'Đòi hỏi của TQ ở Biển Đông là quá đáng'

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vượt quá những gì mà Unclos cho phép.

clip_image001

Bà Clinton đã thể hiện sự ủng hộ rõ ràng của Mỹ đối với các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông

Bà Clinton cũng nói rằng việc Mỹ không phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển (Unclos) đã làm suy yếu sự ủng hộ của họ dành cho đồng minh trong các tranh chấp trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Clinton đưa ra những phát biểu này trong một phiên điều trần của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm thứ Tư ngày 23/5.

Phiên điều trần này nằm trong nỗ lực vận động mà chính quyền Obama vừa bắt đầu để thúc đẩy việc thông qua công ước đã có tuổi thọ 30 năm này.

‘Thế chống đỡ’

Trong phiên điều trần, Thượng nghị sỹ Dân chủ Barbara Boxer đã chỉ trích yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà trưng ra một bản đồ cho thấy tuyên bố chủ quyền của nước này vượt xa vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý hay 320 cây số theo quy định của Unclos.

Bà cho rằng yêu sách đó là ‘một sự xâm chiếm lãnh thổ đáng kể’ thậm chí ‘đến rất gần bờ biển của các quốc gia trong khu vực’.

Thượng nghị sỹ này cũng nhắc đến cuộc đối đầu ở bãi cạn Scarborough vốn bùng nổ hồi tháng trước khi hải quân Philippines cáo buộc ngư dân Trung Quốc ‘săn bắt trộm’ trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

"Vì là một bên không có tranh chấp nên chúng ta phải để cho Trung Quốc ở cửa trên về mặt pháp lý. Chúng ta bị đặt vào thế chống đỡ. Chúng ta không đủ mạnh để bênh vực cho các bạn bè và đồng minh của chúng ta trong khu vực như điều mà tôi mong muốn".

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

Trong lúc đó, Ngoại trưởng Clinton và các lãnh đạo quân sự hàng đầu của Mỹ đã đưa ra lời yêu cầu thống thiết đến các Thượng nghị sỹ để phê chuẩn công ước này.

Bà nói Hoa Kỳ ủng hộ các quốc gia đang bị đe dọa bởi tham vọng chủ quyền của Trung Quốc.

Từ năm 2010, chính phủ của Tổng thống Barack Obama đã khẳng định rằng mặc dù bản thân Hoa Kỳ không phải là một bên có tranh chấp ở Biển Đông thì nước này vẫn có lợi ích trong việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và tự do hàng hải ở một vùng biển nắm giữ phần lớn giao thương toàn cầu.

“Vì là một bên không có tranh chấp nên chúng ta phải để cho Trung Quốc ở cửa trên về mặt pháp lý. Chúng ta bị đặt vào thế chống đỡ. Chúng ta không đủ mạnh để bênh vực cho các bạn bè và đồng minh của chúng ta trong khu vực như điều mà tôi mong muốn”, bà nói.

“Tôi không nghĩ rằng đó là tình thế mà một cường quốc hải quân ưu việt toàn cầu như chúng ta mong muốn”, bà nói thêm.

Trung Quốc là một bên trong tổng số hơn 160 nước đã tham gia ký kết Unclos. Đòi hỏi chủ quyền của nước này ở Biển Đông gặp thách thức từ các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và lãnh thổ Đài Loan.

Trong đó, Philippines là đồng minh có hiệp ước tương trợ với Hoa Kỳ.

Tiền lệ pháp

clip_image002

Bộ trưởng Panetta, người sắp sang thăm Việt Nam, ủng hộ Mỹ ký kết Unclos

Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Ủy ban tham mưu liên quân Hoa Kỳ, nói việc Mỹ phê chuẩn công ước này sẽ giúp củng cố các lợi ích an ninh của họ vì nó xác định rõ đâu là quyền hàng hải cũng như đâu là các khu vực hàng hải vào một thời điểm mà các nước đang tăng cường tranh giành tài nguyên.

“Từ sự xác định rõ ràng đó sẽ dẫn đến ổn định, và khi giờ đây chúng đã bắt đầu tái cân bằng những lợi ích an ninh của chúng ta ở khu vực Thái Bình Dương, việc phê chuẩn công ước là rất quan trọng”, ông phát biểu trước Thượng viện.

Các quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ nói trong phiên điều trần rằng nếu không phê chuẩn Unclos thì quân đội Mỹ buộc phải dùng tiền lệ pháp quốc tế để làm cơ sở cho các quyền hàng hải của nước này trong khi tiền lệ pháp này có thể bị diễn dịch theo nhiều cách khác nhau.

“Nếu chúng ta không phê chuẩn công ước này trong thời gian tới thì sẽ xảy ra nguy cơ chúng có thể đối đầu với các nước khác vốn diễn giải tiền lệ pháp quốc tế theo hướng có lợi cho họ,” tướng Dempsey nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng̉ Quốc phòng Leon Panetta thì cho rằng: “Nếu chúng ta không tham gia vào công ước và do đó không thể giải quyết vấn đề trên bàn đàm phán thì chúng ta phải giải quyết vấn đề trên biển bằng sức mạnh hải quân của chúng ta”.

"Nếu chúng ta không tham gia vào công ước (Unclos) và do đó không thể giải quyết vấn đề trên bàn đàm phán thì chúng ta phải giải quyết vấn đề trên biển bằng sức mạnh hải quân của chúng ta".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta

“Một khi điều đó xảy ra, rõ ràng nguy cơ đối đầu cũng tăng cao”, ông nói.

Công ước quốc tế về Luật biển quy định các quốc gia ven biển có chủ quyền với phạm vi 12 hải lý (22 km) tính từ bờ biển nhưng đồng thời cũng đảm bảo quyền tự do hàng hải của các nước khác.

Công ước này được hoàn tất vào năm 1982 và có hiệu lực kể từ năm 1994. Trong nhiều năm liền Mỹ không thể phê chuẩn công ước này do gặp sự chống đối từ phía Đảng Cộng hòa mặc dù quân đội nước này cho biết họ vẫn hành động trong khuôn khổ các nguyên tắc của công ước.

Phe Cộng hòa phản đối

Chỉ tính riêng trong thập kỷ vừa qua, công ước này đã hai lần bị chặn lại ở Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện và chưa bao giờ được đưa ra bỏ phiếu ở toàn thể Thượng viện.

Mặc dù có sự vận động lưỡng đảng đáng kể cho công ước và sự hậu thuẫn của các nhóm ủng hộ doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện John Kerry thừa nhận có những khó khăn để thúc đẩy công ước nhất là trong năm bầu cử.

clip_image003

Thượng nghị sỹ Kerry cho rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc là 'phi pháp'

Một vài nghị sỹ Cộng hòa đã lên tiếng phản đối.

Những người phản đối Công ước cho biết họ quan ngại nếu Hoa Kỳ phê chuẩn thì họ sẽ đặt chủ quyền của mình vào tay một tổ chức quốc tế có quyền lực thu lệ phí đối với các hoạt động khai thác dầu và khoáng sản và sử dụng số tiền thu được này để giúp đỡ các nước nghèo.

Cả Leon Panetta và Hillary Cliton đều nói với Ủy ban rằng Unclos sẽ đem lại lợi ích kinh tế và quân sự to lớn cho đất nước. Tuy nhiên vấn đề nhanh chóng gặp phải phản ứng tương tự vốn đã từng làm tê liệt công ước này ở Thượng viện vào giữa thập niên 1990.

“Vấn đề của tôi là chủ quyền”, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Jim Risch phát biểu trong khi lật những trang của công ước, “Có cả thảy 288 trang và khi chúng ta đọc thì cũng có những nội dung tốt. Nhưng nếu chúng ta phải từ bỏ dù chỉ là một tấc chủ quyền mà đất nước đã chiến đấu, đã đổ máu mới có được... thì tôi không thể bỏ phiếu ủng hộ”.

"Nhưng nếu chúng ta phải từ bỏ dù chỉ là một tấc chủ quyền mà đất nước đã chiến đấu, đã đổ máu mới có được... thì tôi không thể bỏ phiếu ủng hộ".

Thượng nghị sỹ Cộng hòa Jim Risch

Phe ủng hộ công ước thì cho rằng lợi ích của việc phê chuẩn vượt xa những thiệt hại. Họ cũng liệt kê ra sự ủng hộ của rất nhiều nhóm khác nhau như Phòng Thương mại, tổ chức Hòa bình xanh, các công ty dầu khí, các quan chức quân sự hàng đầu cũng như các chính quyền Mỹ gần đây của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Trong phạm vi thềm lục địa rộng 200 hải lý mà Unclos quy định, các quốc gia sở hữu có quyền khai thác tài nquyên nhưng phải đảm bảo quyền lưu thông hàng hải cũng như đặt cáp viễn thông của các quốc gia khác.

Phe ủng hộ cho rằng với bờ biển dài của mình thì Hoa Kỳ sẽ được lợi nhiều hơn các quốc gia khác khi tham gia công ước.

Công ước sẽ cho phép Mỹ tuyên bố chủ quyền với nhiều khu vực rộng lớn trên đại dương trong khi đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc cho quyền hàng hải toàn cầu của quân đội họ.

Đối phó với Trung Quốc

clip_image004

Những diễn biến gần đây trên Biển Đông là Mỹ quan ngại

Mặt khác, một số nghị sỹ và các quan chức quốc phòng cũng cho rằng Unclos sẽ giúp củng cố vai trò của quân đội trong việc đối phó với các cường quốc đang lên như Trung Quốc và Nga vốn đã tham gia và công ước và đang tìm cách đòi hỏi chủ quyền ở Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương.

“Trung Quốc và một số nước khác đang đưa ra những đòi hỏi phi pháp ở Biển Đông và các vùng biển khác trên thế giới”, Nghị sỹ John Kerry của Đảng Dân chủ, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, phát biểu.

“Tham gia vào công ước sẽ giúp nâng cao ngay lập tức uy tín của Mỹ trong khi chúng ta có thể đẩy lùi những đòi hỏi chủ quyền quá đáng và những lệnh cấm phi pháp đối với các chiến hạm và tàu chở hàng của chúng ta”, ông nói.

"Trung Quốc và một số nước khác đang đưa ra những đòi hỏi phi pháp ở Biển Đông và các vùng biển khác trên thế giới".

John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện

Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông và trong thời gian vừa qua đã có va chạm với các nước trong khu vực như Philippines và Việt Nam.

Bản thân quân đội Mỹ cũng nhiều lần chạm trán với các tàu chiến và máy bay Trung Quốc khẳng định chủ quyền trong khu vực, trong đó có vụ va chạm trên không vào năm 2001 làm chết một phi công Trung Quốc và buộc máy bay do thám của hải quân Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp trên đảo Hải Nam.

Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông dựa trên các bản đồ cổ. Trong một bản đồ mà họ trình lên Liên Hiệp Quốc vào năm 2009 họ tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông thuộc về họ.

Tuy nhiên cho đến nay Bắc Kinh vẫn không thể xác định rõ phạm vi chính xác tuyên bố chủ quyền của họ.

Trước đó, một học giả Trung Quốc cũng cho rằng Manila không thể dựa vào Washington để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông vì bản thân Mỹ vẫn chưa tham gia vào Unclos.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn