Vị đắng Asean sau hội nghị Phnom Penh

Thất bại của hội nghị các bộ trưởng Asean tại Diễn đàn khu vực tại Campuchia tuần trước tiếp tục là đề tài được thảo luận tại các nước trong vùng.

clip_image001

Tranh chấp Biển Đông phủ bóng hội nghị Asean ở Phnom Penh

Hôm 16/7, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono của Indonesia bày tỏ sự thất vọng.

Ông nói về sự thất bại của khối, dù vẫn hy vọng tìm được ‘điểm chung’ cho một tuyên bố chung.

"Bất kể vấn đề khó khăn thế nào, sẽ luôn có điểm chung và tôi luôn nghĩ rằng đấy là văn hóa và truyền thống chính trị của Asean, gọi là con đường Asean", ông Yudhoyono được BBC Indonesian dẫn lời.

“Bất kể vấn đề phức tạp tới đâu, cũng có thể có sự đồng ý để chuyển thành một tuyên bố chung”, Tổng thống Indonesia nói.

Tổng thống Indonesia, nước lớn nhất Asean, là vị lãnh đạo cao nhất của Hiệp hội các nước Đông Nam Á, tỏ thái độ không hài lòng về hội nghị Phnom Penh.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng công khai bày tỏ sự thất vọng về kết quả hội nghị này.

Lý do các bộ trưởng ngoại giao Asean không ra được tuyên bố chung là vì Campuchia, nước Chủ tịch luân phiên năm nay của Asean, không đồng ý đưa vào phần nói tới tranh chấp biển với Trung Quốc.

Đã có ý kiến từ giới quan sát cho rằng Campuchia dưới quyền Thủ tướng Hun Sen đã “trở thành kẻ phá đồng thuận” Asean theo ý của Trung Quốc.

Cũng có đánh giá cho rằng Campuchia đã nhầm lẫn giữa vai trò một nước thành viên có quyền không đồng ý, và vai trò nước Chủ tịch vốn có trách nhiệm ghi nhận quan điểm của các nước trong Asean.

clip_image002

Tổng thống Indonesia là lãnh đạo thuộc hàng cao nhất tại Asean lên tiếng về hội nghị Phnom Penh

Bà Adrianne Elizabeth, một chuyên gia về Asean tại viện Khoa học Indonesia thì nói:

"Asean không thể gắn kết các nước thành viên khi phải giải quyết vấn đề như thế này”.

“Để lớn lên thì dễ cho Asean nhưng để giải quyết một vấn đề lớn thật đúng cách thì Asean còn chưa biết làm thế nào”, bà nhận định.

Lập trường chia rẽ

Viết trên báo Thái Lan, cây bút Kavi Chongkittavorn tiết lộ một số chi tiết hậu trường khi các ngoại trưởng trong Asean tranh cãi về nội dung Tuyên bố chung.

Ông cho biết Philippines muốn tranh chấp giữa họ và Trung Quốc ở Bãi cạn Scarborough được đưa vào Tuyên bố chung, còn Việt Nam cũng yêu cầu ghi vào cáo buộc Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế.

"Bất kể vấn đề phức tạp tới đâu, cũng có thể có sự đồng ý"

Malaysia, cũng là nước đòi chủ quyền ở Trường Sa, đòi thêm vào dòng chữ “các bãi cạn khác” theo yêu cầu của Philippines.

Đến lượt chủ nhà, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong, yêu cầu hãy đề cập mọi vụ va chạm là “các diễn biến gần đây trên Biển Nam Trung Hoa”.

Không ai chịu ai. Đến phút chót, Ngoại trưởng Philippines dịu giọng, đề nghị chỉ cần ghi vào “bãi cạn bị ảnh hưởng” nhưng Campuchia không tán thành.

Một số thành viên trong Asean ủng hộ đề xuất ra một tuyên bố riêng rẽ về Biển Đông.

Nhưng Campuchia nói Trung Quốc và Philippines đã có hội đàm song phương và rằng căng thẳng giữa hai nước đã giảm đi, nên không cần tuyên bố riêng làm gì.

Trong năm 2013 và 2014, lần lượt Brunei và Miến Điện sẽ làm Chủ tịch luân phiên Asean.

Theo cây bút Kavi Chongkittavorn, cả hai nước này đều có lập trường tương tự như Campuchia về Biển Đông.

clip_image003

Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong bác bỏ ý kiến của Philippines và Việt Nam

Mặc dù trên danh nghĩa là nước đòi chủ quyền ở Trường Sa, nhưng Brunei chưa bao giờ lớn tiếng về vấn đề này. Cả Brunei và Miến Điện đều nói cần giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình và đối thoại – cũng tương tự quan điểm của Trung Quốc.

Còn theo báo New York Times, khi Philippines và Việt Nam không thể thuyết phục Campuchia, đến lượt Indonesia và Singapore kêu gọi có thỏa hiệp.

Nhưng tờ báo Mỹ cho hay Ngoại trưởng Campuchia “cầm xấp tài liệu và giận dữ rời khỏi phòng họp”.

Thắng lợi cho ai?

Với giọng đắc thắng, tờ báo dân tộc chủ nghĩa Hoàn Cầu Thời báo hôm 16/7 nhận định Philippines là nước “bị mất mặt nhất” vì các hành động định “gây sức ép với Trung Quốc thông qua Asean”.

Với Việt Nam, tờ này nói Luật Biển của Việt Nam được thông qua cuối tháng Sáu đã “phá vỡ trật tự lâu nay”, khiến Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa và mời thầu chín lô dầu khí.

Tờ báo nói hai bước đi này giúp “thực thi chủ quyền của Trung Quốc, đánh một đòn sốc vào chính quyền Hà Nội”.

Bài xã luận viết tiếp rằng “Hà Nội và Manila đã buộc Trung Quốc có những biện pháp phản kích kiên quyết. Họ tự khiến mình phải hổ thẹn”.

Tuy vậy, từ Hoa Kỳ, một chuyên gia lại cho rằng sức ép của Bắc Kinh tại Phnom Penh lại là “thất bại chiến lược” cho Trung Quốc.

Mike Green, cựu giám đốc chính sách châu Á dưới thời George W. Bush và là đồng tác giả một báo cáo sắp gửi cho Quốc hội Mỹ về Biển Đông, nói Trung Quốc cho rằng nếu có thể đánh bại nỗ lực của Hoa Kỳ lần này, họ có thể tạm ngừng sự đối đầu cho đến nhiệm kỳ lần sau của một Ngoại trưởng Mỹ.

Nhưng ông nói: “Trung Quốc đã có chiến thắng chiến thuật, nhưng chịu thất bại chiến lược”.

“Vì nó sẽ làm tăng xu hướng của các nước trong vùng muốn giữ Hoa Kỳ ở lại”, theo ông.

Ông này dự đoán Hoa Kỳ sẽ lại tăng cường nỗ lực liên minh và giúp các nước có tranh chấp với Trung Quốc.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn