiên có chỗ không hợp lý khi nhiều người sử dụng xăng dầu không tham gia đường bộ nên cần tính toán cẩn thận để có sức thuyết phục. Phương án thứ 2 một số nước cũng áp dụng thành công là thu phí qua lốp xe. Một số bang ở Úc đang sử dụng phương án này được đánh giá là có hiệu quả tốt, tiên tiến, mức độ công bằng cao: ai chạy nhiều mòn lốp nhiều, mua lốp nhiều.

 

TS. Phạm Công Hà  - Ảnh: T.Phùng

 
TUẤN PHÙNG ghi

Ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội):

Mức thu phải hợp lý

Theo quy định thì phí bảo trì đường bộ sẽ phải thực hiện thu từ ngày 1-6, tôi nói thật là đến thời điểm này cũng chưa thể thực hiện được. Bây giờ quy định đối với xe máy thì ủy quyền cho ủy ban phường, xã tiến hành thu. Quy định thì cứ như vậy, còn thực tế cấp phường, xã có người đi thu không thì chưa biết.

Mặt khác, nếu người dân không đóng thì chế tài ra sao cũng chưa có. Ngay việc quy định giám sát kinh phí thu được cũng chưa rõ ràng, nếu xã, phường thu thì quản lý ra sao cũng không được đề cập.

Bản thân người dân có quyền đặt câu hỏi là việc thu tiền như vậy liệu có đúng là đưa vào bảo trì không hay lại nảy sinh tiêu cực. Vì đây là tiền người dân đóng góp nên phải công khai rõ ràng, thậm chí cần phải công bố cụ thể nếu thu để sửa đường, để bảo trì đường bộ thì sửa ở đâu, bảo trì ở đâu. 

XUÂN LONG ghi

Nguồn: tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn