Phòng chống tham nhũng từ đâu?

Quốc Anh

Thế giới nhân sinh quan vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, đã làm thay đổi nhiều quan niệm nhờ những thành tựu của các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Nhân loại bước sang thế kỷ XXI, đánh dấu một kỷ nguyên mới của thời hiện đại, toàn cầu hóa. Sự phát triển không ngừng nghỉ trên nhiều lĩnh vực của khoa học hiện đại, những bước tiến vượt bậc ấy ngày càng hoàn thiện để đạt đến trình độ của công nghệ: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, công nghệ di truyền và biến đổi gien (Việt Nam dù có phát triển nhưng cũng chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu).

Tệ nạn tham nhũng

Việt nam thường tự hào là dân tộc anh hùng, trong quá khứ nhiều lần đẩy lùi các cuộc xâm lăng của giặc phương bắc, ba lần đánh tan giặc Nguyên Mông, gần nhất là ba lần đánh đuổi thực dân, đế quốc, tài nguyên phong phú. Nhưng khi nhìn ra thế giới ta không khỏi chạnh lòng! Các nhà khoa học ở những nước phát triển công nghệ hàng đầu như Anh, Mỹ, Nhật, Pháp, Nga, Hoa họ đang tìm kiếm sự sống ở tận trên sao Thổ, sao Hỏa, nghiên cứu xây nhà dưới đáy biển, phát triển du lịch vũ trụ... Trong lúc người Việt nam vẫn mãi loay hoay, mày mò đi tìm một mô hình kinh tế, một hướng đi phát triển thích hợp; đang phải đối mặt với nghèo nàn, lạc hậu và vẫn ì ạch, lặn hụp trong việc khắc phục những yếu kém, tệ hại trên tất cả mọi lĩnh vực: từ cầu đường cho đến y tế, giáo dục, hành chính công và đủ mọi thứ tệ nạn xã hội trong đó có tệ nạn tham nhũng.

Nạn tham nhũng ví như những bóng ma luôn ám ảnh và đè nặng lên bất kỳ mọi thể chế chính trị. Ở những quốc gia chậm phát triển có nền tảng luật pháp chồng chéo, công tư lẫn lộn không rõ ràng, minh bạch và thiếu dân chủ như ở Việt nam thì mức độ tham ô, nhũng nhiễu càng tệ hại, biến thái, trầm kha. Những bóng ma ấy thường hiện diện trong tất cả mọi lĩnh vực của quyền lực công thông qua đủ thứ dự án, quy hoạch, xây dựng, đầu tư, ngân hàng, mua sắm tài sản công... Vì được so sánh giống như ma, tinh quái như quỷ, cho nên tham nhũng không phải cứ nhìn vào là thấy, sờ tay đến là phát hiện. Căn nguyên, gốc rễ của tham nhũng bất kỳ ai cũng nói được, cũng hiểu rõ nó chính là nguyên nhân của trì trệ và chai ỳ, xơ cứng, ngăn trở sự phát triển đất nước, là những nguy cơ tiềm ẩn khó lường trước sự mua chuộc, phá hoại nền kinh tế đất nước của ông bạn vàng kế cận. Không những thế, nó còn góp công lớn lao vào việc làm băng hoại các giá trị đạo đức gia đình và nền tảng xã hội! Tham nhũng xô đẩy nhiều số phận gia đình rơi vào cảnh bi kịch, khốn khó và bần hàn; bất công xã hội ngày càng gia tăng, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng giãn nở. Những kẻ lắm của, thừa tiền đua tranh nhau lối sống xa hoa lãng phí, ăn chơi sa đọa; những kẻ thiếu thốn, nghèo hèn lao vào kiếm tiền bất chấp mọi thủ đoạn, vì thế đời sống xã hội hiện tại đầy rẫy những toan tính bất minh, gian manh và xảo trá. Thay cho đời sống đạo đức, truyền thống là một lối sống ích kỷ, thực dụng. Bộ máy công quyền bất lực, đi tìm đâu cũng thấy toàn những kẻ cơ hội, nhìn đâu cũng thấy cảnh bè phái, chia rẽ và cục bộ địa phương. Thời buổi bây giờ tìm kiếm những cán bộ biết lo cho dân, những vị lãnh đạo biết đặt lợi ích Quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm, lợi ích cục bộ địa phương quả thật hiếm hoi.

Tham nhũng từ đâu mà có?

- Từ những chính sách áp đặt và luật hóa đất đai bằng những khái niệm mơ hồ đi kèm theo những điều luật bất cập, tạo ra nhiều khe hở trong chính sách đất đai dẫn đến việc mỗi nơi hành xử một kiểu, hiểu theo một cách riêng và dựa vào những chính sách thiếu nhất quán đó đã vô tình hoặc hữu ý tiếp tay cho nạn cát cứ địa phương, khuyến khích hình thành giai cấp địa chủ và cường hào ác bá kiểu mới đó là việc thu hồi cưỡng đoạt đất đai của nông dân dưới dạng đủ thứ dự án, đủ kiểu quy hoạch không ngoài mục đích trục lợi, đầu cơ và chiếm đoạt đất đai để thu vén cá nhân, chia chác, phục vụ cho lợi ích phe nhóm chứ không phải vì lợi ích của đất nước, dân tộc.

- Từ những khoản viện trợ không hoàn lại, từ những nguồn vốn: vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ, vốn bảo lãnh nợ nước ngoài dành cho những tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước và những công trình trọng điểm từ trung ương xuống cho đến địa phương để từ đó thay nhau cào cấu, xà xẻo. Đó là những PMU 18, đại lộ Đông Tây, Vinashin, Vinalines, Than - Khoáng sản, Dầu khí, Điện lực, Sông đà... Và nói mãi chuyện tham nhũng thì vẫn phải nói dài, nói dai và nói mãi cho tới khi lòng dân oán hận, chán ghét không còn muốn nghe, không còn muốn nhìn thấy, và muốn thay đổi nó đi bằng một thể chế chính trị xã hội khác tốt đẹp hơn.

- Từ những kế hoạch phân bổ ngân sách cho các ngành, các cấp trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước: khi gần hết năm tài chính, tất cả các ngành, các cấp thi nhau phù phép làm đủ mọi cách không để dôi, dư. Số dư nầy được hợp pháp hóa dưới đủ mọi hình thức chi phí hợp lý vì nếu để dư sẽ bị khấu trừ trong năm tài chính, cùng lúc kế hoạch năm tài chính kế tiếp cũng sẽ bị cắt giảm! Do đó những con số dôi dư thực tế trong năm thực hiện tài chính của các sở, ngành trên tổng số 63 tỉnh thành cả nước là một con số lãng phí vô cùng to lớn.

Quốc nạn

Nhìn lại sự thất bại và sụp đổ nhanh chóng của chế độ Sài Gòn vào ngày 30/04/75, nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự thất bại này chẳng phải do họ yếu kém về binh lực, về chiến lược tác chiến, về khả năng phòng thủ! Họ thất bại chủ yếu ở thế trận lòng dân bởi tham nhũng lúc đó đã trở thành Quốc nạn không còn có thể cứu vãn được nữa, đã dẫn đến việc làm mất lòng tin của dân chúng, làm giảm sút tinh thần binh sĩ, làm cho chế độ mỗi ngày một suy yếu và dẫn đến việc tan rã, diệt vong... Ở vào thời kỳ đó, chính việc mua quan, bán tước đã tạo cơ hội cho những mạng lưới tình báo, gián điệp dễ dàng thâm nhập, leo sâu vào các cơ quan đầu não của bộ máy chính quyền Sài Gòn, làm vô hiệu hóa những cuộc xuất kích, hành quân và chính do tham nhũng, hối lộ, ăn chơi sa đọa đã làm tê liệt ý chí chiến đấu của của nhiều tướng lĩnh, chính khách bởi đã quen sống trong nhung lụa, sang giàu, tham sống sợ chết! Nhưng ngẫm nghĩ lại, thời đó quan chức họ chỉ nhũng nhiễu, hối lộ từ những chủ hãng, thương gia giàu có và họ chỉ tham ô chủ yếu vào các khoản viện trợ cho bộ máy chiến tranh do quân đội Mỹ và các nước đồng minh tài trợ... chứ họ không lạm dụng chức quyền để sách nhiễu dân chúng, không dựa vào các chính sách hoặc kẻ hở của luật lệ để áp đặt, o ép dân chúng và đặc biệt là họ không lợi dụng vào những quyền lực công để cưỡng chế, thu hồi cướp nhà, lấy đất của dân.

Chế độ Sài Gòn cũ ngày trước họ thực hiện luật “người cày có ruộng” đúng nghĩa. Chính quyền ủng hộ, khuyến khích việc tự do khai thác, canh tác đất đai không giới hạn, không áp đặt tráo trở, không lợi dụng các chính sách để thu hồi bậy bạ và nhất là không triệt hạ con đường mưu sinh, quyền lợi chính đáng của người dân. Nền tảng pháp lý, hành chánh công thời đó có cơ cấu hoàn chỉnh, dễ dàng và thuận lợi, không có kiểu gây khó, hành dân. Cách quản lý, điều hành xã hội có nền nếp và khoa học: tên đường, số nhà trật tự, lớp lang không loạn xà ngầu như hiện nay; đường phố, vỉa hè tươm tất, sạch sẽ không có cảnh buôn bán tràn lan, không rác thải, ngập nước...

Các công trình kiến trúc, dự án quốc gia thời kỳ đó xây dựng dựa theo những quy chuẩn nghiêm ngặt và được theo dõi kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Không nghe thấy những công trình kiến trúc trọng điểm thời đó mau chóng hư hỏng, xuống cấp với khoản thời gian ngắn nhiều như bây giờ! Tất cả những công trình kiến trúc, những cây cầu, con đường được xây dựng trước ngày 30.04.75 chỉ bị hư hỏng, xuống cấp là do ý thức thấp kém của cả một thế hệ tiếp quản thông qua việc quản lý, điều hành không giống ai của một chế độ nhà nước “chuyên chính vô sản”.

Giáo dục, y tế hai ngành chủ lực về quốc kế và an sinh xã hội cách đây gần bốn mươi năm luôn ổn định và nền nếp không làm xáo trộn, không gây bất an vì không có những kiểu sáng kiến tràn lan, cải cách loạn xạ. Y đức của ngành y tế ngày càng tha hóa! Nhan nhãn khắp nơi hiện tượng bác sỹ, y tá chỉ biết kiếm tiền không màng đến sinh mạng của bệnh nhân và nỗi đau của gia đình bệnh nhân! Vào bệnh viện dù thập tử nhất sinh mà thân nhân chưa đủ tiền đóng viện phí thì chưa chữa trị, phải dựa trên mối quan hệ thân quen hoặc phải có bao thư, phong bì bệnh nhân mới được quan tâm chăm sóc, mới có được những dịch vụ tốt hơn.

Tham nhũng hệ thống

Tham nhũng ngày nay đã trở thành hệ thống liên minh quyền lực, kéo bè, kết cánh tạo nên một thế lực không dễ gì đụng chạm đến! Việc chống tham nhũng khó có bao giờ đạt được hiệu quả tương xứng, vì mỗi khi có sai phạm, cơ quan Thanh tra vào cuộc thường là những việc đã rồi, hậu quả đã để lại vô cùng to lớn khó có thể nào khắc phục trong một sớm, một chiều. Vì tham nhũng đã trở thành hệ thống, nên có thể so sánh chế độ hiện thời đang giống như một thân cây còn nguyên lá cành nhưng bên trong đầy rẫy những sâu bọ đục thân đang từng ngày, từng giờ gậm nhấm, đục khoét từ gốc đến ngọn, chỉ còn chờ đến ngày cây rụng hết lá, xơ xác trơ cành chẳng còn gì thương tiếc phải đào xới lên đem bỏ đi và thay thế vào đó một giống cây mới có sức đề kháng tốt hơn, đó là một Nhà nước do dân, vì dân đúng nghĩa; một đất nước thật sự công bằng, dân chủ, văn minh và tiến bộ.

Tất cả các công trình, dự án dù lớn hay nhỏ như khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, sân golf, thủy điện, bến cảng, cầu đường, siêu thị, metro... đều đi kèm theo những dự án vệ tinh, chương trình tái định cư, kinh doanh, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, xăng dầu, ăn uống, bến bãi, giữ xe... Ở những nơi đó đều có lợi ích phe nhóm, cổ phần dành cho các gia đình quan chức. Điển hình những vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng Hải Phòng, Vụ Bản Nam Định, dự án Erobac ở Hưng Yên gần đây gây bức xúc cho người dân cả nước mà mọi người đã nhìn thấy rõ là do lợi ích cục bộ địa phương, lợi ích riêng tư của một nhóm người chứ chẳng phải vì lợi ích phát triển địa phương hay lợi ích cộng đồng.

Trong các công trình dự án khu dân cư, khu đô thị trên 63 tỉnh, thành phố đều có những khu đất, dinh thự, biệt thự dành cho các quan chức bộ, ngành chính phủ và các quan chức địa phương. Hầu hết những quan chức trước kia đã nghỉ hưu hoặc đương quyền hiện nay đều có nhiều đất đai, dinh thự, biệt thự ở khắp các tỉnh thành, nhà thờ họ tộc tại quê nhà và hầu hết họ đều có những căn biệt thự, nhà công vụ rộng thênh thang được cấp theo chế độ, thậm chí có tiền mua nhà ở nước ngoài... Trong khi đó hàng triệu triệu chủ nhân đất nước là những nông dân tay lấm chân bùn trải qua bao đời, bao thế hệ vẫn sống trong khốn khổ, khó nghèo. Điều đau đớn tủi nhục nhất của người nông dân là không được sống và mưu sinh yên ổn trên chính mảnh đất nhà cửa, ruộng vườn của mình - nguồn tư liệu sản xuất không thể đánh đổi, là mồ hôi, công sức bao đời có mồ mả ông bà, tổ tiên rất mực thiêng liêng, nhưng con cháu thời nay không thể giữ gìn nỗi buộc phải ra đi với mức giá đền bù rẻ mạt không đủ mua nổi nền nhà tái định cư, nói gì đến việc mua lại tư liệu tái sản xuất và canh tác.

Trong lúc con cháu của những người nông dân mất nhà, mất đất, phải đi làm thuê, làm mướn và phải ở nhà thuê, nhà mướn thì các cán bộ đương chức, đương quyền đầy tớ của dân lại có thêm suất ở những khu đất, dự án siêu lợi nhuận, những căn biệt thư, dinh thự sang trọng và chỉ với một thời gian ngắn họ lại có đầy đủ các loại giấy tờ chủ quyền nhà đất hẳn hoi, trong khi những ngôi nhà, những mảnh đất đã có từ bao đời, bao thế hệ sinh sống trên đó từ đời ông nội, ông cố, ông sơ để lại, nhưng vẫn không được xác nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở bởi những dự án, quy hoạch tràn lan và những chính sách, điều luật vô cớ bất cập không rõ ràng, minh bạch.

Khi nói đến tham nhũng, lãng phí thì dư luận trong ngoài nước sẽ nghĩ ngay đến những vụ chia chác đất công ở An Hải – Hải Phòng, Thủy cung Thăng Long – Hà Nội, những PMU 18, đại lộ Đông Tây, hai quả đấm thép Vinashin, Vinalines và một số vụ công ty nước ngoài hối lộ cho các quan chức để được trúng thầu nhưng có sự bao che, dung túng nên đã chìm xuồng rồi dần trôi vào quên lãng... Kế đến là vấn nạn rút ruột công trình cho nên hầu hết những công trình trọng điểm khi đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã xuống cấp, làm đi, sửa lại nhiều lần, giá cả các công trình lại đắt hơn so với Nhật Bản, Hoa Kỳ, như hầm chui Văn Thánh, đại lộ Đông Tây, đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, và hầm chui hiện đại nhất Việt Nam trên trục đại lộ Thăng Long - Hà Nội mỗi khi có mưa lại ngập sâu trong nước. Sắp tới là những sai phạm của hai đại gia ỷ thế độc quyền là Tập đoàn Dầu khí (PVN) và tập đoàn Điện lực (EVN), sẽ được thanh tra chính phủ săm soi kỹ, nhưng sở dĩ hai tập đoàn này không sụp hố là vì thu trực tiếp vào tiền túi của người dân và của tất cả doanh nghiệp. Nếu làm ăn thua lỗ họ cứ việc xin điều chỉnh tăng giá; nợ nần có người dân, có doanh nghiệp lo toan gồng gánh không cần gì phải lo.

Gọi là một Nhà nước pháp quyền nhưng điều hành đất nước bằng một thể chế lỗi thời, duy ý chí, cộng với một chính sách quản lý áp đặt! Thiên đường “xã hội chủ nghĩa” chỉ dành riêng cho những người có quyền và có tiền? Quyền lực sẽ sinh ra nhiều tiền của và tiền của sẽ mua bán, đổi chác lấy quyền lực. Chủ nghĩa xã hội chỉ là một thứ triết lý sáo rỗng lọc lừa, dối trá và mị dân không ngoài mục đích củng cố quyền lực, che đậy những toan tính bất minh, che giấu sự thật. Mục tiêu cuối cùng của chế độ là làm cho bần cùng hóa toàn xã hội để nhằm dễ bề cai trị, sai khiến và dạy bảo. Sự thật chống tham nhũng là chống những ai? Chống tham nhũng tức là: “chống lại đảng, chống lại đồng chí và tập thể lãnh đạo của đảng”. Bởi người dân nghèo không có cơ hội để tham nhũng và bản thân người nông dân không được một thế lực nào bảo vệ, che chở để có thể giữ gìn chính đất đai, nhà cửa bao đời ông cha, tổ tiên để lại, làm gì có quyền thế để chiếm đoạt của công.

Các biện pháp chống tham nhũng hiệu quả

Các biện pháp chống tham nhũng chỉ có hiệu quả khi:

- Kiên quyết xóa bỏ những dự án, quy hoạch gây thiệt cho người dân, chính sách quy hoạch tràn lan đụng đâu quy hoạch đó chỉ nhằm tiếp tay cho tham nhũng, cho lợi ích phe nhóm. Những khu công nghiệp không phát huy hiệu quả, bỏ hoang, phải trả lại cho nông dân canh tác. Sửa đổi Hiến pháp công nhận đất đai là sở hữu nhiều thành phần thay thế cho khái niệm: “sở hữu toàn dân” - một khái niệm mơ hồ chỉ để giai cấp cầm quyền có quyền hiến định, tự định đoạt lấy toàn bộ đất đai trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhưng tiếng nói và quyền lợi chính đáng của những người nông dân lao động một lực lượng chiếm hơn 70% dân số cả nước và trong đó có những ý kiến đóng góp chân thành của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế lại một lần nữa đã bị loại bỏ trong hội nghị TƯ 4 khóa XI vừa qua.

- Công khai, minh bạch tất cả mọi nguồn vốn vay trong ngoài nước kể cả những nguồn vốn thuộc lĩnh vực tài trợ, nhân đạo. Chịu trách nhiệm trước những thiệt hại do cá nhân hoặc tập thể gây ra. Kiểm tra, giám sát chặt chẻ tất cả các dự án đầu tư từ khâu lập quy hoạch dự án cho đến việc đấu thầu, xây dựng. Trong thi công, nhà thầu thực hiện đúng như cam kết không dối trá, cắt xén vật tư, nguyên liệu. Tổ kiểm tra, giám sát luôn túc trực tại công trình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, đảm bảo chất lượng trong thi công. Hầu hết tất cả các công trình dù lớn hay nhỏ đều xảy ra tình trạng công nhân thông đồng lấy cắp sắt thép, xi măng, vật tư, nguyên liệu đem bán lấy tiền ăn nhậu, tiêu xài có những nơi giám sát làm ngơ, móc ngoặc ăn chia nguyên liệu, vật tư một trong những nguyên nhân làm công trình kém chất lượng.

Muốn được dân mến, dân tin phải xử lý nghiêm khắc những sai phạm không dung túng, bao che. Thực hiện đến nơi, đến chốn chủ trương công khai, minh bạch hóa tài sản của cán bộ, đảng viên. Kiểm tra, phát mãi những tài sản dôi dư do vơ vét, tham nhũng, hối lộ nộp vào ngân khố quốc gia và dùng tiền đó để mua sắm trang thiết bị, hiện đại hóa quân đội giữ vững biên cương, bảo vệ tổ quốc, đầu tư xây dựng nhiều trường đại học đào tạo nhân tài, xây cất thêm bệnh viện chăm lo sức khỏe người dân và biết học hỏi, noi gương các nhà cách mạng lão thành suốt đời cống hiến, vì vận mệnh đất nước, vì tương lai thế hệ trẻ. Điển hình những tấm gương: Ông Dương Quang Đông - nguyên Chỉ huy phó kiêm Chính ủy đoàn tàu không số năm xưa- năm 2001, ông đã quyết định bán ngôi nhà đang sinh sống đổi một căn nhà nhỏ đủ ở, hiến tặng 80 lượng vàng để cứu trợ đồng bào miền Tây bị lũ lụt và ủng hộ bệnh viện miễn phí An Bình (www.thuvientravinh.org); giáo sư Trần Văn Giàu - nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến nam bộ, nhà giáo nhân dân - cũng đã bán căn nhà mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch, gửi 1000 lượng vàng vào ngân hàng nhà nước làm quỹ phát triển tài năng và nghiên cứu sử học nước nhà... Hiện nay không thiếu những cán bộ lãnh đạo giàu có nhưng chỉ lo thâu tóm quyền lực, vơ vét làm giàu cá nhân chứ không hề nghĩ gì đến dân, đến nước.

Muốn cho một đất nước phát triển bền vững, một xã hội ổn định, văn minh, tiến bộ, trước hết Nhà nước phải hoàn thiện chức năng quản lý và điều hành đất nước dựa trên nền tảng pháp luật - không đứng trên pháp luật! Trọng dụng nhân tài bằng những chính sách thoáng mở không áp đặt, khuôn mẫu, phải đánh thức tinh thần dân tộc, đánh động trong tiềm thức mỗi con người Việt Nam lòng yêu nước, thương người. Mỗi cán bộ, công chức phải có lòng tự trọng, biết nhận thức những việc làm sai trái, biết xấu hổ nhận của đút lót, hối lộ biết nói không với tham nhũng, kiên quyết trước những cám dỗ tiền tài, vật chất. Khi làm việc phải thật tận tâm, tận lực làm hết trách nhiệm, không gây khó dễ để kiếm chác, trục lợi. Quan chức cấp cao, nắm giữ nhiều trọng trách càng nêu gương tốt lời nói luôn đi đôi với việc làm; không nói suông, hứa cuội, biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân! Kiên quyết không tiếp tay cho tham nhũng và biết từ chối tất cả những việc làm gây nguy hại cho đất nước, cho dân tộc và nhất là không được xem người Dân như kẻ thù.

Sài Gòn, ngày 20/06/2012)

Q.A.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn