Không thể kéo dài thất thoát

clip_image001

 

Vinalines mua hàng chục con tàu cũ với số tiền hàng ngàn tỉ đồng, thế nhưng hiện nhiều tàu đang phải “nằm bờ”. Trong ảnh: tàu Sông Gianh đang nằm bờ ở huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: ĐÌNH DÂN

 

TT - Trước những vụ việc thua lỗ, thất thoát lớn tại DNNN, TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng cần xem xét thu gọn chức năng và quy mô DNNN để nền kinh tế linh động, hiệu quả hơn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thiên nói:

- Thời bao cấp chúng ta chỉ có DNNN nên nó được coi là chủ đạo, không thể thiếu. Nay đổi mới đã gần 30 năm, nhưng tư duy về DNNN vẫn chưa thay đổi mấy. Ta vẫn coi trọng quá mức DNNN, giao nhiệm vụ và chức năng quá mức trong khi năng lực cạnh tranh, quản lý không phát triển kịp. Vì vậy, những vụ kiểu như Vinashin, Vinalines, từng được dự báo, đang xảy ra trên thực tế, với tần số và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Giờ đây đã đến lúc phải sửa từ gốc: xác lập lại chức năng của DNNN, thu hẹp phạm vi hoạt động, từ đó xây dựng cơ chế và hệ thống quản trị phù hợp.

* Thưa ông, DNNN đang được coi là công cụ để bình ổn thị trường. Chức năng này những năm qua DNNN có làm được không?

clip_image003

Ảnh: VIỆT DŨNG

- DNNN hiện đang được kỳ vọng thực hiện bốn chức năng, sứ mệnh rất lớn. Một là làm trụ cột giữ định hướng XHCN; hai là lực lượng chủ công để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ba là làm công cụ điều tiết vĩ mô và bốn là tạo thành những “quả đấm thép” trong hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Kỳ vọng lớn nhưng thực tế thế nào? Cần suy xét rất thực tế chứ không thể chỉ áng chừng, cảm tính.

Đối với vai trò “quả đấm thép” thì thực tế cho đến nay, sau hàng chục năm, cũng chưa có ví dụ nào thật thuyết phục. Trong khi ví dụ ngược lại - Vinashin, Vinalines hay Tập đoàn Sông Đà - lại dễ thấy hơn.

Hay vai trò công cụ điều tiết vĩ mô. Nay, trong nền kinh tế thị trường đã có nhiều loại chủ thể tham gia, mỗi loại đều quan trọng, tùy chức năng nhiệm vụ. Nhưng tự nhiên giao cho một nhóm nhỏ DNNN giữ vai trò “bình ổn” các doanh nghiệp khác, theo tôi, là không được. Bởi khi đã giao một anh vai trò bình ổn thì chắc chắn phải tạo cho nó sức mạnh, lợi thế, đặc quyền... Mà như vậy là phân biệt đối xử trái với nguyên tắc thị trường.

Hơn nữa, DNNN hiện nay chỉ chiếm thị phần nhất định. Dùng một công cụ hữu hạn để thay đổi cả một thị trường sẽ khiến tiêu tốn nguồn lực lớn mà mục tiêu chưa chắc đạt được. Như xăng dầu, lấy DNNN giữ giá để chống lạm phát, nhưng lại phải tăng giá cho đúng quy tắc thị trường, bù lại cho doanh nghiệp đó sống. Không tăng rồi tăng mạnh dễ gây sốc, tạo bất ổn. Nếu không gây sốc thì ngân sách lại phải bù. Kết cục, dân và thị trường vẫn là người phải chịu thiệt.

* Lo không có DNNN ai sẽ giữ định hướng XHCN nên không ai dám bỏ vai trò chủ đạo của DNNN?

"Tại sao khu vực tư nhân lại chỉ được đóng vai trò kém quan trọng hơn DNNN khi đây là lực lượng chủ công tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động, là khu vực có tính vượt trội về hiệu quả và năng lực cạnh tranh?"

TS Trần Đình Thiên

- Lênin từng nói chiến thắng tất yếu chỉ của người nào có năng suất và hiệu quả cao trong cạnh tranh. Chúng ta nói nhiều về vai trò chủ đạo - lúc thì của kinh tế nhà nước, lúc thì của DNNN - nhưng mơ hồ. Trong nền kinh tế thị trường, các chủ thể kinh tế khác biệt về chức năng nhưng phải bình đẳng về tư cách. Vì hoàn cảnh lịch sử, DNNN của ta đang được giao nhiều việc quan trọng. Nhưng không có nghĩa DNNN “tự động” được coi là chủ đạo, các doanh nghiệp khác là “phụ đạo”, để rồi từ đó các DNNN dứt khoát phải được hưởng những ưu quyền, ưu đãi, có quyền tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn lực phát triển, chèn lấn các doanh nghiệp tư, đẩy họ vào vị thế bất lợi.

Chức năng của khu vực nhà nước và DNNN trong nền kinh tế thị trường là sản xuất hàng hóa công cộng, cung cấp dịch vụ công, làm những việc khu vực tư nhân không muốn làm, không thể làm.

* Với quan điểm trên, theo ông, tái cơ cấu DNNN sẽ cần phải thu gọn chức năng?

- Mấy năm gần đây, năm nào cũng thấy xuất hiện vấn đề với DNNN. Mỗi lần đều thấy thất thoát lớn. Rút kinh nghiệm xong lại thấy vụ sau nghiêm trọng và thất thoát không kém. Rõ ràng đó không phải là những chuyện đơn lẻ, ngẫu nhiên. Nên phải nhìn vào hệ thống cơ chế nhận diện nguyên nhân để thay đổi từ gốc, chứ không chỉ ở cơ chế quản lý hay hoạt động giám sát.

Theo quan điểm của tôi, tái cơ cấu DNNN đầu tiên phải xem lại chức năng cho nó. Nếu ta giao DNNN quá nhiều chức năng, nhiệm vụ to lớn, lại không biết nó có làm được không, thậm chí biết chắc nó không làm được vẫn giao thì không ổn. Không nên buộc một thành phần của xã hội thực hiện nhiệm vụ không đúng chức năng hay quá sức của nó. Cũng giống cơ thể người, nếu “giao” cho cái tay làm việc của cái chân thì khi cái tay càng làm tốt việc của chân, con người sẽ càng không giống con người. Cái tay chỉ nên làm và chỉ làm đúng những việc thuộc về chức năng của nó.

Theo lập luận đó, DNNN cần bớt dần hoạt động kinh doanh nhằm mục tiêu lợi nhuận. Quá trình này càng nhanh, càng triệt để càng tốt. Đây chính là sứ mệnh của công cuộc tái cơ cấu DNNN. Sự điều chỉnh chức năng như vậy thực chất là thay đổi phân bổ nguồn lực trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế.

* Vừa qua, ta gộp nhiều tổng công ty thành tập đoàn. Như Tổng công ty Sông Đà vốn có chuyện, nay gộp với Lilama... Tái cơ cấu không nên loại trừ việc giải thể tập đoàn?

- DNNN không nhất thiết to mới mạnh. Ta học mô hình Hàn Quốc trong tư duy phát triển tập đoàn đa ngành. Nhưng cái khác căn bản của Hàn Quốc là quá trình đó diễn ra một cách tự nhiên và chỉ ở các tập đoàn tư nhân. Tập đoàn mạnh phải là kết quả cạnh tranh, mua bán sáp nhập chứ không phải các quyết định hành chính. Nếu tập đoàn nào gộp vào mà sinh ra mất đoàn kết, không hỗ trợ được nhau, làm rối thêm điều hành thì tôi cho rằng nên mạnh dạn tách ra, vì nó làm yếu các thành viên và yếu đi. Ta đang thí điểm xây dựng tập đoàn nên có quyền điều chỉnh chúng khi cần thiết. Quan trọng nhất phải là hiệu quả.

* Nhiều ý kiến cho rằng cần mạnh dạn bỏ tư duy dùng DNNN làm công cụ bình ổn?

* Vậy có nên lập một ủy ban tái cơ cấu riêng để đảm bảo độc lập, tái cơ cấu thành công?

- Kinh nghiệm cải cách các nước thường không dùng chính bộ máy, tư duy cũ để cải cách chính bộ máy đó. Nên tôi ủng hộ quan điểm lập ủy ban riêng, giao trách nhiệm cho nó, chỉ thực hiện tái cơ cấu thôi. Nhưng trước tiên là phải xác định lại chức năng của các khu vực, các thành phần kinh tế, chứ cứ để chức năng DNNN như cũ thì tái cơ cấu DNNN khó thành công được.

- Kinh nghiệm thế giới cho thấy các nhà nước đều có đầy đủ quyền lực như thuế, chính sách xuất nhập khẩu, thậm chí ra luật cấm một số hành vi kinh doanh... để tác động đến thị trường. Nếu chính sách tốt, doanh nghiệp nào cũng có thể là công cụ điều tiết của nhà nước. Khi dùng chính sách làm công cụ, nó sẽ tác động “trung tính” đến tất cả doanh nghiệp, chứ không phải chỉ giúp một vài doanh nghiệp được hưởng lợi, còn đa số khác chịu thiệt hại.

* Giao chức năng lớn nên tiền đổ vào DNNN cũng nhiều. Giảm chức năng cho DNNN sẽ giúp đồng vốn vào đúng nơi hiệu quả nhất? Theo ông, nên bắt đầu từ khu vực nào?

- Quá trình đổi mới đã chứng minh khu vực ngoài nhà nước có thể tạo sức mạnh và hiệu quả lớn thế nào khi được trao quyền kinh doanh. Có nhiều việc trước chỉ nhà nước làm, nay tư nhân đã làm và làm tốt hơn. DNNN trong các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch, bất động sản, xây dựng, vận tải... cần được cổ phần hóa. Một số tập đoàn như Dệt may, Cao su... cũng nên cổ phần, thoái dần vốn nhà nước, lấy tiền đầu tư hạ tầng, tạo đà phát triển cho cả nước.

Đã đến lúc phải đổi mới mạnh hơn tư duy về DNNN. Cần tránh đặt nguồn lực quá lớn vào khu vực DNNN, trong khi khu vực này hiệu quả thấp. Bởi nó sẽ gây rủi ro rất lớn, chỉ một doanh nghiệp không hiệu quả là cả khối tài sản lớn bị lãng phí. Số lượng DNNN cũng cần ít hơn, tinh hơn, hiệu quả hơn mới “chủ đạo” được. Như thế Nhà nước cũng sẽ quản tốt hơn.

Cầm Văn Kình thực hiện

 

Nguồn: tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn