Tên cướp đỏ

Tiến sĩ Ralf Berhorst

Phan Ba dịch từ chuyên san lịch sử "Trung Quốc của Mao Trạch Đông" do GEO EPOCHE xuất bản.

Phần 2

clip_image002

 

Bắc Kinh, vào khoảng năm 1900 đã có hơn một triệu người sống trong thủ đô của Trung Quốc. Ảnh: GEO EPOCHE

 
   

Nằm cách không xa các giảng đường là Quốc hội mới, cơ quan các Bộ cũng như "Tử Cấm Thành" mà hoàng đế trẻ con Phổ Nghi đã thoái vị vẫn còn sống ở sau những bức tường của nó, có hàng trăm thái giám ở xung quanh. Trong năm cách mạng 1912, lãnh tụ quân đội bảo thủ Viên Thế Khải đã trở thành Tổng thống Trung Quốc. Năm 1913, khi đảng dân tộc của Tôn Dật Tiên, Quốc Dân Đảng, thắng lớn trong các cuộc bầu cử tự do đầu tiên, Viên cấm tổ chức đó hoạt động, đẩy Tôn đi lưu vong và giải tán Quốc hội. Năm 1916, Viên qua đời, người trước đó còn tuyên bố mình là hoàng đế của một triều đại mới. Tổng thống mới của Trung Quốc tập họp lại Quốc hội đã được bầu.

Tháng 6 năm 1917, một tướng lĩnh trung thành với hoàng đế làm đảo chính và lại đưa Phổ Nghi lên. Thế nhưng hai tuần sau đấy, các tướng lĩnh khác hành quân về Bắc Kinh và chấm dứt chế độ quân chủ vĩnh viễn. Nền cộng hòa được cứu thoát.

Nhưng kể từ lúc đấy, Trung Quốc chỉ có một chính phủ trung ương yếu ớt và tham nhũng, các tư lệnh quân đội tiếm quyền ở nhiều vùng trong nước.

Ở cuối "Tử Cấm Thành" về phía Nam, ở "Thiên An Môn", có một công viên mà sinh viên thảo luận ở đấy về tình trạng của đất nước.

Bắc Kinh là thành phố triệu dân. Ô tô chạy trên những đại lộ có từ nhiều thế kỷ, 20.000 xe kéo làm nghẽn đường phố, và có cả những đoàn lạc đà đi buôn cũng đi xuyên qua thành phố.

Mao phấn khởi. "Bắc Kinh là một cái nồi nung chảy hòa hợp tất cả mà ở trong đó người ta chắc chắn sẽ bị biến đổi", ông ấy viết sau khi đến. Ông thường hay đi lang thang qua các khu vườn của hoàng đế, những cái vừa được mở cửa cho người dân, và xúc động vì vẻ đẹp của chúng: "Trong các khu vườn, tôi nhìn mùa Xuân miền Bắc mới bắt đầu, nhìn thấy hoa mận trắng, trong khi băng trên hồ Bắc vẫn còn rắn. Tôi nhìn thấy những cánh đồng bị phủ đầy tinh thể băng như hàng chục nghìn cây mận đang nở hoa".

Ông sống trong một khu phố tồi tàn ở phía Tây của Cấm Thành. Ông chia sẻ một căn hộ – và giường ngủ – cùng với bảy sinh viên khác. Họ ngủ trên một cái bục bằng gạch có phủ nỉ, có thể sưởi ấm được. Vì thiếu tiền để mua than nên những người đàn ông trẻ tuổi nằm sát vào nhau: "Thường tôi phải báo trước với người ngủ ở hai bên mỗi khi tôi muốn trở mình", Mao nhớ lại sau này.

Trong thời gian ở Bắc Kinh, ông thường xuyên đọc tờ "Tuổi Trẻ Mới", tạp chí hiện đại nhất của đất nước. Học giả của trường đại học viết ở trong đấy về Thuyết Tương đối, Chủ nghĩa Hòa bình, giải phóng phụ nữ và cuộc Cách mạng Tháng Mười. Mao cũng công bố một trong những bài viết đầu tiên của mình ở đấy: "Luyện tập thân thể".

"Quốc gia của chúng ta thiếu sức mạnh", ông viết. "Nếu thân thể của chúng ta không khỏe mạnh, chúng ta sẽ run rẩy trước những người lính của đối phương. Vậy thì làm sao chúng ta có thể đạt được những mục đích của chúng ta?".

 

clip_image004

 

Mao có ba người con trai với Dương Khai Tuệ. Bà ấy bị đối thủ của ông xử tử. Ảnh: GEO EPOCHE

Thế nhưng dù ông có cố gắng kết bạn với các tác giả của tờ "Tuổi Trẻ Mới" cho đến đâu đi chăng nữa – giới trí thức không hề để ý đến con người phụ việc trong thư viện đấy; một sự xúc phạm mà hàng chục năm sau này ông vẫn còn nhớ đến: "Đối với phần lớn bọn họ, tôi không phải là một con người".

Ông không hạnh phúc ở Bắc Kinh. Cũng vì ông đã yêu cô con gái xinh đẹp của người đỡ đầu mình.

Dương Khai Tuệ trẻ hơn ông tám tuổi, một người phụ nữ đẹp được giáo dục theo lối phương Tây, nhạy cảm và hùng biện, người được nhiều học trò của cha cô hâm mộ. Khai Tuệ khước từ các tập tục cưới hỏi cổ xưa, nhưng có những yêu cầu cao về tình yêu: "Thà chẳng có gì khi không toàn hảo", là châm ngôn của cô. Cô làm ngơ trước sự theo đuổi của Mao, có lẽ là cô ấy nghi ngờ sự thật tình của ông ấy.

Mùa Xuân năm 1919, Mao thất vọng quay về Trường Sa. Ở đấy, ông tìm được việc làm là thầy giáo dạy Sử – và vì thế mà thêm một lần nữa lại bỏ lỡ mất một sự kiện lịch sử.

VÌ VÀO CHIỀU ngày 4 tháng 5 năm 1919, 3000 sinh viên ở Bắc Kinh đã đổ về "quảng trường Thiên An Môn" trước Cấm Thành. Đó hẳn là cuộc biểu tình lớn đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Ngay trước đó, người trong thành phố vừa mới biết được về một quyết định của Hội nghị Hòa bình Versailles: các thế lực chiến thắng của Đệ nhất Thế chiến đã thỏa thuận không giao phần nguyên là tô giới của Đức trên bán đảo Sơn Đông ở cạnh Hoàng Hải trở về cho Trung Quốc. Triều đại hoàng đế cuối cùng đã phải cho Đức thuê dãy đất đó năm 1898.

Những người sinh viên tức giận: đó là phần thưởng cho việc Trung Quốc tuyên chiến với Đế chế Đức năm 1917 hay sao? Tuy Bắc Kinh không gửi người lính nào sang các chiến trường châu Âu, nhưng thay vào đấy là gần 100.000 người làm công nhật, những người đã đi lấy xác chết, đào hầm hố, tháo đạn dược, xây trại lính và bệnh viện. Ngược lại, Trung Quốc đã nhận được từ đối thủ của Đức trong chiến tranh, nước Nhật, khoản tiền cho vay tổng cộng là 145 triệu Yen.

Bây giờ, khi chiến tranh đã chấm dứt, người Nhật đòi vùng đất mang tầm quan trọng về chiến lược đó về cho họ: như một phần thưởng cho sự giúp đỡ trong chiến tranh của họ, họ muốn đóng quân lính riêng của họ ở Sơn Đông và giữ lấy toàn bộ thu nhập của một tuyến đường sắt sẽ được xây xuyên qua bán đảo.

Mãi khi đến Versailles, thành viên của phái đoàn Trung Quốc mới biết rằng người Anh, người Pháp và người Ý ủng hộ người Nhật.

 

clip_image006

 

Năm 1919, trên quảng trường Thiên An Môn đã liên tục có nhiều cuộc biểu tình: chống Nhật và chống chính sách của chính phủ. Ảnh: GEO EPOCHE

 

Còn gây sốc hơn nữa là phát giác, rằng ngay trước khi đình chiến, một chính phủ Trung Quốc trước đây đã nhận hối lộ để bí mật bảo đảm rằng lời yêu cầu đấy sẽ được chấp thuận. Vì hiệp định đấy có hiệu lực về mặt pháp lý nên cuối cùng rồi Hoa Kỳ cũng đồng ý. Các thành viên của phái đoàn Trung Quốc bất lực và vắng mặt trong lúc ký kết để phản đối.

Căm phẫn vì sự phản bội của phe Đồng minh và tức giận chính phủ của chính mình, nhiều người xuống đường cả trong các thành phố khác. Sinh viên, công nhân và thương gia kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật.

Ở Bắc Kinh, số đông đã thông qua một bản tuyên ngôn do một lãnh tụ sinh viên xướng lên: "Ngày hôm nay, chúng tôi thề với tất cả đồng bào của chúng tôi hai lời thề trang nghiêm: Lãnh thổ Trung Quốc có thể bị xâm chiến, nhưng không thể bị từ bỏ. Thứ nhì: Dân nhân Trung Quốc có thể bị thảm sát, nhưng không bao giờ đầu hàng".

Rồi những người biểu tình kéo đến nhà của một trong số các Bộ trưởng tham nhũng và bị căm ghét, xông vào nhà và phóng hỏa nó. Chính trị gia này bỏ trốn – nhưng trong lúc ẩu đả với cảnh sát đã có một sinh viên bị thiệt mạng.

NGÀY THÁNG CỦA NHỮNG CUỘC PHẢN ĐỐI, ngày 4 tháng 5 năm 1919, đã trở thành tên và biểu tượng của một phong trào nhanh chóng lan ra khắp nước. Bây giờ, đối với nhiều nhà trí thức Trung Quốc, các giá trị phương Tây lại mang vẻ đáng ngờ, họ kêu gọi hãy quay trở lại với quốc gia của họ.

Cả Mao cũng chia sẻ sự căm phẫn của những người phản đối. Và lần này thì ông ấy không rút lui vào trong thế giới của những quyển sách.

Ông thành lập một tờ tuần báo, để cung cấp thông tin cho người dân trong tỉnh quê hương của ông ấy về những sự kiện ở Bắc Kinh cách đó hơn 1300 kilômét và truyền cho họ sự phấn khởi về cuộc biến đổi chính trị – "phần đóng góp để giải phóng nhân loại" của ông ấy, như ông gọi nó về sau này.

clip_image008

Công nhân và thành viên công đoàn ở Thượng Hải, nơi những người Cộng sản hoạt động mạnh nhất. Ảnh: GEO EPOCHE

Mao tin rằng chỉ một liên minh từ nông dân, công nhân, sinh viên và giáo viên mới có thể ép buộc được một sự cải mới dân chủ. Ông từ chối dùng bạo lực để lật đổ, như người Bolshevik ở Nga đã tiến hành. Ông vẫn còn là một người có tư tưởng tự do và vô chính phủ, nhưng không phải là một người cộng sản.

2000 bản của số phát hành đầu tiên được bán sạch trong một ngày. Tại số sau đó, Mao cho in 5000 bản.

Chỉ sau bốn số, thống đốc quân đội, người cầm quyền ở Hồ Nam, đã cấm tờ báo.

Mao không tuân theo. Ông ấy có nhớ lại những lần xung đột với cha ông ấy không? Ngay lập tức, ông bắt đầu làm biên tập viên cho một tạp chí phê phán khác. Nhưng tờ tạp chí này cũng bị cấm chỉ sau một số dưới sự lãnh đạo của ông ấy. Từ đấy, Mao công bố các bài viết của mình trên tờ nhật báo lớn nhất của Trường Sa.

Khi một người phụ nữ trẻ tuổi tự tử trong chiếc kiệu đón dâu của mình, Mao đã viết một loạt bài chống lại hôn nhân cưỡng ép. Người con trai nông dân đấy, người mà ngày xưa cũng đã bị ép buộc cưới vợ, bây giờ yêu cầu rằng phụ nữ Trung Quốc phải được phép tự chọn lấy người bạn đời của mình.

Lần đầu tiên, Mao cũng chứng tỏ tài khéo léo của một nhà hoạt động chính trị: trong tháng 12 năm 1919, ông tổ chức một cuộc đình công chống nhà cầm quyền Trường Sa (tuy vậy, không phải những cuộc chống đối của ông ấy mà là sự kình địch với các tư lệnh khác cuối cùng đã khiến cho vị tướng lĩnh đó phải bỏ chạy). Một thống đốc mới nắm lấy quyền lực, người cùng với nhiều doanh nhân khá giả đấu tranh cho một tỉnh Hồ Nam độc lập. Vì Trung Quốc chìm trong hỗn loạn nên trong nhiều vùng đất ngày càng có nhiều nạn nhân của những nhà cai trị quân đội. Kể từ năm 1913, chỉ riêng trong Hồ Nam đã có hàng chục nghìn người chết qua các cuộc chiến của các viên tư lệnh.

Mao cũng ủng hộ phong trào độc lập. Nhiều khả năng hoàn toàn mới mở ra cho ông trong Trường Sa: ông trở thành Hiệu trưởng của một trường học, thành lập "Cộng đồng sách văn hóa", cái tạo khả năng cho con người tiếp cận với sách, luận thuyết và báo chí. Bây giờ, ông ấy có một cuộc sống gần như trung lưu. Thời gian này, Dương Khai Tuệ cũng đã ưng thuận ông. Sau khi thành hôn, họ sống trong một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố, chẳng bao lâu nữa, đứa con trai đầu của ba người con trai sẽ được sinh ra đời.

(Còn tiếp)

R.B.

Phan Ba dịch

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn