Thời lập nghiệp ở Havanna (phần 1)

Jens Glüsing

Phan Ba dịch từ Der Spiegel 12/2012

clip_image002

 

Đường phố trong Havanna. Ảnh: Der Spiegel

 

Tổng thống Raúl Castro đang tiến hành những cải cách đoạn tuyệt với các lý tưởng của Cách mạng – Chủ nghĩa Tư bản lặng lẽ bước vào. Nhà thờ Công giáo muốn tăng tốc lần mở cửa của đất nước này, Giáo Hoàng Benedict sẽ đến thăm vào tuần sau.

Chiếc Audi của Juan Pérez là một chiếc hai chỗ ngồi màu xanh với một cái băng ghế giả da. Hành khách phải chịu thiếu túi khí và dây an toàn. Chỉ bốn cái vòng ở cần điều khiển là khiến cho người ta nhớ đến biểu tượng của thương hiệu ô tô đấy.

"Ông có thích chiếc Audi của tôi không?", Pérez hỏi và đạp mạnh xuống cái bàn đạp của chiếc xích lô ông ấy. Ông ấy mơ có một chiếc A4 với máy điều hòa nhiệt độ và vành bánh xe nhôm.

Từ một năm nay, Pérez làm việc cho chính mình, chính phủ đã cho phép ông trở thành doanh nhân nhỏ. Ông có thu nhập tính ra là 300 euro, chỉ là bây giờ ông ấy phải "trả thuế, đó là vấn đề duy nhất". Nơi đỗ của ông nằm ở đầu của Calle Neptuno trong Havanna. Xe xích lô, xe gắn máy, những chiếc taxi cũ kỹ từ thời tiền Cách mạng và Lada nhà nước bấm còi giành nhau từng xăngtimét nhựa đường, hơi xăng ở trong không khí.

"Neptuno" bắt đầu ở đại lộ Prado trong trái tim của thủ đô, nó dẫn cho tới trường đại học trong Vedado, khu phố của giới trung lưu trước kia. Cửa hàng nhỏ, xưởng thợ thủ công, nhà hàng và quán cà phê dọc theo hai bên đường.

Nhưng Neptuno không phải là một con đường bình thường, nó là một phòng thí nghiệm cho các cuộc thử nghiệm mà Tổng thống Raúl Castro đã ra chỉ thị cho mười một triệu người dân Cuba. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, vùng này phải chứng tỏ liệu dự án nhiều tham vọng của ông ấy có thành công hay không: Raúl muốn kết hợp nền kinh tế nhà nước với những cải cách mang tính kinh tế thị trường để biến đổi Cuba trở thành một Việt Nam của vùng Caribbean.

Castro vẫn loại bỏ khả năng mở cửa về chính trị: việc cho phép các nhóm đối lập hoạt động giống như một sự "hợp pháp hóa các đảng phái của Chủ nghĩa Đế quốc", ông ấy cảnh báo trên hội nghị của Đảng Cộng sản vào cuối tháng 1.

Người Cuba cho tới nay vẫn hoài công hy vọng được tự do đi lại, chính phủ không động chạm đến các bộ luật về di trú. Các cựu chiến binh cách mạng của thời đầu vẫn còn có quyền lực, tuổi trung bình trong Bộ Chính trị là trên 70. Và những người chống chính phủ vẫn còn bị đàn áp như trước đây.

Nhưng trên lĩnh vực kinh tế có những điều bất thình lình lại có thể, những cái trước đây là không thể. Vì phải cắt giảm chi phí nên nhà nước vừa mới sa thải 500.000 nhân viên. Họ bây giờ được phép mở cửa hàng và cơ xưởng thủ công, buôn bán căn hộ, ô tô và rau cải tự trồng hay tự chạy xe xích lô như Pérez. Con số các nhà máy tí hon đã tăng gấp đôi lên tròn 350.000 trong vòng một năm. Tuy vậy, vẫn còn chưa thể nói về doanh nghiệp cỡ trung hay tập đoàn trong tay tư nhân.

 

clip_image004

 

Người bán bánh dạo. Ảnh: Der Spiegel

Ít nhất là: khi Giáo hoàng Benedict đến thăm hòn đảo ba ngày trong tuần tới, ông ấy sẽ trải qua một "Cuba khác", tờ "Nuevo Herald" ở Miami nhận định, tờ báo hầu như không hề che giấu thiện cảm dành cho Cuba. Raúl Castro đã cho phép "mở rộng các hoạt động kinh tế tư nhân rộng lớn nhất dưới thời của chính quyền Cộng sản".

Chuyến đến thăm của Đức Giáo hoàng không chỉ là để chăm sóc linh hồn cho tròn năm triệu người Cuba Công giáo, nó cũng có chiều chính trị. Sau chuyến viếng thăm đầu tiên của Giáo hoàng trước đây 14 năm, nhà thờ Công giáo Cuba có những quan hệ tốt hơn thấy rõ với chính phủ. Vị khách thời đó, Johannes Paul II, và lãnh tụ cách mạng Fidel Castro đã thông hiểu nhau ngay lập tức.

Năm 2006, sau khi mang bệnh Fidel đã rút lui ra khỏi tất cả các chức vụ chính trị. Người em Raúl, người bây giờ điều khiển chính phủ, không để cho sợi dây liên lạc với Vatican bị cắt đứt. Nhà thờ đã làm môi giới cho vụ thả tự do các từ chính trị, cả hai bên, bất đồng chính kiến cũng như chính phủ, đều đánh giá cao nhà thờ như một đối tác đối thoại.

Đường lối cải cách của Raúl cũng được nhà thờ ủng hộ: "Quá trình đó là không thể đảo ngược lại được", Hồng Y Jaime Ortega của Havanna khẳng định và yêu cầu chính phủ hãy tăng tốc mở cửa.

Cuba vẫn còn phải chịu đựng sự quản lý kinh tế tồi tệ của chính mình và sự cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ. Nhưng đất nước này đã từ lâu không còn phụ thuộc vào láng giềng to lớn ở phương Bắc nữa. Dầu hạ giá đến từ Venezuela, Brazil giúp 480 triệu euro để xây cảng Mariel ở gần Havanna, ở đấy, một vùng kinh tế đặc biệt sẽ thành hình theo gương mẫu Trung Quốc.

Có lẽ là chính phủ Xã hội Chủ nghĩa chẳng bao lâu nữa cũng sẽ khai thác được một nguồn thu nhập mới nhờ vào sự giúp đỡ của nước ngoài: Cuba tìm dầu trước bờ biển của mình. Chuyên gia Mỹ đã lo ngại về việc đó cho tới mức một nhóm người Mỹ đã kiểm tra hết sức cẩn thận tính an toàn của một giàn khoan dầu Trung Quốc mà Cuba sử dụng – do cấm vận kinh tế mà người Mỹ không được phép cung cấp thiết bị của mình cho người Cuba.

Cho tới nay, hưởng lợi từ lần bùng nổ của Cuba trước hết là người Âu, người Mỹ La tinh, người Canada và người Trung Quốc: "Người Cuba trả tiền đúng hẹn, bằng tiền mặt và ngoại tệ", một doanh nhân người Đức nói, người sống ở Havanna từ nhiều năm nay.

(Còn tiếp)

J. G.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn