Xử lý rò rỉ Sông Tranh 2: công nghệ Trung Quốc

Tấn Vũ

TTO - Ngày 18-4, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam và đại diện sở, ban, ngành liên quan đã có buổi thị sát thực tế tại đường hầm thủy điện Sông Tranh 2 trước khi vụ việc được đưa ra trước Quốc hội.

clip_image001
   

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam và đại diện các sở, ban, ngành liên quan thị sát thực tế tại đường hầm thủy điện Sông Tranh 2

Sau gần một giờ khảo sát ba đường hầm chính của thân đập, đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc tại trụ sở UBND huyện Bắc Trà My.

Tại đây, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh phát biểu: với tư cách là người quản lý chính quyền, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 15-4 phải báo cáo phương án xử lý, chính quyền đã vào cuộc. So với thiết kế, lượng nước cho phép qua là bao nhiêu? Nước thấm như vậy có vượt cho phép không?...

Ông Trần Văn Hải, trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, báo cáo: ngày 3-11-2011, nước ở cao trình 175m đo được là 30 lít/giây. Nhưng từ ngày 2-12-2011 đến 30-3-2012, sáu khe nhiệt bắt đầu chảy nước và lượng nước đo chính thức là 75 lít/giây.

Cũng trong báo cáo tại buổi làm việc này, ông Hải cho hay đã có gần 80 trận động đất lớn nhỏ xảy ra tại khu vực Sông Tranh. Trước khi xây đập có gần 40 trận và số trận động đất tăng lên khi con đập xuất hiện gần 40 trận. Đặc biệt, từ ngày 7-4 đến nay có 5-7 trận động đất diễn ra tại khu vực thủy điện này.

Ông Trần Anh Tuấn, phó chủ tịch huyện Bắc Trà My, cho rằng: “Khi làm việc với Viện Vật lý địa cầu, các chuyên gia ở đây cho hay các thiết bị đo động đất của Sông Tranh 2 không có tác dụng. Trong khi đó trạm quan trắc động đất tại Huế, cách 120km đường chim bay, quá xa nên các thông số không chính xác. Chính quyền địa phương rất quan ngại việc này”.

Ông Hải trả lời: “Các thiết bị của thủy điện chỉ đo gia tốc của các chấn động đang đến với công trình. Còn thiết bị của Viện Vật lý địa cầu đo cả tâm chấn, nguyên nhân, xa gần… Điều đó chúng tôi không quan tâm bởi chúng tôi cần các thông số phục vụ chính công trình của mình”.

Ông Hải cho biết sẽ tiến hành bịt kín, triệt để các điểm phát hiện rò rỉ trên và dưới mặt nước và các điểm có khả năng rò rỉ tại phía thượng lưu đập, tiến hành đào rãnh trên khe, khoan lỗ phụt xuyên khe, khoan sẵn ống phụt và bịt kín lại rãnh đó. Sau khi chôn sẵn và bịt kín, tiến hành khoan phun hóa học và bơm keo Polyurethan (PU) sao cho keo bịt kín được mặt rò rỉ. Khi khoan phụt xong tiến hành dán kín bằng vật liệu SR lên bề mặt khe nhiệt, đợi đến khi các vật liệu này ổn định và hoàn tất.

Cũng theo ông Hải, đây là phương pháp ứng dụng mới và đã được các chuyên gia Trung Quốc ứng dụng thành công tại đập Tam Hiệp, lần đầu tiên ứng dụng tại Việt Nam. Việc chống thấm bề đập trên phần khô có thể chuyên gia trong nước làm được nhưng phần chìm dưới mực nước chết (từ cao trình 140 trở xuống) phải nhờ đến các chuyên gia nước ngoài.

“Chúng tôi đã xem các đối tác trình bày bằng hình ảnh, video… Sẽ có thợ lặn xuống dưới và thi công công việc. Sau đó chúng tôi cũng nghiệm thu qua hình ảnh và video” - ông Hải cho biết.

Kinh phí cho việc thuê các chuyên gia, mua vật liệu xử lý đập được EVN đầu tư và sẽ cố gắng hoàn thành trước ngày 31-8.

T. V.

Nguồn: tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn