Phỏng vấn ĐB QH Dương Trung Quốc về Luật Biển Việt Nam

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Cuối cùng sau nhiều năm chờ đợi Luật Biển Việt Nam đã chính thức được thông qua trong phiên họp thứ ba của Quốc hội khóa 13 với số phiếu gần như tuyệt đối 495/496 phiếu.

Vietnam China Spratly

Thủy thủ Việt Nam trên đảo Phan Vinh trong quần đảo Trường Sa. EyePress News

Mặc Lâm phỏng vấn Đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc để biết thêm chi tiết về quyết định được xem là quan trọng này.

Phải có

Mặc Lâm: Xin ông cho biết Luật Biển được Quốc Hội đưa ra trong thời điểm này có do một yếu tố nào không, hay là đã có quy định trước là sẽ được thông qua vào ngày hôm nay không, thưa ông?

Hơn thế nữa, Việt Nam đã tham gia vào UNCLOS 1982 rồi vì thế việc ra Luật Biển càng sớm càng tốt và cũng là mong ước của người dân cũng như mong muốn của Quốc Hội.

ĐB QH Dương Trung Quốc

Ông Dương Trung Quốc: Là người theo dõi hoạt động của Quốc Hội và tôi được biết rằng Luật Biển được chuẩn bị rất lâu rồi, bởi vì ta đã biết Việt Nam là quốc gia có 3.200 cây số bờ biển, rất nhiều đảo và hải đảo, và quần đảo, mà chưa có luật thì hơi vô lý. Hơn thế nữa, Việt Nam đã tham gia vào UNCLOS 1982 rồi vì thế việc ra Luật Biển càng sớm càng tốt và cũng là mong ước của người dân cũng như mong muốn của Quốc Hội.

Luật Biển không chỉ đáp ứng yêu cầu về vấn đề bảo vệ chủ quyền mà ngay cả vấn đề muốn phát triển kinh tế biển thì cũng phải có hành lang pháp lý. Có thể nói rằng tôi đã chứng kiến nhiều lần và cá nhân mình cũng đã nhiều lần đề nghị Quốc Hội sớm thông qua. Tuy thông báo chính thức cho biết việc chuẩn bị chưa thật chu đáo, nhưng ở thời điểm này tôi nghĩ kỳ họp trước thì đã thảo luận rồi, kỳ họp này thông qua thì nó là quy trình bắt buộc và cho ra vào thời điểm này là thích hợp mặc dù cá nhân tôi cho rằng hơi muộn.

Hòa hiếu

clip_image003

BT quốc phòng Mỹ Leon Panetta và BT quốc phòng VN Phùng Quang Thanh gặp nhau tại Hà Nội ngày 4 tháng 6, 2012. AFP photo.

Mặc Lâm: Thưa ông, sau khi Luật Biển vừa thông qua thì Trung Quốc ngay lập tức đã đưa ra những lời lẽ rất cứng rắn để chống lại và thậm chí họ còn triệu tập Đại Sứ VN ở Bắc Kinh lên để phản đối. Là một đại biểu quốc hội, ông thấy trước hành động này của Trung Quốc thì Việt Nam có nên đề phòng những điều có thể xảy ra hay không?

Ông Dương Trung Quốc: Cá nhân tôi và chắc nhiều đại biểu quốc hội cũng nghĩ rằng thế nào Trung Quốc cũng phản ứng, tức là mình cũng đã nghĩ trước điều đó, nhưng tôi cho rằng chuyện đó là bình thường. Việt Nam thể hiện chủ quyền của mình thì thực ra quan điểm đó đã rất lâu, kể cả các phát ngôn chính thức trên trường quốc tế cũng như là đã đăng ký với Liên Hiệp Quốc, chả có gì mới cả. Còn việc làm luật thì quốc gia nào cũng phải làm luật cho quốc gia mình, đó là chuyện rất là đương nhiên.

Phản ứng của Trung Quốc dẫu sao cũng phản ảnh một thái độ chung của Trung Quốc đối với vấn đề chủ quyền trên Biển Đông chứ không phải chỉ riêng gì Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Trên cơ sở khẳng định chủ quyền của mình trong Luật Biển Việt Nam có nói nếu nơi nào có tranh chấp thì Việt Nam cũng sẽ sẵn sàng với tinh thần thực hiện những cam kết quốc tế, nhất là Công Ước về Luật Biển của LHQ (UNCLOS), và trên một tinh thần là vẫn thương thảo một cách hòa bình. Tôi nghĩ đấy là nguyên tắc mà Việt Nam sẽ ứng xử với Trung Quốc trong cả một tiến trình chứ không chỉ riêng chuyện phản ứng của Trung Quốc đối với việc thông qua luật này.

Trên cơ sở khẳng định chủ quyền của mình trong Luật Biển Việt Nam có nói nếu nơi nào có tranh chấp thì Việt Nam cũng sẽ sẵn sàng với tinh thần thực hiện những cam kết quốc tế, nhất là Công Ước về Luật Biển của LHQ (UNCLOS), và trên một tinh thần là vẫn thương thảo một cách hòa bình.

ĐB QH Dương Trung Quốc

Mặc Lâm: Sau khi Luật Biển ra đời thì cũng có rất nhiều dư luận, đặc biệt là dư luận quốc tế cho rằng khi Hoa Kỳ bắt đầu trở lại và nói chuyện với Việt Nam đã khiến cho Việt Nam mạnh dạn hơn trong vấn đề đưa ra luật này. Thưa ông, là đại biểu quốc hội thì ông có đồng tình với những nhận định như vậy không ạ?

Ông Dương Trung Quốc: Có thể vì sự liên tưởng sắp xếp lại nhiều hiện tượng khác nhau khiến người ta nghĩ đến chuyện đó, nhưng tôi nghĩ điều đó nếu có thì chỉ là một hoàn cảnh cụ thể thôi, còn việc Việt Nam phải có luật biển thì rõ ràng là một nhu cầu bức thiết. Xin nhắc lại rằng không chỉ vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia mà nó liên quan đến cả nhu cầu phát triển, nhất là khi Việt Nam càng ngày càng khẳng định kinh tế biển đã, đang và sẽ trở thành một nguồn lực to lớn trong sự phát triển của Việt Nam.

Trong khi thảo luận tại Quốc hội tôi cũng thấy thái độ của Việt Nam rất thiện chí, trên tinh thần nếu có tranh chấp thì phải thương lượng một cách hòa bình. Đương nhiên là mỗi quốc gia đều có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình. Hai nữa Việt Nam luôn luôn quan tâm đến những cam kết quốc tế. Tôi lấy thí dụ khi thảo luận về khoản đối với tàu quân sự các nước đi ngang qua lãnh hải của mình nếu không gây tác hại gì cả thì ta yêu cầu họ phải xin phép hay chỉ cần thông báo thôi? Cuối cũng tất cả đại biểu quốc hội đều phản ảnh là chỉ cần thông báo. Điều này đã thể hiện Việt Nam hoàn toàn muốn tạo những điều kiện thuận lợi và góp phần vào việc sử dụng giao thương trên biển được thuận lợi.

Như thế có nghĩa là thái độ của Việt Nam hết sức mong sự hòa hiếu, mong tất cả các quốc gia đều phải có những cam kết chung bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền của mình. Còn sự tranh chấp về chủ quyền thì chắc chắn nếu có xảy ra thì phải thương thảo, phải thảo luận.

clip_image005

Khu vự lãnh hải tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. RFA photo.

Mặc Lâm: Có một điều là chính quyền Trung Quốc sau khi Việt Nam thông qua Luật Biển thì họ lại nâng cấp quy chế hành chính của 3 quần đảo Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa ở Biển Đông từ cấp huyện lên cấp quận. Thưa ông, là đại biểu quốc hội ông có nhận thấy vấn đề này có vẻ càng ngày càng nóng lên và nghiêm trọng hơn thì trong Quốc Hội kỳ tới sẽ có thêm những điều khoản nào nữa thêm vào Luật Biển của mình nữa hay không?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng Luật Biển đã được thông qua rồi thì chắc việc bổ sung thêm không phải là chuyện làm ngay được, nhưng nó sẽ được cụ thể hóa trong việc thực thi Luật Biển với tất cả các văn bản dưới luật sẽ được ban hành trên cả hai phương diện là phương diện bảo vệ chủ quyền và phương diện phát triển kinh tế biển. Cho nên việc phản ứng của Trung Quốc là việc họ làm, còn Việt Nam cũng kiên trì quan điểm của mình, và trên cơ sở đó Việt Nam cũng sẽ thực thi những quyền mà luật pháp cho phép, và tôi xin nhắc lại là Việt Nam luôn luôn tôn trọng những cam kết quốc tế.

Mặc Lâm: Vâng. Thưa đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, xin cảm ơn ông rất là nhiều về những phát biểu của ông hôm nay.

Ông Dương Trung Quốc: Dạ, cảm ơn ông.

M. L.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn