Tin tức khủng hoảng hạt nhân Fukushima cập nhật từ ngày 20 đến 23 tháng 07 năm 2012

Christine McCann, Greenpeace 24/7/2012

Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hùng biên tập và giới thiệu

Đây là bản tin gần nhất của kể từ cuộc khủng hoảng diễn ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản.

Chính phủ điều tra thảm họa hạt nhân Fukushima

Ủy ban điều tra tai nạn tại các nhà máy điện hạt nhân Fukushima, một Ủy Ban được Chính phủ bổ nhiệm đặc trách điều tra nguyên nhân của thảm họa hạt nhân Fukushima, công bố báo cáo cuối cùng của họ vào ngày 24/7/2012, nhưng kêu gọi Chính phủ cho phép họ được tiếp tục điều tra. Các chuyên gia nói rằng tất cả các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đã không được phát hiện, bởi vì mức độ nhiễm xạ liên tục gây tử vong cao tại các lò phản ứng đã ngăn cản cuộc điều tra một cách sâu sát. Ngoài ra, Ủy ban còn thúc giục Chính phủ xác định lý do tại sao hơn 600 người đã chết trong quá trình sơ tán kéo dài.

Bản báo cáo đổ lỗi toàn bộ cho cả TEPCO và các Ủy ban thanh tra Chính phủ, bao gồm Cơ quan An toàn hạt nhân và công nghiệp (NIS) và Ủy ban An toàn hạt nhân (NSC). Các tác giả cho biết, TEPCO và cơ quan Chính phủ đã nhiều lần bám víu vào cái gọi là “huyền thoại an toàn hạt nhân", ý tưởng cho rằng nhà máy điện hạt nhân có khả năng tránh khỏi nguy cơ từ các thảm họa thiên nhiên ở quy mô lớn, và dẫn đến mặc địnhlà không cần phải lập kế hoạch chuẩn bị cho những thảm họa thiên nhiên. Báo cáo đã lưu ý "Cả hai, Chính phủ và các công ty điện hạt nhân, nên thiết lập một triết lý mới của công tác phòng chống thiên tai là đòi hỏi phải có các biện pháp an toàn cho thảm họa đối với bất kỳ tai nạn và thiên tai lớn nào... bất kể xác suất là bao nhiêu". "Bởi vì các lợi ích và quyền lực, Chính phủ và bao gồm cả TEPCO đã thiên vị cho cái gọi là huyền thoại an toàn hạt nhân, mà họ nghĩ rằng sẽ không bao giờ phải đối mặt với một tai nạn nghiêm trọng như vậy, họ không thể nhận ra rằng đó là một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong thực tế. Điều này dường như là một lỗi lầm cơ bản".

Đặc biệt, bản báo cáo đề cập đến một “văn hóa thiếu an toàn” và chỉ trích NSC không hoàn toàn hiểu các vấn đề xung quanh việc các nguồn cung cấp điện bị thất bại tại các nhà máy hạt nhân từ năm 1992 trở lại đây. Các chuyên gia đã đổ lỗi cho NISA đã làm suy giảm những nỗ lực nhằm thiết lập các kế hoạch sơ tán rộng khi có tai nạn về điện hạt nhân, vì lo rằng việc làm này sẽ tạo nên làn sóng sợ hãi với điện hạt nhân. Báo cáo nói thêm rằng sự can thiệp từ cựu Thủ tướng tiếp tục làm phức tạp và bất lợi trong quá trình giải quyết thảm họa này.

Và Ủy ban điều tra đã lặp lại những kết quả tương tự như bản báo cáo cách đây vài tuần của một Ủy ban điều tra do Quốc hội thiết lập: thảm họa đã bị gây ra bởi lỗi của con người dưới bàn tay của TEPCO. Sự thất bại trong việc làm đủ nguội lò phản ứng, chuẩn bị đề phòng một cơn sóng thần, thiết lập một trung tâm khẩn cấp với mức độ an toàn chịu được động đất mạnh và chống cự được với mức độ cao của bức xạ đã được đề cập đến. Ngoài ra, các tác giả của bản báo cáo ghi chú về những nỗ lực của TEPCO nhằm gây ảnh hưởng đến lực lượng đặc nhiệm Chính phủ nghiên cứu ảnh hưởng của các trận động đất trên các nhà máy điện hạt nhân. Công ty Tepco đã thúc ép họ hãy trình bày giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của một trận động đất xảy ra trước đây 1.000 năm, được xem như rất gần tính theo thời gian địa chất.

Đáng chú ý, bản báo cáo đặt ra những câu hỏi về hiện trạng an toàn tại các lò phản ứng hạt nhân trên khắp Nhật Bản, không chỉ cho những người tại Nhà máy Fukushima Daiichi, mặc dù cái gọi là “bước an toàn” đã được thiết lập kể từ khi thảm họa Fukushima xảy ra. Yotaro Hatamura, là Giáo sư danh dự của Đại học Tokyo chủ trì Ủy ban điều tra.

TEPCO

Một vụ bê bối lớn bắt đầu lộ ra vào tuần này, khi Công ty Build-Up, một nhà thầu phụ TEPCO thừa nhận rằng một trong những thợ cả của họ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị tê liệt đã ra lệnh cho nhân viên của họ che các thiết bị đo phóng xạ bao gồm máy đo liều lượng, thiết bị dùng để đo liều bức xạ, bằng lớp chì để giảm chỉ số xuống. Các công nhân này có thể đã tiếp xúc với mức phóng xạ cao hơn nhiều so với bản mà TEPCO báo cáo. Khi các công nhân từ chối thi hành đòi hỏi sai trái này, người quản đốc đã đe dọa họ sẽ bị mất việc tại nhà máy và luôn cả các nhà máy điện hạt nhân khác, và cuối cùng họ bị buộc nghỉ việc. Mười hai công nhân trực tiếp tham gia trong vụ việc này, nhưng 3 người từ chối thực hiện việc làm phạm pháp đó và bị cho nghỉ việc và phải rời khỏi nhà máy Fukushima Daiichi. Viên quản đốc sau đó thừa nhận rằng ông đã lo lắng là ông sẽ bị thẩm vấn về hàng loạt các thông số đo liều nhiễm xạ giữa những người sử dụng lá chắn chì và những người không sử dụng. Mặc dù ban đầu viên quản đốc này đã phủ nhận những việc làm của ông ta nhưng cuối cùng ông cũng phải thừa nhận là ông đã ra lệnh cho nhân viên của mình sử dụng lá chắn bằng chì để bao các máy đo mức độ phóng xạ, và tờ báo Asahi Shimbun có được cuốn băng ghi âm ông ta ra lệnh cho nhân viên dưới quyền làm như vậy. Công nhân bị đe dọa mất việc làm nếu họ không thực hiện theo lệnh.

Các công nhân, người được chỉ định lắp đặt vật liệu cách nhiệt xung quanh đường ống chuyển tải nước có phóng xạ cao trong một khu vực đầy dẫy với số lượng lớn rác thải nhiễm phóng xạ, đã bị buộc phải tự mình ngăn chặn bị nhiễm xạ bằng cách tự làm lá chắn cơ thể mình bằng các tấm chì đặc biệt. Các viên chức từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đang tìm kiếm các lá chắn tại khu phức hợp Fukushima, sau khi công nhân cho biết họ được lệnh hủy bỏ những tấm chắn bằng chì tại khu nhà máy để không có bằng chứng tệ hại này trong những xe cơ giới của Công ty Build-Up. Hành động này là một vi phạm trắng trợn luật an toàn công nghiệp của Nhật Bản và Luật về y tế. Tại Nhật Bản, người lao động được giới hạn tích lũy bức xạ tiếp xúc tới 50 millisieverts mỗi năm, người quản đốc đã cố gắng tìm cách che giấu để họ nằm trong khoảng giới hạn đó. Viên quản đốc nói rằng ông đã nhiều lần sử dụng thủ thuật này cho bản thân trong quá khứ và đã làm việc trong các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản trong 20 năm qua. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng sự cố này là sự kiện chỉ xảy ra một lần. Công ty Build-Up đang bị điều tra để xác định xem những người khác tại công ty có liên quan đến việc làm sai phạm này hay không.

Tình hình chính trị liên hệ đến hạt nhân ở Nhật Bản

Các cuộc biểu tình chống hạt nhân tiếp tục phát triển ở Nhật Bản, khi nhiều người bày tỏ lo ngại về sự nguy hiểm của điện hạt nhân. Ngày thứ Sáu, khoảng 90.000 người đã tụ tập trước nơi làm việc chính thức của Thủ tướng Yoshihiko Noda ở Tokyo. Việc biểu tình bắt đầu từ ngày 16 tháng Ba vừa qua, chỉ hai ngày sau khi 4 lò phản ứng tại Nhà máy điện Oi đã được khởi động lại bất chấp sự phản đối rộng rãi của dân chúng địa phương. Cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama đã tham gia sự kiện chống điện hạt nhân của tuần lễ này, đây là một dấu hiệu khác của sự bất đồng chính kiến ​​trong Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), đảng cầm quyền của ông Noda, mà sự bất đồng quan điểm về điện hạt nhân trong nội bộ đảng này đang đe dọa quyền lực của ông Noda. Vài cuộc biểu tình nhỏ hơn đã diễn ra ở những nơi khác trên khắp nước, 900 người tập trung tại quận Hokkaido, 400 người tập hợp trước Công ty Điện lực Kansai (KEPCO) tại Nagoya, và 1.800 người biểu tình ở phía trước các văn phòng của KEPCO tại Osaka. Một người biểu tình ở Tokyo tán thán, "Điều gây ấn tượng cho tôi nhất là người chống lại điện hạt nhân không bao giờ bỏ cuộc. Đám đông đang ngày càng lớn dần. Thậm chí trong một ngày mưa như hôm nay, chúng ta vẫn thấy nhiều người tụ tập. Thật rất ngạc nhiên. Theo truyền thống, ở Nhật Bản, các cuộc biểu tình liên hệ đến chính trị rất ít khi xảy ra”.

Chính quyền của Thủ tướng Yoshihiko Noda đã từng hy vọng bắt đầu bổ nhiệm nhân sự cho Ủy ban Pháp quy về hạt nhân (NRC) mới được thành lập vào tuần này, nhưng những nỗ lực này đã gặp trở ngại sau khi các thành viên Quốc hội lên tiếng phản đối khi tên của các ứng cử viên đã được công bố cho các phương tiện truyền thông trước khi Quốc hội bình chọn họ. Theo luật pháp Nhật Bản, việc làm sai nguyên tắc như vậy có thể ngăn chặn những ứng cử viên này được Quốc hội phê duyệt, mặc dù các nhà lập pháp bây giờ đã đồng ý xem việc làm sai phạm này là ngoại lệ. Được biết Chính phủ có kế hoạch bổ nhiệm Shunichi Tanaka, cựu Chủ tịch của Ủy ban Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEC) và cựu Chủ tịch của Hiệp hội Năng lượng nguyên tử của Nhật Bản làm Chủ tịch NRC.Việc đề cử ông này đang bị chỉ trích bởi nhiều nhà phân tích, mà họ cho rằng ông ta quá thân thiết với ngành công nghiệp hạt nhân. Chính phủ đã hoãn lại cuộc tranh luận về các quan chức được đề cử, nhưng hy vọng sẽ chính thức trình danh sách các ứng viên cho Quốc hội trong tuần tới hoặc sau đó. Ủy ban Năng lượng hạt nhân mới sẽ hoạt động độc lập với Chính phủ, sẽ thay thế NISA, từ lâu bị chỉ trích vì có mối tương quan về lợi ích như là một cánh tay nối dài của Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp (METI), một bộ có hoạt động nhằm thúc đẩy năng lượng hạt nhân.

Tài liệu mới thu được cho thấy rằng trong những ngày sau thảm họa hạt nhân năm ngoái, Viện Bức xạ Khoa học Quốc gia Nhật Bản (NIRS) tạo ra website kết hợp với Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT), được dùng để xác định lượng bức xạ mà người dân gần Nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi đã bị tiếp xúc. Thoạt đầu họ hy vọng thu thập phản hồi từ hơn 10.000 cư dân. Tuy nhiên, nỗ lực này đã bị gián đoạn sau khi các quan chức quận Fukushima phản đối, họ bày tỏ lo ngại rằng trang web sẽ làm tăng thêm mối lo ngại của công chúng. Một quan chức địa phương đã nói rằng "Chúng tôi không muốn quý vị tổ chức một cuộc họp báo để đem đến những lo lắng cho người dân". Kết cuộc là quan chức NIRS đã phải bỏ kế hoạch này và đồng ý để thu thập thông tin bức xạ chỉ bằng cách viết trả lời. Tỷ lệ số phúc đáp bằng cách sử dụng phương pháp viết phúc đáp chỉ đạt được 22,6%.

Một nhóm người dân địa phương đã thu thập được hơn 178.000 chữ ký – cao hơn nhiều so với con số yêu cầu là 62.000 – trong một nỗ lực đòi hỏi phải có một cuộc trưng cầu về khởi động nhà máy điện hạt nhân ở Shizuoka Prefecture, nơi mà Công ty điện Chubu Electric đang cố gắng xin phép khởi động lại ba lò phản ứng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Hamaoka. Người dân địa phương tỏ ra rất quan tâm bởi vì nhà máy này là nơi mà những nhà nghiên cứu địa chấn cảnh báo, nếu có nguy cơ về một cơn sóng thần thảm khốc sẽ không đủ an toàn, và muốn các Thống đốc và hội đồng địa phương cho phép thực hiện trưng cầu dân ý về việc tái khởi động lò điện hạt nhân tại đây.

Bồi thường cho nạn nhân thiên tai

Hôm tuần trước, Nhật Bản thông báo hướng dẫn mới bồi thường cho các nạn nhân của cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, sau nhiều tháng phàn nàn rằng TEPCO đang trì hoãn thanh toán cho những người bị buộc phải sơ tán và đã phải chịu đựng căng thẳng tinh thần, mất nhà cửa và các doanh nghiệp của họ. Các quy định mới nêu rõ rằng nạn nhân không thể trở lại trong ít nhất sáu năm sẽ được bồi hoàn cho toàn bộ giá trị căn nhà. Những người có thể trở lại nhà của họ với giới hạn gần hơn khoảng thời gian đó sẽ nhận được tối thiểu 50% trên giá trị của căn nhà, và những người dân sống trong các khu vực nơi mà các lệnh sơ tán được gỡ bỏ có thể nhận 33% giá trị nhà của họ. Khoản trợ cấp bổ sung tính trước được chi trả cho vật dụng nội thất và hàng gia dụng khác, cũng như những tổn thất về tinh thần. Ngư dân và nông dân sẽ nhận được một khoản tiền trợ cấp một lần bằng số thu nhập trong năm năm, người lao động làm công ăn lương sẽ nhận bồi thường một lần bằng lương trong hai năm.

Ô nhiễm và an toàn thực phẩm

Bạch tuộc và ốc biển đánh bắt ngoài khơi bờ biển của tỉnh Fukushima đã bắt đầu được bán ở Miyagi Prefecture tuần này, lần đầu tiên sau gần một năm rưỡi hải sản thu hoạch tại địa phương đã được bán ra ngoài tỉnh khi thảm họa hạt nhân xảy ra tại Nhà máy Daiichi Fukushima. Thảm họa hạt nhân đã làm tê liệt hoạt động làm ăn của ngư dân và nông dân trong khu vực, nhiều người trong số họ vẫn chưa phục hồi lại kế sinh nhai của họ.

Các nỗ lực khử ô nhiễm

Hơn mười sáu tháng kể từ khi thảm họa hạt nhân hồi năm ngoái tại Nhà máy Fukushima Daiichi, Nhật Bản vẫn chưa có kế hoạch toàn diện để đối phó với ô nhiễm rộng lớn, bao gồm cả xử lý một lượng lớn đất phóng xạ và chất thải khác. Các quan chức địa phương đang phàn nàn về việc thiếu sự hỗ trợ của Chính phủ, ngược lại với những gì được nêu ra trong chiến dịch vận động tranh cử mà Thủ tướng Yoshihiko Noda đã hứa hẹn từ mùa thu năm ngoái. Sự phản đối từ cư dân địa phương, những người lo sợ các chất thải phóng xạ trong vùng của họ, tiếp tục làm phức tạp thêm cho vấn đề trừ khử nạn ô nhiễm phóng xạ.

C.M.

Nguồn: greenpeace.org

Nhóm biên tập và giới thiệu gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn