Trận đấu tay đôi vì Trung Quốc (phần 1)

1946 – 1949: nội chiến

Johannes Schneider

Phan Ba dịch từ chuyên san lịch sử "Trung Quốc của Mao Trạch Đông" do GEO EPOCHE xuất bản

clip_image002Người Quốc gia và người Cộng sản tranh giành quyền lực từ năm 1927 – chỉ lần người Nhật tiến vào là đã có thể bắt buộc họ liên kết lại với nhau. Sau Đệ nhị thế chiến, mối kình địch của các địch thủ ngày xưa lại bùng nổ ra.

Trước khi bay đến thành phố của kẻ tử thù Tưởng Giới Thạch của mình, Mao đứng cho chụp ảnh, ông ấy cười mỉm: người lãnh tụ của ĐCS Trung Quốc cố che đậy sự sợ hãi của mình.

Mao đã ngần ngừ cả một thời gian dài, đã từ chối lời mời của Tưởng Giới Thạch, thế nhưng cuối cùng, sau bức điện tín thứ ba, ông ấy cũng nhượng bộ và nhận lời.

"Người em của anh đang chuẩn bị để đến càng sớm càng tốt", ông ấy trả lời Tưởng với sự lịch sự truyền thống ở Viễn Đông. Ông phải bay về Trùng Khánh – vào trung tâm quyền lực của Quốc Dân Đảng của Tưởng.

Bây giờ, vào ngày 28 tháng 8 năm 1945, ngay trước khi khởi hành, Mao đang hồi hộp. Ông ôm chầm lấy đứa con gái bé nhỏ của mình, hôn vợ từ giã. Ông cần phải vượt khoảng cách tròn 800 kilômét từ Diên An ở giữa Trung Quốc, căn cứ chính của những người Cộng sản, về đến Trùng Khánh nằm ở phía Nam bằng một chiếc máy bay cánh quạt mà Tưởng đã gửi đến cho ông.

Nhưng Mao, 51 tuổi, chưa từng bao giờ bay. Ông không tin vào kỹ thuật đấy, sợ rằng máy bay có thể bị phá hoại trước. Vì thế nên ông khăng khăng đòi Patrick Hurley, đại sứ Hoa Kỳ ở Trung Quốc, đi cùng với ông trong chuyến đi này. Người Mỹ là đồng minh của Tưởng. Có Hurley bay cùng, Mao cảm thấy yên tâm hơn.

Trên không, ông cố tìm cách sao lãng, viết một bài thơ. Và thật sự thì chuyến bay diễn ra bình an vô sự, và sau một vài giờ, Mao đã nhìn thấy dãy núi quanh Trùng Khánh.

Trên sân bay, một phái đoàn của Tưởng đón tiếp ông. Hurley giới thiệu nhiều đại diện của chính phủ Quốc Dân Đảng cho Mao; người lãnh đạo ĐCS bắt tay, lại cười. Các nhà báo muốn biết ông nghĩ gì về máy bay. Mao ra vẻ từng trải: "Rất hiệu quả."

Hẳn là không có quốc gia nào chăm chú theo dõi cuộc gặp gỡ giữa Mao và Tưởng như Hoa Kỳ – vì người Mỹ muốn có một Trung Quốc thống nhất là đồng minh ở châu Á.

Lần cuối cùng mà Mao ở trong một thành phố lớn như Trùng Khánh cách đây đã lâu rồi. Ở Diên An ông ấy sống trong một hang động qua những năm vừa rồi; bây giờ Hurley chở ông trên một chiếc Cadillac đến một ngôi nhà đầy tiện nghi.

Ngay sau đấy, hai đối thủ đứng đối diện nhau trong buổi ăn tối. Tưởng – khổ hạnh, gầy, đầu cạo trọc – mặc một bộ quân phục không chê vào đâu được; Mao mặc một chiếc áo khoác nhăn nheo. Từ 20 năm nay, đó là lần đầu tiên mà hai người đàn ông này nhìn vào mắt nhau.

Vào cuối buổi gặp gỡ, Mao nâng ly chúc người chủ nhà, gọi to: "Tưởng Giới Thạch muôn năm!"

Người đàn ông, người mà ông Chủ tịch uống để chúc tụng sức khỏe, đã săn lùng những người Cộng sản của ông ấy xuyên qua khắp cả đất nước. Ông ấy đã cho giết chết hàng chục ngàn người theo Mao. Từ khi Tưởng được bầu làm lãnh tụ của Trung Quốc Quốc Dân Đảng năm 1925, ông không theo đuổi một mục đích nào kiên trì nhiều năm hơn là tiêu diệt Đảng Cộng sản.

Nhưng bây giờ Mao và Tưởng tỏ ra thống nhất, cười, nâng ly chúc tụng nhau, đưa tay ra cho nhau. Nhưng đó không phải là một sự thay đổi ý kiến, cái mang họ lại với nhau, không phải niềm mong muốn có hòa bình. Mà là áp lực từ bên ngoài.

Đã một lần, tám năm trước đó, cả hai đối thủ này đã bắt buộc phải liên kết lại với nhau. Liên minh thời đó chỉ tồn tại được một thời gian ngắn.

THÁNG 12 NĂM 1936. Trong Quốc Dân Đảng, những lời yêu cầu người đàn ông đầy quyền lực của Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch, hãy đánh đuổi người Nhật ra khỏi đất nước, ngày càng to tiếng hơn.

clip_image004

Tưởng Giới Thạch, sếp của Quốc Dân Đảng, từ 1928 là nhà lãnh đạo quân đội nhiều quyền lực nhất của Trung Quốc. Hoa Kỳ dựa vào ông ấy, giúp đỡ quân đội của ông ấy bằng tiền và vũ khí. Ảnh: GEO EPOCHE

Từ năm 1931, đảo quốc đấy chiếm giữ Mãn Châu, một vùng đất ở miền Đông Bắc của Trung Quốc. Năm 1932, người Nhật lập một chính phủ bù nhìn ở đấy và từ lúc đó đã kiểm soát nhiều vùng rộng lớn ở miền Bắc của Trung Quốc.

Nước Nhật là quốc gia hùng mạnh nhất châu Á, những người lãnh đạo nó muốn ngang hàng với các cường quốc châu Âu và thành lập một nước thuộc địa – với Trung Quốc là cốt lõi. Lực lượng chiếm đóng hành hạ người dân trong những vùng đất bị xâm chiếm, phá bỏ trường học, đại học, thánh vật của họ.

Trung Quốc trong thời gian này là một đất nước bị chia rẽ về chính trị và lãnh thổ. Ở đấy có người Nhật, đã xâm chiếm được miền Bắc; ở đấy là những người Quốc gia của Tưởng, thống trị các vùng đất rộng lớn ở miền Nam và miền Đông; ở đấy là những người Cộng sản, đã nắm giữ được nhiều lãnh địa ở miền Trung của nước này, trong số đó là căn cứ chính của họ ở Diên An; và còn một vài warlord nữa, những nhà cầm quyền địa phương, kiểm soát các miền đất rộng lớn ở phía Tây.

Từ nhiều tháng nay, các tướng lĩnh của Quốc Dân Đảng thúc giục Tưởng đừng chấp nhận cứ bị Tokyo làm nhục mãi. Thế nhưng người này không muốn tiến hành chiến tranh chống lại những kẻ chiếm đóng: ông ấy hoài nghi rằng quân đội của ông có thể đương đầu được với đối thủ. Thêm vào đó, ông muốn dùng quân đội của mình đế chống lại ĐCS hơn.

Ngược lại, Mao lâu nay đã yêu cầu Tưởng hãy cùng nhau chống lại nước Nhật. Quyền lợi của quốc gia bây giờ quan trọng hơn là cuộc đấu tranh giai cấp. Nhưng cho tới nay, lời yêu cầu của ông ấy không được xem xét đến.

Nhưng rồi vào tháng 12 năm 1936, hai tướng của Quốc Dân Đảng dụ Tưởng Giới Thạch về thành phố Tây An của hoàng đế và bắt giam ông ở đấy: họ muốn bắt buộc ông phải liên kết với những người Cộng sản. Sau hai tuần bị quản thúc tại gia, Tưởng nhượng bộ.

Các cuộc thương lượng với ĐCS kéo dài nhiều tháng trời. Chu Ân Lai, người được Mao tin cậy nhất, thường xuyên gặp Tưởng để trao đổi – hoài công. Con người chống Cộng sản quyết liệt đấy cố gắng gây trở ngại cho cuộc thống nhất bằng cách liên tục đưa ra các yêu cầu mới, ví dụ như quyền tổng chỉ huy các lực lượng thống nhất.

Ngay lúc Mao đe dọa hủy bỏ các cuộc đối thoại, người Nhật viện cớ một cuộc chạm trán nhỏ ở gần Bắc Kinh trong tháng 7 năm 1937 để tiếp tục tiến sâu vào Trung Quốc. Bây giờ thì Tưởng phải từ bỏ chiến thuật kéo dài thời gian của ông ấy, mối đe dọa cho toàn bộ đất nước trở nên quá lớn.

Và vì thế mà từ lúc đấy trở đi, những người Quốc gia và những người Cộng sản cùng nhau chống lại kẻ xâm lược.

Mặc dù vậy, họ vẫn bị bất ngờ bởi vận tốc tiến công của quân địch: người Nhật chiếm Thượng Hải trong tháng 11, chiếm Nam Kinh vài tuần sau đó, trụ sở chính phủ của Quốc Dân Đảng. Tưởng và các thành viên của bộ máy hành chính ông ấy chạy về Trùng Kháng.

Những người xâm lược hoành hành trong Nam Kinh. Quân lính Nhật làm ô nhục thành phố bảy tuần liền. Hơn 70.000 người bị giết chết.

Cuộc thảm sát đấy là màn mở đầu cho một cuộc chiến hầu như không thể nào tàn bạo hơn được nữa: cuộc kháng chiến đã cướp đi ít nhất là 15 triệu sinh mạng người Trung Quốc. Trong diễn tiến của nó, các tư lệnh người Nhật đã nghĩ ra một phương cách mà họ gọi là "ba lần tất cả": cướp hết tất cả, đốt cháy hết tất cả, giết chết hết tất cả.

clip_image006

Năm 1937 quân đội Trung Quốc thất bại trong tất cả các trận đánh chống người Nhật, như ở đây trước Thượng Hải. Chỉ những người Cộng sản mới mang lại chiến bại cho những kẻ đang tấn công năm 1938 – nhờ chiến thuật du kích của họ. Ảnh: GEO EPOCHE

Trong vòng một năm, quân đội của Tokyo chiếm toàn bộ Đông Trung Quốc, giữ tất cả các thành phố công nghiệp và thương mại quan trọng cũng như vùng đất nông nghiệp màu mỡ nhất. Thế nhưng người Trung Quốc không đầu hàng.

Từ Trùng Khánh, Tưởng chỉ huy cuộc kháng chiến, liên tục lôi kéo người Nhật vào những trận đánh mới. Để trì hoãn cuộc tiến quân của họ, ông ấy cho phá đê trong nội địa: trận lụt làm ngập nhiều tỉnh, hàng trăm ngàn người Trung Quốc chết.

Trong khi người của Quốc Dân Đảng tiến hành những trận đánh lớn, nhiều tổn thất, để chống người Nhật thì người Cộng sản tấn công kẻ địch ở phía sau mặt trận: từ tỉnh Thiểm Tây là nơi trú ẩn của họ, họ tấn công đường tiếp tế của người Nhật với những đơn vị nhỏ, linh hoạt, bắn các đoàn xe, phá đường tàu hỏa.

Sâu trong lãnh thổ của kẻ địch, họ thành lập căn cứ mới và động viên người dân đứng lên chống những kẻ đang chiếm đóng. Vì người Nhật không có khả năng kiểm soát toàn bộ các vùng đất đã chiếm được – Trung Quốc quá rộng.

Tưởng nghi ngại theo dõi các hoạt động của người Cộng sản: trong khi vùng đất dưới quyền của ông ấy thu nhỏ lại thì dường như những người đồng minh lại hưởng lợi từ cuộc chiến. Họ dùng cuộc chiến tranh phòng ngự của họ ở phía sau chiến tuyến của người Nhật để tự phô diễn mình trước quần chúng như là những người yêu nước thật sự, và thêm vào đấy lại giảm bớt sự đóng góp cho những người nông dân nghèo nhất.

Với thành công: chẳng bao lâu sau đó, con số những người theo Cộng sản tăng vọt, cả lãnh thổ do họ kiểm soát cũng rộng lớn hơn nhiều, du kích quân của họ ngày càng có sức chiến đấu cao hơn.

Khi người của Mao còn bắt đầu chiếm cứ những ngọn núi ở phía Nam của Trường Giang – một vùng đất của những người Quốc gia –, quân đội Quốc Dân Đảng tấn công người đồng minh trong tháng 1 năm 1941, bắt buộc họ phải lui về phía Bắc. 3000 Hồng quân đã chết trong các trận đánh này. Bằng mọi giá, Tưởng muốn ngăn không cho người Cộng sản lan rộng ra.

Đối với Mao, cuộc tấn công đó rõ ràng là đã phá vỡ "mặt trận thống nhất", hai tháng sau đó, ông tuyên bố chấm dứt liên minh.

Hai đối thủ bây giờ ra mặt trở thành địch thủ. Và cả hai đều đã có kế hoạch cả cho thời gian sau chiến tranh. Như Mao ra lệnh cho các viên chỉ huy của ông ấy không đưa hết toàn bộ các đơn vị vào trong cuộc chiến chống người Nhật. Quan trọng hơn về lâu dài là phải xây dựng một đạo quân có sức chiến đấu cao.

Nhưng ngay cả khi những người Cộng sản không hy sinh tất cả trong cuộc chiến chống người Nhật: những cuộc tấn công theo lối du kích của họ cũng góp phần quyết định để cho Trung Quốc có thể chống cự được với một địch thủ hùng mạnh. 53 tháng trời.

J. S.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn