Vụ Văn Giang dưới mắt các blogger


Thanh Quang, Phóng viên RFA

Tình hình dân oan trong nước xem chừng như ngày càng trầm trọng theo “từng núi đơn từ”. 

Coi dân như kẻ thù

Như lời nhà thơ Bùi Minh Quốc, khi nhân dân “còng lưng trước công đường” thì các “đầy tớ của dân mặt mày quan dạng”. Cảnh nhiễu nhương tiếp diễn đó khiến nhà thơ Bùi Minh Quốc than rằng:

Ôi nhân dân, Người ẩn chứa những gì
Mà bao năm mòn gót còng lưng trước công đường của Đảng?
Các đầy tớ của Người mặt mày quan dạng
Ngồi dửng dưng sau từng núi đơn từ
Ôi nhân dân nhẫn nhục đến bao giờ ?
Xiềng xích nào trong đầu Người trói buộc?
Nỗi nhẫn nhục nuôi béo bầy bạch tuộc
Trăm vòi đang hút kiệt nước non này


Nhắc đến “từng núi đơn từ” có lẽ khiến công luận không khỏi liên tưởng tới “chuyện dài dân oan” ngày càng đáng ngại trong nước. Theo luật gia Lê Hiếu Đằng thì tình hình nghiêm trọng nhất hiện nay là trong lãnh vực đất đai khi “nhà nước đã dung túng cho các chính quyền địa phương giải tỏa, đền bù đất đai của dân với giá rẻ mạt, hay nói thẳng ra là làm tay sai cho các chủ đầu tư, bọn làm giàu bất chính cướp đất của dân”.

 
  Người dân Văn Giang thu dọn mảnh vườn sau đợt cưỡng chế hôm 24/4/2012. Photo courtesy of bee.net

Với vụ mới đây nhất – biến cố Văn Giang, Blog Bauxite Việt Nam vừa phổ biến bản tuyên bố với cả trăm chữ ký của nhân sĩ, trí thức, cả cựu đảng viên CS cao cấp, lưu ý rằng hành động cưỡng chế giải tỏa đất đai bằng võ lực này “gây xúc động mạnh mẽ tất cả những người Việt Nam có lương tri, dấy lên nỗi lo lắng chưa từng có trong mọi người dân Việt biết suy tư về vận mệnh đất nước”. Lên tiếng với Đài ACTD, GS Nguyễn Huệ Chi, người phụ trách trang mạng Bauxite Việt Nam, giải thích:

“Chúng tôi làm bản tuyên bố này vì quá phẫn uất trước một hiện tượng một đội ngũ cơ quan chức năng vũ trang đến tận răng để đàn áp những người mà mình coi là gốc, là lực lượng cơ bản, đã đi đầu trong cuộc cách mạng và cuộc chiến tranh kéo dài nhằm giành lại độc lập cho tổ quốc. Bây giờ họ bị bỏ rơi một cách thê thảm và có thể nói là với sự đối xử bằng tất cả những thủ đoạn như là đối với kẻ thù thì đó là tội ác trời không dung, đất không tha”.

Blogger Quê Choa không khỏi “thốt nên lời” rằng “Này hỡi ông Hào”, tức Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào, khi đọc bài “Phó Chủ tịch Hưng Yên báo cáo Thủ tướng vụ Văn Giang”, qua đó, nhà văn Nguyễn Quang Lập, tức blogger Quê Choa, phản ứng mạnh mẽ rằng “nếu ai không biết thế nào là trơ trẽn thì nên đọc bài này”. 

Bây giờ họ bị bỏ rơi một cách thê thảm và có thể nói là với sự đối xử bằng tất cả những thủ đoạn như là đối với kẻ thù thì đó là tội ác trời không dung, đất không tha.


GS Nguyễn Huệ Chi

Theo nhận xét của nhà văn Nguyễn quang Lập thì “đại khái lãnh đạo Hưng Yên rất ngon lành” thể hiện, chẳng hạn như, “từng vụ việc cụ thể cần được xem thấu đáo, có lý có tình, nhất là phải đúng quy định của pháp luật”, “tăng cường công tác tiếp công dân, coi trọng tuyên truyền, vận động nhân dân và không nóng vội”, “Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân 3 xã, quan tâm giải quyết các quyền và lợi ích chính đáng của người dân, theo đúng các quy định của pháp luật”. Nhà văn Nguyễn Quang Lập chua chát:

“Lãnh đạo sáng suốt tận tâm giải quyết cho dân hết ý nhé, đền bù cho một mét đất bằng ba bát phở bò Việt Nam nhé, một sào đất bằng ba chục bát phở bò Mỹ nhé, giá cao nhất tỉnh nhé, đúng là yêu dân hơn yêu bò nhé. Sở dĩ cưỡng chế là để nghiêm trị: “Những người lợi dụng dân chủ, móc nối với những phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động trong nước và nước ngoài, cố tình chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, kìm hãm sự phát triển…”.

Nhưng cái sự nghiêm trị cũng nhẹ nhàng tình cảm lắm nhé, không nổ súng nhé, không đánh đập bắt bớ nhé, chỉ ném hai quả đạn cay thôi nhé. Chính quyền của dân vì dân do dân nhé, các quan coi dân như bố mẹ, không dám hỗn láo với dân đâu nhé. Còn thông tin mà dân thấy được, nghe được, đọc được là của bọn phản động đấy, chớ có tin nhé”.

Chuyện dài dân oan 

Một nông dân Văn Giang trên khu đất bị cưỡng chế hôm 24/4/2012. Photo courtesy of bee.net

Qua khẳng định “rất đanh thép” của quan phó đầu tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào rằng “Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền”, blogger Quê Choa phản ứng:

“Ông Hào thừa biết những “luận điệu thù địch” kiểu này dân nghe đã nhàm tai rồi, chán không buồn cãi nữa, vì thế ông tha hồ nói. Nhỡ có ai ngứa mồm cãi lại thì ông đã có cái mũ phản động chụp ngay xuống, khỏi phải lo. Đúng đấy thưa ông, miệng quan trôn trẻ... Chỉ hơi ngạc nhiên, nghe nói ông là nhà giáo nhà thơ thế mà ông không biết xấu hổ, kể cũng lạ quá. Gửi tới ông câu ca này: Hòn đất mà biết nói năng/ ông phó chủ tịch hàm răng chẳng còn, ông đứng trước gương đọc xem có đỏ mặt chút nào không. Chắc không. Đạo làm quan thời này đã phá hỏng tâm hồn nhà thơ nhà giáo của ông mất rồi, chỉ còn thứ ngôn ngữ té re như trôn trẻ, kinh lắm ối ông Hào ôi!”.

Qua bài “Lẩm cẩm thiên hạ sự hay Quê hương là chùm khế ngọt”, tác giả Lẩm Cẩm Lão Gia nhận xét:

“Những người dân nghèo ở Văn Giang, anh em nhà ông Vươn, những người dân bị cấm nhập cư vào Đà Nẵng và biết bao nhiêu người dân nghèo mất đất khác nào có tội tình gì để rồi phải bị ruồng rẫy ngay trên chính Quê Hương của mình? Nếu họ nhớ đến hai chữ Quê Hương đầy thiêng liêng kia thì họ phải nhớ ra sao?”

Tác giả Phạm Đình Trọng báo động “Đất gọi”, qua đó “cả nước đang sôi sục, nóng bỏng, đang ầm ầm dậy sóng những đoàn người khiếu kiện và đang cuồn cuộn những con sóng ngầm phẫn nộ trong lòng người vì đất đai”, khiến vang vọng tiếng súng bất đắc dĩ và phẫn nộ của Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng “phá tan sự thanh bình, êm ả ngàn đời của làng quê VN” như là một hình thức cảnh báo “chuyện dài dân oan”; khiến công luận lại càng hờn căm trước cảnh hàng ngàn công an “ trập trùng mũ sắt, khiên đồng, súng đạn, dùi cui trấn áp vài trăm người dân lương thiện, lam lũ” tại Văn Giang, Hưng Yên, khiến công luận bất bình trước vụ án “ngang trái, oan khiên” Nông trường Sông Hậu.

... biết bao nhiêu người dân nghèo mất đất khác nào có tội tình gì để rồi phải bị ruồng rẫy ngay trên chính Quê Hương của mình? Nếu họ nhớ đến hai chữ Quê Hương đầy thiêng liêng kia thì họ phải nhớ ra sao?!

Tác giả Lẩm Cẩm Lão Gia

Tác giả nhận thấy đất đai đã trở thành cảnh xung đột ngay trong những văn bản pháp luật; đất đai ngày càng thôi thúc thế lực kinh tế cấu kết với thế lực chính trị để “phù phép Luật Đất đai” sao cho họ dễ bề cưỡng chiếm, “làm giàu trong phút chốc” – mà càng sửa thì “Luật đất đai càng xa rời Hiến pháp, ngang nhiên vi phạm Hiến pháp, càng vô hiệu Hiến pháp, đất đai càng vô chủ, càng kích thích lòng tham, càng có thêm nhiều dự án treo đầu dê bán thịt chó về đất đai”; đất đai đã biến trọng trách an dân của nhà nước thành sự tắc trách của giới cầm quyền sách nhiễu dân lành qua hành động cưỡng chế, chiếm đoạt đất của dân nhân danh công ích. Tác giả Phạm Đình Trọng lưu ý:

“Đất đai là nơi chỉ ra rõ nhất bản chất một nhà nước. Nhà nước ứng xử với đất đai như ở Tiên Lãng, Hải Phòng, như ở Văn Giang, Hưng Yên mà tự nhận là nhà nước của dân, do dân, vì dân thì đó là sự giả dối. Đất đai đã làm băng hoại đạo đức xã hội, phá nát kỷ cương phép nước. Vì đất đai, quyền lực ngang nhiên chà đạp lên pháp luật, vất bỏ đạo đức làm người, coi thường cả đạo lý xã hội. Đất đai gây đổ vỡ trong lòng người; đất đai làm rối loạn xã hội; vì đất đai, quyền lực thản nhiên chà đạp lên pháp luật…”.
Đường trở về nhân dân




PCT tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Khắc Hào phát biểu tại hội nghị toàn quốc về giải quyết khiếu nại, tố cáo hôm 02/05/2012

Trước cảnh nhiễu nhương đó, LS Trần Quốc Thuận, cựu Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội kêu gọi giới cầm quyền VN hãy trả lại “quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm” cho người dân, đó là quyền sở hữu đất đai, và ông nhân tiện lưu ý rằng "Sở hữu toàn dân bây giờ lại thuộc về sở hữu của một nhóm người có chức, có quyền ở trong chế độ này, từ địa phương tới trung ương... là nguyên nhân sâu xa của một chế độ tham nhũng tràn lan, kéo dài, không ngăn cản được".

Nhắc tới giới “có chức, có quyền” đang thao túng, cưỡng đoạt “nguồn sữa Đất Mẹ” của dân, blogger Trần Nhương sáng tác bài thơ “Đường về” để giúp các quan tại vị thấy “đường trở về nhân dân”, với những dòng thơ:

Khi anh đang trị vì
Có thể hét ra lửa
Có thể bắt bớ thậm chí giết người không đồng chính kiến
Có thể anh được thụ hưởng vô biên mà không biết ở đâu ra

Có thể gia tộc anh ăn tiêu mười đời chưa hết của
Có thể anh nói một câu quần thần tán như rồng…
Tất cả. Anh có thể làm tất cả
Khi anh hết quyền

Có thể anh vẫn là người
Nhưng coi như đã chết
Có ông quan đầu tỉnh nọ
Về vườn mười năm sáng nào trước nhà cũng một bãi phân

…Hỡi những đấng quyền uy
Đường trở về nhân dân
Khó hay dễ chính khi đang tại vị…

Tạp chí Điểm Blog xin tạm biệt quý vị ở đây.
T.Q.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn