Hãy dừng tay lại trước khi quá muộn!!!

TS Trần Văn Bình (Đức)

clip_image002

 

Thảm họa nhà máy Fukushima Daiichi

 
Nhân một lần đi thăm Trung tâm trưng bày Văn hóa Chăm BÌNH THUẬN, tại thị trấn Chợ Lầu – cách nơi chôn nhau cắt rốn của tôi không xa là mấy – tôi nhận được một tài liệu rất hay,  gồm 3 trang chữ đánh máy, ghi tên người viết là Phạm Khánh Toàn với tiêu đề: Công chúa Chăm ở Tuần lễ Vàng.

“…còn quá nhỏ tuổi nhưng tôi vẫn nhớ tuần lễ vàng ở Phan-Lý-Chàm xuân năm 1945 ấy, quê tôi người đủ ăn cũng đeo vàng, bông tai, cà rá kiềng vàng, khánh vàng không tính bằng chỉ mà lượng nào lượng nấy nặng trình trịch. Thợ vàng chưa làm được dây chuyền, vàng đeo hồi đó không dát mỏng dính mỏng teng như bây giờ. Ngày Tết, đám hỏi, đám cưới kiềng vàng đeo nặng cổ. Tuần lễ vàng khai mạc sau một ngày, vàng đem tới ủng hộ không thể ngờ. Vùng này giàu nhờ biển cá, rừng xanh, vườn cây, ruộng lúa và buôn bán nên nhà nào cũng có vàng. Đeo vàng là chuyện cơm bữa. Số vàng ủng hộ cuối ngày mở hòm ra đếm cẩn thận công khai trước đại diện Việt Minh và bà con, chẳng ghi họ tên ai cúng.

Qua ngày thứ hai của tuần lễ vàng, ban quyên cúng nhận được tin: bà Công chúa ở Tịnh Mỹ đem vàng của vua Chăm tới tuần lễ vàng ủng hộ Việt Minh. Đám rước Công chúa Thềm đến tuần lễ vàng tưng bừng long trọng, từ Tịnh Mỹ qua chợ Lầu rồi tới huyện, người hai bên đường đứng coi đông nghẹt bà Thềm lúc đó đẹp lộng lẫy. Người bà dong dõng cao, da trắng má hồng, mắt đen lay láy. Bà mặc áo công chúa màu xanh da trời thêu hoa văn kim tuyến, đội mũ vàng. Một viên đá quý to cẩn giữa trán, Bà ngồi trên kiệu có cả chục người khiêng. Theo sau bà đông đảo các tộc Chăm ở Tịnh Mỹb-bLương Sơn và người thuộc Hoàng gia Chăm. Họ cầm cờ đỏ sao vàng trương khẩu hiệu viết bằng chữ Chăm “pauơthuần Hồ Chí Minh”. Đám rước đi trong 72 điệu trống Ra găm Ri năng, mõ Paranưng, trống cái Haga Prong, kèn Saranai, sáo Taliak, tù và Abau, đàn Kanhi, đàn Radap Kadaut, đàn Champi. Người Chăm coi âm nhạc là cuộc sống, là phồn vinh của bộ tộc. Những dịp lễ long trọng như Tết Ka tê, Ra mư Woan, âm nhạc và vũ đạo Chăm là thiêng liêng… Ông chủ nhiệm Việt Minh, ông tộc trưởng Bố Thuận mừng đón bà. Bà tự tay bưng chiếc mâm đặt trên bàn trải khăn trắng dưới cờ đỏ sao vàng và chân dung Hồ Chí Minh. Bà trịnh trọng nói: “Hoàng gia Chăm thuộc tộc Tịnh-Mỹ, xin ủng hộ Việt Minh số vàng này, tỏ tấm lòng với cụ Hồ, với Vệ Quốc Đoàn”; …

Đọc những giòng chữ trên, tất cả chúng ta – những người của thế hệ sau bà công chúa Chăm Nguyễn Thị Thềm – thấy phần nào tấm lòng, tình cảm của dân tộc Chăm đối với Cách mạng, trách nhiệm với công cuộc phát triển, phồn vinh của đất nước, với sự tồn vong của tất cả mọi dân tộc sống trên dải đất hình chữ S này. Thế mà những năm gần đây chương trình cho xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 ngay tại nơi có người Chăm định cư nhiều nhất trở thành đề tài “hot”, gây nhiều tranh cãi;  đã có không ít nhà khoa học, trí thức trong cũng như ngoài nước và cả những người dân bình thường đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự tồn vong của dân tộc này.

Thì đây chúng tôi xin mời các nhà lãnh đạo chính trị, các cơ quan trách nhiệm về chính sách năng lượng, các ngài thủ trưởng của Viện Năng lượng Hạt nhân Việt Nam, các vị chủ đầu tư, EVN, Tập đoàn điện lực Việt Nam hãy đến tận nơi, các thôn  Vĩnh Trường, thôn Sơn Hải 2, thôn Từ Thiện  tỉnh Ninh Thuận…, để cùng lắng nghe những tiếng nói, tìm hiểu những bức xúc của người dân và hãy trả lời những thắc mắc với tất cả cái Tâm trong sáng và cái Tầm nhìn xa, trông rộng của mình nhé:

- Một chị có cơ sở nuôi trồng hải sản cho biết: sống gần với điện hạt nhân cũng sợ lắm.

- Một người dân cư lâu năm tại địa phương  trên đường đi Mũi Dinh tại thôn Sơn Hải 1 cách nơi sẽ đặt nhà máy điện hạt nhân khoảng 3 km suy nghĩ  và  cho biết: “Cũng mong chính quyền ra lệnh di dời để cả nhà đi nơi khác. Chứ ở đây nghe người ta nói gần nhà máy điện hạt nhân mình sợ lắm”.

Dù đã được chính quyền tuyên truyền về mức độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân nhưng trong họ luôn hiện hữu một nỗi lo lắng khi phải sống chung với nó.

clip_image004

Người dân Nhật biểu tình phản đối việc khởi động lại nhà máy điện hạt nhân

Sau sự cố, tai biến nhà máy điện hạt nhân Fukushima-Daiichi Nhật Bản đã làm cho người Chăm cảm thấy không thể yên tâm!

- Một nhà văn người dân tộc Chăm nói: “Dân tộc Chăm chúng tôi trong lịch sử đã phải chịu nhiều thiệt thòi, mất mát. Hiện nay, chúng tôi chỉ còn một nhúm đất, duy trì văn hóa cha ông. Chính quyền cho xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân rất gần với nơi đông đảo đồng bào Chăm chúng tôi sinh sống, như thế chẳng khác nào dồn chúng tôi vào ngõ diệt vong hay sao?”

Ngoài ra ông còn cho biết: “Trên thế giới, các nước phát triển đang muốn tháo bỏ dần những nhà máy điện hạt nhân để thay vào đó là việc khai thác từ những năng lượng tái tạo được như: nắng, gió, sinh khối, sóng biển … Ðằng này chính quyền lại mang những thứ mà các nước tiến bộ muốn vứt bỏ đi để sử dụng tại Việt Nam”.

- Một người dân bình thường cũng có thắc mắc:

“Nếu người Nhật cho rằng nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ của họ an toàn thì tại sao chính họ lại để xảy ra thảm họa Fukushima? Họ không muốn người dân họ phải sống trong sự lo lắng, bất an vậy thì tại sao lại đem nỗi bất an, lo lắng ấy đến cho dân tộc Việt Nam mà nhất là người Chăm chúng tôi”?

Theo nguồn tin của Rosatom, Bản Ghi nhớ (Memoradum (?))  ngày 31.10.2011  đã được ký kết bởi Tổng Giám đốc của Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga ROSATOM, Sergey Kirienko và Bộ Công Thương của nước CHXHCN Việt Nam.

Các công ty con trong Rosatom là ATOMSTROYEXPORT sẽ phụ trách quá trình xây dựng nhà máy và ROSENERGOATOM sẽ chịu trách nhiệm đào tạo nhân viên và hỗ trợ kỹ thuật khi nhà máy hoạt động.

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ được xây tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh  Ninh Thuận (với tên gọi NINH THUẬN 1), bắt đầu xây dựng vào năm 2014, đi vào hoạt động năm 2020, với một số vốn ước tính vào khoảng 8 tỷ USD, nằm trong số tiền cho Việt Nam vay là 9 tỷ đôla!!!

Thỏa thuận  định rõ:

- Chủ đầu tư  là EVN - Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

- Nhà thầu là công ty JSC Atomstroyexport trực thuộc Rosatom.

- Đối tượng xây là 2 lò phản ứng hạt nhân, mỗi lò phản ứng có công suất 1200 MW, sử dụng công nghệ  của Nga cho nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, theo phương thức “chìa khóa trao tay / Turnkey Proj”. Công suất tổng cộng tương đương với thủy điện Sơn La, 2400 MW.

Tại Việt Nam, Sergey A. Boyarkin, Phó tổng giám đốc Rosatom cũng hứa hẹn là sẽ bảo đảm được an toàn cho NMĐHN Ninh Thuận 1.

Trong khi đó, Ủy ban Chống tham  nhũng Quốc gia (National Anti-Corruption Committee- NAC) đang  thúc đẩy chính phủ Nga phải khẩn cấp điều tra về những tham nhũng, tệ đoan trong ngành công nghiệp hạt nhân Nga (độc quyền Tập đoàn Rosatom) với những  hậu qủa của nó, và lại càng không  muốn nhắc tới những sự cố không dấu được đang liên tiếp xảy ra tại các Nhà máy Điện hạt nhân Nga, kể cả những trung tâm, nhà máy mới đang trong thời kỳ xây cất.

Bước qua năm 2012, nỗi ưu tư của những nhà họat động môi trường càng tăng với những sự cố mới nhất dồn dập tại Nga:

· Ngày 29 đến 30.12.2011: cháy tàu ngầm hạt nhân Yekaterinburg.

· Chủ nhật, 05.02.2012:  cháy tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Moscow.

· Thứ Năm, 23.02.2012:  nổ tại trung tâm VNIIEF Sarov.

Mỗi lần sự cố như vậy, cách xử lý của Rosatom và chính phủ Nga  là luôn luôn  ém nhẹm tin tức, ngăn cấm  dân và những ký giả không được đến gần địa điểm. Nhưng những tin được Rosatom hay cơ quan truyền thông chính phủ đưa ra thì không những chậm trễ, không chính xác, mà còn mâu thuẫn. Những tổ chức bảo vệ môi trường bị tuyệt đối nghiêm cấm mang máy đến đo rò rỉ phóng xạ. Và lẽ dĩ nhiên không có người đo nên Rosatom có độc quyền khẳng định là không có rò rỉ và lớn tiếng bảo đảm an toàn.

Liệu nền công nghệ hạt nhân Nga với những NMĐHN quá tuổi, cộng thêm căn bệnh tham nhũng trầm kha, có đang thành hình một Fukushima mới?

Một trí thức người Chăm đặt câu hỏi, “nếu người Nga cho rằng công nghệ sản xuất điện hạt nhân của họ tốt thì họ đã không để xảy ra vụ Tchernobyl? Hơn nữa, những thảm họa  đã xảy ra ngay tại cường quốc về sử dụng điện hạt nhân thì một nước đang phát triển như Việt Nam làm sao có thể đảm bảo an toàn khi vận hành nhà máy”?

Cao cả và tốt đẹp thay tấm lòng của một người bạn của Việt Nam, Andrei Ozharovsky đã kêu gọi:

“ Với lương tâm và tinh thần trách nhiệm đối với những thế hệ con cháu, chúng ta, tất cả những người Việt, dù sống trong nước hay tại hải ngọai, phải  quan tâm và lên tiếng cấp bách đặt vấn đề với chính phủ Việt Nam đương thời:

Họ không có quyền giao sinh mạng cả dân tộc cho Tập đoàn Rosatom”!

Và để kết thúc bài viết, chúng tôi xin gửi đến những người có trách nhiệm, câu nói bất hủ của vị tổng thống Mỹ: "Người ta có thể lừa dối một người trong mọi lúc hoặc lừa dối mọi người trong một lúc nhưng không thể lừa mị mọi người trong mọi lúc được”!!! ["one can fool a person all the time or can fool people for a while but can´t deceive people all the time being!!"]  (USA President Abraham Lincoln).

4/2012

T.V.B.

Nguồn: dttl-nguoilotgach.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn