Rừng quốc gia Cát Tiên lại kêu cứu

Gia Minh, biên tập viên RFA

Kế hoạch vận động xây dựng hai công trình thủy điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, đoạn chảy qua rừng quốc gia Cát Tiên lại được những người quan tâm lo lắng.

clip_image001

Rừng quốc gia Cát Tiên. Photo courtesy of namcattien.org

Lý do của nổi lo đó là gì? Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này. Mời quí vị theo dõi.

Khảo sát khách quan?

Hồi ngày 26 tháng 8 vừa qua, tờ Người Lao Động và tờ Lao Động loan tin về chuyến khảo sát thẩm định đánh giá tác động môi trường của dự án xây hai đập thủy điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai do đoàn liên ngành thực hiện. Đoàn gồm có Cục Thẩm định & Đánh giá tác động Môi trường của Bộ Tài nguyên-Môi trường, cùng đại diện của các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Dak Nông , Vườn Quốc gia Cát Tiên…

Bài viết của tác giả Xuân Hoàng của tờ Người Lao Động nói rằng chuyến khảo sát đó không bình thường. Một trong những lý do để có thể nói như thế vì khi phóng viên của tờ Người Lao Động cố gắng đi theo đoàn, nhưng đã bị vị Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, chủ đầu tư của dự án cản trở. Chuyến khảo sát lần này không như chuyến khảo sát hồi tháng 8 năm ngoái, khi đó ngoài đại diện của các ngành liên quan, các địa phương, chủ đầu tư còn có báo chí được phép đi theo.

Lập đoàn thẩm định, nhưng ai có tiếng nói thì không được đưa vào. Họ sẽ qua mặt mọi người bằng cách ban thẩm định bằng cách nào cũng cho qua.

GS Lê Huy Bá

Trong khi đó thì chủ đầu tư là Tập đoàn Đức Long Gia Lai được cho biết hộ tống theo đoàn khá chặt chẽ. Điều đó khiến những người quan tâm đặt nghi vấn về tính khách quan, độc lập của đoàn tiến hành cuộc khảo sát hồi hai ngày 24 và 25 tháng 8 vừa qua.

Giáo sư Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra nhận định về hoạt động đánh giá tác động môi trường của các dự án tại Việt Nam lâu nay như sau:

“Trong điều tra đánh giá thì thực ra giai đoạn đầu có Viện Quy hoạch Thủy Lợi Nam bộ có trách nhiệm làm. Nhưng ở Việt Nam việc đánh giá tác động môi trường được làm như kiểu làm khoán, chạy sô lấy tiền thôi, còn tính khoa học đánh giá không cao. Bây giờ cũng lập đoàn thẩm định, nhưng ai có tiếng nói thì không được đưa vào. Họ sẽ qua mặt mọi người bằng cách ban thẩm định bằng cách nào cũng cho qua”.

clip_image002

Công trình thuỷ điện ĐắkPru thuộc địa phận Xã Đak Nhoong - Huyện Đak Glei - Tỉnh Kon Tum. Photo courtesy of hanic.com.vn

Tuy nhiên theo tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Qui hoạch Thủy Lợi thì nay Việt Nam đã có những qui định rõ ràng về vấn đề đánh giá tác động môi trường đối với một dự án xây dựng lớn như hai đập thủy điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai. Ông nói:

“Sau khi có luật bảo vệ môi trường rồi thì tất cả đều phải theo luật. Thứ hai nữa nếu tác động vào rừng bảo hộ Cát Tiên; theo qui định tác động vào bao nhiêu héc ta; nếu xâm phạm lớn phải thông qua quốc hội”.

Quan ngại siêu lợi nhuận?

Mặc dù vẫn có ý kiến tỏ ra tin tưởng vào việc thực thi các qui định luật pháp tại Việt Nam như phát biểu mang tính “chờ xem” mà tiến sĩ Tô Văn Trường vừa đưa ra, một số người bày tỏ quan ngại vì siêu lợi nhuận do thủy điện mang lại, các doanh nghiệp như Tập Đoàn Đức Long Gia Lai sẽ sử dụng mọi biện pháp để dự án của họ được thông qua.

Trên trang Bauxite, một trang mạng được lập ra đầu tiên để đưa các ý kiến nêu rõ những tác hại của việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên Việt Nam, ngay sau khi có bài báo của tờ Người Lao Động về động thái mới liên quan dự án thủy địên 6 và 6A của Tập đoàn Đức Long Gia Lai trên sông Đồng Nai, có bài ‘Xin hãy cứu lấy rừng quốc gia Cát Tiên’ của tác giả Nguyễn Khắc Tâm. Tác giả cho rằng sông Đồng Nai và Vườn quốc gia Cát Tiên là tài sản quí hiếm mà thiên nhiên ban tặng cho nguời dân và đất nước Việt Nam. Tất cả phải có trách nhiệm giữ gìn như là ‘của để dành’ cho con cháu muôn đời sau.

Hai thủy điện lớn nằm trên cùng dòng sông cách nhau chỉ mấy chục cây số thì không nên, nếu có chăng chỉ nên làm một mà thôi.

GS Lê Huy Bá

Tác giả sau khi đọc bài báo với nhận định nói cuộc khảo sát vừa qua của đoàn liên ngành có gì đó không bình thường nên phải lên tiếng vì theo tác giả ‘không thể ngồi yên chờ cho các thế lực đen tối làm mưa làm gió, tiếp tục đi đêm để đạt mục tiêu cuối cùng là thẳng tay tàn phá tài nguyên thiên nhiên của đất nước để làm đầy túi riêng’.

Vấn đề xây dựng thủy điện mang lại siêu lợi nhuận cho các chủ đầu tư, được giáo sư Lê Huy Bá, khẳng định như sau:

“Những nhà đầu tư thủy điện rất muốn làm vì đầu tư xong là thu tiền thôi. Tại vùng cao Tây Nguyên, có nhiều người giàu lên một cách nhanh chóng vì sau khi chỉ đầu tư thủy điện 10, 30, 50,70 megawatt, sau khi đầu tư xong bán được điện là cứ thế thu tiền”.

Theo nguyên văn của tác giả Nguyễn Khắc Tâm ‘Rừng quốc gia Cát Tiên nằm trên địa bàn của ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, và Bình Phước, với tổng diện tích là 71.920 ha, là một trong những sinh cảnh hiếm hoi quí giá còn sót lại của đất nước ta, là khu dự trữ sinh quyển của thế giới với một nền đa dạng sinh học phong phú. Nếu rừng Cát Tiên mà còn bị xâm hại thì trên đất nước sẽ chẳng còn chỗ nào mà bọn ‘lợi ích nhóm’ không thò ‘bàn tay lông lá’ của chúng đến để đục khoét, tàn phá, mưu cầu lợi ích riêng’.

Một trong những ví dụ cụ thể về sự can thiệp của thế lực mà tác giả Nguyễn Khắc Tâm cho là nhóm lợi ích trong vụ việc này là vị giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên, Trần Văn Thành, người công khai phản đối dự án xây dựng hai đập thủy điện 6 và 6A tại Vườn Quốc gia Cát Tiên đã bị thuyên chuyển đi nơi khác.

Tác hại

clip_image003

Công trình xây dựng Đập Thủy điện Đại Ninh. Photo courtesy of dut.edu.vn

Vì sao có những người biết phải mất mát quyền lợi bản thân và thậm chí nguy hiểm khi đứng ra chống lại dự án thủy điện 6 và 6A của Tập đoàn Đức Long Gia Lai như ông Trần Văn Thành, vẫn giữ vững lập trường của họ?

Có thể nói vì họ thấy rõ những tác hại đối với Vườn quốc gia quí hiếm Cát Tiên, và dòng sông Đồng Nai như trình bày về những tác hại khi xây hai đập thủy điện như thế theo đánh giá của giáo sư Lê Huy Bá sau đây:

“Hai thủy điện lớn nằm trên cùng dòng sông cách nhau chỉ mấy chục cây số thì không nên, nếu có chăng chỉ nên làm một mà thôi. Rồi cần phải tính tóan sức chịu tải của dòng sông, của lưu vực đó, của hệ sinh thái. Thứ ba nữa về mặt lý thuyết thì dòng sông Đồng Nai hình thành từ 7-8 ngàn năm trước, với quá trình lâu dài như thế để tạo nên một uốn lượn như ngày nay không phải đơn giản chuyện ngày một ngày hai. Bây giờ nếu đập chắn nhiều như thế sẽ ngăn luồng lạch, làm dòng chảy thay đổi, tạo nên những tiềm lực thủy năng rất lớn mà sau đó có thể phá bung ra làm đổi dòng. Đổi dòng rất nguy hiểm, nhất là đối với dòng sông ở trên độ cao 7-800 mét như thế sẽ gây nguy hiểm cho hạ lưu”.

Giáo sư Lê Huy Bá cũng trình bày thêm:

“Họ nói chỉ có 37 héc ta nhưng thực ra không chỉ có 37 héc ta bị nhận chìm trong nứơc mà còn bao nhiêu héc ta khác bị ảnh hưởng nữa. Vả lại trong Vườn quốc gia mà cả Đầm Sấu, đó là khu đất trên cao quí hiếm của Việt Nam; thế mà bây giờ làm thủy điện sẽ làm ngập hệ sinh thái thủy sinh nhỏ, vừa trong bàu và cả ra ngoài nữa”.

Bản thân tiến sĩ Tô Văn Trường dù cho rằng chưa thể phát biểu gì trong lúc này, nhưng cũng thừa nhận nếu có xây dựng đều có thể gây hại đến môi trường, và vấn đề cần phải cân nhắc lợi hại thật rõ ràng:

“Bây giờ bất kỳ cái gì tác động vào môi trường, kể cả do con người, bao giờ cũng có hai mặt lợi và hại. Bài tóan đánh đổi, và luôn đi đôi với nhau.

Nếu kinh tế đất nước đã tốt thì nguời ta không cần phải tác động gì vào thiên nhiên. Nhưng vì phát triển kinh tế bắt buộc phải làm; nhưng khi làm phải có tính tóan xem cái lợi có hơn hẳn những thiệt hại hay không. Đó là việc phải đánh giá, theo tôi biết thì hội đồng đánh giá chưa họp nên chưa thể nói được gì”.

Còn tác giả Nguyễn Khắc Tâm của bài ‘Xin cứu lấy rừng quốc gia Cát Tiên’ thì cho rằng tội ác cướp 500 héc ta đất, phá hoại hoa màu của nguời dân Văn Giang là ‘tày trời’ rồi; nhưng chẳng thấm vào đâu so với tội ác ‘đầu tư’ thủy điện bằng cách tàn phá rừng quốc gia, triệt hạ hằng trăm héc ta gỗ quí, triệt hạ hệ sinh quyển, thay đổi dòng chảy của sông Đồng Nai, gây lũ quét và cả đại hồng thủy cho cả cư dân và hệ sinh thái lưu vực.

Theo giáo sư Lê Huy Bá thì phải mất cả hằng nghìn năm mới có đuợc hệ sinh thái như ở vuờn quốc gia Cát Tiên. Thế nhưng để phá đi con nguời chỉ cần ít năm là dọn sạch. Sau đó sẽ là những tai hại ghê gớm mà chính con người phải gánh chịu.

Xin được nhắc lại, sông Đồng Nai dài chừng 586 kilomet là con sông dài nhất chảy trên địa phận đất nước Việt Nam. Lưu vực sông rộng 38600 kilomet vuông. Sông xuất phát từ Lâm Đồng và chảy qua các tỉnh Dak Nong, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, rồi đổ ra Biển Đông ở Cần Giờ.

Vườn quốc gia Cát Tiên là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Khu bảo tồn thiên nhiên này nằm tại các huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu thuộc Đồng Nai, huyện Cát Tiên, Bảo Lộc, Lâm Đồng và huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước. Vườn quốc gia Cát Tiên cách Sài Gòn 150 kilomet về phía bắc.

G.M.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn