Kiến nghị chủ tịch nước ngừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Một cán bộ khoa học và hợp tác quốc tế ở Nam Cát Tiên gởi thư lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, yêu cầu nói không với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vì sự nguy hại của công trình này đối với thiên nhiên.

clip_image001

Ông Nguyễn Huỳnh Thuật cùng đoàn nghiên cứu Nhật Bản tại Vườn quốc gia Cát Tiên hôm 10-03-2011. Hình do ông cung cấp

Phá di sản ngàn năm

Vào khi một phái đoàn UNESCO sắp sang Việt Nam để thẩm định việc công nhận vườn quốc gia Cát Tiên vào hàng di sản thiên nhiên thế giới, một cán bộ khoa học và hợp tác quốc tế ở Cát Tiên gởi thư lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, yêu cầu nói không với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vì sự nguy hại của công trình này đối với thiên nhiên, môi trường và hệ sinh thái ở rừng đại ngàn hay rừng đặc dụng Cát Tiên là tài sản vô giá của đất nước.

Đây là lá thư thứ hai mà ông Nguyễn Huỳnh Thuật gởi lên cấp lãnh đạo, liên quan đến dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A mà công ty đầu tư:

Chủ đầu tư đã chọn vị trí không phù hợp, có nghĩa là, địa không lợi thì nhân sẽ không hòa và sẽ ảnh hưởng đến dự án.

Nguyễn Huỳnh Thuật

“Tôi là Nguyễn Huỳnh Thuật, cán bộ khoa học và hợp tác quốc tế, công tác tại Vườn Quốc Gia Cát Tiên từ đầu năm 2000 đến giờ là hơn mười hai năm. Tôi có làm việc cũng như có thời gian tư vấn cho UNESCO cũng như tư vấn cho Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp thế giới ở Indonesia. Tôi biết họ rất quan tâm về việc nhà nước chúng ta phải có cam kết mạnh về bảo vệ môi trường cùng với nâng cao nhận thức của mọi người, nhất là cấp lãnh đạo cũng như những người có quyền quyết định.

Cũng năm vừa rồi tôi có gởi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bởi vì tôi biết vấn đề theo diện qui hoạch là do Thủ tướng có quyết định đầu tư hay không, và sau khi Bộ Tài nguyên có thẩm định thì Thủ tướng cũng là người có quyết định sau cùng. Năm vừa rồi tôi gởi mà chưa thấy phản hồi, hiện giờ chủ đầu tư, tập đoàn Đức Long Gia Lai đang tiếp tục muốn xây dựng dự án này, chính vì vậy tôi phải kêu gọi lên cấp cao hơn và yêu cầu chủ tịch nước có ý kiến với Thủ tướng về vấn đề này.

Giải thích vì sao phải khẩn cấp nêu lên những hệ lụy cộng hưởng từ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đối với rừng đặc dụng Cát Tiên, còn gọi là Khu dự trữ sinh quyển quốc tế Đồng Nai, ông Nguyễn Huỳnh Thuật nói rằng tổng thể rừng Cát Tiên như một cơ thể vĩ đại của thiên nhiên mà con người có bổn phận bảo tồn:

clip_image004

Ông Nguyễn Huỳnh Thuật hướng dẫn các bạn trẻ tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên hôm 16-01-2011. Hình do ông cung cấp

“Đầu tư vào thủy điện theo chiến lược, được đảng và nhà nước quan tâm đem ánh sáng cho dân, là rất đúng. Rất tiếc rằng Chủ tịch hội đồng quản trị ĐứcLong Gia Lai cùng với công ty và chủ đầu tư đã chọn vị trí không phù hợp, có nghĩa là, địa không lợi thì nhân sẽ không hòa và sẽ ảnh hưởng đến dự án.

Lý do điểm đầu tư thường là họ chọn cái điểm mà có dốc khúc hoặc độ dốc cao. Chính độ dốc cao của thủy diện này là điểm trung chuyển giữa cao nguyên Lâm Đồng mà đầu của nó nằm ở hai đỉnh Langbian của vườn quốc gia Núi Bà, rồi tiếp nối đến chỗ khu vực dự định xây thủy điện. Tiếp theo cái đuôi của nó, là mông và chân của nó, trải dài về khu bảo vệ thiên nhiên và văn hóa vĩnh cửu, bây giờ gọi là khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai. Chính vì đó mà vị trí của khu vực thủy điện Đồng Nai 6 và 6A như là cái rốn tập hợp tất cả những giao thoa văn hóa, tâm linh, đa dạng sinh học… Rất tiếc địa điểm này không phù hợp để xây dựng thủy điện, và rất nhiều loài quí hiếm, đơn cử như loài tê giác ở khu vực này, có thể tuyệt chủng. Mà tê giác tuyệt chủng rồi thì tất cả các nguồn gene của tê giác sẽ không bao giờ lấy lại được. Cho nên chúng ta phải bảo vệ những gì quí giá còn sót lại”.

Ngày 17/9 tới đây, đoàn chuyên gia thế giới sẽ sang Việt Nam để khởi sự thẩm định cho hồ sơ di sản thế giới đối với khu rừng rộng lớn nhất miền Đông Nam Bộ này, được công nhận nhiều danh hiệu cao quí như Khu Dự trữ sinh quyển, Ramsar, Không gian văn hóa cồng chiêng. Trong thư mới rồi gởi lên Chủ tịch nước, nhà khoa học Nguyễn Huỳnh Thuật nhấn mạnh mức độ cấp bách trong việc ông gọi là cứu Cát Tiên thoát khỏi thủy điện:

Chính sách dân tộc của Việt Nam không cho phép làm điều đó và thế giới cũng không chấp nhận Việt Nam làm những điều như vậy.

Nguyễn Huỳnh Thuật

“Chính tại điểm Vườn quốc gia Cát Tiên, vùng gốc, là do những di tích văn hóa Óc Eo mà UNESCO đang hoàn thiện hồ sơ công nhận di sản văn hóa. Không gian Văn hóa Cồng Chiêng kết hợp với điểm thủy điện này, là một không gian vô cùng nhạy cảm vô cùng linh thiêng. Nếu con người bị che mờ bởi vật chất, tiền tài, quyền lực hoặc những vấn đề khác thì không bao giờ nhận ra được.

Trong vấn đề quản lý tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, quản lý không gian văn hóa và cảnh quan thiên nhiên thì Việt Nam, đang ngày càng hội nhập quốc tế, cũng được UNESCO và các tổ chức quốc tế hướng dẫn. Trong khi học hỏi cập nhật cũng như rút kinh nghiệm từ việc khai thác khoáng sản ở phía Bắc cũng như bô xít, thì chúng ta chưa có một cơ chế quản lý đa ngành, chưa có chính sách phù hợp, chưa nói đến việc là “tâm” và “tầm” của những người công tác và tham gia liên quan. Phá thì rất dễ, chỉ trong một vài ngày, nhưng mà giữ hàng nghìn năm mới có được cái di sản như thế”.

UNESCO sẽ không công nhận?

Được hỏi nếu những ý kiến của ông không đủ sức thuyết phục và nhà nước vẫn cho tiến hành dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì sao, ông Nguyễn Huỳnh Thuật quả quyết:

“Nguy hại thì nhiều lắm, chỉ xin điểm một vài ý chính. Thứ nhất là tác động về môi trường, hệ sinh thái và cảnh quan ở khu vực rừng này. Chúng ta chặt cây rừng thì chúng ta phá đi một hệ sinh thái. Ngôi nhà sinh thái bị đốt phá thì làm sao các loài sống được ở đó. Trong khi WWF (Quĩ Bảo tồn động vật hoang dã) đã đầu tư hàng mấy triệu đô để chúng ta bảo vệ loài tê giác, tuy nhiên tê giác cũng đã và sắp tuyệt chủng. Bất cứ một loài nào trong hệ sinh thái cũng có ý nghĩa của nó, không giữ được thì mất mát rất lớn. Đó là về mặt môi trường.

Về mặt văn hóa, dọc sông Đồng Nai là hệ sinh thái của những người Mạ cổ xưa cũng như di chỉ văn hóa Óc Eo và người Mạ hiện tại. Nhà nước có chính sách là đưa họ vào từng khu vực, chính vì đó mà thành lập xã Đồng Nai Thượng ở cách khu vực thủy điện khoảng hai cây số. Thì nếu mà tiếng ồn của việc phá đá sẽ làm cho sự yên bình của người dân ở đây bị rung động, sẽ tác động đến sức khỏe và tâm lý người dân ở đây.

clip_image005

Ông Nguyễn Huỳnh Thuật cùng giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên và các nhà khoa học đến nghiên cứu Vườn quốc gia Cát Tiên hôm 01-06-2011. Hình do ông cung cấp

Vấn đề tiếp theo nữa là đoàn thẩm định của bên Trung tâm di sản thế giới của UNESCO ngày 17 cho đến ngày 28 tháng Chín này là chuẩn bị việc công nhận di sản thiên nhiên Cát Tiên, đưa khu phức hợp Bầu Sấu thành di sản của vùng thiên nhiên này. Hiện bây giờ Bầu Sấu có một đối lưu, nối liền như một mạch máu với sông Đồng Nai, mà hiện giờ các công trình thủy điện cách xa Vườn quốc gia Cát Tiên thì đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mực nước, mùa khô thì cạn kiệt, gần như là cắt đi cái mạch máu giao lưu giữa Bầu Sấu và vùng sinh cảnh ngập nước rất quan trọng đã được công nhận là Ramsar.

Theo đánh giá của một số chuyên gia thủy lợi, việc xây công trình thủy điện 6 và 6A mùa khô sẽ làm nước trong Bầu Sấu với Đồng Nai không thông nhau được, như vậy Bầu Sấu sẽ chết đi, ảnh hưởng rất nghiêm trọng vào Vườn quốc gia Cát Tiên. Nếu không có một quy chế quản lý đa ngành thì UNESCO sẽ không bao giờ công nhận Cát Tiên là di sản”.

Nhờ có hơn hai năm làm việc ở Tokyo, ông Nguyễn Huỳnh Thuật còn nêu ra trong thư gởi Chủ tịch nước một thí dụ điển hình của núi Phú Sĩ, một thắng cảnh của Nhật Bản, không được UNESCO công nhận danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới chỉ vì những tiếng súng tập trận mà lực lượng phòng vệ Nhật Bản được phép thực hiện tại khu vực này:

“Thuyết phục hay không thì cái này nằm trong tư duy của từng người mà nhất là cấp lãnh đạo. Điều này cũng tế nhị lắn, nhưng mà quan điểm của chúng tôi là hàng ngàn hàng vạn đồng bào bản địa ở đây mà bây giờ ngôi nhà của họ bị phá hủy thì chắc chắn sức khỏe và vấn đề an bình của họ sẽ bị ảnh hưởng. Chính sách dân tộc của Việt Nam không cho phép làm điều đó và thế giới cũng không chấp nhận Việt Nam làm những điều như vậy”.

Chính vì thế, vì hạnh phúc của số đông, ông Nguyễn Huỳnh Thuật kết luận, mà ông mạnh dạn đề nghị lãnh đạo Việt Nam nên nói không với thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

T.T.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn