Liên quan Biển Đông

1. Đài Loan dự tính nối dài phi đạo trên đảo Ba Bình thuộc Trường Sa

Thanh Phương

Tờ báo Liberty Times hôm nay 15/07/2012 loan tin, chính quyền Đài Loan đang có dự án nối dài  thêm 500 mét đường bay trên Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, mà Đài Loan gọi là Thái Bình đảo. Đảo này hiện thuộc quyền kiểm soát của Đài Bắc, nằm cách Đài Loan đến 1.376 km.

clip_image001

Đảo Ba Bình có chu vi 2,8 km với diện tích 43,2 hecta, được bao bọc bởi một vòng đá san hô (Google Map). Nguồn internet

Theo tờ báo Đài Loan nói trên, lý do được đưa ra để biện minh cho dự án này là “tình hình Nam Hải (Biển Đông) ngày càng phức tạp thêm”.

Phi đạo hiện nay trên đảo Ba Bình có chiều dài 1.150 mét đã được Đài Loan xây dựng vào năm 2006 bất chấp sự phản đối của các nước có tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, đặc biệt là Việt Nam.

Trong thời gian qua, Đài Loan đã tăng cường khả năng phòng thủ ở Biển Đông, trong bối cảnh mà theo lực lượng tuần duyên Đài Loan, ngày càng có nhiều tàu cá của Việt Nam xâm nhập vào vùng biển mà Đài Bắc cho là thuộc chủ quyền của mình, cụ thể là năm ngoái đã có đến 106 vụ, tăng so với con số 42 vụ trong năm 2010.

Tháng 5 vừa qua, Đài Bắc đã thành lập một đơn vị không vận đặc biệt, có chức năng phản ứng nhanh, tức là trong trường hợp cần thiết có thể được vận chuyển tới Trường Sa trong vòng vài tiếng đồng hồ.

Căng thẳng ở vùng Biển Đông đã gia tăng kể từ sau vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippines tại khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, mà cả hai nước đều khẳng định chủ quyền.

T.P.

Nguồn: Viet.rfi.fr

2. ‘Làm sao tàu TQ kẹt ở biển Philippines?’

Chính phủ Philippines đã yêu cầu Trung Quốc giải thích làm thế nào một trong số các chiến hạm của họ bị mắc cạn trong vùng biển mà Manila cho rằng thuộc chủ quyền của họ.

clip_image002

Trung Quốc nói chiếc tàu bị mắc cạn đang đi tuần tra trên vùng biển thuộc chủ quyền

Tuần dương hạm Trung Quốc đã va vào Bãi Trăng Khuyết, mà phía Trung Quốc gọi là Bán Nguyệt Tiêu, nằm về phía tây bờ biển của tỉnh Palawan khoảng 110 cây số, vào tối hôm thứ Tư ngày 11/7.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã tuyên bố rằng tàu của họ đang đi tuần tra thì bị mắc cạn trong vùng biển mà họ tuyên bố có chủ quyền lịch sử.

Phi cơ quân sự của Philippines đã xác nhận sự hiện diện của chiến hạm Trung Quốc trong vùng biển này cùng với một số tàu khác được cho là đang tham gia cứu hộ.

Đại tá Anthony Estrella, phát ngôn viên quân đội Philippines trong khu vực, nói với hãng thông tấn Pháp AFP rằng: “Trong khi thực hiện nhiệm vụ bay do thám, các phi cơ này có thể xác nhận rằng thật sự có một chiếc tàu có số hiệu 560 bị mắc cạn ở Bãi Trăng Khuyết dựa vào các bức hình chụp được".

Đại tá Estrella nói chiến hạm mắc cạn này chỉ cách bờ biển Palawan chỉ có 60 hải lý và nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của nước này theo luật pháp quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết Sứ quán của họ ở Bắc Kinh đã nhận được yêu cầu từ phía Trung Quốc giúp đỡ họ trục vớt con tàu gặp nạn.

“Chúng tôi cần phải tìm ra điều gì thật sự đã xảy ra với chiến hạm Trung Quốc trong lãnh hải của chúng tôi,” Hernandez nó.

Bộ Ngoại giao xác nhận con tàu này đã bị mắc cạn trong khi đi tuần tra và không có thương vong. Phía Trung Quốc cũng cho biết một chiến dịch cứu hộ đang được tiến hành.

Nguồn: bbc.co.uk

3. Tàu TQ mắc cạn đã ‘được trục vớt’

Sứ quán Trung Quốc ở Manila cho biết chiến hạm của nước này bị mắc cạn gần bờ biển Philippines đã được trục vớt hôm Chủ nhật ngày 15/7 và đang trên đường trở về nước.

clip_image002[1]

Trung Quốc nói chiến hạm của họ đang tuần tra tại vùng biển thuộc chủ quyền của họ

Theo Sứ quán Trung Quốc thì chiếc tuần dương hạm này bị nạn trong khi ‘tuần tra’ các vùng biển có tranh chấp trên Biển Đông. Bãi đá mà chiếc tàu này bị mắc kẹt hôm thứ Tư ngày 11/7 chỉ cách bờ biển Palawan của Philippines có 60 hải lý.

Luật pháp quốc tế xác định vùng biển có phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của mỗi nước là vùng đặc quyền kinh tế của nước đó.

‘An toàn và sạch sẽ’

“Chiến hạm bị mắc cạn gần Bán Nguyệt Tiêu của quần đảo Nam Sa (Trường Sa) đã được trục vớt thành công chỉ với hư hại nhẹ,” Tòa đại sứ Trung Quốc cho biết trong một thông cáo được đăng tải trên trang mạng của họ.

Theo thông cáo này thì Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác định chiến hạm này đã được đưa trở lại lên mặt nước trước rạng sáng Chủ nhật 15/7 và tất cả thành viên thủy thủ đoàn đều an toàn.

“Giờ đây chúng tôi đang chuẩn bị đưa tàu trở về cảng. Không có ô nhiễm tại khu vực xảy ra tai nạn,” thông cáo cho biết.

Chiếc tuần dương hạm này đang thực hiện sứ mệnh ‘tuần tra thường xuyên’ trên vùng biển này thì bị nạn, theo chính phủ Trung Quốc.

Cho đến thứ Sáu ngày 13/7 thì Hải quân Trung Quốc mới thông báo một trong các chiến hạm của họ đã mắc cạn ở Bãi Trăng Khuyết mà phía Philippines gọi là Hasa Hasa. Liền sau đó Philippines đã triển khai hai chiến hạm và máy bay do thám đến khu vực này.

Giới chức quân sự Philippines cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình xung quanh Bãi Trăng Khuyết sau khi máy bay do thám của họ phát hiện 6 tàu Trung Quốc hôm thứ Bảy ngày 14/7.

Phó Đô đốc Alexander Pama, người đứng đầu lực lượng hải quân Philippines, cho biết có ít nhất 6 tàu Trung Quốc đã giúp đưa chiến hạm mắc cạn trở lên mặt nước.

Trong khi đó, các tàu tìm kiếm và cứu nạn của Philippines cũng được triển khai gần đó để giúp đỡ nếu cần, ông nói thêm.

‘Rón rén đi vào’

clip_image003

Trung Quốc và Philippines hiện đang có căng thẳng về chủ quyền trên Biển Đông

Manila nói họ đang lo ngại trước việc Trung Quốc ‘rón rén đi vào’ vùng biển có tranh chấp trên Biển Đông và mô tả việc này là ‘vi phạm’ tuyên bố của các bên về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông ra đời vào năm 2002 ở Campuchia.

Hôm thứ Bảy ngày 14/7, Bộ Ngoại giao Philippines nói họ đang điều tra hoàn cảnh dẫn đến tai nạn.

“Chúng tôi vui mừng trước việc Trung Quốc trục vớt thành công chiếc tàu mắc cạn của họ và giờ đây chiếc tàu này đang trên đường trở về Trung Quốc từ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez phát biểu.

Bộ Tư lệnh phía Tây của quân đội Philippines cho biết các tàu chiến của họ tiếp tục giám sát bãi đá này giữa bối cảnh Trung Quốc tiếp tục điều chiến hạm của họ đến khu vực.

Cả hai phía Trung Quốc và Philippines vẫn đang tiếp tục đàm phán để chấm dứt thế đối đầu tại bãi cạn Scarborough hiện đã kéo dài sang tháng thứ ba. Phía Philippines đã rút tàu khỏi khu vực này để giảm căng thẳng trong khi tàu hải giám của Trung Quốc vẫn còn ở khu vực.

Hồi tháng trước Bắc Kinh cho biết họ đã bắt đầu các cuộc tuần tra mang tính chất ‘sẵn sàng giao tranh’ ở các vùng biển mà họ cho rằng thuộc chủ quyền của họ trên Biển Đông sau khi tuyên bố ‘cực lực phản đối’ Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển trong đó tuyên bố chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hãng tin Anh Reuters cho biết.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn