Nguy cơ thủy điện Sông Tranh 2 dưới mắt một chuyên gia ở Đà Nẵng

Huy Phương

clip_image002  

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng.

 

Một thời gian ngắn sau khi hoạt động, đập thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam đã có vết nứt. Hai bên chính quyền và các chuyên viên đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về lý do, giải pháp và trách nhiệm. Tính mạng, tài sản của người dân khu vực hạ lưu con đập này có bị ảnh hưởng hay không? Câu hỏi này một lần nữa cũng được chính quyền và giới chuyên viên nhận xét khác nhau.

Đập thủy điện Sông Tranh 2 do Tổng công ty EVN chủ trì xây dựng, đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng, lớn nhất miền trung Việt Nam, và có sức chứa gần 730 triệu mét khối nước. Con đập chính, nơi thoát nước chứa nhiều tổ máy phát điện, có chiều cao 96 mét, dài 640 mét là nơi phát hiện nhiều vết nứt quan trọng từ mấy tuần qua. Đập Sông Tranh khác với các đập khác của Việt Nam vì nó rất cao đối với miền Trung và nó ở trong vùng biết có động đất.

Gần đây, các ảnh chụp cho thấy hai chỗ nước chảy mạnh ở hai bên thân đập chính, và cách đó không xa, có vài vết nứt nước phun lên thành vòi cao hơn cả thước.

Có người thì cho rằng vụ này là do yếu kém ở bước thiết kế, có người lại nói ở bước thi công. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng của Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam, giải thích nguyên nhân:

“Thứ nhất, đập rất cao, loại bê-tông đầm lăn, giữa đập có những cái khe nhiệt để bê tông giản nỡ, dựa trên những hình ảnh chụp được trong hành lang cho thấy có những vết nứt không phải theo khe nhiệt mà nứt theo dạng bê tông bình thường, rồi nước ở dưới phun lên. Ở hạ lưu cũng có vài chỗ nứt. Một lý do nữa, tôi nghĩ do động đất rung lắc, làm lún sụt, làm hỏng miếng đồng chắn nước ở khe nhiệt. Hoặc trong quá trình thi công người ta lắp đặt không đúng thiết kế”.

clip_image003

Nước thấm vừa chảy trong ống thu gom nước thấm, vừa chảy luồn trong thân đập mép ngoài ống thu này, chảy về hạ lưu bên ở phía tường bên trái của tràn xã lũ. Courtesy of Tuấn Vũ

Giáo sư  Nguyễn Thế Hùng cho biết tính tới nay, nhà chức trách vẫn xử lý theo cách cổ điển, gom nước thấm vào các đường ống dẫn cho ra hạ lưu và bắt thêm những ống nhựa.

Theo kỹ sư Lê Quốc Trinh ở Canada, phương pháp dùng máy khoan đục lỗ tròn để chận vết nứt lan ra thêm, như nhà chức trách đang dùng hiện nay, có lẽ không mấy hiệu nghiệm, vì đập thủy điện là một khối bê tông cốt sắt dày cả chục thước, rất khó để khoan xuyên qua bề dày đó để làm giảm độ căng của nó.

Về giải pháp sửa chữa, Kỹ sư Lê Quốc Trinh đề nghị cho thợ lặn mang đủ thiết bị an toàn và dụng cụ hiện đại, lặn sâu bên trong hồ nước rồi trám ngay những vết nứt phía thượng lưu, nếu phát hiện được.

Còn theo Giáo sư  Nguyễn Thế Hùng, giải pháp hợp lý là:

“Nhà nước cần đứng ra thành lập nhóm chuyên gia đa ngành và độc lập, đa lãnh vực liên quan đến đập bê tông đầm lăn. Chuyên viên về động đất, địa chất, kết cấu đập, thủy lực, chuyên gia thi công và xử lý đập. Họ sẽ xem xét và kiến nghị như thế nào, giống như hội chẩn khi khám bệnh vậy.

Các biện pháp của họ có thể là hạ nhanh mực nước hồ hoặc hạ với tốc độ cho lưu lượng qua tua-bin để phát điện như thế này có được chưa. Sau đó, có thể là khoan để tìm hiểu những vết nứt bên trong, rồi phun những loại vữa bê-tông hiện đại.

Chứ còn làm như cách mà ban quản lý thủy điện đã làm vừa qua thì không đảm bảo được sự bền vững của đập và rất nguy hiểm, không biết có thể vỡ hay không, thậm chí nếu không vỡ mà chỉ nứt thôi thì sau này tuổi thọ của nó rất giảm. Hoặc có thể nó đột ngột hư hỏng thì rất nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của dân chúng ở hạ lưu”.

Về phía chính quyền, một đoàn kiểm tra của cục Giám định nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng cho rằng đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn đảm bảo an toàn, kể cả sau khi có một số trận động đất kích thích trong thời gian vừa qua. Và hôm 28 tháng 3, Thứ trưởng bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng tuyên bố sẵn sàng chịu trách nhiệm khi nói thủy điện Sông Tranh 2 an toàn. Giáo sư  Nguyễn Thế Hùng nhận xét về lời tuyên bố này:

“Ông này có lẽ không chuyên môn, bởi vì giới lãnh đạo thông thường phải được đào tạo bài bản, chuyên môn về cái đó thì họ phát biểu mới đúng, nếu không thì cũng như người bình thường phát biểu thôi, giống như bệnh mà chỉ uống thuốc an thần, do đó nó không thuyết phục lắm”.

Vấn đề kế tiếp là liệu có nên yêu cầu người dân sơ tán hay không. Kỹ sư Lê Quốc Trinh đề nghị nếu các chuyên gia Việt Nam đánh giá sự cố nghiêm trọng, thì nhà nước nên ban hành lệnh sơ tán khẩn cấp những làng mạc, huyện xã và hộ dân dưới hạ lưu và nằm trong vòng ảnh hưởng, để tránh tổn thất nhân mạng khi đại hoạ xảy ra.

Còn Giáo sư  Nguyễn Thế Hùng muốn có một phương án ứng phó:

“Trước hết nếu vỡ đập thì luồng nước sẽ đi qua những vùng dân cư đông đúc, mình phải họp người dân và chính quyền địa phương và chính quyền tỉnh Quảng Nam để xem nếu vỡ thì sẽ ngập ở vùng nào và sẽ gây hậu quả gì để có phương pháp ứng phó. Tóm lại là phải có kịch bản. Tất cả những nước tiên tiến sau những công trình quan trọng bao giờ người ta cũng đưa ra những kịch bản để xây dựng nhà cửa của người dân ở hạ lưu như thế nào, khi xảy ra hư hỏng thì phải giải quyết như thế nào”.

Cho tới giờ này vẫn chưa có kết luận rõ ràng chính thức về các vết nứt của thủy điện Sông Tranh 2, do đó vẫn chưa thể quy trách nhiệm. Bên cạnh đó là vấn đề thiếu thông tin nên người dân dễ hoang mang:

“Đối với an toàn kỹ thuật là phải minh bạch. Đầu tiên ban quản lý đập phải trình lên cấp trên. Nếu thẩm quyền cấp trên làm ngơ, không chịu theo một trình tự khẩn trương để xử lý, không chịu phối hợp để đưa ra phương án ứng phó để giảm nhẹ rủi ro xảy ra thì người ta sẽ căn cứ vào đó để buộc tội, các nước tiên tiến người ta làm như thế, còn nước Việt Nam có nhiều cái khác lắm”.

Trước tình trạng phía chính quyền thì nói chưa sao, phía chuyên viên thì lo âu, đâu là nhận thức đúng đắn?

“Vấn đề là phải có một hội đồng chuyên gia đa ngành, đa lãnh vực. Đứng về mặt chuyên gia như tôi, tôi thấy đây là chuyện nguy hiểm, bởi vì khi thiết kế đập không ai cho nước thấm cục bộ nhiều như vậy, và khi có nứt như vậy phải có biện pháp ứng phó theo một quy trình rất nghiêm ngặt, không ai làm kiểu này, nhưng bởi vì Việt Nam có nhiều cái lạ. Bây giờ ông làm chính trị cũng nhảy qua nói chuyên môn, ông làm chuyên môn lại đi nói chính trị loạn xà bần như thế, nó không ra cái thể thống gì.

Như vậy người dân rất hoang mang, không biết ông này đúng hay sai. Điều cần nhất bây giờ là phải có một hội đồng độc lập trong đó có các chuyên gia giỏi, ví dụ được Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật giới thiệu chẳng hạn, kế đó là quan sát, chẩn đoán, đưa ra biện pháp một cách công khai thì mới có ý nghĩa, chứ còn nói kiểu này giống như trống đánh xuôi kèn thổi ngược, người dân người ta hoang mang là đúng rồi”.

H.P.

Nguồn: voanews.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn