Vinalines và “tam quyền phân lập”

Mặc Lâm, Biên tập viên RFA

Vai trò của tập đoàn kinh tế nhà nước ngày càng lộ rõ những sai phạm nghiêm trọng có cả biểu hiện của lợi ích nhóm và tham nhũng.

clip_image001

Trụ sở của Vinalines, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. RFA

Câu hỏi đặt ra cho Vinashin và Vinalines nếu Việt Nam theo đuổi mô hình “tam quyền phân lập” thì những đổ vỡ này có thể tránh được hay không? Mặc Lâm có thêm chi tiết qua bài viết sau đây.

Trong những ngày qua hai vấn đề được báo chí theo dõi chặt chẽ nhất là những bàn cãi về kinh tế, xã hội trong phiên họp Quốc hội kỳ này, đặc biệt việc bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Đặng Thị Hoàng Yến và Vinalines.

Với báo chí, Vinalines đã lộ diện tất cả những gì mà tập đoàn này cùng với sự thỏa thuận ngầm của giới chức trách nhiệm muốn che giấu. Mặc dù Quốc hội lên tiếng nhưng dư luận thấy sự lên tiếng đó hình như không tương ứng với mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Ai trả lời cho những câu hỏi này?

Có đại biểu đặt câu hỏi tại sao cơ quan điều tra lại để nhân vật chủ chốt của vụ Vinalines là ông Dương Chí Dũng thoát khỏi mạng lưới pháp luật trong khi theo nguyên tắc, Bộ trưởng Đinh La Thăng phải biết rõ từng chi tiết trong suốt quá trình điều tra. Ông Thăng phải cộng tác với cơ quan điều tra trong việc cung cấp các tài liệu mà Bộ Giao thông Vận tải nắm giữ vì Vinalines chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Giao thông Vận tải mà ông Dương Chí Dũng từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines và chức vụ sau cùng là Cục trưởng Cục Hàng hải.

Ngày 29/4/1995, [ngày] Tổng công ty Hàng hải Việt Nam gọi tắt là Vinalines được thành lập theo Quyết định số 250/TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng chính là ngày mà hàng trăm đơn vị, cá nhân có liên quan đến tập đoàn này bắt đầu một cuộc hưởng lợi dây chuyền từ cấp lãnh đạo cao nhất cho tới một nhân viên lao động phổ thông nhỏ nhất. Với nguồn vốn ưu đãi, đặc quyền trong sản xuất và thành lập hợp đồng, cho tới toàn quyền sử dụng các loại trái phiếu chính phủ để chia chác nhau qua các vụ mua tàu cũ đã khiến con bệnh Vinalines trở nên bất trị.

Hàng ngàn tỷ nợ khó đòi cộng với số tiền thất thoát hàng trăm ngàn tỷ khác đã làm cho nền kinh tế Việt Nam vốn đang chao đảo bị thêm một cú va đập nảy lửa khiến cho cả xã hội như đang bừng tỉnh trước sự thật khó chối cãi: các tập đoàn nhà nước được lập ra không phải vì nhiệm vụ cao cả như nhà nước phân bua mà lý do chính phát xuất từ lợi ích nhóm cũng như các mục tiêu tham nhũng trong hệ thống.

Chỉ giám sát khi được cho phép

clip_image002

Các tập đoàn cột trụ của kinh tế Việt Nam. RFA/internet

Vai trò Quốc hội của hầu hết các nước trên thế giới là giám sát và ngăn chặn những vụ lạm dụng chức quyền dẫn đến các đổ vỡ nghiêm trọng trong việc điều hành của chính phủ. Quốc hội Việt Nam trên danh nghĩa cũng chấp nhận sự [có quyền] giám sát ấy nhưng nội dung hoàn toàn khác hẳn: sự giám sát chỉ được thực thi khi Đảng cho phép. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết:

“Việc đổ vỡ của Vinalines và việc truy nã ông Dương Chí Dũng là giọt nước tràn ly làm cho nghị trường Quốc hội Việt Nam nóng lên vì các sai sót rất nghiêm trọng không thể chối cãi được của các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Quốc hội rất muốn thực hành quyền giám sát của mình và điều ấy được người dân, cử tri và công luận hết sức ủng hộ. Tuy vậy cơ chế chính trị của Việt Nam phải được quyết định phía bên đảng và phải được bàn thảo. Có lẽ rằng đảng chưa có quyết định cho nên những đề nghị của quốc hội cho đến nay cũng chỉ là đề nghị chứ chưa được thực hiện”.

Thực trạng Quốc hội không có quyền giám sát chính phủ cũng như tòa án các cấp không có quyền xét xử độc lập đã được mặc nhiên chấp nhận bởi Đảng Cộng sản Việt Nam từ lâu. Vai trò của Đảng đã nhiều lần được khẳng định qua các tuyên bố của nhiều đời Tổng Bí thư mà mới nhất vào sáng ngày 7/5, trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Hà Nội Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không che dấu khi xác nhận một lần nữa Đảng không chấp nhận “tam quyền phân lập”.

Khi tam quyền phân lập bị khước từ

clip_image003

Ông Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Đại hội 11 ở Hà Nội hôm 11-1-2011. AFP PHOTO

Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam nhận xét:

“Một nhà nước khi mà tuyên bố rằng không tán thành quan điểm tam quyền phân lập thì ai kiểm tra khi mà những nhóm đặc quyền đặc lợi tha hồ tung hứng?

Những chuyện bổ nhiệm này ai kiểm soát, ai phản biện và ai được quyền tham gia vào trong vấn đề bổ nhiệm và kiểm soát này? Tổng giám đốc của Vinalines đang bê bối như thế thì lại được nhấc lên làm Cục trưởng Cục Giao thông hàng hải! Thật ra mà nói nó cũng chỉ nằm trong phạm vi của nhóm lợi ích thôi chứ không thể ai khác được.

Vấn đề là ai đã tạo điều kiện cho ông ta cao chạy xa bay như vậy? Ở đây nếu không có sự bao che, không có sự tiếp tay của những thế lực cầm quyền thì làm sao một nhân vật như vậy lại bỏ trốn một cách thoải mái và ngang nhiên như thế?”.

Một nhà nước khi mà tuyên bố rằng không tán thành quan điểm tam quyền phân lập thì ai kiểm tra khi mà những nhóm đặc quyền đặc lợi tha hồ tung hứng?

GS Tương Lai

Nếu nền dân chủ của một quốc gia được ví như mặt bàn thì “tam quyền phân lập” không khác gì ba chân của chiếc bàn tròn dân chủ ấy. Sự khước từ vai trò độc lập của lập pháp, tư pháp và hành pháp là nguyên nhân cốt lõi gây ra kết nối lợi ích nhóm tàn phá mọi nỗ lực chống lại tham nhũng và bất công xã hội. Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch UBMTTQ thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhận xét:

“Tất nhiên tam quyền phân lập không phải là tất cả để mà cứu vãn tình hình. Nó còn gắn với trình độ lãnh đạo nữa. Nhưng rõ ràng đó là một cách để ràng buộc những người cầm quyền phải có trách nhiệm. Bởi vì nếu không có trách nhiệm thì với một nền tư pháp độc lập họ sẽ bị xử như những người khác. Do đó nếu có tam quyền phân lập thì chúng ta sẽ tránh được rất nhiều vụ Vinashin và Vinalines.

Một nhà nước không có tam quyền phân lập là một nhà nước toàn trị và như vậy thì không có ai chịu trách nhiệm cả. Thí dụ bây giờ ngoài những lãnh đạo Vinashin và Vinalines thì trên hết ai là người chịu trách nhiệm về vấn đề đó? Người đó phải được đưa ra xử chớ? Vì đã để thất thoát hàng trăm ngàn tỷ của nhân dân chớ không thể nói một cách mơ hồ hay đổ cho người lãnh đạo Vinashin, Vinalines. Tôi cho rằng tam quyền phân lập là biện pháp rất quan trọng để chống tham nhũng”.

Lợi ích nhóm, tham nhũng: làm sao đối phó?

clip_image004

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. AFP photo

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa trong phiên thảo luận đầu tiên của Quốc hội đã khẳng định rằng tham nhũng đang cấu kết với lợi ích nhóm trong vụ án Vinalines nhưng nhà nước hình như vẫn rất lúng túng trước sự thật này. Giáo sư Tương Lai cho biết:

“Nhà nước pháp quyền đích thực không thể để cho một nhóm lợi ích thao túng nền kinh tế như vậy. Muốn như vậy thì tối thiểu, không nói phái đối lập hay đảng đối lập gì cả mà chỉ nói phân ra ba quyền để mà kiểm soát lẫn nhau, hạn chế bớt đặc quyền đặc lợi. Thật ra tam quyền phân lập là một thành tựu của nền văn minh chứ đâu phải là một sản phẩm tư sản? Nói cho đến cùng sản phẩm của tư bản đó nó tiêu biểu cho một nển văn minh và cho trí tuệ cho cả loài người!

Ngay trong bản thân nhà nước để tránh bớt đi, tôi nói bớt thôi, sự lộng quyền bởi vì xu hướng chung của quyền lực là nó muốn mở rộng vô hạn độ quyền lực của mình, đó là quy luật rồi. Thêm vào đó đã là quyền lực thì nó sẽ dẫn đến tha hóa, tham nhũng”.

Một lần nữa, ông Lê Hiếu Đằng nhắc lại vai trò độc lập của tòa án khi giải quyết các vấn nạn tham nhũng. Khước từ vai trò của tam quyền phân lập cũng chính là khước từ việc chống tham nhũng.

Ngay bây giờ thí dụ Thủ tướng chính phủ chẳng hạn, bất cứ Thủ tướng nào, vi phạm thì ai xử Thủ tướng?

Ô. Lê Hiếu Đằng

“Nếu muốn  chống tham nhũng một cách hiệu quả thì tư pháp phải độc lập mới dám đưa ra xét xử những vị lãnh đạo cao trong đảng, trong nhà nước. Ngay bây giờ thí dụ Thủ tướng chính phủ chẳng hạn, bất cứ Thủ tướng nào, vi phạm thì ai xử Thủ tướng?

Hay là ông Tổng Bí thư vi phạm thì ai xử ông Tổng Bí thư? Với tư cách công dân, tư cách những người đứng đầu nhà nước, đứng đầu đảng mà ông phạm pháp thì phải có một cơ quan độc lập xét xử chứ không thể nào khác. Do đó tôi nghĩ rằng tam quyền phân lập rất quan trọng, nếu không có tam quyền phân lập thì ngay lập tức sẽ trở thành một nhà nước toàn trị và không ai kiểm soát hay giám sát cả”.

Tập đoàn kinh tế nhà nước là một biểu hiện sai lầm khi không áp dụng mô hình tam quyền phân lập. Từ năm 2006 đến 2010 Quốc hội đã nhiều lần yêu cầu đưa ra nghị trường bàn về vấn đề mô hình tập đoàn kinh tế nhưng không đến đâu vì ý chí của Đảng đã xác định tập đoàn kinh tế nhà nước là “quả đấm thép” của nền kinh tế. Lúc đầu nhà nước báo cáo với Quốc hội chỉ chủ trương làm thí điểm nhưng chưa tổng kết, đánh giá xem đúng hay không thì cũng chính nhà nước cho phép đồng loạt các tập đoàn kinh tế được thành lập gây thiệt hại hết tập đoàn này sang tập đoàn khác.

Không còn cách nào khác

TS Lê Đăng Doanh, dưới cái nhìn của một chuyên gia kinh tế từng giữ những chức vụ tư vấn cho chính phủ nhận định rằng tập đoàn kinh tế nhà nước chính là đầu mối của mọi bất ổn kinh tế hiện nay:

“Tôi nghĩ rằng sự thật vẫn mạnh hơn giáo điều, lý thuyết khô cằn nào. Tình hình thực tế đã diễn biến như thế này tôi hy vọng lãnh đạo các cấp thẩm quyền sẽ sớm có quyết định thay đổi cơ chế quản lý, giám sát cũng như tổng kết chấm dứt thí điểm các tập đoàn kinh tế nhà nước đã tạo ra lổ hổng rất lớn trong quản lý và giám sát của nhà nước, đối với vốn chủ sở hữu, đối với đầu tư và các hoạt động của các tập đoàn”.

Từ một lý thuyết bị từ chối, tam quyền phân lập đã chứng minh rằng không những nó tiết chế những hành vi phạm pháp của các cấp lãnh đạo cao nhất mà tam quyền phân lập chính là con đường duy nhất dành cho bất cứ nền dân chủ nào, ngoại trừ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

M.L.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn