Hồ Chí Minh: Cần một cuộc chiến để xóa bỏ những “hư hỏng cũ kỹ”đang xảy ra

Nguyễn Khắc Mai

Kỷ niệm sinh nhật của Hồ Chí Minh năm nay, tưởng không gì bằng đem những Di chúc của Cụ ra để phân tích, tìm hiểu và thực hành.

Câu nói trên là lời Di chúc của cụ mà Ban Chấp hành Trung ương đã không đưa vào phần di chúc chính thức đã được biên soạn lại. Tuy nhiên nó lại có tầm quan trọng vì đây là thủ bút chính Cụ viết ra bằng bút bi màu lục, có những chỗ được gạch dưới bằng bút bi màu đỏ. Hầu hết những thủ bút này đã được đăng trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam xuất bản năm 1989. Thực ra ban đầu Cụ viết “cuộc chiến tranh” rồi có chữ bút đỏ sửa lại là chiến đấu. Tôi tin cái chữ “chiến tranh” đầu tiên mới là trực cảm, là thôi thúc bởi “vô thức”, nó chân thật chứ không phải là chữ “đấu” sau khi “tri thức duy lý” đã xen vào. Nó không còn là khách quan, trực cảm nữa.

Cụ nói rõ “một cuộc chiến tranh”. Ở đây cần phân tích, tại sao không nói như thường lệ mà Cụ cũng hay nói là cuộc chiến đấu (la lutte), cuộc đấu tranh, mà Cụ cũng không dùng “một cuộc chiến”. Lại nói rõ là cuộc chiến tranh. Tôi không mong cuộc chiến tranh này có vũ khí nóng (như từng xảy ra khi đàn áp nông dân Sông Hậu đòi đất (1980), như ở Tiên Lãng (2011), như ở Văn Giang (2012) ... Mà chắc chắn Cụ Hồ cũng không muốn như thế. Nhưng chắc chắn là cần một “la guerre”.

Tại sao Cụ lại dùng chữ “chiến tranh”? Nói chiến tranh là đã nói tới cái tầm gay gắt của vấn đề. Mâu thuẫn xã hội đã không thể dàn xếp, hòa giải bình thường. Chắc Cụ đã thấy rõ những “hư hỏng cũ kỹ” không thể xóa bỏ bằng hô hào đạo đức, kêu gọi “phê bình tự phê bình”, tiến hành “chỉnh huấn, chỉnh đốn” mà Cụ từng chủ trương, từng mong ước. Liệu cái TW bốn mà GSTS Nguyễn Phú Trọng đang chủ trương có nằm trong mạch tư tưởng Hồ Chí Minh trong Di chúc hay không? Nói thế vì tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng của nhiều thời kỳ. Vào cuối đời, sắc thái và ý nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh nhất định không giống như những thời kỳ trước đó mà Cụ đã từng tin tưởng, đánh giá cao những “đồng chí” của mình. Hơn nữa, như lời sách Luận ngữ mà chính Cụ cũng rất thấm nhuần, từng nói: “Nhân chi tương tử, kỳ ngôn dã thiện”. Nghĩa là con người khi sắp chết lời nói “của nó” là tốt lành”.

Cái mà ta tin là lời nói tốt lành của Cụ trước khi tìm về với Các Mác, với Lê Nin là cần có một cuộc “chiến tranh” để xóa bỏ mọi hư hỏng cũ kỹ đã xảy ra thời Cụ còn sống. Và ngày nay nó đã càng trở nên trầm trọng hơn nhiều. Như thế, Cụ Hồ đã có một cảm nhận thật quyết liệt, không thể xóa bỏ những “hư hỏng cũ kỹ” bằng những lối thường mà Cụ đã từng thử nghiệm. Giải pháp Cụ đưa ra chắc là không hề cảm tính, hời hợt, bộc phát, mà là sự cân nhắc, tính toán rõ mọi lẽ thiệt hơn. Thế thì “cuộc chiến tranh” mà Cụ tính tới là gì vậy? Mục đích của nó là thanh toán những “hư hỏng cũ kỹ” vừa ở bình diện tư tưởng, vừa ở bình diện hệ thống tổ chức, vừa ở bình diện nhân cách của con người. Chắc là không phải nhân cách của con người nói chung, của nhân dân, mà là nhân cách riêng biệt của nhóm người đang là hiện thân của “hư hỏng cũ kỹ”. Nói “chiến tranh” là nói sự xóa bỏ, thủ tiêu một thực thể đối thủ. Như trên, thực thể đó là tư tưởng mà cũng là tổ chức, cái cấu trúc xã hội cụ thể đã tạo ra, nuôi dưỡng, duy trì cái “hư hỏng cũ kỹ”, mà cũng là nhân cách của những con người “hư hỏng cũ kỹ”.

Nếu chỉ nói hư hỏng cũ kỹ về (trong) học thuyết, đường lối, quan điểm tức thuần túy tư tưởng thì không ai nỡ dùng “chiến tranh”. Quá lắm, người ta hay dùng “đấu tranh”. Ví dụ như trong câu “ca rao” mới: “Khi vào cơ quan gọi bằng chú, khi sờ vú gọi bằng anh, khi đấu tranh gọi bằng đồng chí”. Dùng chữ chiến tranh, chắc Cụ đã nghĩ đến trạng thái hư hỏng cũ kỹ này đã thành hệ thống, nó là cố tật của một hệ thống, nó đã hình thành như một cấu trúc, một bộ máy. Như mà không hủy bỏ bộ máy ấy đi nó sẽ tiếp tục gây hại cho con người, cho môi trường, cho xã hội, cho cái lý tưởng cao quý mà Cụ vẫn hằng ôm ấp. Hơn nữa nó đã trở nên mô hình nhân cách của một lớp người. Lớp người ấy ngày càng đắm sâu vào hư hỏng cũ kỹ, ra sức bám vào một thứ quyền lực đã hư hỏng cũ kỹ, vì thế không dùng “chiến tranh” không sửa đổi, đổi mới được. Vấn đề là phải thay và đổi.

Bây giờ càng suy nghĩ, càng chiêm nghiệm cái thực tế hiện hữu càng thấy Cụ rất chí lý. Không thể cải tạo mà là phải thay thế. Giống như ở thời đại công nghệ, người ta phải vứt vào đống phế liệu để thanh lý (hoặc đốt bỏ, hoặc nung đúc lại cái khác cái mới ...).

Đọc lại Di chúc của Cụ Hồ, tôi không bắt chước Người để ngồi trong phòng kín mà la lên “Hỡi đồng bào, đây là cái cần cho chúng ta”. Tôi chỉ nghĩ đến mỗi người phải từ tư cách của mình, bổn phận của mình, trách nhiệm với Dân với Nước của mình, tích cực tham gia vào cuộc chiến mà Hồ Chí Minh đã nổ súng mở màn. Những người “đàng hoàng” (chữ của Hồ Chí Minh) tử tế trong Đảng, giới trí thức tinh hoa phải cùng nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc chiến này mà Hồ Chí Minh đã dự báo.

N. K. M.

Tháng 5 - 2012

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn