Từ quan điểm đến động thái gần đây của nước Nhật trước vấn đề an ninh Biển Đông và khu vực

Sự xích lại giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian qua mọi người đã mường tượng được, giữa Việt Nam và Nhật Bản có vẻ cũng đang rõ dần dần. Thì có khác làm sao được! Hãy cứ hình dung quang cảnh một con chó sói ngồi trong lùm cây của nó mà nhe nanh xồ ra khắp bốn phía chực ngoạm thêm lãnh địa hòng kiếm mồi ngon vì lùm cây mình ngự trị đã cạn thức ăn. Hiển nhiên là các loài vật xung quanh trước đây còn nhởn nhơ trong lãnh địa riêng rẽ của mình, nay phải cùng hợp sức nhau lại để dọa nó chớ có giở trò. Còn nếu nó cứ giữ nguyên bản chất hung ác không kiềng sợ bất kỳ trở lực nào, không thèm nghe tiếng kêu, tiếng hú, kể cả tiếng nỉ non của các đàn vật láng giềng thì rốt cuộc các bầy đàn đó cũng phải hè nhau dằn cổ nó xuống ghè gãy hàm răng của nó chứ. Đâu phải cứ trổ cái ngón của lũ Tiểu nhân Đặng Giang Hồ ngoài miệng gầm gừ “hảo hảo” rồi thò lưỡi dao vào bụng người ta lúc nào không biết, mà che mắt được ai.

Bauxite Việt Nam

1. Vai trò của Nhật trong chiến lược của Mỹ

Việt Hà, phóng viên RFA

Tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng đang gây sự chú ý của nhiều cường quốc trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản.

Chinese  Fishing patrol ships near Senkaku

AFP photo. Một tàu tuần tra Trung Quốc và một tàu tuần tra Nhật Bản trong vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku, ngoài khơi Okinawa, hôm 11 tháng 7 năm 2012.

Trong khi chính phủ Mỹ đã lên tiếng khẳng định mối quan tâm của nước này tới vấn đề Biển Đông vì quyền lợi của nước này tại khu vực, câu hỏi đặt ra là Nhật Bản có quan điểm thế nào về vấn đề này. Để trả lời câu hỏi này, Việt Hà của đài chúng tôi phỏng vấn chuyên gia an ninh châu Á, ông Tetsuo Kotani thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật Bản.

Trách nhiệm nặng hơn

Việt Hà: Thưa ông, với việc Hoa kỳ chuyển trọng tâm sự chú ý sang châu Á Thái Bình Dương, chú ý nhiều hơn vào sự lớn mạnh của Trung Quốc, là đồng minh của Mỹ, Nhật Bản đóng vai trò thế nào trong việc duy trì an ninh tại khu vực?

Tetsuo Kotani: Có hai khía cạnh liên quan đến việc Hoa Kỳ cân bằng lại chiến lược của mình tại châu Á. Thứ nhất là cân bằng chiến lược từ khu vực Trung Đông về châu Á, nhưng Hoa Kỳ chưa bao giờ rời bỏ châu Á, cho nên chúng ta phải nhìn vào khía cạnh khác của việc cân bằng lại chiến lược Hoa Kỳ mà tôi gọi là cân bằng lại trong khu vực châu Á.

Tất nhiên chính sách của Hoa Kỳ là tập trung vào Đông Bắc Á trong nhiều thập kỷ qua nhưng giờ đây còn bao gồm cả Biển Đông và khu vực Đông Nam Á khi các khu vực này trở nên quan trọng. Hoa Kỳ giờ đang nhìn về hướng Nam. Điều này có nghĩa là Nhật Bản phải có trách nhiệm nhiều hơn đối với vùng Đông Bắc Á. Nhật Bản sẽ phải tự xây dựng sức mạnh quốc phòng của mình và cải thiện hơn nữa mối quan hệ đối tác với Nam Hàn.

Việt Hà: Vậy thì những quan ngại lớn nhất của Nhật Bản bây giờ về an ninh tại khu vực này là sao thưa ông?

Tetsuo Kotani: Chúng tôi có rất nhiều mối quan ngại về an ninh. Mối quan ngại đầu tiên là sự lớn mạnh của Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên và Nga. Biển Đông cũng quan trọng đối với Nhật Bản. Tuy nhiên Trung Quốc luôn là mối quan tâm của Nhật Bản trong vấn đề an ninh khu vực.

Nhật Bản giờ đây phải nhận lãnh trách nhiệm nhiều hơn đối với khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là vùng Đông Hải. Nhật Bản cần phải suy nghĩ thận trọng trong việc đối phó với Trung Quốc liên quan đến vùng biển này.

Ô. Tetsuo Kotani

Việt Hà: Với cam kết mới này của Nhật Bản với Mỹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương thì nó sẽ ảnh hưởng thế nào tới mối quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc?

Tetsuo Kotani: Tất nhiên, như tôi đã nói Nhật Bản giờ đây phải nhận lãnh trách nhiệm nhiều hơn đối với khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là vùng Đông Hải. Trung Quốc đang phát triển hải quân tiến ra Đông Hải và Biển Đông cho nên khó tránh khỏi những quyền lợi của nhật Bản và Trung Quốc bị đụng chạm tại đông hải. Vì vậy Nhật Bản cần phải suy nghĩ thận trọng trong việc đối phó với Trung Quốc liên quan đến vùng biển này.

Việt Hà: Khi chúng ta nói đến an ninh khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, chúng ta không thể nào không nói đến vấn đề Biển Đông. Vậy thì vấn đề Biển Đông quan trọng thế nào trong chiến lược quốc phòng của Nhật Bản?

Tetsuo Kotani: Biển Đông là một kênh hàng hải quan trọng đối với Nhật Bản. Gần 70% hàng hóa của Nhật phải đi qua khu vực này. Cho nên tự do hàng hải tại Biển Đông là điều cần thiết đối với Nhật. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là về vấn đề hạt nhân tại Biển Đông. Trung Quốc hiện đang triển khai tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo tại Biển Đông. Nếu Trung Quốc có thể kiểm soát vùng Biển Đông với các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của mình, thì nó sẽ làm giảm khả năng của chiếc dù nguyên tử ngăn đe của Mỹ tại khu vực. Xét về khía cạnh này thì Biển Đông rất quan trọng đối với Nhật Bản nếu nói về chiến lược hạt nhân.

Sức mạnh quân sự

Việt Hà: Nhật Bản và Trung Quốc cũng có tranh chấp xung quanh đảo Senkaku. Thì ông thấy có những điểm tương đồng khác biệt lớn nào giữa tranh chấp này với tranh chấp trên Biển Đông hiện nay. Và liệu Việt Nam có thể học được bài học nào từ tranh chấp này của Nhật Bản với Trung Quốc?

Tetsuo Kotani: Chúng ta có những tình huống tương tự giữa Biển Đông và Đông Hải. Trung Quốc đòi chủ quyền ở Senkaku sau khi Hội đồng kinh tế Liên Hiệp Quốc đưa ra báo cáo sẽ có nhiều trữ lượng dầu tại khu vực này. Sau đó Trung Quốc đã họat động rất mạnh tại khu vực này để đòi chủ quyền. Chúng tôi có những vụ liên quan đến các tàu cá tại khu vực này vào năm 2010 và dẫn đến căng thẳng ngọai giao giữa hai nước Nhật Bản và Trung Quốc.

Nhưng điểm khác biệt giữa hai tranh chấp là trong tranh chấp ở Đông Hải, cán cân quân sự nghiêng nhiều hơn về phía Nhật Bản và Mỹ. Tại Biển Đông, cán cân quân sự nghiêng về Trung Quốc nhiều hơn. Cho nên điều quan trọng là chúng ta phải cân bằng được cán cân về sức mạnh quân sự tại cả hai vùng biển và chúng ta cần phải gây sức ép khiến Trung Quốc phải sử dụng các cách tiếp cận  hòa bình hơn.

Việt Hà: Trong vụ tranh chấp gần đây giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough thì Nhật Bản có gửi 3 tàu chiến tới khu vực này. Xin ông cho biết ý nghĩa của việc này thế nào. Và có phải là nếu có một xung đột quân sự trong khu vực này thì Nhật Bản có thể can thiệp?

Điều quan trọng là chúng ta phải cân bằng được cán cân về sức mạnh quân sự tại cả hai vùng biển và chúng ta cần phải gây sức ép khiến Trung Quốc phải sử dụng các cách tiếp cận  hòa bình hơn.

Ô. Tetsuo Kotani

Tetsuo Kotani: Vâng, chúng tôi gửi 3 tàu hải quân đến Philippines trong khi tranh chấp bãi cạn xảy ra. Nhưng đây chỉ là một phần trong diễn tập và nó đã được lên kế hoạch từ trước khi tranh chấp xảy ra. Cho nên không có mối liên hệ trực tiếp nào tại đây.

Tuy nhiên, Nhật Bản rất quan tâm đến việc hợp tác giúp đỡ nâng cao khả năng quốc phòng cho Philippines, vì thế nên Nhật Bản sẽ cung cấp các tàu tuần duyên cho Philippines và chúng tôi sẽ xem xét khả năng giúp các nước khác tương tự bao gồm Việt Nam. Mặc dù không liên quan trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông nhưng Nhật Bản sẽ cố gắng giúp các nước đòi chủ quyền khác trên Biển Đông để họ có thể duy trì cân bằng sức mạnh quân sự trên biển với Trung Quốc.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông.

Nguồn: rfa.org

Ngoại trưởng Nhật Bản thăm Việt Nam

clip_image002

Ông Gemba đã thăm Campuchia trước khi tới Việt Nam

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koichiro Gemba vừa gặp người đồng nhiệm Việt Nam tại Hà Nội trong chuyến đi tăng cường quan hệ kinh tế-chính trị song phương.

Ông Gemba và ông Phạm Bình Minh cũng chủ trì một cuộc họp báo chung hôm thứ Bảy 14/7.

Được biết Ngoại trưởng Nhật chỉ ở Việt Nam trong hai ngày 13/7 - 14/7.

Trước đó ông đã ở thăm Campuchia và tham dự cuộc họp Ngoại trưởng các quốc gia Đông Á ở Phnom Penh.

Các hãng thông tấn có mặt ở Hà Nội cho hay trong cuộc họp báo ngày 14/7, Ngoại trưởng Gemba nói hai nước Việt Nam và Nhật Bản "đã thống nhất tăng cường hợp tác trong các lính vực quốc phòng và an ninh biển".

Ông ngoại trưởng nói: "Trong các cuộc hội đàm ngày hôm nay, chúng tôi đã nhất trí mở rộng thêm các cuộc gặp ngoại giao cấp cao giữa hai bên nhằm tăng cường hợp tác về quốc phòng và an ninh biển giữa Nhật Bản và Việt Nam".

Quan hệ kinh tế cũng được đề cập tới trong chuyến thăm của ông Koichiro Gemba tới Hà Nội.

Thương mại hai chiều Việt - Nhật năm 2001 đạt 21 tỷ đôla, và Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Tokyo cũng đang có kế hoạch hỗ trợ Việt Nam xây nhà máy điện hạt nhân ở miền Trung đất nước.

Tuy nhiên, các nguồn tin nói an toàn hàng hải và căng thằng hiện nay về chủ quyền biển với Trung Quốc nằm cao hơn cả trong nghị trình của ông Bộ trưởng Ngoại giao.

Bất đồng với Trung Quốc

Cũng giống như Việt Nam, Nhật Bản đang có bất đồng sâu sắc với Trung Quốc quanh chủ quyền tại biển Hoa Đông.

Tranh cãi ngoại giao bùng phát tuần rồi, khi Bắc Kinh điều ba tàu tuần tra tới khu vực đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài hôm thứ Tư 11/7.

Nhật Bản đã chính thức phản đối Trung Quốc ngay tại hội nghị ASEAN+3 ở Phnom Penh.

Bắc Kinh nói các tàu của họ chỉ làm phận sự "trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc" trong khi Tokyo cực lực phản đối hành động vi phạm chủ quyền này.

Hội nghị ngoại trưởng ASEAN đã kết thúc hôm 13/7 trong chia rẽ, khi các Ngoại trưởng không thể đưa ra một thông cáo chung cuối cuộc họp.

Đây là lần đầu tiên trong 45 hoạt động của khối ASEAN, vốn đề cao nguyên tắc đồng thuận, sự kiện như vậy xảy ra.

Việt Nam ngỏ ý tiếc, trong khi Philippines, quốc gia bị nước chủ nhà Campuchia gọi là hung hăng và 'bắt nạt', lên tiếng chỉ trích thái độ của Phnom Penh.

Ngoại trưởng Albert del Rosario hôm thứ Sáu 13/7 tuyên bố: "Tôi cho là ngay cả khi chúng tôi im lặng thì cũng sẽ bị cáo buộc là làm căng thẳng tình hình".

"Khi chúng tôi phản hồi thì lại bị cáo buộc là bắt nạt".

Philippines và Việt Nam muốn thông cáo chung của hội nghị ghi lại quan điểm của hai nước này đối với tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông, điều mà Campuchia khước từ.

Trong giới ngoại giao có mặt tại hội nghị có cáo buộc Campuchia hành động như thể đã bị Trung Quốc "mua đứt".

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn