Giải pháp nào cho ngư dân Việt Nam?

Mặc Lâm, Biên tập viên RFA

Chỉ còn một ngày nữa là đúng một tháng đối với vụ Trung Quốc bắt giữ hai tàu đánh cá của Việt Nam trong khi họ tác nhiệp trong vùng đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Việt Nam.

clip_image001

Tàu đánh cá vừa đánh bắt về cặp bến Cảng cá Kỳ Hà - Quảng Nam hôm 05/07/2011. RFA PHOTO

Việt Nam không có giải pháp nào khác để bênh vực và bảo vệ cho ngư dân của mình mặc dù Trung Quốc luôn nói họ tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của nứơc khác. Mặc Lâm có thêm chi tiết sau đây:

Trung Quốc vẫn bắt ngư dân

Đó là tàu QNg 66074 TS của ông Trần Hiền, trên tàu có 11 lao động và tàu cá QNg 66101 TS của ông Lê Dinh, trên tàu có 10 lao động. Hai mươi mốt ngư dân cho tới nay vẫn không tăm tích mặc dù truớc đó ông Trần Hiền đã đựơc phép gọi về thông báo cho gia đình.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi nơi có hai tàu cá bị bắt cho báo chí biết hai tàu cá này hiện đang bị giam giữ tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tin tức cuối cùng cho biết phía Trung Quốc đòi tiền chuộc mỗi tàu cá là 70 ngàn nhân dân tệ.

Anh Lê Dinh chủ tàu cá 66101 cho biết:

Đã đi trên 23 năm nay và cũng bị nó bắt nhiều lần. Nó bắt năm 2003, năm 2009 rồi đợt này nữa nói chung bị nó bắt nó tịch thu tài sản và đuổi về thì không thể đếm nỗi.

Anh Lê Dinh

“Cái thuyền của em là 66101 hồi bị bắt tới giờ chưa gọi về chỉ có tin của Trần Hiền là nó cho gọi về báo đòi tiền chuộc là 70 ngàn nhân dân tệ. Bây giờ gia đình nói chung là do em bị bắt quá lâu rồi. Đảo Hoàng Sa này em đã đi trên 23 năm nay và cũng bị nó bắt nhiều lần. Nó bắt năm 2003, năm 2009 rồi đợt này nữa nói chung bị nó bắt nó tịch thu tài sản và đuổi về thì không thể đếm nỗi.

Mấy năm trước khi bị bắt thì cũng có làm những cái bản báo cáo, ra đồn, trạm rồi các cơ quan nhà nước nhưng rồi cũng không thấy nhà nước hỗ trợ cho cái gì hết. Ở Quãng Ngãi thì cũng có thông tư đưa ra ngoài Hà Nội, ngoài Bộ hết rồi nhưng từ ngày đó nó không cho liên hệ luôn, nói thẳng ra như vậy đó”.

Bà Phạm Thị Hương thuộc UBND huyện đảo Lý Sơn khi trả lời AFP cho biết giới chức trách khuyên gia đình nạn nhân không nên trả tiền chuộc và đã đề nghị cấp trên can thiệp. Chị Bùi Thị Vạn có chồng bị bắt lần này cho biết:

“Từ bữa bắt tới nay em nghe tàu 66106 có chồng em bị bắt thì em nghe vậy thôi chứ chưa nghe trực tiếp ảnh nói. Ảnh đi ngoài đó rất nhiều lần rồi và bị tịch thu lấy tài sản nhiều lần. Mất nhiều lần rồi nhưng lần này bị giam giữ là lần đầu. Hoàn cảnh gia đình của em hiện giờ đang rất là khó khăn, chồng em là lao động chính trong gia đình. Bây giờ em mong cấp trên quan tâm giúp đỡ chứ bây giờ cuộc sống của gia đình em không có ảnh thì rất là khổ sở”.

Còn chị Nguyễn Thị Tươi không những chồng mà con cũng bị bắt chung một lần trên tàu cá của ông Lê Dinh làm chủ, chị hết lời than thở cho số phận của gia đình chị:

clip_image002

Ngư dân mua bán cá vừa đánh bắt về tại bến cá Bình Thạnh, Bình Sơn, Quảng Ngãi hôm 05-07-2011. RFA PHOTO

“Chồng với con em bị bắt mà cũng chưa có tin tức gì hết, ông chồng với đứa con nữa. Tình trạng gia đình khó khăn lắm, ảnh đi làm ở Hoàng Sa và cũng bị bắt nhiều lần rồi. Vừa rồi nhà nước có hỗ trợ một số ít để em nuôi con nó ăn nó đi học để tạm thời qua giai đoạn này. Hồi kia không ai hỗ trợ hết chỉ có đợt này thôi nhưng cũng chưa nhận được gạo chỉ nhận được một số ít thôi thì mình cũng ráng qua vì mình cũng chỉ nghĩ là Hoàng Sa là của Việt Nam chứ đâu có nghĩ ra đó làm mà nó bắt mình”.

Anh Lê Dinh xác nhận hoàn cảnh của những bà vợ của ngư dân này như sau:

“Vợ con (những thuyền viên bị bắt) nó không biết đường nó kêu nó khóc ghê lắm. Họ nghèo lắm anh à, nó nghèo kinh lắm. Nói chung ở đâu cũng vậy nghèo khổ nên bươn chải ra ngoài đó cũng vì đất nước tổ tiên của ông bà, cũng vì chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là đảo Hoàng Sa nên ra làm kiếm sinh nhai nhưng mà thiệt với anh là nó bắt quá chịu không nổi...”

Việt Nam kiên quyết phản đối?

Hoàng Sa Trường Sa thì bọn tui cứ tới làm thôi chứ các ổng cũng không biểu là đừng có ra đó. Vùng biển đó dân tự làm chứ không ai cấm cản hết.

Mai Phụng Lưu

Hơn nửa tháng sau vào ngày 21/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho báo chí biết lập trường của Việt Nam về việc bắt giữ tàu và người trái phép này và nói: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam”.

Ông Nghị cũng tiết lộ đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại sứ quán Trung Quốc trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam.

Việt Nam không thể làm gì khác hơn khi một nước lớn như Trung Quốc lại ngang nhiên coi thường luật pháp quốc tế. Họ đem tàu Ngư chính - một loại tàu chiến nguỵ trang để bắt giữ, hành hung và thậm chí cướp đoạt tài sản của ngư dân Việt Nam liên tiếp hàng chục năm nay. Cách ứng xử của Bộ Ngoại giao cho thấy con đường mà Việt Nam đã và đang đi trong việc chống lại sự ngang ngược của Trung Quốc ngày càng mòn đi và chưa có một sáng kiến nào ngoại trừ những tuyên bố, công hàm đậm chất ngoại giao nhưng là một nền ngoại giao yếu kém, luôn bị áp lực và thậm chí bị trói buộc bởi những sợi giây vô hình nhưng hết sức hiệu quả của Bắc Kinh.

Ngư dân Việt Nam bám biển để tìm kế sinh nhai là một lẽ nhưng trong thâm tâm họ vẫn vang vọng tiếng nói của tổ tiên về vùng đất mà ông cha để lại nay đã vào tay Trung Quốc. Mang tâm trạng vừa sợ hãi vừa tức tối, những ngư dân khốn khổ của các huyện Bình Châu, Lý Sơn không thể cứ mãi mãi lấy tính mạng và tài sản của mình ra đánh cuộc với những con tàu Ngư chính của Bắc Kinh. Sức người có hạn, họ cần sự bảo vệ của chính phủ và những giải pháp khả dĩ khiến họ yên tâm làm ăn sinh sống.

Nhà nước không thể vận động người dân bám biển trong khi chính mình không có động thái nào tích cực để mang ngư dân gặp nạn ra khỏi những nhà tù của Trung Quốc. Sự mạnh mẽ của nhà nước không những khiến ngư dân an tâm mà còn là động lực thúc đẩy họ bám biển, tuy nhiên sự giúp đỡ hình như không thiết thực và quá nhỏ nhoi. Ông Mai Phụng Lưu, có biệt danh là sói biển, một ngư dân nổi tiếng vì bị Trung Quốc bắt giữ tới 4 lần nhưng vẫn cương quyết sống chết cùng với Hoàng Sa, khi được hỏi nhà nước hỗ trợ cho ông và anh em ngư dân như thế nào ông cho biết:

"Sói biển" Mai Phụng Lưu, ngư dân huyện đảo Lý Sơn, chuẩn bị ngư cụ trong một lần ra khơi, ảnh chụp trước đây. File photo

“Cơ bản là họ cho một cái máy ICOM định vị toàn cầu lỡ ví dụ khi mình bị tàu nước ngoài va chạm thì mình sẽ chuyển về cho các ổng biết. Chủ yếu là mình chỉ tự đi làm thôi và họ nói vùng biển nào anh không được tới như là Mã Lai, Indonesia, Philippines chứ còn Hoàng Sa, Trường Sa thì bọn tui cứ tới làm thôi chứ các ổng cũng không biểu là đừng có ra đó. Vùng biển đó dân tự làm chứ không ai cấm cản hết.

Coi như đất của ông bà mình thì mình cứ ra làm miết vậy chớ mắc gì sợ? Còn nó bắt ai thì mình làm cứ làm chỗ biển hồi nào giờ. Nhà tui không bị nô lệ nó đâu bởi vì đất của ông bà tui hồi giờ. Tui vừa mới có con tàu rồi và vừa rồi bà con đóng góp cho người một ít cho tui được một vùng lưới rồi, mới nhận hôm qua. Tui nhận được vùng lưới nylon để đi dánh cá thu. Sau khi chuẩn bị ngày lễ tế Hoàng Sa là cho con tui tiếp tục ra Hoàng Sa làm tiếp”.

Hai ngày trước đây khi Phó Thủ tướng Trung Quốc là ông Lý Khắc Cuờng sang thăm Việt Nam thì người đồng nhiệm là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải của Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc thả ngay 21 ngư dân Việt Nam vô điều kiện. Đáp lại ông Lý Khắc Cuờng khẳng định Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác cùng có lợi với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Một câu trả lời hoàn toàn lạc đề không một thành ý nào trước yêu cầu hết sức chính đáng của Việt Nam.

Sự coi thường Việt Nam của ông Lý Khắc Cường cho thấy rõ ràng Trung Quốc chưa bao giờ quan tâm tới việc ngư dân Việt Nam bị bắt, bị tra tấn đòi tiền chuộc. Đối với Bắc Kinh thì các ngư dân này đã xâm phạm vùng biển của họ. Còn đối với Việt Nam, bao nhiêu nỗi sợ hiện diện phía sau một lời yêu cầu đã không làm cho Trung Quốc động lòng.

Cũng theo bản tin của VietnamNet cho biết thì cả hai Phó Thủ tướng đều đánh giá cao tiến triển đạt được gần đây trong quan hệ Việt - Trung, nhất là sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2011 và chuyến thăm Việt Nam của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12/2011.

Bản tin này đã làm cho người đọc ngỡ ngàng. Tính mạng 21 ngư dân và tài sản, sự tự do, cùng những bất trắc của họ đã bị lãnh đạo lớn nhất phủi tay khi chỉ bàn đến những trao đổi lãnh đạo của hai nuớc một cách bình thường như không có gì xảy ra.

Trong khi tỉnh Hải Nam công khai tổ chức cuộc đua thuyền buồm tại quần đảo Hoàng Sa thì chiều ngày 31/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tiếp Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam La Bảo Minh mà không nhắc một từ nào về hòn đảo này. Người dân huyện đảo Lý Sơn, Bình Châu nếu biết tin này chắc họ phải phấn khởi lắm bởi hy vọng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ trao đổi cụ thể với một quan đầu tỉnh của Trung Quốc về tình trạng đánh bắt cá của Ngư dân Việt Nam trên vùng đất của mình.

Dư luận vẫn rất ngạc nhiên về cung cách mà Việt Nam đối phó với Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đành rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc lớn hơn Việt Nam gấp hàng chục lần nhưng trong thế giới đa cực hiện nay một nước nhỏ chưa hẳn là tiếng nói không được lắng nghe. Không dám nói, hay nói một cách yếu ớt là nguồn gốc đẩy sự ngang ngược lên cao. Đối với một đất nước lấy sự bành trướng làm kim chỉ nam thì biện pháp mềm mỏng chỉ mang đến sự mất dần lãnh thổ cho đối phương mà thôi.

M.L.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn