Cái giá của sự trung thực?

Thanh Quang, phóng viên RFA

Xin hãy đọc lại bài viết của Osin Huy Đức (newosin.wordpress.com). Bằng phẩm chất trung thực của một nhà báo còn rất trẻ về tuổi đời, có lẽ bạn Hoàng Khương đã không thể hiểu nổi cái bẫy việt vị ghê gớm mà mình đã hồn nhiên chui vào với tất cả niềm tin về sự tốt đẹp của những gì mình được học trong nhà trường XHCN. Nhưng người chứng kiến cảnh ngộ của nhà báo Hoàng Khương sẽ tự hỏi: phải chăng đây cũng lại là một cái bẫy việt vị kép, đang chuẩn bị “sập bẫy” cả những ai quyết tâm “chỉnh đốn Đảng” theo Nghị quyết Hội nghị TW IV của ngài TBT, mà trước hết là các vị đứng đầu phe... tấn công các nhóm lợi ích?

Bauxite Việt Nam

Ký giả Hoàng Khương của báo Tuổi trẻ vừa lãnh án 4 năm tù vì tội "đưa nhận hối lộ" dù ông khẳng định “chỉ thực hiện trách nhiệm của một nhà báo và không hề có lợi ích cá nhân trong việc đưa hối lộ cho công an”.

clip_image001

Photo courtesy of thanhnien.com.vn. PV Hoàng Khương (ngoài cùng, bên trái) tại TAND TP.HCM sáng 06/9/2012

Mất mát niềm tin

Báo Tuổi trẻ cũng xác nhận công tác mà Hoàng Khương thực hiện. Và những thông tấn xã nước ngoài, như AP, mô tả nhà báo Hoàng Khương là người đã thực hiện kịch bản hối lộ để ngầm điều tra về tệ nạn tham nhũng của ngành công an.

Qua bài “Hậu vụ xử phóng viên Hoàng Khương: Mất mát và đổ vỡ” có kèm hình ảnh trắng đen về thân phụ của Hoàng Khương đang đau khổ tột cùng, đầm đìa nước mắt trên gương mặt gầy, da nhăn nheo có lẽ theo nỗi oan khiên của người con thân yêu, tác giả Mai Thanh Hải không khỏi đau lòng mà báo động rằng “Sự đổ vỡ của những thứ to lớn – thành trì, hầu hết đều bắt nguồn từ những sự việc – hình ảnh nhỏ nhoi, đơn giản như thế này”. Và tác giả cay đắng:

Khái niệm “niềm tin và hy vọng”, từ những năm chiến tranh, mà mình dễ gặp lại nhất khi xem lại những hình ảnh tư liệu trong video clip bài hát “Hà Nội – Niềm tin và hy vọng”, vốn đã đổ vỡ, chỉ còn chút móng lung lay, hôm nay cũng sụp xuống, cùng sự thất vọng chảy tràn trên gò má nhăn nheo của người Cha đã sinh ra đồng nghiệp.

“Ác độc và không có tính người!” – Ai đó nói vậy hơi quá, nhưng quả thật dửng dưng dìm con người ta vào con số 4 (tức 4 năm tù), mặc cho người mẹ đang hấp hối trong Bệnh viện, Cha già yếu và vợ con bệnh tật – nhỏ nhoi… thì chỉ ngày hôm nay, người ta mới gặp được, trên đất nước này. Bảo vệ và xây dựng chính thể – chế độ không chỉ đơn thuần là việc xếp gạch xây nhà, trộn xi măng trát vữa, mà quan trọng hơn cả là niềm tin – sự đồng thuận, góp sức từ trong tinh thần, tâm tưởng cho sự tồn tại, đứng vững của mọi quyết sách – cách hành xử.

Nếu niềm tin mất mát và sự hy vọng đổ vỡ, từ những người dân bình thường nhất, những người cầm bút hay được gán là “chiến sĩ bảo vệ mặt trận văn hóa – tư tưởng” nhất, thì việc đổ vỡ của những điều lớn lao là hiển nhiên, không thể chối cãi… Giữ gìn chế độ – chính thể, không thể bằng những cách phi lý và độc ác, như thế này!

Trước tình cảnh của nhà báo Hoàng Khương, nhà báo Minh Diện bỗng nhớ lại “Sự trả giá của một lần nói thật” mà chính ông đã kinh qua khi còn “làm báo lề phải” và từng lâm vào tình trạng “có những thời điểm, những bối cảnh và vụ việc” mà ông muốn “nói ra sự thật những rất khó”. Nhà báo Minh Diện giải thích nỗi khó khăn ấy:

Nếu niềm tin mất mát và sự hy vọng đổ vỡ, từ những người dân bình thường nhất ...thì việc đổ vỡ của những điều lớn lao là hiển nhiên...

Mai Thanh Hải

Nhiều mối quan hệ nhịt nhằng, giằng níu, chi phối lẫn nhau. Chạy hăm hở, lo rối đầu, đối phó với sự né tránh, chửi mắng, khinh khi, đối phó với những kẻ xấu, tham nhũng để cố gắng "cày" ra bài có "tính chiến đấu". Nhưng khi gửi ra Ban biên tập thì bản thảo lại bị "sọt rác hóa". Các tầng nấc quyền lực bên trên, cả trung gian, nịnh thần, những kẻ cơ hội, thực dụng chỉ biết "lấy vinh làm nhục", coi cái ghế là cao to, lo vun vén, chạy chọt tiến thân và nhất là "đồng tiền", còn phóng viên phải chấp nhận trong khuôn khổ, chịu bề lép cũng chỉ vì "bát gạo", kế sinh nhai hàng ngày.

Người ta căm ghét và bài xích, muốn đào thải, đè bẹp người trung chính, trung thực. Tôi không dám bịa đặt một chi tiết nào trong bài báo này, bởi vì tôi đã quá thấm là nạn nhân của những thủ đoạn rình rập trả thù, bị treo bút và đã bị vu vạ “hình sự”, suýt nữa phải ra hầu tòa một cách oan ức.

Lắm cảnh nhiễu nhương

clip_image002

Ông Nguyễn Đức Kiên. AFP photo

Tình cảnh nhà báo chống tham nhũng Hoàng Khương lãnh án tù diễn ra ngay sau những vụ nhiễu nhương khác gọi là “nổi cộm” trong công luận, mà cụ thể là vụ “bầu” Kiên, vụ Dương Chí Dũng, khiến blogger Cu Làng Cát không khỏi nổi nóng mà “chửi một câu” “…đứa mô giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn”. Blogger Cu Làng Cát chua chát:

Bắt Bầu Kiên, Thủ tướng chỉ đạo, theo dõi sát sao. Bắt Dương Chí Dũng, ông Vũ Đức Đam lên tiếng nói Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, bắt bằng được. Thủ tướng trăm công ngàn việc vẫn theo dõi sát sao các diễn tiến và chỉ đạo triệt để như rứa thì mừng quá. Đọc từ các báo, thấy Thủ tướng như thế, bận bịu đủ thứ nhưng vẫn không bỏ sót diễn tiến các vụ bắt giữ này mới biết Thủ tướng lo về an nguy xã hội nhường nào. Rứa mà vẫn có đứa mô đó giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn mới lạ. Bộ Công an cũng kêu gọi người giúp Dương Chí Dũng đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Nếu có đứa mô đó giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn thì phải chửi một câu...

Cảnh nhiễu nhương ấy khiến blogger Thuỳ Linh nêu lên câu hỏi rằng (có thật) “ Chỉ đạo sát sao?”. Nhà văn Thùy Linh nhắc tới một loạt sự kiện diễn ra gần đây làm “rung động xã hội”, từ vụ bắt bầu Kiên, bắt Dương Chí Dũng, nhóm lợi ích thâu tóm ngân hàng… khiến “dân tình bàn tán xôn xao, đưa ra nhiều giả thiết này nọ, ai là người quyết tâm chống lại nạn tham nhũng, dẹp nạn lợi ích nhóm với siêu quyền lực, làm trong sạch chính quyền…?”.

Nhưng nhà văn Thùy Linh nhận thấy dân đen suốt đời thiệt thòi ấy – tới cả đời con, cháu họ –làm sao hiểu nổi “phe này, phe kia” ngồi trên cao chót vót, vì lâu nay, “chuyện quan” đều là “bí mật nhà nước”, xa rời sự hiểu biết của người dân; mà dân đen chỉ đo lường “công quả” thiết thực của quan qua việc họ có thực sự quan tâm tới những chuyện giản đơn – nhưng là gánh nặng không nhỏ – của dân, như bữa cơm hàng ngày, đồng lương chết đói… và cả cách quan hành xử với dân.

Rồi khi một loạt “sự việc đổ bể” như vừa nêu thì, theo nhà văn Thuỳ Linh, người ta mới thấy người đứng đầu Chính phủ  “chỉ đạo sát sao vụ này vụ kia, xử lý vụ kia vụ nọ” – mà phải “xử lý nghiêm minh”, “kiên quyết bắt ông này ông khác…” cho dù những cảnh nhiễu nhương ấy có thể giảm thiểu hay ngăn chặn trong “quá trình điều hành, quản lý, thanh tra, điều tra…”. Như vậy nguyên nhân là từ đâu? Nhà văn Thuỳ Linh khẳng định “tất cả đều trong một guồng máy do một người, một nội các lãnh đạo ở tất cả các lĩnh vực xã hội”, và nêu lên câu hỏi rằng “tại sao không sát sao, không kiên quyết, không tạo vùng cấm… trong quá trình làm việc?”. Blogger Thuỳ Linh đi vào chi tiết:

Những việc khiếu kiện đất đai: Sao không sâu sát chuyện quy hoạch, đền bù, lắng nghe nguyện vọng của dân để khỏi xử lý kiện cáo và dẫn đến bạo lực như đàn áp gây bất ổn xã hội?

Vinashin: Quản lý Tập đoàn kinh tế lớn nhà nước chắc chắn không sát sao nên mới để món nợ hơn 4 tỷ đô la trong vòng có mấy năm để phải “kiên quyết” xử lý bắt giam cả bộ sậu ban giám đốc?

Vinalines: Thua lỗ nặng mà vẫn đề bạt sang chức vụ cao tương đương để mấy tháng sau bị bắt? Rồi khi ông ta bỏ trốn mấy tháng và phải “kiên quyết” mới bắt lại được?

Ông bầu Kiên và những việc làm “vô tiền khoáng hậu”: Dân có thể không biết, nhưng những nhà quản lý (ăn lương từ tiền thuế của dân) thì phải có trách nhiệm biết và biết rành rẽ từ nhiều năm qua...

Sau 3 tháng trốn chui lủi, giờ Dương Chí Dũng mới tra tay vào còng. Việc trốn thoát trước giờ G chỉ vài tiếng đã là một dấu hỏi? Và việc bắt được ông ta cũng gây nhiều nghi ngờ…

Còn những việc nào nữa sắp tới đây dân chúng sẽ được ghi nhận những “sát sao”, “kiên quyết”, “xử lý nghiêm minh theo pháp luật”, “không có vùng cấm” với những kẻ phạm tội…?

Cho đến giờ phút này, theo tác giả Thuỳ Linh, khi hàng tỷ đô la biến mất, kinh tế lụn bại, nợ nần chồng chất, lạm phát phi mã, đời sống dân tình ngày càng khốn đốn… thì người dân không thể mà cũng không cần cám ơn những “kiên quết”, “sát sao”, “xử lý nghiêm”, “không có vùng cấm” kia được, vì chuyện đó Chính phủ “đương nhiên phải làm” như “mặt trời mọc ở đằng Đông”.

Thái độ của chính quyền

clip_image003

Người dân huyện Bắc Trà My lo sợ sau hàng loạt các vụ động đất. Photo courtesy of tinf.vn

Như vậy là chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ – trong tuần rồi – đã xảy ra gần như liên tiếp 10 trận động đất ở địa phận huyện Bắc Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam, nơi có công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 vốn đã trong tình trạng thấm nước, nứt đập, nước chảy ào ạt tại đập chính, có thể dẫn tới nguy cơ vỡ đập thực sự khiến đe doạ 7 địa phương vùng hạ du, kể cả phố cổ Hội An, nhất là khi nước đầy hồ chứa với dung tích khoảng 730 triệu m3 cùng lúc động đất xảy ra thì cư dân vùng hạ du này số phận ra sao – cả về nhân mạng lẫn tài sản? Giữa lúc các quan cứ lo đi “kiểm tra kiểm tra, kết luận kết luận” – nói theo lời tác giả Hồ ngọc Nhuận với bài “Đất trời đã nổi giận”. Tác giả nhận xét:

Theo trí nhớ của nhiều người thì hằng trăm năm qua, người dân từng sống ở đây chưa hề thấy Hà Nội, Sài Gòn rung chuyển khiến cư dân phải chạy ra đường như cách đây mấy năm. Và bây giờ thì mặt đất Trà My xứ Quảng phải tức giận đến nổ tung rung chuyển. Tại sao? Tại vì người ta cứ liên tục không ngừng dối gạt và chọc giận người dân thì làm sao đất trời không nổi cơn thịnh nộ cho được… Lòng dân là lòng trời. Đã tới lúc phải ăn ở thật lòng với dân, và đuổi cổ hết bọn giặc ngoài, dù chúng ẩn núp ở đâu. Đừng tiếp tục chạy theo tham vọng lợi quyền và dối gạt chọc giận người dân nữa. Để đừng chọc giận trời đất. Và để sau cùng không phải nghe tiếng thét: CÚT (ĐI).

Chúng tôi chỉ lấy làm lạ khi những người đại điện cho quyền lực đã chỉ một mực dùng thái độ im lặng để đáp lại nguyện vọng chân thành của chúng tôi và đông đảo nhân dân.

Blog Bauxite VN

Blog Bauxite Việt Nam có cái nhìn bao quát hơn, qua đó, “toàn bộ dự án Bauxite Tây Nguyên là cả một vấn nạn to như quả núi về tất cả mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh mà Nhóm Bauxite Việt Nam đã cất tiếng báo động kể từ tháng Tư 2009 với hàng loạt kiến nghị liên tiếp”. Nhưng, theo blog Bauxite VN, “chúng tôi chỉ lấy làm lạ khi những người đại diện cho quyền lực đã chỉ một mực dùng thái độ im lặng để đáp lại nguyện vọng chân thành của chúng tôi và đông đảo nhân dân”.

Theo blog Bauxite VN thì tâm nguyện của những người ký kiến nghị là “muốn Nhà nước hãy tỉnh táo, thật sự đứng trên cùng một chỗ đứng lợi ích với dân với nước mà nhìn cho thấu mọi ngóc ngách ‘không sao nhá nổi’ của một ‘miếng bánh’ vẽ ra thì ngon lắm nhưng gặm vào là gay”. Nhưng, theo blog Bauxite VN, “những người đại diện cho quyền lực” ấy đã gặm lấy không phải một miếng bánh vẽ mà là cả ‘một cái mồi nhử’ vô cùng nguy hiểm có nguy cơ làm lụn bại nền kinh tế nước nhà, kể cả “nguy cơ tiềm tàng về an ninh quân sự”.

Qua bài “Bàn về sự vô cảm của bộ máy nhân một phóng sự bằng hình”, blog Bauxite VN nêu lên câu hỏi rằng “Ai đưa miếng mồi nhử cho các vị vậy? Chỉ duy nhất một kẻ thủ ác mà các vị vẫn gọi là ông anh “bốn tốt”: Trung Nam Hải.

T.Q.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn