Tuk tuk cũng phải nhập ư (?!)

Lê Thanh Phong

Không bày ra sáng kiến "nhập tuk tuk" thì làm sao vẽ được ra đề án "sẽ cử một đoàn sang Trung Quốc tham quan" - và chắc chắn là đoàn người này phải tiêu hủy một khoản công quỹ đáng kể cho cái chương trình "Mèo lại hoàn mèo" và "Quá nhiều kinh phí hổ trợ cho việc dẹp xe lam, xe Daihasu để thay thế bằng xe buýt rồi lại đề ra chuyện mua tuk tuk, chi bằng cứ cho xe lam, Daihasu hoạt động trở lại thì tốt hơn cho ngân sách nhà nước..." (Năm An Nhứt)

Bauxite vietnam

Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội mới gửi văn bản đề nghị Bộ GTVT cho nhập khẩu và lưu hành xe tuk tuk, nhằm hạn chế xe cá nhân. Xin không bàn đến việc tuk tuk có góp phần hạn chế được xe máy hay không, mà đã xuất hiện vấn đề khác, đó là tại sao phải nhập loại xe này?

clip_image001

Giả định tuk tuk chạy các tuyến xe buýt không đến được để gom khách về các trạm chờ xe buýt hoặc metro (sau này) hiệu quả, thì tại sao không sản xuất mà phải nhập khẩu? Một chiếc tuk tuk mà không làm nổi, phải sang Trung Quốc nhập về thì còn làm được gì, nền kinh tế của đất nước còn phụ thuộc vào thiết bị, công nghệ của ngoại quốc đến bao giờ? Chiếc tuk tuk mà không làm được thì đội ngũ giáo sư, tiến sĩ hùng hậu nhất khu vực của Việt Nam đi đâu hết? Các doanh nghiệp lắp ráp ôtô trong nước sản xuất được nhiều loại xe du lịch, xe tải, xe bus, chẳng lẽ không làm được một chiếc tuk tuk hay sao?

Nếu như tính toán cần có một loại xe vận tải hành khách nhỏ để thu gom khách ở các tuyến nội thành đến các trạm chờ xe buýt, thì phải tính đến việc chủ động thiết kế, sản xuất loại xe đó phù hợp với nhu cầu của người dân, điều kiện đô thị Việt Nam, thẩm mỹ, văn hóa của người Việt Nam, không việc gì phải nhập tuk tuk từ Trung Quốc. Nếu chính quyền các thành phố đã có nghiên cứu và xác định loại xe kiểu tuk tuk hoặc tương tự sẽ hạn chế được xe cá nhân hiệu quả thì hãy cứ thông báo đặt hàng, mở thầu, chắc chắn sẽ có doanh nghiệp trong nước sản xuất được. Chúng ta phải tự tin làm ra sản phẩm mới, mẫu mã đẹp hơn, chất lượng cao hơn, sử dụng  khí gas hóa lỏng thay xăng dầu để bớt ô nhiễm. Có thể giá thành sản xuất loại xe này trong nước cao hơn thì cũng nên ưu tiên, hơn là nhập khẩu. Tất nhiên sự chênh lệch giá cả phải ở mức chấp nhận được.

Một đất nước mang bệnh nhập siêu kinh niên, nhưng nghĩ đến sản phẩm gì cũng lại trở về với tư duy nhập khẩu, mở miệng ra là nhập khẩu, vậy thì đến bao giờ mới thoát nghèo?

Nghĩ kỹ ra thấy thật đáng sợ, cây kim sợi chỉ cũng Trung Quốc, một chiếc radio cũng Trung Quốc, một chiếc tuk tuk loàng xoàng cũng muốn nhập từ Trung Quốc thì đến bao giờ chúng ta mới tạo điều kiện cho hàng hóa sản xuất trong nước phát triển?

L.T.P

Nguồn: laodong.com.vn

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Đề xuất chạy xe Túc Túc: Nhớ bài học về ốc bươu vàng

Hòa An/VOVonline

(VOV)- Để đề xuất lưu hành xe Túc Túc có thể khả thi, cần phải có sự xem xét đánh giá thật cụ thể, khoa học trên nhiều phương diện…

Cách đây hơn 10 năm, trên khắp các làng quê Việt Nam, đâu đâu người ta cũng nói tới chuyện nuôi ốc bươu vàng. Ốc bươu vàng lúc bấy giờ được xem là con đường giúp nhiều người dân trong việc xóa đói giảm nghèo vì khả năng sinh sôi nảy nở của nó rất lớn.

Nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn, đa số nông dân lại dở khóc dở cười với con vật này, bởi sau khi nếm “vật lạ”, mọi người bỗng nhận ra rằng, đây không phải là món ăn ngon. Thị trường dành cho ốc bươu vàng gần như bị xóa sổ.

clip_image002

Đề xuất lưu hành xe 3-4 bánh, còn gọi là xe Túc Túc của Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội lại làm nhiều người nhớ lại bài học về ốc bươu vàng năm xưa

Cùng với đó, do có khả năng sinh sản nổi trội, ốc bươu vàng ra sức nhân bản trên khắp cánh đồng lúa, ao hồ... Mà món ăn yêu thích của loài động vật này là cây lúa. Ốc bươu vàng mặc sức hoành hành, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân.

Cuối cùng, Nhà nước và người dân lại phải hợp lực với nhau trong việc tiêu diệt loài động vật gây hại này. Đây là một bài học đau xót về việc “copy” thiếu tính toán một mô hình ở nước khác về Việt Nam.

Mới đây, đề xuất lưu hành xe 3-4 bánh, còn gọi là xe Túc Túc của Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội lại làm nhiều người nhớ lại bài học về ốc bươu vàng năm xưa.

Sẽ có ý kiến cho rằng, đây là sự liên tưởng khập khiễng, bởi ốc bươu vàng “đẻ” không kiểm soát, còn xe Túc Túc có muốn “đẻ” phải do ý thức chủ quan của con người. Nhưng sẽ không thừa, nếu trước khi đưa ra thực hiện, đề xuất trên được đánh giá, xem xét kỹ lưỡng trên mọi phương diện.

Nhìn bề ngoài, xe Túc Túc chẳng khác nào xe lam, xe 3 bánh… đã được cấm sử dụng từ năm 2008, theo Nghị quyết 32 của Chính phủ. Theo Nghị quyết, lý do cấm được đưa ra là do không đảm bảo an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị, chở hàng hóa cồng kềnh gây ùn tắc giao thông…

Xe lam, xe 3 bánh… lưu hành trên đường đã gây không ít khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông, bởi thực tế nó cũng chiếm không gian lưu thông chẳng khác gì một chiếc xe ô tô. Trong khi đó, đầu xe lại giống xe máy, nhỏ hơn nhiều so với thân xe nên việc luồn lách của xe này nhiều phen làm người đi đường hú hồn.

Theo lý giải Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, việc lưu hành xe túc túc để thay cho xe máy, nhằm giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông đang là căn bệnh trầm kha ở nhiều thành phố lớn, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…

Vẫn biết, đây là thiện ý Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội muốn góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay. Tuy nhiên, xét về mặt thực tế hiện nay, thì việc lưu hành loại xe này có rất nhiều điều cần đáng phải quan tâm.

Trước hết, nếu đường quang đãng, rộng rãi thì việc chạy xe Túc Túc cũng có thể thực hiện được, vì không ảnh hưởng đến ai. Nhưng với tình trạng như ở Hà Nội, bất cứ đoạn đường nào cũng ken chật người như hiện nay, thì việc có thêm một chiếc xe chẳng khác nào xe ôtô chen thêm vào càng làm cho tình trạng chật chội, ùn tắc tăng thêm.

Theo các nhà chuyên môn, xe Túc Túc có dung tích khoảng 250 phân khối, chở được khoảng 4-6 người. Xe này là loại động cơ 2 kỳ nên khi chạy, xả rất nhiều khói ra môi trường. Thành thử, bớt được 2-3 chiếc xe máy, nhưng lại thêm một chiếc ôtô thì chẳng khác nào làm cho giao thông thêm rối. Thêm vào đó, nếu so sánh với xe máy, độ xả khói ra môi trường chắc chắn sẽ không được cải thiện.

Cũng theo lý giải của Hiệp hội vận tải TP Hà Nội, loại xe này chỉ lưu thông trên đường các quận, huyện (không lưu hành trên quốc lộ), gom tiễn khách ở các điểm nhà chờ xe buýt… Nhưng điều này nếu ở thời điểm hiện nay là không tưởng. Bởi thực tế, trong thành phố, mạng lưới xe buýt khá nhiều và hoạt động tương đối hiệu quả, nêu việc có thêm xe Túc Túc để gom tiễn khách ở các điểm nhà chờ xe buýt liệu có quá thừa?

Cũng theo Hiệp hội vận tải TP Hà Nội, loại xe này đang được thịnh hành ở Thái Lan, Ấn Độ, Singapore… Nhưng nếu xem xét kỹ, đây là các quốc gia được coi như những thánh địa về du lịch, nên họ có những kế hoạch, thậm chí có cả làn đường, quy định cụ thể dành riêng cho loại xe này. Nên loại xe này có thể phù hợp và hiệu quả đối với các nước này cũng là điều dễ hiểu.

Còn đối với ở nước ta, chưa có một quy định nào cho việc lưu hành loại xe Túc Túc, kể cả việc đặt tên cho loại xe này là vận tải công cộng hay vận tải “dân gian” vẫn còn nhiều tranh cãi.

Vì thế, để đề xuất của Hiệp hội vận tải TP Hà Nội có thể khả thi, cần phải có sự xem xét đánh giá thật cụ thể, khoa học trên nhiều phương diện, kể cả nhu cầu của người dân.

Thực tế việc khắc phục hậu quả khó sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần việc chấm dứt hay ngăn chặn một ý tưởng không thực tế.

H.A.

Nguồn: vov.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn