Thưa Chủ tịch nước: Điện hạt nhân không thể tuyệt đối an toàn được !

Hay là Huyền thoại điện hạt nhân an toàn tuyệt đối!

TS Trần Văn Bình (Kiều bào CHLB Đức)

clip_image001

Trong chuyến Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang thị sát nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ông đã đến kiểm tra tình hình phát triển kinh tế  xã hội tại huyện Bác Ái; Ông thăm và làm việc với đồng bào Chăm ở xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước và thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; Ông đã đi thị sát tiến độ thi công công trình đường ven biển Phú Thọ - Mũi Dinh và địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ông Sang đã phát biểu:  "Mục tiêu dự án điện hạt nhân đặt ra là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, khi dự án hoàn thành sẽ mang lại lợi ích cho chính người dân địa phương và lợi ích chung của cả nước". (Theo báo chí trong nước)

clip_image002

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm địa điểm chuẩn bị xây dựng Nhà máy điện hạt nhân ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Ảnh: TTXVN.

Xin thưa với ngài Chủ tịch, chúng tôi có thể trả lời và khẳng định  rằng: “ không bao giờ có được công nghệ điện hạt nhân an toàn tuyệt đối…”.

Thảm họa Tschernobyl và Fukushima

Những bài học mà loài người đã phải trả giá quá đắt.

Nhìn lại hai  thảm họa tang thương,  một cái mới xảy ra trong năm vừa qua (2011),  một cái đã hơn 26 năm  (1986)  rồi mà con người vẫn còn hoảng hốt, bàng hoàng.

clip_image003

Quang cảnh Chernobyl sau sự cố

Thảm họa Tschernobyl 1986 đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD cho nền kinh tế nước Nga và thế giới trong hơn 2 thập kỷ qua. Belarus, ước lượng thiệt hại khoảng 235 tỷ USD. Hàng năm, Ukaina phải chi 5–7% ngân sách để giải quyết hậu quả Tschernobyl. Thiệt hại về kinh tế là rất lớn, nhưng thiệt hại về con người thì không tính được. Hơn 5 triệu người sống ở ba nước Belarus, Nga, Ukraina được xếp loại bị nhiễm xạ, trong đó có 400.000 người sống trong vùng nhiễm xạ nặng. Trong năm 1986, khi thảm họa xảy ra 116.000 người đã phải di tản lập tức khỏi khu vực chung quanh nhà máy. Sau đó khoảng 220.000 người nữa phải di dời khỏi nơi ở cũ. Ba nước liên quan đã phải chi những khoản tiền lớn để giúp đỡ những người bị nạn hàng năm,. Số tiền mà Belarus chi vì Tschernobyl trong thời gian từ 1991 đến 2003 vào khoảng 13 tỷ USD. Khoảng 4.000 người đã bị chết oan vì thảm họa này.  Nhưng theo số liệu mới nhất của tổ chức Hòa-Bình-Xanh (Green Peace), “những bằng chứng rõ ràng cho thấy đã có ít  nhất khoảng 200.000 người tại Belerus, Ukraina và Nga” chết trong thời gian từ 1990 đến 2004 do hậu quả của thảm họa Tschernobyl!

Thảm họa Fukushima-Daiichi, tháng 3.2011 xảy ra và vẫn còn tiếp diễn, nên còn sớm để mà đánh giá hết thiệt hại về người và tiền của. Nhưng những gì đã diễn ra, đã biết cũng đủ để chúng ta phải bình tĩnh, suy nghĩ rất nghiêm túc.

TEPCO (Tokyo Electric Power Company, Tập đoàn Điện lực Tokyo) lảnh phần trách nhiệm chính của thảm họa này.

Prof. Dr. Michio Kaku của City University of New York, cho rằng nhà máy điện hạt nhân Fukushima-Daiichi là một quả bom nổ chậm. “Bây giờ chúng ta biết rằng 100% các thanh nhiên liệu trong cả 3 lò phản ứng đã bị nóng chảy và mức độ phát xạ có thể so sánh với Tschernobyl”.

Liên quan đến số phận người dân, con người mới là điều đáng nói. Hơn 60.000 người phải bỏ nhà cửa ra đi chưa biết ngày trở lại. Hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng về sức khỏe và kinh tế. Họ sẽ nhận được gì? Cái gì sẽ bù đắp nổi những mất mát về cuộc sống, về sinh mạng, về sức khỏe? Tác động di truyền sang bao thế hệ sau sẽ kéo dài đến bao lâu?

Prof. Dr.-Ing. Hans-Josef Allelein - thầy của người viết bài này - giáo sư về công nghệ và an toàn của lò phản ứng hạt nhân tại trường Đại học danh tiếng RWTH AACHEN (Tây Đức trước đây, CHLB Đức), đánh giá và nhận định rằng đất nước Nhật Bản sẽ phải đối mặt, chiến đấu với hậu quả của thảm họa Fukushima - Daiichi ít nhất là 30 năm nữa cho đến khi hoàn toàn kiếm soát được tình hình, và khu vực xung quanh nhà máy Fukushima - Daiichi sẽ bị ô nhiễm bởi đồng vị phóng xạ CAESIUM-137 ít nhất từ 200 đến 300 năm nữa.

Nhân đây chúng ta cũng rất cảm ơn các nhà lãnh đạo, bạn bè, người dân Nhật đã có quyết định “bất hợp tác” với chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 02!

Nhất định chúng ta không chấp nhận điện hạt nhân, quyết định ấy là có cơ sở, dựa vào những kiến thức khoa học chính xác và khách quan, trên việc cân nhắc lợi hại một cách thận trọng, với ý thức tỉnh táo về nguy cơ không thể tránh khỏi của tai nạn nhà máy điện hạt nhân. Không thể ru ngủ người dân, cộng đồng, các dân tộc bằng những lời hứa hão huyền. Không thể vì quyền lợi trước mắt của một số người, nhóm lợi ích mà gây hại lâu dài cho đất nước, người dân.

Đất nước hình chữ S này là của toàn dân, trái đất này là của cả nhân loại, của không những cho thế hệ hôm nay và cả những thế hệ mai sau nữa! Những quyết định, những chính sách ảnh hưởng đến hàng triệu con người nên và phải được cân nhắc thận trọng và góp ý bởi hàng triệu khối óc, con tim người Việt. Không nên áp đặt, bất chấp quyền lựa chọn, quyết định của hàng triệu người khác, của một cộng đồng dân tộc dù ít người như dân tộc Chăm!

Biết bao hồi chuông cảnh báo, bức xúc, phân tích, suy tư của những nhà trí thức, khoa học – trong cũng như ngoài nước – về tính an toàn điện hạt nhân để đi đến kết luận và khẳng định  rằng: “không bao giờ có được công nghệ điện hạt nhân tuyệt đối an toàn tai họa luôn luôn rình rập các nhà máy điện hạt nhân”.

Có nên học bài học của chính phủ CHLB Đức đã làm chăng: Người lãnh đạo cao nhất nước (ví dụ như là Chủ tịch nước) đứng ra thành lập một Ủy ban Tư vấn như Ủy ban Đạo đức (Ethikkommission) để xem xét, đánh giá các khía cạnh đạo đức và kỹ thuật của năng lượng hạt nhân, chuẩn bị một thỏa thuận xã hội để có quyết định về việc dừng khai triển và xây dựng  năng lượng hạt nhân và đề xuất quá trình chuyển đổi sang các năng lượng tái tạo. Sau thời gian làm việc, Ủy ban Đạo đức  sẽ trao cho lãnh đạo bản kiến nghị, trong đó đề xuất hướng giải quyết cho năng lượng hạt nhân trong vòng 10 hoặc 20  năm tới. Ủy ban – với vị thế độc lập, công khai, trong sáng và minh bạch – sẽ đánh giá, phân tích, thẩm định những mặt hạn chế, thuận lợi hạt nhân, kể cả về không gian, thời gian và phạm vi xã hội, nhân văn;  để có lời giải tối ưu cho việc có nên sử dụng điện hạt nhân hay không!

Hãy đừng vì một “quyết tâm chính trị” hoặc vì duy ý chí mà làm một công việc, gây một lỗi lầm, một vết nhơ đề cho hàng chục thế hệ con cháu chúng ta sau này sẽ trách móc, nguyền rủa thế hệ chúng ta! 

8/7/2012

T.V.B.

Nguồn: nguoilotgach.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn