Đại hội Duy Ngô Nhĩ toàn thế giới tại Tokyo gây căng thẳng Nhật-Trung

Tú Anh

clip_image002  

Cộng đồng Duy Ngô Nhĩ Kazakhstan sẽ tham gia Đại hội Tokyo (Reuters)

 

Trong vòng năm ngày kể từ thứ Hai 14/05/2012, Tokyo đón tiếp Đại hội toàn thế giới của phong trào Tân Cương đòi độc lập. Chủ tịch “Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới” bà Rebiya Kadeer đến Nhật Bản hôm nay. Động thái của Tokyo cấp visa cho thành viên một tổ chức chính trị ly khai gây bất bình cho Bắc Kinh.

Theo tổ chức Duy Ngô Nhĩ tại Nhật bản, chính phủ Nhật đã cấp visa cho lãnh đạo phong trào Duy Ngô Nhĩ, bà Rebiya Kadeer, từ thứ Năm tuần trước. Bị Trung Quốc lên án là “khủng bố và phá hoại đoàn kết dân tộc”, nhiều người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị truy bức, bị tù đày và một số phải lưu vong.

Những năm trước đây, Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới, có cơ sở tại 20 quốc gia, tổ chức hội nghị hàng năm tại Hoa Kỳ và Đức. Đây là lần đầu tiên phong trào Tân Cương ly khai chống Bắc Kinh kéo về một thủ đô Á Châu tổ chức đại hội.

Ngày hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, lên án Tokyo cho phép lãnh đạo một phong trào “có liên hệ với khủng bố và chống lại Trung Quốc” công khai tổ chức hội nghị.

Bà Rebiya Kadeer, xuất thân là một doanh nhân, hiện sống lưu vong tại Hoa Kỳ từ khi gia đình bị an ninh Trung Quốc truy bức tịch thu tài sản. Tổ chức do bà lãnh đạo bị Bắc Kinh quy tội “xúi giục” cuộc nổi dậy tại Tân Cương vào tháng 7 năm 2009 làm hơn 200 người chết.

Sự kiện bà Rebiya Kadeer đến Tokyo vào ngày hôm nay còn trùng hợp với Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Trung-Hàn tại Bắc Kinh gồm các Thủ tướng Yoshihiko Noda, Ôn Gia Bảo và Tổng thống Lee Myung Bak.

Vì sao Nhật Bản đón tiếp một tổ chức ly khai chống lại chính quyền Trung Quốc? Trả lời phỏng vấn của RFI tiếng Pháp, chuyên gia quan hệ quốc tế Thierry Antoin Kellner từ Bruxelles giải thích: “Tokyo muốn cho quốc tế thấy rằng Nhật Bản là một quốc gia thật sự bảo vệ các quyền dân chủ, trái với Trung Quốc là một chế độ nơi mà quyền tự do ngôn luận bị cấm đoán”.

Quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh hiện nay cũng có một số căng thẳng do tranh chấp chủ quyền tại biển Hoa Đông và Nhật nghi ngờ Trung Quốc trả đũa bằng biện pháp kinh tế, giảm xuất khẩu đất hiếm, nhu cầu sinh tử của ngành công nghiệp điện tử của quần đảo Phù Tang.

T. A.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn