Bắc Triều Tiên: Lời chứng của một người sống sót từ trại cải tạo

Thụy My

clip_image001

Shin Dong Hyuk, người sống sót hiếm hoi của trại cải tạo số 14 Bắc Triều Tiên. DR

Nhật báo Le Monde hôm nay 19/04/2012 trong mục điểm sách đã giới thiệu tác phẩm “Người sống sót của trại 14” của nhà báo Mỹ Blaine Harden, kể lại những gì mà người tù trẻ tuổi Shin Dong Hyuk đã chứng kiến trong trại cải tạo Bắc Triều Tiên. Người thanh niên này sinh ra và lớn lên trong một trại cải tạo, đã phải chịu đựng từ tra tấn cho đến việc chứng kiến cuộc hành hình mẹ và anh ruột. Anh trốn thoát được vào năm 2005, lúc đó Shin Dong Hyuk 23 tuổi.

Thân phận nô lệ của nhân chứng hiếm hoi

Năm nay 30 tuổi, Shin Dong Hyuk cùng thế hệ với tân lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un – thể hệ thứ ba của họ Kim nối nghiệp trị vì đất nước khép kín này. Nhưng sự giống nhau dừng lại ở đó. Bắc Triều Tiên tuy về mặt chính thức là một xã hội không giai cấp, nhưng thật ra dòng máu quyết định tất cả.

Kim Jong Un khi sinh ra đã là một hoàng tử cộng sản, được nuông chiều sau các bức tường cung điện. Du học tại Thụy Sĩ, sau đó về nước học tại trường đại học mang tên chính ông nội mình dành riêng cho giai cấp ưu tú – nhờ vào huyết thống, Kim Jong Un đứng trên mọi luật lệ. Năm 2010, được phong làm đại tướng bốn sao dù hoàn toàn không có kinh nghiệm quân sự, và một năm sau đó lên thay cha lãnh đạo đất nước, Kim Jong Un được báo chí chính thức Bắc Triều Tiên ca tụng là “lãnh tụ được Thiên tử gởi đến.

Cùng một lứa tuổi, Shin Dong Hyuk sinh ra với thân phận nô lệ, tên khai sinh là Shin In Geun chỉ được học đủ để đọc chữ và biết đếm. Cha mẹ anh đều là tù nhân của trại cải tạo số 14 nằm tại miền Trung đất nước – một thành phố thực thụ với 50.000 tù nhân, các trang trại, nhà máy và hầm mỏ. Đây là trại tù dành cho các kẻ thù chính trị của chế độ. Mọi cuộc tụ họp quá hai người đều bị cấm, trừ khi có các vụ xử tử thì tất cả mọi người đều phải tham dự. Đến năm 14 tuổi, Shin Dong Hyuk đã phải chứng kiến rất nhiều vụ tử hình, trong đó có mẹ ruột và anh trai. Phải mất một thời gian rất lâu sau anh mới nhận ra mình đã vô tình tố cáo họ, vì quản giáo luôn răn dạy phải dọ thám người khác.

Các quản giáo của Shin vừa là thầy dạy học, vừa là những người đã tạo tác ra anh, vì chính quản giáo đã chọn lựa ra cha và mẹ anh để ghép đôi với nhau - một phương cách để thưởng cho những người tù chấp hành tốt. Cậu bé phải học thuộc lòng mười điều quy định của trại, trong đó điều đầu tiên là: Tất cả những người mưu toan trốn trại sẽ bị bắn hạ ngay tại chỗ”.

Tử hình và tra tấn

Kỷ niệm đầu đời của Shin Dong Hyuk là một vụ tử hình mà anh chứng kiến năm mới lên bốn tuổi. Để tránh việc tử tù mắng chửi Nhà nước, người ta nhét đầy đá sỏi vào miệng và bịt mắt. Mười năm sau đó, Shin trở lại nơi chốn cũ, mắt bị bịt lại bằng một chiếc khăn, tay bị còng, và cha anh cũng thế. Hai cha con vừa trải qua tám tháng bị giam cầm trong một nhà tù dưới lòng đất, họ phải ký giấy cam đoan không tiết lộ cho bất cứ ai, rồi mới được thả ra.

Trong nhà tù bí mật này, các quản giáo đã tra tấn hai cha con để cố ép cho họ khai ra về vụ mẹ và anh của Shin âm mưu trốn trại. Sau khi lột quần áo, những kẻ tra tấn đã trói tay chân cha con Shin, treo ngược bằng một cái móc phía trên một lò lửa. Shin ngất đi khi da thịt bắt đầu bị đốt cháy.

Anh không khai gì cả. Anh không có gì để khai báo. Shin chưa bao giờ có ý định ra khỏi trại, không hề âm mưu với mẹ và anh trốn trại. Shin tin vào những gì các quản giáo đã nhồi vào đầu từ lúc mới sinh: anh không bao giờ có thể trốn khỏi trại cải tạo, và phải tố cáo tất cả những ai đề cập đến việc này. Shin không tưởng tượng ra nổi một cuộc sống bên ngoài trại, ngay cả trong mơ. Và thực tế anh còn không biết cả sự hiện hữu của Hàn Quốc, Trung Quốc hay Hoa Kỳ.

Hôm ấy khi một quản giáo mở khăn bịt mắt, nhìn thấy đám đông, chiếc cọc và giá treo cổ, Shin cứ ngỡ phút cuối của mình đã điểm. Nhưng người ta không nhét đá sỏi vào miệng, mà lại mở còng tay và để anh ngồi trên hàng đầu. Như vậy cha con anh sẽ là khán giả.

Một người phụ nữ và một thanh niên được điệu ra pháp trường. Đó là mẹ và anh trai của Shin. Một quản giáo quàng sợi dây thừng qua cổ mẹ anh, bà cố quay nhìn con trai út, nhưng Shin nhìn sang nơi khác. Khi bà mẹ không còn giãy giụa nữa, ba phát súng bắn vào người anh của Shin. Nhìn thấy họ bị hành hình, Shin gần như thở phào nhẹ nhõm vì không phải mình bị án tử. Tình yêu, lòng thương hại, tình cảm gia đình hầu như không hiện diện trong trại. Mẹ Shin nhiều lần đánh đập anh, cha anh không hay biết – ông chỉ được phép ngủ với vợ năm lần trong một năm.

Chín năm sau khi mẹ và anh bị xử tử, Shin trườn ra khỏi hàng rào kẽm gai có mắc điện, chạy trốn trên tuyết. Đó là ngày 2 tháng Giêng năm 2005. Trước đó, chưa hề có người tù nào trốn được khỏi trại, và Shin là người duy nhất. Năm đó anh 23 tuổi, không hề quen biết bất kỳ ai bên ngoài. Sau một tháng trời đi bộ, anh lần sang được Trung Quốc. Hai năm sau đó Shin sang Hàn Quốc, và bốn năm sau, anh sống ở California, trở thành đại sứ của một phong trào nhân quyền Mỹ - LINK, tức Liberty In North Korea (Tự do tại Bắc Triều Tiên).

Shin đổi tên thành Shin Dong Hyuk từ khi sang đến Hàn Quốc, hy vọng sẽ bắt đầu một cuộc đời tự do. Anh có khuôn mặt khá đẹp, nhưng người nhỏ thó và gầy ốm vì bị suy dinh dưỡng lúc còn nhỏ. Đôi cánh tay bị biến dạng vì phải làm việc nặng trong thời kỳ tăng trưởng, thận và mông mang dấu tích của vụ tra tấn, mắt cá còn thẹo khi bị treo ngược. Ngón tay giữa bị mất một đốt : người ta đã chặt đi để trừng phạt do anh lỡ đánh rơi chiếc máy may của xưởng may trong trại khi bê lên cầu thang. Cẳng chân anh bị cào nát và bị phỏng khi chui qua hàng rào điện của trại.

Trại cải tạo Bắc Triều Tiên: Một thực tế hiển nhiên

Các trại cải tạo Bắc Triều Tiên có quá trình hiện diện lâu đời - gấp đôi so với các goulak của Liên Xô cũ, và gấp 12 lần so với các trại tập trung quốc xã. Các ảnh chụp độ nét cao từ vệ tinh mà mọi người đều có thể tham khảo trên Google Earth cho thấy nhiều vùng đất mênh mông trải dài trên các sườn núi khô cằn, được rào chắn.

Chính quyền Hàn Quốc ước lượng có khoảng 154.000 người đang bị giam cầm tại đây, còn chính phủ Mỹ và các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho rằng con số này lên đến 200.000 người. Sau khi nghiên cứu toàn bộ ảnh vệ tinh trong một thập kỷ qua, Amnesty International nhận thấy trong năm 2011, có những công trình đã được xây dựng thêm. Tổ chức này lo ngại là số lượng tù cải tạo đã tăng lên, có thể nhằm siết chặt kiểm soát trong giai đoạn chuyển giao quyền lực cho Kim Jong Un.

Tình báo Hàn Quốc ghi nhận có 6 trại cải tạo tại Bắc Triều Tiên. Trại lớn nhất có chiều dài đến 50 cây số và chiều rộng 40 cây số, với diện tích còn lớn hơn cả thành phố Los Angeles. Năm trại được bao bọc bởi càng hàng rào kẽm gai tích điện, điểm xuyết bằng các chòi canh. Hai trại 15 và 18 có các khu vực trong đó một số người tù được may mắn học những điều chỉ dạy bổ ích của Kim Jong Il và Kim Il Sung. Nếu họ học tập tốt và chứng tỏ được lòng trung thành với chế độ, thì có cơ hội được trả tự do, nhưng suốt cuộc đời họ sẽ bị an ninh nhà nước theo dõi.

T. M.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn