Người mang tiếng nói ngư dân Việt Nam ra quốc tế

Ngự Hà.

clip_image001

 

Ông André Menras Hồ Cương Quyết đang phỏng vấn một gia đình ở Bình Châu - Quảng Ngãi.

 

Từng gặp, trò chuyện và trao đổi với ông nhiều lần, cho đến bây giờ, tôi cũng không đong đếm được, có bao nhiêu %  con người Việt Nam trong ông. Song có một thực tế là ông có một tình yêu lạ, đẹp và hiếm có với Việt Nam, quê hương thứ hai của ông.

Kết thúc vòng lưu diễn phim tài liệu “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát”, ông André Menras Hồ Cương Quyết, Chủ tịch Hiệp Hội trao đổi Sư phạm Pháp Việt, đồng thời là nhà biên kịch và đạo diễn bộ phim này, đã trở về quê nhà tại miền Nam nước Pháp để chăm sóc người mẹ 86 tuổi bị té trong những ngày ông đi chiếu phim tại các nước. Và bản thân ông, phải đi “thăm” bác sĩ vì bệnh viêm họng do thời tiết và di chuyên liên tục gần một tháng qua. Ông giải thích: “Tôi phải có sức khỏe để tháng 5 tới đây, đi lặn với anh em ngư dân ở Lý Sơn và Bình Châu”. Lý Sơn và Bình Châu thuộc tỉnh Quảng Ngãi là hai địa danh ông quay và dựng nên phim tài liệu có ý nghĩa này.

Bộ phim “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát” của ông André Menras Hồ Cương Quyết được khởi quay tại Quảng Ngãi từ tháng 6/2011 và dựng phim tại Đài Truyền hình TP.HCM. Ai đã từng biết tiếng đến ông Tây Việt cộng thì không lấy làm lạ với những việc làm của ông đối với Việt Nam. Ngày trước, ông là người dám treo cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng lên trước tòa nhà Quốc hội của Chính quyền Sài Gòn để phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam, rồi bị tù tội, ra tù lại đi đến 17 nước trên thế giới tố cáo cuộc chiến phi nghĩa đó.

Ngày nay, khi Việt Nam đã thống nhất hơn 35 năm, khi ông đã mang quốc tịch Việt Nam, trở thành người bạn quá đỗi thân quen của mảnh đất cong cong hình chữ S này, chính những “nỗi đau mất mát” của những bà vợ góa, những đứa trẻ mồ côi cha tại những ngôi làng nhỏ ở vùng ven biển Quảng Ngãi, đã khiến ông, một lần nữa, tiếp tục hành động. Ông làm phim với mục đích mang tiếng nói của những ngư dân nghèo Việt Nam ra với thế giới. PLVN đã có buổi trò chuyện với ông, sau khi ông đã trở về quê nhà.

Chúc mừng ông với chuyến đi xuyên Âu châu chiếu phim thành công?

Sau khi kinh qua 6 thành phố ở Pháp, tôi vừa kết thúc một vòng lưu diễn ở 5 thành phố: Berlin, Köln (Đức), Praha, Plzen (Cộng hòa Séc) và Warsaw (Ba Lan). Có thể nói đây là chuyến đi đầu tiên, mang tiếng nói của ngư dân Việt Nam đến các nước thành công ngoài mong đợi.

Tôi nhận được sự hỗ trợ hết sức nhiệt tình của các bạn gốc Việt sống tại ba quốc gia này từ việc tổ chức và tài trợ cho chuyến đi đến quảng bá giới thiệu một cách trang trọng, tình cảm. Toàn bộ tiền thu được từ những buổi chiếu phim có quyên góp này (khoảng 7.000 euro) sẽ dành để trao cho các gia đình ngư dân gặp nạn khi đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa Việt Nam vào khoảng tháng 5-6 tới.

Ông đưa phim đi chiếu với tư cách là Chủ tịch của ADEP hay là một đạo diễn làm phim tài liệu?

Ôi, sao phải có những cụm từ “xa xỉ” đến vậy. Tôi mang phim đi chiếu và nói cho dư luận biết với tư cách là một người Việt Nam, yêu Việt Nam, giản dị vậy thôi.

Mục đích của chuyến lưu diễn này, theo ông, chỉ mang tiếng nói của ngư dân Việt Nam ra với cộng đồng quốc tế?

Vấn đề biển Đông cần phải được quốc tế hóa, không thể chối cãi được, khi các quốc gia nhân danh “nước lớn” ra sức ức hiếp, thậm chí lấn chiếm một cách trắng trợn. Thế nên, chỉ có quốc tế hóa vấn đề biển Đông mới công bằng, cho cả nước lớn lẫn nước bé.

Có ba mục tiêu tôi hướng tới khi nỗ lực mang phim ra cộng đồng quốc tế. Trước hết, là phá tan bức tường im lặng liên quan đến ngư dân Việt Nam với quốc tế. Chính những người tổ chức đã khơi gợi được sự quan tâm và sự tham gia của hàng trăm người, đa số là người Việt, nhưng có cả người dân sở tại về chủ quyền biển Đông của Việt Nam. Tôi cho mục đích đó bước đầu đã đạt được.

Mục tiêu thứ hai là lập ra quỹ cứu trợ ngư dân, những nạn nhân trực tiếp lẫn gián tiếp của những cuộc gây hấn trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa. Mục tiêu này cũng đã đạt được như đã nói ở trên, quyên góp được 7.000 Euro, số tiền này sẽ được trao tận tay các nạn nhân.

Và cuối cùng là bước đầu nối kết một mặt trận quốc tế tích cực, độc lập và càng rộng càng tốt, nhằm bảo vệ ngư dân và khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của Công ước năm 1982 của Liên hiệp quốc về quyền biển. Điều này Chính phủ và Thủ tướng Việt Nam thời gian qua lên tiếng công khai mạnh mẽ về mặt ngoại giao rồi.

Điều gì khiến ông đặc biệt ấn tượng trong chuyến đi này?

Câu hỏi này tôi cũng đã trả lời với phóng viên tại Ba Lan, rằng, qua tiếp xúc với cộng đồng người Việt tại Đức, CH Séc, Ba Lan, tôi đã khám phá ra nhiều điều thú vị, nhưng vô cùng có ý nghĩa. Đó là có những người Việt, trong quá khứ, họ đã từng “đối đầu”nhau về quan điểm, cách nhìn nhận lịch sử. Nhưng tại buổi chiếu phim, họ lại ngồi chung một phòng, trao đổi cởi mở và rất văn hóa.

Họ cũng là những người nhiệt tình quyên góp với mục đích chung: khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam bằng hành động thiết thực ủng hộ ngư dân nghèo gặp nạn ở quê nhà. Với mục đích đó thì không có phân biệt ranh giới nào cả. Điều này, thật đáng quí bởi cũng có không ít người trong số những Việt kiều này là những công nhân nghèo, hoặc thất nghiệp. Đặc biệt, một số cán bộ sứ quán, với tư cách cá nhân, cũng tham gia và đóng góp và quỹ hỗ trợ này.

Ông có gặp khó khăn từ những phản đối của những người gốc Việt bất đồng quan điểm với Chính phủ tại các nước?

Hoàn toàn không, bởi cá nhân tôi và những người bạn gốc Việt một lòng hướng về Tổ quốc làm chủ được tình hình. Có lời đề nghị tôi có thể cắt đoạn trong phim nhắc về cuộc thảm sát Sơn Mỹ và thậm chí tại Paris có người đòi trưng cờ của Việt Nam Cộng hòa và nói nếu như họ có mặt ở Sài Gòn ngày tôi giương cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng thì họ đã bắn bỏ tôi rồi. (cười)

Tôi từ chối ngay lập tức việc chiếu phim với họ. Hướng về Việt Nam cũng là thông điệp mạnh mẽ mà tôi đã nhận được từ những cộng đồng hết sức đa dạng mà tôi vừa tiếp cận. Một lần nữa, tôi xúc động ghi nhận ở mỗi người Việt Nam tấm lòng yêu nước chung, ẩn hiện mỗi người một cách.

Cái tên Hồ Cương Quyết của ông được một người bạn tù đặt trong những ngày ông ngồi ở khám Chí Hòa?

Đúng, tên Việt Nam này do liệt sĩ Nguyễn Văn Quới đặt cho tôi trong khám Chí Hòa, tôi lấy làm tự hào vì được mang tên đó và gắn bó với nó suốt cuộc đời. Tôi luôn trân quí những gì mà lịch sử Việt Nam như một cách tình cờ đã gắn với cuộc đời tôi. Có thể nói tôi là cây với hai cội rễ, một ở Pháp và một ở Việt Nam.

Khó để nói một cách rõ ràng rằng, tình yêu dành cho Tổ quốc nào mạnh hơn. Với tôi, chỉ có duy nhất cuộc đấu tranh vì quyền con người, vì nền độc lập dân chủ, chủ quyền biển đảo của Việt Nam bằng tình yêu và sức mạnh của ý chí.

Kế hoạch sắp tới của ông với “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát”?

Trước mắt là tập trung làm “công tác tinh thần” với mẹ, nay đã gần 90 tuổi. Mẹ tôi có vẻ bị sốc sau đợt bị té vừa rồi, rất đáng tiếc và buồn. Sau đó là chuẩn bị để lên đường về Việt Nam để gặp gỡ và trao tiền hỗ trợ cho các gia đình ngư dân gặp nạn, những “diễn viên” bất đắc dĩ trong cuốn phim xúc động này với sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và đại diện của Hội nghề cá Việt Nam. Tôi muốn nói với những ngư dân Việt Nam đang bám biển khẳng định chủ quyền rằng, chúng tôi, những người yêu Việt Nam, luôn ở bên cạnh các bạn.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

N. H.

Nguồn: phapluatvn.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn