Thư ngỏ của nông dân Huỳnh Kim Hải gởi Quốc hội

Kính gởi: - Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

- Ủy Ban Pháp luật của Quốc hội

- Ông Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội

- Trang tin Điện tử Quốc hội Việt Nam: nhờ chuyển

- Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân: nhờ chuyển

Tôi tên: Huỳnh Kim Hải, một nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, có viết một số bài báo về tình cảnh nông dân với bút danh Hoàng Kim (Đồng Tháp).

Nay tôi viết thư này đến đến Quốc hội và đến Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội để khiếu nại về việc Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vi phạm Luật Cạnh tranh, khi để cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam mà nòng cốt là Tổng Công ty Lương thực miền Nam toàn quyền ấn định giá mua lúa tạm trữ để tước đoạt hết lợi nhuận của nông dân.

Tôi xin được phép trình bày như sau:

Tổng Công ty Lương thực miền Nam có vị trí thống lĩnh thị trường lúa gạo

Điều 11 khoản 1 của Luật Cạnh tranh qui định: “Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể”.

Theo Nông Nghiệp Việt Nam Online, “Tổng công ty Lương thực miền Nam (TCty LTMN) là đơn vị chủ lực trong XK gạo của nước ta, hàng năm XK hơn 3 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 2 tỷ USD, tức chiếm tới hơn 60% lượng gạo XK của cả nước.” (1)

Như vậy: Tổng công ty Lương thực miền Nam được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam là nhóm doanh nghiệp Nhà nước có vị trí thống lĩnh thị trường

Điều 11 khoản 2 mục c qui định: “Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và thuộc một trong các trường hợp sau đây: c) Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan.”

VFA có số lượng gạo xuất khẩu “chiếm trên 90% tổng số lượng gạo xuất khẩu chung của cả nước.” (2)

Dù có nhiều hơn 4 thành viên, nhưng hầu hết thành viên của VFA là các doanh nghiệp có chung chủ sở hữu là Nhà nước, cho nên căn cứ vào điều 11 khoản 2 mục c của luật cạnh tranh: VFA là nhóm doanh nghiệp của Nhà nước có vị trí thống lĩnh thị trường lúa gạo.

Tổng Công ty Lương thực miền Nam và VFA độc quyền trong mua bán lúa gạo

Ông Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam cũng là Chủ tịch VFA.

Tổng Công ty Lương thực miền Nam và VFA muốn bán gạo xuất khẩu của nông dân với giá bao nhiêu thì bán, muốn mua lúa của nông dân với giá bao nhiêu thì mua, nông dân chỉ bán lúa cho Tổng Công ty Lương thực miền Nam và VFA mà không thể bán cho ai khác.

Điều 12 của Luật Cạnh tranh quy định: “Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan.”

Như vậy căn cứ vào điều 12 của Luật Cạnh tranh, Tổng Công ty Lương thực miền Nam và VFA là doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp có vị trí độc quyền trong mua bán lúa gạo của nông dân.

Tóm lại: lúa gạo của nông dân đang chịu sự độc quyền của doanh nghiệp Nhà nước. Hay nói cách khác: lúa gạo thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước.

Việc ấn định giá lúa gạo của Tổng Công ty Lương thực miền Nam và VFA vi phạm Luật Cạnh tranh

Điều 15 khoản 1 mục a của Luật Cạnh tranh qui định: “Nhà nước kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước bằng các biện pháp: Quyết định giá mua, giá bán hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước”.

Hiện nay, Chính phủ không quyết định giá bán gạo xuất khẩu và giá thu mua lúa cho nông dân mà giao cho VFA toàn quyền quyết định. Điều này vi phạm Điều 15 khoản 1 mục a của Luật Cạnh tranh.

VFA chỉ là một hiệp hội ngành hàng, tập hợp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hoạt động vì lợi nhuận, cho dù là doanh nghiệp Nhà nước, cũng không có quyền quyết định thu nhập của nông dân chúng tôi bằng cách ấn định giá thu mua lúa.

Thật là hết sức phi lý, khi một hiệp hội của những doanh nghiệp xuất khẩu gạo, lại ấn định thu nhập cho hàng triệu nông dân.

Mua lúa tạm trữ là công cụ để Hiệp hội Lương thực Việt Nam đầu cơ lúa gạo tước đoạt hết lợi nhuận của nông dân.

Theo Luật Cạnh tranh, Chính phủ phải ấn định giá mua lúa tạm trữ và giá bán gạo xuất khẩu. Do Chính phủ vi phạm Luật Cạnh tranh giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam toàn quyền ấn định giá mua lúa tạm trữ và giá bán gạo xuất khẩu, khiến cho việc mua lúa tạm trữ trở thành công cụ để Hiệp hội Lương thực Việt Nam đầu cơ lúa gạo của nông dân.

Vụ đông xuân năm 2012 này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tuyên bố mua tạm trữ vào ngày 1/3 để giữ giá lúa cho nông dân, nhưng hiện nay, nông dân ở huyện Tân Hồng tỉnh Đồng Tháp không bán được lúa do thương lái không mua lúa, và giá lúa hạ từng ngày.

Giá lúa giảm khoảng 600 đồng/ kg so với cách đây 10 ngày, và giảm khoảng 2.000 đồng/ kg so với vụ hè thu năm 2011.

Như vậy, mua lúa tạm trữ chẳng có lợi gì cho nông dân cả.

Để làm rõ vấn đề Hiệp hội Lương thực Việt Nam đầu cơ lúa gạo của nông dân bằng công cụ mua lúa tạm trữ tôi xin được dẫn chứng bằng số liệu từ năm 2008 đến năm 2010.

Mua lúa tạm trữ năm 2008: bán gạo xuất khẩu giá 620 đô la Mỹ/tấn, mua gạo trong nước giá 361 đô la Mỹ/tấn, tức là bán lúa giá 6.432 đồng/kg, nhưng mua lúa của nông dân có 4.000 đồng/kg.

Đây là bảng số liệu xuất khẩu gạo năm 2008 do Hải Quan Việt Nam Online gởi email cho tôi.

Thời gian

Số lượng

(nghìn tấn)

Trị giá

( triệu USD)

Đơn giá

(USD/tấn)

Tháng 1

131

51

393

Tháng 2

321

136

423

Tháng 3

551

252

457

Tháng 4

652

369

565

Tháng 5

556

438

789

Tháng 6

223

218

975

Tháng 7

493

429

870

Tháng 8

357

288

805

Tháng 9

431

253

587

Tháng 10

302

145

480

Tháng 11

288

135

469

Tháng 12

436

181

415

Cả năm

4.741

2.895

610

Qua bảng xuất khẩu gạo năm 2008 ta nhận thấy:

Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm với giá bình quân 601 đô la Mỹ/tấn, đặc biệt tháng 6 giá xuất khẩu cao nhất đạt 975 đô la Mỹ/tấn.

Vậy mà, khi nông dân thu hoạch lúa hè thu khoảng giữa tháng 6, VFA tuyên bố không ký được hợp đồng bán gạo, và giá gạo thế giới xuống quá thấp, nên ngày càng hạ giá mua lúa và cuối cùng ngừng mua lúa, làm cho lúa của nông dân tồn đọng không ai mua.

Ngày 8/8 đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải “yêu cầu Bộ NN & PTNT và các cơ quan liên quan có chính sách tiêu thụ hết lúa cho nông dân, đảm bảo người trồng lúa phải có lãi trên 40%” (3)

Làm như miễn cưỡng phải tuân lệnh Thủ tướng, ông Trương Thanh Phong Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam kiêm Chủ tịch VFA cho biết: “Trong vòng một tuần phải thu mua được 10.000 tấn gạo nguyên liệu, với giá dao động hiện nay 5.900 đồng – 6.100 đồng/kg”, khiến cho nông dân phải kêu rên: “Trong nhà còn cả trăm giạ lúa. Giá lúa chỉ nằm ở mức 4.000 đồng/kg, khổ cái chẳng thấy thương lái nào đến mua.” [2].

Từ bảng xuất khẩu gạo ta thấy: Xuất khẩu gạo từ đầu tháng 7 đến hết tháng 12 được 2,307 triệu tấn, đạt giá trị 1,431 tỷ đô la Mỹ, giá bán gạo bình quân 620 đô la Mỹ/tấn.

Bán gạo xuất khẩu bình quân 620 đô la Mỹ/tấn. Tra cứu tỷ giá ở Hải Quan Việt Nam từ ngày 2/6 đến ngày 29/12 tôi lấy mức thấp nhất 1 đô la Mỹ = 16.600 đồng. Vậy giá bán gạo bình quân 6 tháng cuối năm của VFA là: 620 * 16.660 = 10.292.000 đồng/kg, tức là 10.292 đồng/kg gạo.

Bán gạo giá 10.292 đồng/kg qui ra giá bán lúa là 6.432 đồng/kg (ước tính 1,6 tấn lúa xay được 1 tấn gạo).

Bán lúa giá 6432 đồng/kg, nhưng mua lúa của nông dân có 4.000 đồng/kg vậy VFA lời 2.432 đồng/kg, còn nông dân hòa vốn.

Mua lúa tạm trữ năm 2009: bán gạo tạm trữ với giá qui lúa 6.362 đồng/kg, mua lúa tạm trữ của nông dân vẫn với giá 4.000 đồng/kg.

Năm 2009 VFA dàn dựng và thực hiện kịch bản mua bán lúa gạo giống như năm 2008.

Tháng 2/2009, lúc nông dân chúng tôi bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân, khi giá gạo trên thị trường thế giới đang cao khoảng 486 đô la Mỹ/tấn, có nhiều khách hàng mua gạo, VFA ký công văn số 48/CV/HH ký ngày 20-2-2009 để ngừng xuất khẩu gạo:

“Quyền tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Huỳnh Minh Huệ vừa ký công văn số 48/CV/HH, thông báo chỉ cho đăng ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu gạo có thời hạn giao từ tháng 7 đến tháng 9-2009 nhằm bảo đảm thực hiện các hợp đồng đã ký kết và phù hợp kế hoạch cân đối của Chính phủ” [3].

Công văn số 48/CV/HH này đã ngăn cản các doanh nghiệp ký hợp đồng bán gạo vụ hè thu, vì thế, khi nông dân chúng tôi thu hoạch vụ hè thu vào giữa tháng 6, VFA lại tuyên bố không ký được hợp đồng bán gạo xuất khẩu, giá bán gạo xuất khẩu thấp nên không mua lúa của nông dân.

Chính phủ lại phải cho VFA vay không lãi 2 tháng từ 20/9 -20/11, để VFA mua lúa cho nông dân. Lại làm như miễn cưỡng VFA đưa ra giá mua lúa tạm trữ từ 3.800 – 4.000 đồng/kg.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cho biết: “Tháng 8 năm nay, khi lúa trong nước xuống giá thê thảm, chỉ còn 3.500 đồng/kg, gần xấp xỉ giá thành, lúc ấy, trong hơn 100 doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ có 21 doanh nghiệp đăng ký mua tạm trữ nhờ có kho tàng, hệ thống đại lý, cơ sở thu mua và có năng lực tài chính. Các doanh nghiệp thống nhất sản lượng mua lúa là 400.000 tấn với giá 3.800 đồng/kg lúa khô”. Sau đó, tiếp tục mua thêm 500.000 tấn lúa với giá từ 3.800 – 4.000 đồng/kg [4].

Lúa mua tạm trữ năm 2009 VFA tồn kho và bán vào đầu năm 2010.

Căn cứ vào Hải Quan ViệtNam: từ tháng 1 đến tháng 3 VFA xuất khẩu với số lượng 1,443 triệu tấn, với trị giá 792.528.000 đô la Mỹ, giá bán bình quân 549 đô la Mỹ/tấn.

Qui ra tiền Việt Namgiá bán mỗi tấn gạo là: 549 * 18544 = 10.180 đồng. Vậy 1 kg gạo giá 10.180 đồng, tức là giá bán mỗi kg lúa là 6.362 đồng.

VFA bán lúa tạm trữ giá 6.362 đồng/kg lời 2.362 đồng/kg lúa, nông dân lại bán lúa hòa vốn.

Năm 2010: VFA tiến thêm một bước mua tạm trữ cả hai vụ đông xuân và hè thu. Cả năm VFA bán lúa tạm trữ với giá 5.365 đồng/kg, vẫn lại mua lúa của nông dân với giá 4.000 đồng/kg

Thấy mua lúa tạm trữ lúa hè thu hai năm 2008 và 2009 quá lời, năm 2010 này, VFA tham lam tiến thêm một bước nữa, là mua lúa tạm trữ cả hai vụ đông xuân và hè thu.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cho biết: “Từ tháng 3 sẽ có 30 doanh nghiệp bắt đầu thu  mua 1 triệu tấn gạo dự trữ để bình ổn giá lúa vụ đông xuân tại ĐBSCL. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết sáng ngày 25-2” [5].

Giá thu mua tạm trữ VFA đưa ra trên  báo An Giang Online ngày 2/3 như sau: “VFA ấn định kế hoạch xuất khẩu 6 triệu tấn gạo và đưa ra giá sàn xuất khẩu cho các doanh nghiệp thành viên 400 USD/tấn. Về giá lúa, nhằm đảm bảo kế hoạch quí I xuất 1,2 triệu tấn gạo, VFA định giá thành sản xuất 2.200 đồng/kg lúa và “bảo hiểm” giá mua tại kho doanh nghiệp 4.000 đồng/kg lúa” [6].

Còn mua lúa tạm trữ vụ hè thu, vào ngày 14/7, khi lãnh đạo các tỉnh than phiền vì giá lúa hè thu quá thấp: “Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Phòng cho hay sản lượng lúa hè-thu ở tỉnh này khoảng 1,3 triệu tấn, giá thành 3.000 đồng/kg. Hiện nông dân bán lúa khô với giá 3.300 đồng/kg, lãi chỉ 10%. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang thông tin, giá lúa hè thu ở địa phương này hiện giảm còn 2.800 – 2.900 đ/kg, trong khi giá thành trên dưới 4.000 đ/kg”.

Ông Trương Thanh Phong Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Chủ tịch VFA cho rằng:

“Rất khó mua theo mức giá mà các địa phương đưa ra. Vì so với hồi đầu năm nay, thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, giá gạo giảm 25% so cùng kỳ; loại gạo 5% chỉ còn 350 USD/tấn, thấp hơn gạo Thái Lan khoảng 90 USD và còn giảm nữa. Ông Phong đưa ra giải pháp: “Chúng ta nên… phớt lờ mức lợi nhuận 30%, phớt lờ luôn giá sàn thu mua, nhưng yêu cầu DN không được mua dưới giá 3.500 đồng/kg, trên cơ sở đó VFA sẽ tính toán ra giá gạo để triển khai thu mua” [7].

Như vậy, căn cứ theo tuyên bố của lãnh đạo VFA, và căn cứ vào giá bán lúa của cá nhân tôi, cả năm 2010 VFA mua lúa của nông dân với giá tối đa 4.000 đồng/kg.

Bảng xuất khẩu gạo năm 2010, tôi lập từ thống kê của Hải Quan Việt Nam.

Do xuất khẩu gạo tháng 1, 2, 3/2010 là lúa tạm trữ từ vụ hè thu năm 2009, nên xuất khẩu năm 2010 không tính số lượng gạo này mà tính số lượng tồn kho cuối năm 2010 chuyển sang đầu năm 2011.

Theo ông Thứ trưởng Bộ Công thương trong bài “Có còn gạo cho an ninh lương thực” đăng trên báo Lao động Online: tồn kho năm 2010 chuyển sang năm 2011 là 1,45 triệu tấn.

Theo Hải quan Việt Nam:  xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2011 số lượng 1,93 triệu tấn, trị giá 971 triệu đô la Mỹ, giá bán bình quân 503 đô la Mỹ/tấn. Vì vậy, lúa tạm trữ VFA mua của nông dân cả năm 2010 được lập theo bảng sau:

Thời gian

Số lượng (tấn)

Trị giá (đô la Mỹ)

Đơn giá làm tròn số

(đô la Mỹ/tấn)

Tháng 4

725.620

361.359.655

498

Tháng 5

719.131

329.612.442

458

Tháng 6

541.749

233.252.526

430

Tháng 7

853.531

359.408.801

421

Tháng 8

614.548

229.275.138

373

Tháng 9

354.112

150.621.014

425

     Tháng 10

505.863

234.357.935

463

     Tháng 11

497.344

244.233.830

491

     Tháng 12

499.726

259.835.357

519

3 Tháng 1,2,3/2011

1.450.000

729.350.000

503

Tổng cộng

6.761.624

3.131.306.000

463

Nhìn vào bảng xuất khẩu gạo ta thấy:

Giá bán gạo bình quân cả năm 2010 của VFA là 463 đô la Mỹ/tấn. Lấy tỷ giá thấp nhất của năm 2010 là 1 đô la Mỹ = 18.544 đồng, vậy giá bán gạo bình quân là 8.585.000 đồng, mỗi kg gạo giá 8.585 đồng.

Như vậy, cả năm 2010 VFA bán lúa với giá bình quân 5.365 đồng/kg.

Bán lúa giá 5.365 đồng/kg, mua lúa với giá 4.000 đồng/kg. VFA lời 1.365 đồng/kg.

Như vậy, rõ ràng, từ năm 2008 đến nay, mua lúa tạm trữ đã trở thành công cụ đẩu cơ lúa gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tước đoạt hết lợi nhuận của nông dân.

Qua những điều vừa trình bày, tôi và nông dân Đồng bằng sông Cửu Long xin khiếu nại lên Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội một số vấn đề như sau:

1) Mong Quốc hội ngăn cấm việc Chính phủ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam vi phạm Luật Cạnh tranh gây thiệt hại cho nông dân: Nhà nước độc quyền lĩnh vực lúa gạo, vậy Chính phủ phải ấn định giá thu mua lúa và giá bán gạo xuất khẩu chứ không để cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam toàn quyền ấn định như hiện nay.

2) Hiệp hội Lương thực Việt Nam mà Tổng Công ty Lương thực Việt Nam là nòng cốt từ năm 2008 đến năm 2010 luôn vi phạm Luật Cạnh tranh ép giá mua lúa của nông dân. Mong Quốc hội, Ủy Ban Pháp Luật của Quốc hội kiểm tra lợi nhuận của Hiệp hội Lương thực Việt Nam từ năm 2008 đến nay, và thu hồi lợi nhuận bất chính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam do vi phạm luật cạnh tranh, trả lại cho nông dân.

3) Ngày 1/3/2012 Hiệp hội Lương thực Việt Nam bắt đầu mua lúa tạm trữ, xin Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội kiểm tra giá mua lúa của nông dân và giá bán gạo xuất khẩu qui ra giá lúa sau khi trừ chi phí của Hiệp hội Lương thực Việt Nam để giám sát lợi nhuận đầu tấn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, không cho phép Hiệp hội Lương thực Việt Nam tự ý để lại lợi nhuận như hiện nay.

4) Chính phủ Thái Lan đang thực hiện chính sách mua lúa tạm trữ vì quyền lợi của nông dân Thái Lan, Việt Nam có thể thực hiện chính sách mua lúa tạm trữ này, xin Quốc hội chất vấn Chính phủ xem tại sao Chính phủ không áp dụng chính sách mua lúa tạm trữ vì nông dân của Chính phủ Thái Lan mà lại áp dụng một chinh sách mua lúa tạm trữ bất lương, tước đoạt hết lợi nhuận của nông dân và vi phạm Luật Cạnh tranh.

Toàn thể nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang lầm than, rên xiết dưới sự bóc lột tàn tệ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, rất mong Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ngăn cấm việc mua lúa tạm trữ vi phạm Luật Cạnh tranh của Chính phủ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đồng thời yêu cầu Chính phủ thực hiện một cơ chế mua bán lúa gạo vì quyền lợi của nông dân.

Nếu Quốc hội không giúp nông dân thoát khỏi cơ chế xuất khẩu gạo bất lương, ăn cướp hiện nay, nông dân chúng tôi chỉ còn có cách kêu gọi nhau đoàn kết lại để chống trả sự bóc lột thậm tệ này.

HUỲNH KIM HẢI

Bằng chứng đính kèm:

(1) Bài “Tổng công ty lương thực miền Nam: Nhiều thành tích từ phong trào thi đua yêu nước” http://www.nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/57731/Default.aspx

(2) Báo điện tử Hiệp hội lương thực Việt Nam phần giới thiệu http://www.vietfood.org.vn/vn/default.aspx?c=47

(3) VTC News, bài “Thủ tướng: đảm bảo người trồng lúa lời trên 40%” http://vtc.vn/2-187968/thu-tuong-dam-bao-nguoi-trong-lua-lai-tren-40.mobi

(4) SGGP Online, bài “Tiêu thụ lúa hè thu ở ĐBSCL: băn khoăn giá thành” http://www.sggp.org.vn/nongnghiepkt/2008/8/161671/

(5) TBKTSG Online, bài “Chỉ cho đăng ký hợp đồng xuất gạo sau tháng 6”  http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/15553/

(6) Bài “Mua gạo tạm trữ trúng to” http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/27357/

(7) Bài “Bắt đầu thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo” http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/30374/

(8) Bài “Năm 2010: xuất khẩu 6 triệu tấn gạo” http://www.baoangiang.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=11531

(9) Diễn đàn Doanh nghiệp Online, bài “Mua lúa gạo tạm trữ: DN “phớt lờ” chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?” http://dddn.com.vn/2010071310081581cat101/mua-lua-gao-tam-tru-dn-phot-lo-chi-dao-cua-thu-tuong-chinh-phu.htm

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn