Quan hệ Việt Mỹ: Tiến triển đều đặn, nhưng cản lực vẫn là hồ sơ nhân quyền

Trọng Nghĩa

Chuyến thăm Việt Nam ngày 10 - 11/07/2012 của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, đã góp phần thúc đẩy thêm quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước cựu thù. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các nhà phân tích, nếu muốn thúc đẩy thêm quan hệ, đặc biệt trong lãnh vực quốc phòng, Việt Nam cần phải tháo gỡ cản lực là vấn đề nhân quyền, vừa được bà Clinton nhắc lại.

clip_image001

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại một cuộc gặp gỡ các doanh nhân Mỹ - Việt tại Hà Nội ngày 10/07/2012. REUTERS/Luong Thai Linh

Chưa bao giờ quan hệ Viêt Mỹ lại sôi nổi như trong thời gian gần đây, với một loạt những chuyến ghé thăm từ đầu năm đến nay của các lãnh đạo Mỹ cao cấp, từ hành pháp, lập pháp cho đến quân đội. Được chú ý hơn cả là chuyến công du ngày 10 - 11/07/2012 của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, nhân dịp bà ghé Phnom Penh dự các hội nghị cấp ngoại trưởng của khối ASEAN.

Ngay từ đầu năm, một phái đoàn gồm 4 Thượng nghị sĩ trong đó có hai nhân vật đầy thế lực là ông John McCain và Joseph Lieberman đã đến Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc về quan hệ song phương Mỹ-Việt.

Qua tháng Hai, đến lượt Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương, Kurt Campbell, đến thăm Việt Nam để xác nhận rằng Washington mong muốn nâng quan hệ với Việt Nam lên hàng đối tác chiến lược.

Đến đầu tháng Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta công du Việt Nam, và trong một cử chỉ đầy biểu tượng, ông đã đến cảng Cam Ranh để thăm một quân hạm Mỹ đang được bảo trì tại đấy. Nối tiếp theo Bộ trưởng Quốc phòng, qua tháng Bảy, đến lượt Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ghé Việt Nam trong hai ngày trước khi đến Phnom Penh.

Sau bà Clinton vài ngày, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - Đô đốc Cecil D.Haney, cũng ghé thăm Việt Nam hôm 13/07, đúng vào dịp tàu bệnh viện Hoa Kỳ USNS Mercy đang có mặt ở Nghệ An trong một chiến dịch trợ giúp nhân đạo trong hai tuần (từ ngày 10 đến 24 tháng Bảy) tại tỉnh Nghệ An.

Phải nói là vào lúc tình hình Biển Đông có dấu hiệu nóng bỏng, giao lưu quân sự, quốc phòng Việt-Mỹ có dấu hiệu phát triển rõ rệt, nhất là về phương diện hải quân. Rõ nét nhất sự kiện soái hạm Blue Rigdge của hạm đội 7, cùng với khu trục hạm Chafee và tàu cứu hộ Safeguard, ghé cảng Tiên Sa Đà Nẵng hôm 23/04. Qua tháng 6, cảng này lại đón tiếp tàu nghiên cứu khoa học Roger Revelle của Hải quân Mỹ trong một chuyến ghé thăm 8 ngày.

Chính trong bối cảnh quan hệ quốc phòng Việt Mỹ có những biểu hiện phát triển mạnh mẽ như trên mà Ngoại trưởng Mỹ Clinton công du Việt Nam với mục tiêu được tuyên bố là nhằm thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa hai bên, trong các lãnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa.

Lẽ dĩ nhiên, Ngoại trưởng Mỹ không quên đáp ứng mong đợi của Việt Nam là tuyên bố ủng hộ Việt Nam trên hồ sơ Biển Đông. Theo phía Việt Nam, trong các buổi tiếp xúc với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, bà Clinton đã nhất trí rằng cần phải “duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác, đảm bảo tự do an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; khẳng định những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982”.

Theo phía Việt Nam, trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ngoại trưởng Clinton còn “bày tỏ quan ngại về những diễn biến vừa qua ở Biển Đông; khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ quyền của các quốc gia ven biển trong vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982”.

Trong các cuộc tiếp xúc tại Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ cũng cổ vũ cho việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Theo hãng tin Bloomberg, chính nhân dịp này chẳng hạn mà tập đoàn Mỹ General Electric đã ký kết hai thỏa thuận với các công ty Việt Nam trong ngành điện trị giá gần 100 triệu đô la.

Trong lĩnh vực văn hóa, một trọng tâm được bà Clinton nêu bật là giáo dục, trong đó có việc thu nhận thêm sinh viên Việt Nam qua Mỹ du học. Trong buổi nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã tuyên bố vui mừng trước việc từ vỏn vẹn 800 người thời Tổng thống Clinton, số du học sinh Việt Nam tại Mỹ hiện đã tăng lên 15.000 người. Bà cho biết ý muốn nhân số lượng đó lên “gấp đôi, gấp ba, gấp bốn” trong những năm tới đây.

"Dân chủ và thịnh vượng song hành với nhau"

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng không ngần ngại cổ vũ cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Trong buổi họp báo chung với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh ngày 10/07/2012, bà Clinton đã xác định rõ: “Tôi muốn nhắc lại những gì tôi đã nói tại Mông Cổ hôm qua (9/7). Tôi biết có người biện giải rằng các nền kinh tế đang phát triển cần phải ưu tiên trước hết cho tăng trưởng kinh tế, rồi sau mới lo đến chuyện cải tổ chính trị và dân chủ, nhưng đó là tính toán thiển cận. Dân chủ và thịnh vượng song hành với nhau, cải cách chính trị và tăng trưởng kinh tế liên kết với nhau, và Hoa Kỳ muốn ủng hộ cho sự tiến bộ trong cả hai lĩnh vực”.

Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp: “Do đó, tôi cũng đã nêu lên sự quan ngại (của Mỹ) về nhân quyền, trong đó có cả việc tiếp tục giam cầm những người đấu tranh, các luật sư, và những blogger, vì họ phát biểu tự do và ôn hòa những quan điểm và ý kiến (của họ). Chúng tôi đặc biệt quan ngại trước những hạn chế đối với quyền được tự do ngôn luận trên mạng, và phiên tòa sắp tới đây xét xử những sáng lập viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do. Ông Bộ trưởng Ngoại giao và tôi đồng ý tiếp tục thảo luận thẳng thắn về những vấn đề này và tiếp tục mở rộng sự hợp tác với nhau”.

Một cộng sự viên của bà Clinton còn xác định với nhà báo là sự thiếu vắng tiến bộ của Việt Nam trong địa hạt này sẽ cản bước phát triển trong quan hệ Việt Mỹ, nhất là trong lãnh vực quốc phòng.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Quan hệ Mỹ-Việt tăng tiến nhiều nhưng chưa đến bước ngoặt

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng - Đại học George Mason (Hoa Kỳ)

16/07/2012

by Trọng Nghĩa

Nghe (09:31)

Trong phần phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ RFI hôm nay, giáo sư chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason Hoa Kỳ đã phân tích thêm về ý nghĩa chuyến công du lần này của bà Clinton đối với triển vọng quan hệ Việt Mỹ.

Sau khi lồng chuyến ghé thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton với sự kiện bà đi dự Hội nghị cấp Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á và Diễn đàn an ninh của ASEAN – ARF (ASEAN regional Forum), Giáo sư Hùng nhắc lại rằng đây là lần thứ ba mà bà Clinton đến Việt Nam trong tư cách Ngoại trưởng.

Nguyễn Mạnh Hùng: So với những lần trước thì lần này cũng có những điểm giống nhau… Hai năm trước là năm 2010 - lúc đó tôi đang ở Hà Nội - bà cũng thăm Việt Nam, cũng ở hai ngày, cũng mang theo phái đoàn thương mại, cũng nói đến chuyện “human rights” (nhân quyền)… Còn dịp thăm Việt Nam khác là để kỷ niệm 15 năm ngày bình thường hóa bang giao Việt-Mỹ.

Còn lần này, bà ấy đi trong khung cảnh có những chuyến thăm dồn dập của những nhân vật cao cấp của nước Mỹ sang Việt Nam - cả ông Tổng trưởng (Bộ trưởng) Quốc phòng, cả các vị Thượng nghị sĩ, rồi đến lượt bà ấy - và nhất là trong khung cảnh có hai sự cố gần đây đe dọa là có thể leo thang đến xung đột: Sự kiện bãi cạn Scarborough (giữa Trung Quốc và Philippines), và sự kiện Trung Quốc mang ra đấu thầu 9 lô ngay trong vùng EEZ, khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đó là điều nguy hiểm, và nhất là khi công du, bà Clinton cũng dự một Hội nghị cũng bàn về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông. Nguyên tắc của Mỹ từ xưa đến nay là không can thiệp, nhưng muốn (các bên) giải quyết một cách hòa bình, căn cứ vào “rule based”, tức là vào nguyên tắc và luật pháp.

RFI: Ngoài tình huống có hai sự cố do Trung Quốc gây căng thẳng, phải chăng nội dung chuyến thăm Việt Nam lần này của bà Chinton không có gì khác so với trước đây?

Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyến thăm có ý nghĩa rất tế nhị… Lần này, chuyến công du của bà Clinton nối tiếp theo chuyến thăm của ông Panetta. Khi sang Việt Nam, ông Panetta là Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên đi thăm cảng Cam Ranh, đó là một vấn đề rất tế nhị đối với Trung Quốc.

Tại Việt Nam, ông Panetta còn nói là Mỹ muốn có những phương tiện (facilities), để cho (Hải quân Mỹ) trong các nhiệm vụ viễn dương, có chỗ để ghé, trước khi đi làm những chuyện khác, và ông ấy lại nói Mỹ muốn ghé nhiều lần hơn…

Ông Panetta nói về vấn đề quân sự, còn khi bà Clinton sang Việt Nam, thì bà nói về vấn đề khác, chú trọng đến rất nhiều lãnh vực. Bà mang theo một phái đoàn thương mại rất hùng hậu, rồi đọc diễn văn trong chương trình Fulbright…, tức là để nói là quan hệ Mỹ-Việt không chỉ là quốc phòng, mà gồm tất cả những lãnh vực khác, từ kinh tế, thương mại, đến văn hóa…, để nói là quan hệ Việt Mỹ tiến bộ, nhưng tiến bộ trên tất cả mọi phương diện.

Mục tiêu của bà một mặt là làm giảm bớt (sự chú ý) đến lãnh vực quốc phòng, đồng thời nêu lên sự tăng tiến, nâng tầm quan trọng của bang giao hai nước trên mọi bình diện.

RFI: Các chuyến ghé thăm dồn dập phản ánh một bước ngoặt mới, một khúc quanh quan trọng trong bang giao Việt Mỹ?

Nguyễn Mạnh Hùng: Nó không phải là khúc quanh. Tôi nghĩ là tăng tiến quan trọng thì có, nhưng mà nói biến chuyển quan trọng hay khúc quanh thì không có, bởi vì còn có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, chưa đến cái khúc quanh đó.

Có sự kiện là khi sang Việt Nam, cả ông Panetta lẫn bà Clinton đều nói về vai trò của Mỹ, đều nói về vấn đề Biển Đông, đều nói về giải pháp hòa bình. Nhưng điểm khác là ông Panetta cho biết là vì giải pháp hòa bình đó, cho nên ông muốn giúp các quốc gia khác trong vùng tăng cường khả năng phòng thủ của mình. Chuyến đi thăm của ông Panetta ở trong chiều hướng đó.

RFI: Trong các cuộc tiếp xúc với ông Panetta, cả Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đều có yêu cầu Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm bán vũ khi sát thương cho Việt Nam, nhưng phía Mỹ không đáp ứng. Theo nhận xét của Giáo sư thì liệu việc giải tỏa cấm vận có thể có trong nay mai hay không?

Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ là có thể có, rất nhiều triển vọng có thể có. Nhưng mà điều đó có thể là không quan trọng lắm. Mỹ cũng đã giải tỏa cấm vận bán vũ khí cho Trung Quốc – đặt ra từ sau Thiên An Môn – từ lâu rồi.

Giải tỏa cấm vận do đó là một tiến trình bính thường thôi, như Thủ tướng Việt Nam có nói là nếu bình thường hóa thì phải bình thường mọi thứ, chứ đâu lại cấm vận về vũ khí!

Chuyện giải tỏa cấm vận vũ khí đối với Việt Nam sẽ từ từ xảy ra nếu Việt Nam thực hiện được một số điều kiện về nhân quyền.

RFI: Bà Clinton cũng đề cập đến vấn đề nhân quyền trong buổi tiếp xúc với ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam?

Nguyễn Mạnh Hùng: Bà Clinton ở chỗ nào cũng nói đến nhân quyền, bởi vì một đằng có áp lực từ nội bộ nước Mỹ buộc bà ấy phải nói, và thứ hai là nếu muốn tiến đến quan hệ quốc phòng nhiều hơn thì Việt Nam phải có những cải tổ nào đó thì mới thúc đẩy được chuyện đó, cho nên bà ấy phải nói.

Trước đó, bà Clinton đã nói với chính phủ rồi, nhưng mà người ta thường nói là lực lượng gây cản trở nhiều nhất là những người quan tâm đến ý thức hệ và sợ chuyển đổi chế độ và ý thức hệ (‘diễn biến hòa bình’), cho nên bà Clinton đã tiếp xúc thẳng với ông lãnh đạo đảng, đại diện cho lực lượng bảo thủ đó, để nói đến những vấn đề bang giao với Mỹ, trong đó vấn đề nhân quyền chỉ là một thôi.

RFI: Lúc này Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có lời lẽ hòa dịu hơn đối với Trung Quốc. Sự kiện đó có thể có tác động gì đến quan hệ Mỹ-Việt?

Nguyễn Mạnh Hùng: Cái đó thì sẽ tùy thuộc sự ứng xử của hai bên và Trung Quốc. Quan hệ Mỹ-Việt chịu tác động ba chiều Mỹ, Việt Nam và Trung Quốc, thành ra chưa thể biết được.

Nhưng mà phải nói ngay là sở dĩ bà Clinton muốn đấu dịu, đó là vì sau vụ căng thẳng Scarborough và cái vụ “9 lô” của Việt Nam, riêng sự cố ở Scarborough cũng rất nguy hiểm. Nếu có đụng độ quân sự, thì Mỹ bắt buộc phải can thiệp, mà Mỹ không muốn bị bắt buộc phải can thiệp trong lúc này, chưa cần thiết. Thành ra bà Clinton phải đấu dịu cho Trung Quốc hòa hoãn đi.

Trong khung cảnh đó, cả ông Panetta lẫn bà Clinton đều nói rằng: Thứ nhất, chúng tôi nhất định bảo vệ tự do lưu thông hàng hải, thứ hai là những tranh chấp đó – vì có quan hệ đến sự tự do lưu thông trên biển – nên được giải quyết căn cứ trên nguyên tắc và trên luật pháp. Vì thế cho nên bà Clinton lần này đến ASEAN để thúc đẩy các quy tắc về ứng xử trên Biển Đông...

Lần trước họ nói là sắp đến nơi rồi, kỳ này đã có rất nhiều hy vọng giải quyết xong, cuối cùng thì áp lực của Trung Quốc làm chia rẽ các quốc gia, làm cho điều đó không thực hiện được.

Bước đi đầu tiên là đấu dịu để Trung Quốc ủng hộ giải pháp Biển Đông không thành công, thì những diễn biến tới, chúng ta phải chờ xem.

RFI: Triển vọng Tổng thống Mỹ Obama ghé thăm Việt Nam trong thời gian tới đây?

Nguyễn Mạnh Hùng: Ý định thì có, nhưng đi hay không tùy thuộc nhiều vấn đề mà chúng ta chưa dự doán được. Trong tình trạng bình thường, chuyện ông Obama đi thăm Việt Nam có sác xuất rất cao.

Nhưng bây giờ có hai yếu tố, một yếu tố cũ đó là Việt Nam đừng tạo ra những bất mãn từ phía bên Mỹ, tạo thành những áp lực nội bộ làm ông Obama không thể đi thăm Việt Nam.

Yếu tố thứ hai là Tổng thống Mỹ sẽ đến Phnom Penh dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (East Asian Summit). Nhưng nếu từ giờ đến đấy Đông Nam Á mà tan hàng, thì ông Obama không có lý do gì để đi.

T. N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn