Thuế và hệ lụy

BÙI VĂN BỒNG

Tôi về thăm quê ở Thanh Hóa, bà con nông dân than: “Khổ lắm chú ơi, cảnh làm nhà nông bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đủ ăn là may. Nay phải gánh thêm một mối lo nữa là thuế và các khoản thu của dân. Gọi là mang tiếng được miễn thuế nông nghiệp nhưng có thấm vào đâu. Được miễn thuế này thì lại đẻ ra thứ thu khác. Thế thì cũng như không”.

Bà con ta nói đúng. Hiện nay, tính ra ở làng xã, nông dân phải lo đến mười mấy thứ khoản đóng góp gọi là phụ thu. Còn ở đô thị, những người buôn thúng bán bưng cũng phải tăng tiền nộp thuế vì chiến dịch “chống thất thu” của địa phương.

Đóng thuế vừa là quyền lợi được đóng góp cho sự phát triển phồn vinh của đất nước, vừa là nghĩa vụ của mỗi công dân. Nói cho đúng, đóng thuế là trách nhiệm của người dân đối với sự phát triển và tồn tại của đất nước, chứ không phải là nghĩa vụ. Còn Chính phủ, các cấp chính quyền và các cơ quan Nhà nước sử dụng tiền thuế do dân đóng góp để điều hành công việc quản trị đất nước nên mới là có nghĩa vụ. Đã là nghĩa vụ thì phải làm có trách nhiệm cao, trung thực và hết lòng phụng sự chung cho xã hội.

Theo ADB indicator 2010, tỉ lệ động viên thu vào ngân sách Nhà nước ở Việt Nam tính toán từ thuế, phí và lệ phí rất cao so với các nước trong khu vực và thế giới.

Chỉ lấy ví dụ một chiếc xe là phương tiện giao thông cá nhân tối thiểu thôi, người Việt Nam đã phải chịu tới khoảng 9 loại thuế và phí khác nhau theo kiểu phí chồng phí. Cụ thể, đã có thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào hàng xa xỉ để hạn chế tiêu dùng, nay lại chuẩn bị ban hành phí cũng với mục tiêu hạn chế xe lưu thông trên đường nhằm chống ùn tắc giao thông; đã có hàng tá trạm thu phí giao thông đường bộ khiến dân chúng ta thán không ngớt chưa giải quyết xong lại thêm phí bảo trì đường bộ, chưa kể loại phí này còn gián thu qua xăng dầu.

Vì thế, trong việc đặt ra chính sách thuế, áp dụng thuế, mức thuế, thu và quản thuế phải chú trọng đến các sắc thuế đều cần thỏa mãn ba nguyên tắc chung sau đây:

1 - Trung lập: Sắc thuế không được bóp méo các hoạt động sản xuất, dẫn tới phúc lợi xã hội (tổng hiệu dụng) của nền kinh tế bị giảm đi.

2 - Đơn giản: Việc thiết kế sắc thuế và tiến hành trưng thu thuế phải không phức tạp, tốn kém.

3 - Công bằng: Sắc thuế phải đánh cùng một tỉ lệ vào các công dân có điều kiện như nhau. Giữa các công dân có điều kiện khác nhau thì thuế suất cũng cần khác nhau (vì thông thường người có điều kiện tốt hơn có xu hướng tiêu dùng hàng hóa công cộng nhiều hơn).

Thuế là sự thể hiện bản chất, mô thức, tính ưu việt và chất lượng vận hành nền kinh tế - xã hội của một chế độ chính trị. Vì vậy, cần phải được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, có chính sách đúng, nhạy bén, cập nhật giá tiền tệ và các nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội. Mọi biểu hiện buông lỏng hoặc tùy tiện trong việc đề ra các chính sách, quy định và quản lý thuế đều là những sai lầm gây hậu họa lớn cho toàn xã hội, kìm hãm sự phát triển của đất nước.

B.V.B.

Nguồn: nld.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn