Đóng góp của doanh nghiệp nhà nước chỉ ở mức trung bình và tiêu cực

Việt Anh

clip_image002

Riêng trong năm 2010, tập đoàn điện lực Việt Nam EVN lỗ hơn 10.000 tỉ đồng. 

 

SGTT.VN - Hôm nay (13.4), tại Hà Nội, phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và ngân hàng Thế giới, sứ quán Ireland tổ chức công bố khảo sát “Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt – CAMS 2011”.

Nội dung của khảo sát tập trung vào các vấn đề: Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường; Quyết định giá cả (do Nhà nước hay theo thị trường); Cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN); Cải thiện tính minh bạch và khả năng tiếp cận và Cảm nhận về tình hình kinh tế.

70% không hài lòng doanh nghiệp nhà nước

Đánh giá về mức độ đóng góp của các DNNN lớn như các tập đoàn và tổng công ty cho nền kinh tế, đại diện của các cơ quan Đảng và Quốc hội có cái nhìn tích cực hơn so với các nhóm khác. Đó là điều đáng suy nghĩ dù với lý do gì, báo cáo nhận định.

Trong khi đó, đa số người dân tham gia khảo sát thể hiện rõ sự không hài lòng về mức độ đóng góp của các tập đoàn và tổng công ty cho nền kinh tế, với tổng cộng 70% đánh giá ở “mức trung bình và tiêu cực”.

Những cơ quan như Quốc hội và UBND, các sở ngành cấp tỉnh có vai trò rất lớn trong việc quản lý Nhà nước đối với DNNN, cũng như kiểm tra tài sản của Nhà nước mà các doanh nghiệp này sử dụng. Vì vậy, nhóm nghiên cứu nhận xét, nếu các cơ quan này không đánh giá đúng mức hoặc đòi hỏi cao hơn, nghiêm khắc hơn về đóng góp của các DNNN cho nền kinh tế, thì việc cải thiện điều này sẽ hoàn toàn không dễ dàng. Và hệ quả là nền kinh tế Việt Nam sẽ khó cải thiện tính hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Các đại diện của Quốc hội và cơ quan Đảng ở Trung ương cũng là nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất trong đánh giá quá trình chuyển đổi DNNN trong năm năm qua là “không nhanh cũng không chậm”. Điều đó chứng tỏ hai nhóm này đã hài lòng, không thấy cần phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp, khảo sát của VCCI cho thấy.

Theo các chuyên gia, trong khi các con số chính thức đều cho thấy năm năm qua, các chỉ tiêu cổ phần hoá DNNN của Việt Nam đều đạt rất thấp, cả về lượng DNNN được cổ phần hoá và số vốn trong DNNN được chuyển sở hữu.

Dù số lượng DNNN đã giảm đáng kể so với trước và chỉ còn một con số rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam, khoảng 1.300/600.000, nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ mức độ sở hữu rất lớn trong khu vực doanh nghiệp. Và hệ quả tất yếu là sở hữu của tư nhân bị hạn chế, việc tiếp cận các nguồn lực của khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn, do đó sự phát triển của khu vực này chắc chắn không thể đạt như mong muốn. Đây là điều rất đáng tiếc, khi mà ở Việt Nam đã có sự thừa nhận rộng rãi, kể cả trong khu vực Nhà nước, về tính ưu việt của sở hữu tư nhân so với sở hữu Nhà nước.

Cũng theo các chuyên gia, thực tế tốc độ cổ phần hoá và số doanh nghiệp cổ phần hoá trong những năm qua có xu hướng giảm dần một cách rõ nét so với giai đoạn trước. Báo cáo Phát triển Việt Nam 2012 do WB thực hiện cho thấy, số lượng DNNN giảm nhanh chóng trong giai đoạn 2002 – 2005 và giảm chậm hơn trong giai đoạn 2005 – 2008. Năm 2009, xu hướng thậm chí đảo ngược khi có thêm 175 DNNN mới được thành lập ở cấp Trung ương.

Chưa nhận rõ vai trò của thị trường

Cuộc khảo sát này được tiến hành từ tháng 8 đến tháng 10.2011. Hơn 1.000 người thuộc tất cả các đối tượng trên cả nước, từ quan chức, viên chức Chính phủ, bộ ngành, địa phương, cơ quan Đảng, Quốc hội, người nước ngoài làm việc ở các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân trong nước và FDI, báo chí, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội …đã tham gia cuộc khảo sát.

Theo các chuyên gia, do thực tế Nhà nước còn trực tiếp tham gia hoặc can thiệp vào rất nhiều hoạt động kinh doanh, quyết định giá cả của nhiều mặt hàng lớn, nên người dân nhìn nhận không rõ vai trò của thị trường. Người dân tin rằng khi can thiệp vào giá cả, Nhà nước có thể bảo vệ cho mình khỏi những bất lợi do biến động thị trường. Mặt khác, với hệ thống thông tin còn kém minh bạch hiện nay, phần lớn người dân cũng không có nhiều thông tin để biết được nguyên nhân cốt lõi của những biến động thị trường gây bất lợi cho họ là từ đâu. Trong khi số lớn các quan chức Nhà nước và truyền thông thường che giấu những khiếm khuyết của Nhà nước và DNNN trong các hoạt động kinh doanh và đổ trách nhiệm cho thị trường về những biến động tiêu cực.

Đáng chú ý, khảo sát cũng cho thấy rõ, nhận thức của người Việt về chức năng và vai trò của Nhà nước và thị trường trong kinh tế thị trường còn hạn chế, mù mờ, thậm chí méo mó, đặc biệt là những người làm việc trong khu vực Nhà nước.

Cả năm nhóm nghề nghiệp ủng hộ cao nhất sự can thiệp của Nhà nước vào giá cả đều đến từ các cơ quan Nhà nước và DNNN, trong đó dẫn đầu là những người đến từ các cơ quan Đảng của Trung ương, Quốc hội, với tỷ lệ ủng hộ tới mức áp đảo 87% và 78%. Trong khi một trong những đặc điểm quan trọng của kinh tế thị trường là giá cả được quyết định bởi quan hệ cung cầu và cạnh tranh thị trường.

Từ đó, nhóm nghiên cứu khẳng định, cảm nhận của người dân phản ánh rất rõ tình trạng “tranh tối tranh sáng” giữa kinh tế thị trường và kinh tế tập trung ở Việt Nam. Phần lớn nhận thức của người dân cho rằng đến nay Việt Nam vẫn chưa thực sự có nền kinh tế thị trường, dù đã tiến hành công cuộc đổi mới trong suốt 25 năm qua. Chỉ có 25% số người được hỏi nói rằng kinh tế Việt Nam hiện cơ bản là kinh tế thị trường, còn 60% chỉ đồng ý một phần với nhận định đó. Trong khi đó, có đến 87% đồng tình kinh tế thị trường là mô hình ưu việt hơn các mô hình khác.

Về tình hình kinh tế hiện tại, có 41% không hài lòng. Thậm chí các DNNN có mức không hài lòng đến 45%, cao nhất trong nhóm doanh nghiệp. Tuy nhiên, 67% cho rằng tình hình sẽ tốt hơn, cuộc sống ở tương lai sẽ tốt hơn hiện tại.

V. A,

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn