Trung Quốc-Biển Đông: “Dám va chạm, dám chấp pháp và dám bảo vệ quyền lợi”

Nhật Nam

clip_image001

Trung Quốc sử dụng sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để thực hiện mở rộng hoạt động ở Biển Đông

(Toquoc)-Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động đơn phương tại Biển Đông, nhưng tiếp tục gây áp lực đối với nước khác.

Theo báo chí Trung Quốc, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng từ đầu năm 2012, một số bộ ngành của Trung Quốc đã có các hoạt động dồn dập tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc cũng tăng cường lực lượng chấp pháp tại Biển Đông.

Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động đơn phương tại Biển Đông

Trong thời gian nói trên, Bộ trưởng Giao thông Trung Quốc ra đảo Hoàng Sa thị sát tàu Hải Tuần; Cục trưởng Cục Thể thao Trung Quốc đến thăm đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa khảo sát tình hình triển khai hoạt động thể dục thể thao, Viện nghiên cứu Môi trường và Khảo sát công trình hải dương “Nam Hải” thực hiện dự án đo đặc, giám sát, phân tích và đánh giá sự thay đổi của một số đảo điển hình ở quần đảo Hoàng Sa; Cục trưởng Cục ngư chính khu Biển Đông cho biết Trung Quốc có kế hoạch về việc xây dựng căn cứ nghề cá ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa và xây dựng cầu tàu và căn cứ dịch vụ nghề cá ở Trường Sa.

Ngoài ra, theo Tân Hoa xã và thời báo Hoàn cầu ngày 27/2, chính quyền Trung Quốc vừa triển khai thêm 200 nữ binh sĩ vào lực lượng hải giám để tham gia các hoạt động tuần tra ở khu vực đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Số binh sĩ này được đào tạo tại một căn cứ thuộc Hạm đội Nam Hải, vốn hoạt động ở Biển Đông, và “sẵn sàng xung phong ra tuyến đầu”.

Bên cạnh đó, Tân Hoa xã còn tiết lộ lực lượng hải giám của Trung Quốc hiện lên đến 8.000 người và được phân bổ theo sơ đồ tổ chức của hải quân Trung Quốc khi chia thành 3 tổng đội: Đông Hải, Bắc Hải và Nam Hải. Các tàu ngư chính, hải giám được trang bị thêm nhiều công cụ kỹ thuật cao như thiết bị dò tìm âm thanh dưới nước, hệ thống radar giám sát thụ động tiên tiến… Trung Quốc tuyên bố sắp tới sẽ tổ chức “tuần tra phối hợp chặt chẽ trên các vùng biển”. Các đội hải giám sẽ triển khai 9 tàu kết hợp 4 máy bay trực thăng để tuần tra liên tục hằng ngày.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ngày 27/2 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Ngưu Thuẫn nói, Trung Quốc sẽ tăng khả năng chấp pháp của lực lương Ngư chính, đồng thời yêu cầu cơ quan Ngư chính các cấp “dám va chạm, dám chấp pháp và dám bảo vệ quyền lợi”.

Tại Hội nghị công tác ngư chính toàn quốc mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Ngưu Thuần cho biết, trong thời gian tới, Trung Quốc cần tiếp tục tăng cường lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật và vũ khí hiện đại cho tàu ngư chính, nhằm nâng cao khả năng chấp pháp của lực lượng này. Đồng thời yêu cầu, các cơ quan ngư chính các cấp cần giữ vững bản lĩnh với “5 dám và 5 không nghỉ ngơi” là: Dám chịu trách nhiệm, thiết thực bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản ngư dân, nhiệm vụ không hoàn thành thì không nghỉ ngơi; Dám va chạm, kiên quyết bảo vệ an ninh trật tự tác nghiệp trên biển, chưa giải quyết được vấn đề thì chưa nghỉ ngơi; Dám thực thi pháp luật, tập trung đảm bảo an ninh sinh thái khu vực nghề cá, không làm tốt công việc không nghỉ ngơi; Dám duy trì quyền lực, thực hiện toàn diện tinh thần của chỉ thị “3 giữ gìn”, chưa đạt được mục tiêu thì chưa nghỉ ngơi; Dám đột phá, tìm mọi cách đảm bảo an toàn chất lượng hàng thủy sản, công việc chưa làm tốt chưa nghỉ ngơi”.

Trung Quốc tiếp tục tự mình ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực Biển Đông từ 16/5 đến đầu tháng 8/2012.

Về khai thác tài nguyên, Trung Quốc vừa ký hợp đồng hợp tác với BP thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông và từ đầu năm nay đưa giàn khoan dầu 981 của CNOOC vào hoạt động tại Bắc Biển Đông. Dự kiến giàn khoan này sẽ tiến hành hoạt động ở vùng tranh chấp Nam Biển Đông.

Mạng Hải Nam ngày 24/2 đưa tin, theo tin, năm 2012, tỉnh Hải Nam sẽ đẩy nhanh việc khai thác các tuyến du lịch đường biển với khu trung tâm là quần đảo Hoàng Sa, lấy tuyến du lịch từ Hải Nam ra đảo Đá Bắc (Hoàng Sa) làm thí điểm, từ đó không ngừng mở các tuyến du lịch mới.

Trung Quốc-Việt Nam-Biển Đông

Ngày 24/2, tàu cá của thuyền trưởng Đặng Tằm, cùng với 11 ngư dân làm việc trên tàu đã trở về cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi, sau khi bị tàu hải giám của Trung Quốc mang số hiệu 789, đồn trú tại đảo Phú Lâm, đuổi theo, bắn vào tàu, bắt giữ và đưa về đảo Phú Lâm, khi tàu của ông Đặng Tằm đang đánh cá tại đảo Xà Cừ nằm trong vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam hôm 22/2. Các ngư dân bị lính Trung Quốc đánh đập, tước đoạt toàn bộ hải sản đã đánh bắt được cùng với các thiết bị, ngư cụ và các phương tiện thông tin liên lạc trên tàu rồi mới thả về. Thiệt hại ước tính lên đến gần 300 triệu đồng.

clip_image002

Tàu đánh cá ký hiệu QNg90281 của ông Đặng Tằm trở về bến Sa Kỳ, Quảng Ngãi tay trắng sau khi bị hải giám Trung Quốc tịch thu tài sản trị giá 300 triệu đồng Việt Nam.

Trong khi đó, ngày 26/2, người có trách nhiệm liên quan của Tổng đội Hải giám Trung Quốc đã bày tỏ sự việc tàu hải giám Trung Quốc nổ súng vào tàu cá của VN tại khu vực quần đảo Hoàng Sa là không có và tin tức của hãng Kyodo là sai sự thật nghiêm trọng.

Trong khi đó, tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 27/2, trả lời câu hỏi của phóng viên: “Đề nghị cho biết phản ứng của Trung Quốc trước tuyên bố của VN vào ngày 24/2 đối với các hoạt động nghiên cứu hải dương của Trung Quốc tại những khu vực biển có tranh chấp với Việt Nam trong vùng Biển Đông và yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hoạt động uy hiếp chủ quyền lãnh thổ của VN đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo và vùng biển phụ cận tại Biển Đông”, cho rằng việc Trung Quốc tiến hành các công việc xây dựng thông thường và các hoạt động phát triển tại quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn là công việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”. Người phát ngôn này còn “yêu cầu phía Việt Nam thiết thực tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc”.

Về vấn đề này, trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những việc làm của một số bộ ngành của Trung Quốc ở Biển Đông từ đầu năm 2012 đến nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm phức tạp và căng thẳng thêm tình hình trên Biển Đông, trái với Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển. Việt Nam yêu cầu TQ dừng ngay các hành động, hủy bỏ các dự án xâm phạm chủ quyền của Việt Nam nêu trên, cùng các bên liên quan hợp tác giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông, thực hiện nghiêm túc DOC”.

Bình luận về những động thái gần đây của Trung Quốc, ông Nguyễn Nhã, người chuyên nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam Trường Sa và Hoàng Sa, nói rằng “Trung Quốc luôn như thế, nói một đằng làm một nẻo. Cái gì về ngoại giao thì họ cứ làm, còn cái gì thể hiện sức mạnh ở Biển Đông thì họ cũng cứ tiếp tục”.

Trên mặt trận chính trị ngoại giao, Trung Quốc tiếp tục nêu ra các đề nghị hoà hoãn.

Tháng 11/2011, tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN-Trung Quốc lần thứ 14, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố: “Trung Quốc không bao giờ mưu cầu bá quyền, phản đối bất cứ hành vi bá quyền nào, sẽ luôn thi hành chính sách ngoại giao ‘thân thiện với láng giềng, làm bạn với láng giềng’, tuân thủ nghiêm khắc ‘Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á”.

Với Việt Nam, họ luôn nhấn mạnh hợp tác hữu nghị là “mạch chính” trong quan hệ Trung-Việt, một mực cho rằng “không nên để bất đồng và tranh chấp ảnh hưởng đến đại cục” phát triển quan hệ. Trong hội đàm cấp cao Trung-Việt tại Bắc Kinh, tháng 10/2011, hai bên ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam”. Điều 5 nói rõ: “Giải quyết vấn đề trên biển dựa theo tinh thần tiệm tiến tuần tự, dễ trước khó sau. Thúc đẩy đàm phán phân định biên giới vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ một cách chắc chắn, đồng thời tích cực thương lượng đàm phán vấn đề khai thác chung ở vùng biển nói trên. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên biển trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, bao gồm bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, cứu hộ trên biển, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Nỗ lực tăng cường lòng tin lẫn nhau, tạo điều kiện giải quyết những vấn đề khó khăn hơn”.

Thực tiễn mấy năm qua trên Biển Đông cho thấy, quan trọng là xem điều Trung Quốc làm, chứ không phải điều Trung Quốc nói. Ngày 27/2, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và người đồng cấp Trung Quốc đã tiến hành một vòng gặp mới của Trưởng đoàn đàm phán biên giới hai nước để “trao đổi ý kiến về thực hiện toàn diện” Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” ký tháng 10/2011./.

N. N.

Nguồn: toquoc.gov.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn