Quốc hội của đất nước hạnh phúc thứ hai trên thế giới!

Tô Văn Trường

an-xinHôm nay là ngày nhà báo Việt Nam (21/6). Tôi là dân làm công tác khoa học kỹ thuật nhưng yêu nghề làm báo nên hay viết bài về các chủ đề khác nhau để trải lòng mình với bạn đọc. Ngày thường đã có thói quen nghĩ sao, viết vậy (tuy đôi lúc cũng phải chọn con chữ cho thích hợp) để khỏi làm phiền toái đến tòa soạn nhưng vẫn giữ nguyên tắc luôn tôn trọng sự thật thì ngày nhà báo càng phải làm hơn thế!

Thật ra vấn đề sinh hoạt nghị trường có lẽ là nơi thể hiện rõ nhất bản chất chính trị thực sự của chế độ ta. Cả hình thức và nội dung sinh hoạt nghị trường cho thấy rõ bản chất ấy. Thay đổi được nó, chính là thay đổi toàn bộ những nguyên tắc căn bản nhất của vấn đề tổ chức hệ thống nhà nước và thể chế chính trị. Đây là vấn đề gốc của mọi vấn đề. Đụng đến chỗ ấy, dù giỏi và khéo léo đến cỡ nào cũng rất khó khả thi về mặt ngôn từ. Còn sòng phẳng trên phương diện khoa học chính trị hay khoa học lý luận thì chẳng ai cho phép tranh luận bàn thảo. Thôi thì, cứ thực tế nghe nhìn để xác định nội dung nào hình thức ấy vậy, có lẽ hợp lý hơn cả.

Trước hết, nhìn cái cách điều hành, thái độ cư xử và thói n ói chuyện của ông “Chủ xị” điều hành thì cũng có thể thấy người ta (chắc chỉ là số ít người nào đó thôi) có coi vị trí/giá trị của đại biểu Quốc hội (mà xứ người thường gọi là Ông/ Bà Nghị, lớn lắm chứ) là gì đâu. Dĩ nhiên, có nguyên nhân chủ quan từ cả 2 phía: từ chính đại biểu và chính nhóm người có cùng đặc tính đó. Quốc hội kỳ này, cũng đã phát hiện được một vài người thật sự có đủ kiến thức, trình độ và tầm nhìn, hỏi trúng vấn đề cần hỏi như đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) vv... Các câu hỏi về vấn đề hệ trọng, nóng bỏng cần trao đổi hết sức rõ ràng thì hầu như không được trả lời xác đáng. Nhiều đại biểu hỏi quá dài, không rõ ý. Một số đại biểu hoạt động đến 2- 3 khoá Quốc hội rồi mà vẫn chưa biết cách hỏi. Nhiều đại biểu hỏi chỉ cốt để xuất hiện, trình diện cử tri, ngại truy vấn, tranh luận. Cử tri không thấy được hình ảnh các đại biểu theo đuổi tới cùng một vấn đề, để đáp ứng nhu cầu của cử tri giao phó kể cả ở khâu hậu kiểm và đánh giá hậu kiểm cũng như các giải pháp sau đó sẽ như thế nào?

Các vị trả lời chất vấn đều lòng vòng, tránh né. Việc gì cũng "đang cho kiểm tra", mặc dù nó xảy ra cả nửa năm nay như Bộ trưởng Công thương trả lời về sự cố đập thủy điện sông Tranh. Có những Bộ trưởng nói ngược thực tế, ngược cả kết luận của Thủ tướng như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường. Có Bộ trưởng nói như “con nai vàng ngơ ngác”! Thậm chí đến Phó Thủ tướng trả lời chất vấn có lúc còn không hiểu ý kiến của đại biểu. Phần lớn các vị trả lời đều "nhận trách nhiệm" vu vơ, giải thích tù mù, lòng vòng. Nhận nhưng không hề đưa ra hình thức tự xử lý trách nhiệm của mình.

Cái chính là qua chất vấn và trả lời chất vấn người ta không thấy vấn đề đã và sẽ xử lý thế nào? Ai chịu trách nhiệm?. Người ta có cảm tưởng làm vậy cho rồi, xong họp ai về nhà nấy, chuyện ai nấy làm như mọi khi. Bằng chứng là công tác quản lý Nhà nước về các mặt xã hội càng ngày càng tụt dốc, qua cột mốc các kỳ họp, dư luận có hiện tượng nhàm chán, không thèm theo dõi: Các doanh nghiệp nhà nước càng ngày càng đổ nát, tiền dân xài như rác, quên nộp 19.000 tỷ đồng mà nghe nhẹ hều!?. An ninh thì "bán" đất rừng vùng có vị trí chiến lược, bị phát hiện, hứa sẽ thôi thì nay lại "bán" mặt nước biển nơi hiểm yếu về quốc phòng. "Lợi ích nhóm chưa phát hiện nhưng nếu nói không thì (bộ trưởng) cũng không tin" vậy thì vấn đề "lợi ích nhóm" là bóng ma hay sao?. Nhưng "ma" nào mà đầu tư tùy thích hơn xài tiền túi, bất chấp nguyên tắc quản lý, luật lệ ?. Làm Nhà nước quản lý hành mà hỏi nhiều chuyện thuộc chức năng và thẩm quyền lại không biết, chưa có báo cáo, chờ báo cáo; hoặc sẽ xử nghiêm theo luật pháp!!!???

Kỳ họp nào cũng có chất vấn, trả lời chất vấn, nhưng kết quả chẳng đi đến đâu. Thà như chất lượng của đại biểu quốc hội khóa rồi, có nhiều vị quá kém cỏi và thô thiển nhưng lại cũng có rất nhiều vị đúng nghĩa để dân nhớ đến và kính trọng.

Đang viết về đề tài Quốc hội, được bạn hữu khuyên nên chuyển sang tin sốt dẻo, nước ta được đánh giá là hạnh phúc thứ 2 trên thế giới, bởi vì chuyện Quốc hội, ai cùng biết cả rồi, “đầu vào” thế nào thì “đầu ra” thế đó mà thôi. Hay nói cách khác, Quốc hội là sân khấu để chính thức hợp pháp hóa các chủ trương của Đảng hơn là nghị trường đúng nghĩa của dân chủ, cho dù là dân chủ xã hội chủ nghĩa đi nữa!

Ngày 17/6/2012 vừa qua, trên trang mạng VnExpress có đăng một bài viết với tựa đề dễ gây ấn tượng: “Người Việt hạnh phúc thứ nhì thế giới”. Thông tin này có thể gây ngộ nhận với nhiều người đọc là dân Việt Nam chúng ta rất đáng tự hào là đang được sống rất hạnh phúc với mức cực kỳ cao nhất nhì trên thế giới (?!). Điều này có thể làm nhiều người cảm thấy tự thoả mãn và tạo nên sự lạc quan quá mức. Chỉ số đánh giá hạnh phúc của con người thật khó hiểu! May mắn, bạn đồng nghiệp Lê Anh Tuấn từ Cần Thơ gửi cho chúng tôi bài viết nguyên văn như sau:

“Quỹ Kinh tế mới (New Economics Foundation, NEF), một tổ chức tư nhân ở Anh, mới công bố bảng xếp hạng năm 2012 các quốc gia theo Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (Happy Planet Index - HPI). Theo bảng xếp hạng năm nay, Việt Nam được đứng hàng thứ 2 trên thế giới. Thực sự không phải vậy, HPI không thể là số đo hạnh phúc của người dân sống trong quốc gia mà chỉ số này đã xếp hạng. Chỉ số HPI dựa vào mối quan hệ giữa ba thông số là tuổi thọ, sự hài lòng cuộc sống (theo thu nhập dựa vào tổng sản phẩm quốc nội - GDP) và mức tiêu thụ tài nguyên theo dấu chân sinh thái (ecological footprint). Công thức tính HPI dựa theo GDP như sau:

clip_image002

Trong đó : - HPI là Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc;

- LIFE là giá trị về tuổi thọ (Life expectancy);

- SAT là mức độ thoả mãn về cuộc sống (Life satisfaction);

- FOOT là trị số dấu chân sinh thái (Footprint).

- f, p, a và b là các hằng số kinh nghiệm[1], f = 0.60, p = 73.35, a = 2.93, b = 4.38.

Giá trị của HPI nằm trong khoảng từ 0 đến 100. Các số liệu mà NEF dùng để tính HPI dựa vào các con số thống kê được công bố bởi chính quốc gia đó hoặc của các tổ chức quốc tế khác nhau hoặc có từ sự điều tra riêng có thể có được của NEF. Giá trị LIFE và SAT được xác định bằng cách dựa vào thống kê để xác định các quan hệ tương quan giữa GDP và các thông số tuổi thọ và sự thoả mãn cuộc sống chung cho toàn cầu. Dấu chân sinh thái là một khái niệm dựa vào tỉ số giữa khai thác và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như việc tạo ra và xử lý ô nhiễm do việc tiệu thụ tài nguyên, căn cứ theo mức hấp thu hay phát thải ra khí CO2. Dấu chân sinh thái là một thông số rất phức tạp và không dễ dàng để xác định nhưng lại là một thông số có quyết định rất lớn trong bảng xếp hạng của NEF. Ngay cả sự không đồng nhất của cách thống kê của mỗi quốc gia hoặc các số liệu không thể so sánh cách điều tra của các tổ chức quốc tế khác nhau và của NEF cho mỗi nước đã làm dấy lên sự nghi ngờ tính xác thực của kết quả sắp hạng. Thậm chí NEF không hề tiến hành một khảo sát thực tế nào ở Việt Nam, nhưng cũng có số liệu để đánh giá. Do vậy, chỉ số HDI rất cảm tính và kết quả sắp hạng của nó là mơ hồ.

Theo bảng sắp hạng năm 2012 của NEF1, các vị trí top-ten hầu hết là các quốc gia nghèo ở Trung và Nam Mỹ, Costa Rica có HPI cao nhất thế giới, chỉ riêng duy nhất Việt Nam là quốc gia Châu Á đứng thứ 2. Bangladesh là quốc gia nghèo khổ nhất vùng Nam Á nhưng đứng hạng cao nhất khu vực, thứ 11. Các nước như Nhật Bản đứng thứ 45, Trung Quốc thứ 60, Singapore thứ 90, Mỹ thứ 105, Đan Mạch thứ 110, Nga thứ 122, Kuwait thứ 143, … trên 151 nước được đánh giá. Dễ thấy hầu hết các nước nghèo xứ Nam Á và Châu Á có HDI cao, trái với con số của Liên hiệp quốc về Chỉ số Phát triển Con người (Human Development Index - HDI), và GDP thấp, ngược lại. Các nước công nghiệp hàng đầu, có HDI và GDP cao thì HPI thấp, điển hình Mỹ là nước cường quốc số một trên thế giới nhưng Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc lại rất thấp.

Lý giải các nước nghèo lại có HPI cao vì họ sử dụng tài nguyên thấp. Có nhiều nguyên do, có thể là nước họ nghèo tài nguyên thật sự nên ít khai thác, hoặc có tài nguyên nhưng họ đã bán tài nguyên thô cho các nước giàu mà không chế biến, tiêu thụ trong nước, hoặc có thể họ đã khai thác hết tài nguyên từ nhiều năm trước và nay không còn tài nguyên gì để khai thác. Một so sánh khác, tuổi thọ và cảm giác hài lòng của người Nhật, người Đức và người Mỹ gần như nhau nhưng nước Nhật và người Đức cùng ít sử dụng vật chất từ tài nguyên thiên nhiên hơn người Mỹ nên HPI của Nhật (45) và Đức (46) xấp xỉ như nhau và cao hơn gấp đôi người Mỹ (105). Nước Pháp tiêu thụ 80% năng lượng từ các nhà máy điện hạt nhân, được đánh giá là ít có tạo dấu chân sinh thái vì ít tạo ra CO2 hơn các nước có nhà máy điện chạy bằng than đá, nên có được HPI cao (thứ 50). Kuwait là một xứ sở giàu có nhưng họ tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch là dầu mỏ rất thoải mái, ở đó xăng dầu rẻ hơn nước lã, các nhà máy nhiệt điện của Kuwait chạy bằng dầu mỏ, xem là thải ra nhiều carbon. Kuwait phải dùng điện để lọc nước biển thành nước ngọt, nên bị đánh giá là tạo nên dấu chân sinh thái cao khiến giá trị HPI của họ rất thấp.

Cách thức đưa ra HPI và kết quả so sánh của nó dễ gây sốc hoặc phấn kích cho nhiều người. Kết quả này ngược hoàn toàn những đánh giá của các tổ chức khác như Tạp chí nổi tiếng Forbes sắp hạng[2] các Quốc gia Hạnh phúc nhất và Buồn tẻ nhất. Hạnh phúc của một con người, của một gia đình thường mang tính cảm quan, không dễ gì để đánh giá và so sánh. Mở rộng ra một quốc gia thì càng khó. Đem so sánh cho tất cả quốc gia thì càng kém thuyết phục. Tuy nhiên, sự xếp hạng của NEF cũng có cái tích cực, đó là giúp các nước giàu nhìn lại cách tiêu thụ vật chất quá dồi dào và đôi khi phung phí của mình mà có thể họ phải nên suy nghĩ lại và cần tiết kiệm hơn.

Bạn Bích Hằng (AITAA) tâm sự mình thì chẳng biết các chỉ số đó là gì cả, chỉ cần hàng ngày đi làm, nhìn đồng bào mình chen lấn xe máy, ô tô chồng chéo trên những con đường hẹp đầy nguy hiểm, nét mặt ai cũng căng thẳng và vội vàng dưới trời nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại, khói bụi cuồn cuộn, nhất là lúc tắc đường là mình đã thấy được là họ có hạnh phúc hay không rồi. Chỉ cần thấy phụ huynh thức trắng đêm xếp hàng mua đơn xin học, xô đổ cổng trường để có một chỗ học cho con, không chỉ ở trường Thực Nghiệm đâu mà ở các trường công lập cũng đều như vậy đấy, chỉ thế thôi mình cũng hiểu họ có hạnh phúc không rồi.

Bản thân mình cũng luôn tự hỏi mình có hạnh phúc không? thật là khó để nói đâu là hạnh phúc, chỉ với những thường nhật thì có thể nói là hạnh phúc, nhưng cứ mỗi ngày chứng kiến bao nhiêu va quẹt, tai nạn trên đường, cướp giật trắng trợn trước mắt, nạn mãi lộ ngay mỗi góc đường góc phố, các băng rôn biểu tình của dân nghèo đòi đất trước cửa cơ quan công chính. Vậy thì hạnh phúc làm sao được?

Cảm giác bất lực hình như đang bủa vây mỗi người chúng ta, mỗi ngày đọc báo là mỗi ngày thấy thất vọng tràn trề. Từ cảm giác bất lực đó mà Bích Hằng đã viết một bài thơ “Tôi đi bên tôi” tặng cho chính mình, và gửi tặng các bạn có cùng tâm trạng:

Tôi đi bên toi

Tôi đi bên tôi, một nửa của chính mình

Nửa của bình yên, của bộn bề cuộc sống

Của bát cơm, manh áo rất đời thường

Nửa của mỗi chiều về, ấm áp chờ nhau.

Nửa của niềm vui, nửa của nhân đôi

Đến rất khẽ chạm hờ bên ô cửa

Tôi níu tay xin chờ thêm chút nữa

Nửa của tôi ơi, xin mở cửa mời vào.

Nửa cháy bỏng bỗng trở về tuổi trẻ

Tiếc cho mình chưa sống hết đam mê

Nửa day dứt đi tìm về quá khứ

Tìm mênh mông ảo ảnh của chính mình.

Nửa của khát khao, nửa cồn cào con sóng

Cứ trào dâng mỗi sớm, mỗi chiều

Cứ vô vọng, cứ rơi vào năm tháng

Cứ bàng hoàng mỗi sợi tóc mây bay.

Tôi đi bên tôi, lãng đãng giữa đời thường

Giữa nắng, giữa mưa, giữa bụi đường bỏng rát

Giữa khổ đau, bao người đang giằng xé

Một miếng cơm no, một tấm áo lành.

Nửa đau đớn khi bóng chiều chợt tắt

Ở ngoài kia bao đứa trẻ không nhà

Tôi chỉ biết làm những điều nhỏ bé

Sao thấy mình ích kỷ giữa nhân gian.

Tôi đi bên tôi câm nín giữa đời thường

Muốn nói lắm những điều không thể nói

Vẫn xót xa đọc từng trang báo mạng

Ở ngoài kia ai cướp đất cướp nhà?

Nửa vẫn cháy hết lòng, dù gió bão

Vẫn mơ về nửa ấy của mùa Thu

Của gió heo may, của muôn màu sắc lá

Nửa của tôi ơi, ngày ấy đã xa rồi.

Dù vẫn biết, mình chỉ là hạt cát

Giữa ngàn trùng sa mạc trần gian

Và khi chết đi lại trở về là cát

Vẫn ước là hạt cát kết thành trai.

Tôi đi bên tôi tự hỏi lòng day dứt

Tôi sống cho đời hay chỉ sống cho tôi?

Để thấy trong mình hai nửa bỗng chia đôi

Tôi đi bên tôi, một nửa của chính mình.

Để chia sẻ, đồng cảm với bài thơ “Tôi đi bên tôi” của Bích Hằng, xin vịnh đôi lời thay cho lời kết của bài viết này:

“Tâm tự vấn tâm” với chính mình, một nửa

Bích Hằng ơi! Nửa còn lại giữa đời

Nửa bộn bề mà lòng như lửa cháy

Thao thức hoài một nửa vẫn bên tôi

Những đau đớn khát khao và hy vọng

Những trái ngang làm cuộn sóng sôi lòng

Dù quá hiểu đời là như thế

Tìm chính mình trong ảo ảnh mênh mông”

T. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

[1] NEF (2012). The Happy Planet Index: 2012 Report. 27p.

[2] forbes.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn