Bức ảnh mùa thi cảm động và chuyện gà gáy sáng trăng

Bùi Nam Sơn

Đôi lời – Bài viết cảm động. Vietnamnet chọn đăng khéo.

Nhưng… giá như cuộc đời này bớt đi được những chuyện cảm động, thì con người sẽ được sống hạnh phúc hơn. Hoặc, định lý đảo: ở nơi mà con người đã được sống hạnh phúc, sẽ có ít khả năng xảy ra những chuyện cảm động… có nguyên nhân từ sự cơ cực như chuyện kể lại trong bài viết này.

Nhà thơ và nhà viết kịch Đức Berthold Brecht có lúc đã viết: “Chỉ tốt thôi, chưa đủ, phải tạo ra hoàn cảnh để lòng tốt trở thành đồ thừa” – một xã hội như thế, khi chuyện cảm động thành đồ thừa, khi lòng tốt thành đồ thừa, đó sẽ là thiên đường thực sự dưới trần gian!

Giải pháp rành rành ra đó, chỉ người vô cảm mới không nhìn ra:

1/ Thanh thiếu niên học xong lớp 12 được cấp một chứng chỉ hoàn thành bậc học phổ thông quốc gia.

2/ Với chứng chỉ đó em có thể thi vào bất kỳ trường Cao đẳng hoặc Đại học nào tùy thích. Chất lượng học tập sẽ do chính các em chịu trách nhiệm.

3/ Từng trường Đại học tổ chức thi tuyển cho riêng mình, theo yêu cầu đào tạo của riêng mình.

Chỉ một bấm nút đơn giản đó là sẽ hết cảnh “lôi thôi sĩ tử” như vẫn thấy vài ba chục năm nay. Mà chất lượng đào tạo sẽ được nâng lên một cách tự nhiên.

Cấn có những người điều hành giáo dục có một tầm dân trí khác! Bài toán ở chỗ đó. Giải được bài toán, xã hội sẽ thấy chuyện cảm động là thừa, lòng tốt là thừa – và đối lại, nói không với tiêu cực cũng lại là đồ thừa nốt.

Để cho xã hội sẽ có những chuyện cảm động và lòng tốt theo kiểu khác, ở một trình độ giáo dục khác!

Phạm Toàn

Một tác phẩm vô danh, nhưng cuộc đời trong đó thì rất chân thật, gần gũi, gây "sốt" ầm ầm là phải. Đó là bức ảnh mùa thi cảm động "Cha trông con ngủ" mà sau đó báo chí đăng tải với nhiều tán đồng của bạn đọc, bạn viết gần xa.

Con trai tôi năm nay hết năm thứ ba đại học, lò dò trên mạng rồi bỏ bàn phím chạy ra mách "Có bức ảnh tuyệt hay, bố xem đi!". Tôi, chả là vừa góp tiền mua cho cu cậu chiếc máy ảnh, cứ nghĩ nhiếp ảnh gia trẻ có "tác phẩm" trình bố, hóa ra...

Vâng, một tác phẩm vô danh, nhưng cuộc đời trong đó thì rất chân thật, gần gũi, gây "sốt" ầm ầm là phải. Đó là bức ảnh mùa thi rất cảm động "Cha trông con ngủ" mà sau đó báo chí đăng tải với rất nhiều tán đồng của bạn đọc, bạn viết gần xa.

Vào blog của bạn tôi, cũng thấy bàn về bức ảnh ấy, lại có liên hệ với bố mình ngày đưa em gái đi thi, về niềm hạnh phúc có một người bố yêu mẹ, thương con hết mực, âm thầm vươn lên, vượt lên.

Tự dưng lại nhớ câu chuyện cũng về một người bố đưa con đi thi, ngồi chờ con bên gốc cây trưa nóng , mệt mỏi rồi vô tình...ngáp! Bạn tôi là phóng viên đài nọ đã rất kỳ công để bấm được giây phút thần tình ấy, đưa lên thời sự đài quốc gia. Bấy giờ thi cử tập trung hết về Hà Nội, vất vả, tốn kém, nhiêu khê. Hình ảnh "ngáp" ấy cũng như chuyện dở khóc, dở mếu trước cửa ...toilet nhà đông khách quê sáng sớm, cho đến nay vẫn còn khiến bao nhiêu người ngán ngại.

Thời tôi đi thi, chỉ tập trung về huyện lỵ, cách nhà khoảng 15 km (chứ không phảỉ ròng rã 300 km từ Yên Thành - Nghệ An ra Thanh Trì - Hà Nội mà phải còng lưng, mỏi gối đạp xe với 30.000 đ trong túi như học trò Thuận vừa được báo chí loan). Trọ nhà dân, gửi gạo, lạc nhờ bà con nấu hộ. Chỉ tập trung vào thi cử chứ nhớ gì ăn uống. Thi xong, không kịp cám ơn gia đình vì họ đi làm chưa về. Thế rồi đạp xe về nhà, vừa hát vừa huýt vang đường vắng không phải vì làm bài tốt, phấn khởi mà vì... sợ ma.

clip_image003

 

Bức ảnh "Cha trông con ngủ" được cộng đồng mạng chia sẻ

 

Tôi và người bạn thân nhất cùng làng, cùng đi thi dạo ấy, không "sướng" như cô học trò được bố quạt ngủ lấy sức giữa 2 môn thi căng thẳng trong tấm ảnh, hay như người bạn viết blog nói trên. Chúng tôi tự mình đạp xe đi thi (tất nhiên là vô cùng gần so với Thuận bây giờ). Bố bạn tôi hy sinh năm 1967 ở chiến trường B. Mẹ bạn tôi luôn đau yếu..

Bố tôi dạo ấy làm việc trên huyện, cứ mang xắc cột, đạp xe đi hết xóm, xã, huyện, tỉnh, trưa ngày tối bữa. Mọi việc nhà chủ yếu mẹ tôi lo liệu, kể cả việc học hành thi cử của con cái. Nhưng, đường xa, mẹ tôi hồi đó cũng như sau này không biết... đi xe đạp, nên bà chỉ đi bộ tiễn tôi ra khỏi làng rồi đứng nhìn theo tôi hễ nhảy lên xe là huýt sáo véo von.

Thú thực tôi không nhớ nhiều về chuyện học thi của mình hồi đó, mà chỉ nhớ chuyện về mẹ. Tôi có gì đọc được là ngốn lấy ngốn để, viết vẽ linh tinh, thức khuya, người nhắc tôi thu xếp sách báo gọn gàng và đi ngủ để mai còn dậy sớm là mẹ. Trường cấp 3 tôi học ở bên kia sông Lam, học trò phải qua đò ngang, đông người, tranh nhau, chen lấn nhau không ít lần khiến đò chìm ngay bên bến.

Vì vậy, muốn an toàn, không muộn giờ học chỉ còn cách dậy sớm, sang sông sớm. Người lo lắng nhất cho tôi suốt 3 năm học, lo nhất chuyện đò giang là mẹ tôi. Quen đến nỗi ngày nghỉ Chủ nhật mà mẹ tôi cũng thức dậy như cách người lính thuộc ca trực, nhớ ra lại lên giường nằm nhưng không thể ngủ lại được.

Có hôm, trăng mây mờ tỏ, gà gáy nhầm canh ba, mẹ dậy nấu cơm rồi giục vội tôi ăn nhanh, muộn rồi, trời sáng rồi, mau kẻo chậm học, con ơi. Mẹ cũng gánh rau ra Chợ Lở luôn, hai mẹ con cùng đi. Ra đến bến đò vắng hoe. Chợ cũng chưa một bóng người.

Bác quét chợ (mẹ tôi có lần dặn "Các con phải biết thương bác ấy, bác ấy khổ nhất làng ta") thường đến sớm nhất cũng chưa thấy. Hóa ra lúc đó mới quá nửa đêm, gà ơi là gà, trăng hỡi sáng trăng...

Sau lần thi ấy, mẹ tôi kể, hai đêm chờ tôi, bà không hề chợp mắt mà chỉ trở ngang, lật dọc, quạt liên hồi vì nóng, vì muỗi và vì điều gì đó không nói được. Trước hôm tôi về, bà luộc một nồi khoai, rang sẵn một ống bơ lạc, ngồi nhìn ra cổng, ra phía tôi sắp sửa hiện ra không hiểu sẽ tươi cười huýt sáo vì làm bài tốt hay nhăn nhó cái mặt mà bà vô cùng quen thuộc và thường mắng khẽ ấy.

Để rồi một ngày bình thường như bao ngày chờ đợi không nói, không hiểu sao bố tôi lại đạp xe về nhà lúc mặt trời chưa chạm dãy Hòn Yêm, ghi-đông treo lủng lẳng một xâu bánh đa Đô Lương thơm ngon có tiếng. Tiếng ông sang sảng như thường lệ, nghe thật rõ, thật vui từ đầu ngõ "Mẹ thằng Cu mô rồi, về mau, về mau liên hoan Cu ta đỗ đại học. Giấy báo đây này. Cả huyện, cả xã biết rồi mà mẹ mi vẫn còn ở trong bếp...".

Bố tôi nói câu đó rất vô tình, nhưng tôi thì nhớ mãi. Không nhớ sao được bao nhiêu tháng ngày khi cả nhà đang ngon giấc thì mẹ tôi lụi cụi trở dậy nhóm bếp, hôm nắng nóng cũng như khi gió lạnh. Không nhớ sao được khi củi tươi không bén lửa, gió theo vách thủng thổi tắt ngọn đèn, khói phả sặc sụa, mắt mẹ cay xè, mặt mũi quệt đầy bụi than, bồ hóng... Không nhớ sao được bát cơm, bát canh nóng sốt chờ bố về, trời trở gió mà thằng Cu không biết đã qua sông hay là chưa, bụng chắc sôi réo liên hồi, lốp xe quấn dây thun trưa nắng cầu trời đừng có đứt.

Làng Nhân Hậu quê tôi nghèo, nhà tôi cũng thế. Nhưng làng tôi tự hào nhiều người học giỏi, trưởng thành. Trước tôi, nhiều anh chị được gọi đi học nước ngoài, về nước làm đến Cục trưởng, Thứ trưởng... Cùng lứa tôi, có bạn đi học trường chuyên Phan Bội Châu trên tỉnh. Lần tôi thi đỗ Khoa Văn Tổng hợp thì làng tôi cũng góp ba "văn nhân" nữa, thêm tôi nữa vị chi bốn như cách nói của người làng. Chúng tôi có lần ngồi với nhau, buồn làm hớp rượu, nhắm hột lạc rang, bỗng có đứa thốt lên "Các cụ làng ta tài thật, xem mặt đặt tên rất chi là hợp lý. Làng Nhân Hậu mới đẻ ra toàn "văn nhân" thơ ca dào dạt...".

Mới rồi, làng tôi có cháu đỗ thủ khoa khối A Ngoại thương Hà Nội. Cu con nhà tôi về quê vớ được viết bài đăng báo là "Thủ khoa phụ hồ", chả là cu này vừa học vừa đi phụ hồ giúp bố. Hôm nhập trường, bố con ra Hà Nội tìm mãi mới đến đúng nhà tôi, mang theo một cân lạc vỏ, một xâu bánh đa sống và hai con gà, nói là cám ơn bác, quê nỏ có chi. Mừng vô kể. Lại người xóm ta học hành đỗ đạt, mở mày, mở mặt. Chả là mẹ thằng cu thủ khoa kia chỉ kém tôi dăm ba tuổi, cùng Xóm Sau, trưa tối nấu chè xanh là cứ gọi nhau ời ời.

Lại còn nói chuyện kiểu dọc chuối "Tui nói với hắn trước khi thi: Mi mà không đỗ thì chỉ có đi phụ hồ. Nhưng mi mà đỗ thì vợ chồng choa phụ hồ! Không ngờ hắn mần được thủ khoa, tỉnh, huyện, xã, xóm, bà con đến mừng suốt cả tháng ni, bác ạ".

Cùng lúc đó, mẹ tôi nhắn tin ra "Cháu nội nhà bác quét chợ lần ni đỗ đại học nguyện vọng 2, con nhớ về mừng cho nhà bác ấy. Ngày xưa, có lần mẹ nói mãi bác ấy mới chịu lấy tiền chợ, nói là nhà nghèo như nhau, nỏ lấy, bà để mà góp cho con đi học!".

Con trai lớn ông bạn nối khố cùng đạp xe đi thi năm nào (nay đã là Đại tá - nhà văn) cũng vào Đại học Kiến trúc, lại phát huy cái nghề viết, vẽ đẹp như in mà bố nó hồi sinh viên viết bảng tin Khoa Văn bên gốc xà cừ lúc nào cũng người xem tấm tắc xúm đen xúm đỏ.

Tối hôm đó, bố con tôi dán mắt vào bức ảnh mùa thi cảm động "Cha trông con ngủ", đọc từng câu đến hết bài và vô số comments trên báo. Nhiếp ảnh gia trẻ sắp sửa vào nghề có lẽ đã hiểu ra điều gì từ bức ảnh bất ngờ mà giản dị đó. Còn câu chuyện gà gáy nhầm trăng, về bác quét chợ... thì có lẽ chỉ mẹ tôi và tôi thấm thía và mang theo suốt những tháng năm này...

B.N.S.

Nguồn: tuanvietnam.vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn