Bình Nhưỡng bất chấp mọi áp lực vì có Bắc Kinh

Tú Anh

clip_image001  

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (giữa) thăm một đơn vị quân đội. Ảnh do hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA công bố ngày 10/03/2012. REUTERS/KCNA

 

Bắc Triều Tiên tiếp tục chuẩn bị phóng vệ tinh bằng tên lửa đạn đạo mặc dù bị quốc tế cảnh cáo. Theo giới phân tích tại Tokyo, thì Bình Nhưỡng đặt cược vào sự ủng hộ của Bắc Kinh trong chiến thuật leo thang gây bất trắc về an ninh trong khu vực.

Theo báo chí Nhật Bản thì Bắc Triều Tiên tiếp tục bơm nhiên liệu vào tên lửa đạn đạo dự trù đưa một vệ tinh quan sát lên không gian vào trung tuần tháng Tư tới đây.

Tây phương nghi ngờ ý đồ thật sự của Bình Nhưỡng là thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Quyết định ngưng viện trợ lương thực của Mỹ, những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, không làm lay chuyển được giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Theo nhận định của báo mạng Asia Times thì mọi “tối hậu thư đều thất bại”.

Trên thực tế thì mối quan ngại của Tây phương và của hai quốc gia lân cận của Bắc Triều Tiên chỉ được Trung Quốc và Nga chia sẻ trên đầu môi chót lưỡi khi Hồ Cẩm Đào và Dmitri Medvedev tuyên bố rằng «Bình Nhưỡng cần phải hủy bỏ ý định phóng vệ tinh».

Cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Han Sung Joo cũng như nhiều nhà phân tích tại Seoul đều cho rằng Nga và Trung Quốc phản ứng một cách ngoại giao,và nhất là Bắc Kinh không bao giờ sử dụng biện pháp cắt viện trợ nhiên liệu, nguồn huyết mạch nuôi sống đàn em của mình.

Một cố vấn an ninh quốc phòng của chính phủ Nhật Bản cũng nhận định theo chiều hướng này. Giáo sư Hiroyasu Akutsu thuộc Viện Quốc gia Nghiên cứu Quốc phòng NIDS tại Tokyo cho rằng «quốc gia cộng sản bí ẩn này sẽ không lùi bước trước áp lực quốc tế vì có Trung Quốc sau lưng».

Trên tạp chí Nghiên cứu Quốc phòng Đông Á , Giáo sư Hirayasu Akutsu lưu ý phản ứng của Bắc Kinh. Sau khi được Washington yêu cầu gây sức ép với Bắc Triều Tiên, thì Trung Quốc đáp lại bằng lời kêu gọi «các bên hãy giữ thái độ chừng mực», hàm ý khuyến cáo cả Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước nằm trong tầm tên lửa của Kim Jong Un.

Theo AFP, quan điểm của tạp chí Nghiên cứu Quốc phòng Đông Á có ảnh hưởng rất lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản. Theo quan điểm này thì sự kiện Bình Nhưỡng cải tiến công nghệ hạt nhân trong bối cảnh Kim Jong Un, tân lãnh đạo không thành tích cần phô trương tài năng, đã làm chế độ Bắc Triều Tiên trở thành nguy hiểm hơn cho khu vực.

Nhiều chuyên gia cho là Bắc Triều Tiên đã thành công trong việc thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân để có thể gắn vào tên lửa đạn đạo. Bài nghiên cứu của Tạp chí Quốc phòng Đông Á cảnh báo «nếu thực hiện được kỹ thuật này thì Bình Nhưỡng trở thành mối đe dọa không lường trước được cho nhiều quốc gia trong đó có Nhật Bản».

Năm 2009, cũng trong một vụ «phóng vệ tinh», tên lửa của Bắc Triều Tiên bị lệch hướng bay ngang lãnh thổ Nhật Bản trước khi rơi xuống biển.

Để để phòng mọi tình huống và để trấn an công luận trong nước, quân đội Nhật bố trí hệ thống chống tên lửa và được lệnh bắn hạ hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên nếu bay ngang lãnh thổ. Tuy chỉ trích thái độ hung hăng của Bình Nhưỡng và chính sách thiếu hợp tác của Bắc Kinh, trong thâm tâm giới lãnh đạo Nhật Bản cũng chờ xem khả năng vũ khí của Kim Jong Un đến đâu.

Giáo sư Hiroyasu Akutsu nhận định « trong cái rủi có cái may ». Nếu Bắc Triều Tiên khoe thành tích thì đó là cơ hội để mọi người thấy rõ khả năng công nghệ tên lửa của họ đến trình độ nào.

T. A.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn