Việt Nam đang tự chìm dần trong quỹ đạo Trung Quốc?

Hạ Đình Nguyên

VIỆT NAM TRONG VÒNG XOÁY

Vòng xoáy Đông và Tây. Việt Nam là một quốc gia đã tồn tại hơn 4.000 năm, với lịch sử chiến tranh giữ nước liên tục chống lại các cuộc xâm lăng của phương Bắc. Việt Nam, cũng như hầu hết các quốc gia phương Đông đều bị lạc hậu trước sự phát triển của phương Tây, bị phương Tây đô hộ bắt đầu từ giữa thế kỷ 19. Việt Nam, cũng như Trung Quốc, đã trải qua hơn 100 năm đấu tranh, chống lại các cường quốc xâm lăng, để giành quyền sống và nền độc lập của mình. Chủ nghĩa Cộng sản xuất hiện từ phương tây đã du nhập vào Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác, trở thành phương tiện tạo thêm một sức sống mới, vượt qua chế độ phong kiến đã lạc hậu, làm kích thích tinh thần chiến đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc và ý thức mới về một thể chế dân chủ, các nước đã cùng đứng chung trong một hệ tư tưởng là Chủ nghĩa cộng sản.

Vòng xoáy ý thức hệ. Giữa thế kỷ 20, thế giới chuyển hóa thành hai phe, phe theo chủ nghĩa Cộng sản và phe chống chủ nghĩa Cộng sản. Việt Nam là một nước nhỏ, nằm vào vị trí địa - chính trị quan trọng nên đã trở thành trận địa giao tranh của hai thế lực, tiếp tục chìm trong máu lửa, trong khi các nước lớn Liên Xô, Trung Quốc thì đã sớm giành được độc lập, thoát ra khỏi chiến tranh.

Thời đại bước vào một vòng xoay mới: Phe chống chủ nghĩa Cộng sản – mà ta quen gọi là chủ nghĩa Tư bản – do sự phát triển khoa kỹ thuật, và tinh thần đấu tranh cho khát vọng dân chủ, đã chuyển hóa thành thể chế dân chủ ngày càng tốt hơn, đưa xã hội tiến lên một bước văn minh, các giá trị sống con người được tôn trọng và có luật pháp nâng đỡ, với mô hình tam quyền phân lập, đã thuyết phục hầu hết các quốc gia trên thế giới đi theo. Trong khi đó, phe theo chủ nghĩa Cộng sản, thực hiện mô hình xã hội chủ nghĩa, với Liên Xô là 80 năm, Trung Quốc hơn 50 năm, theo cơ chế tập quyền độc đoán, trở thành một thể chế xơ cứng, chậm phát triển, tệ nạn chuyên quyền, hối lộ trong giới cầm quyền trở thành hệ thống. Nội bộ giới cầm quyền liên tục trải qua những cuộc thanh trừng nhau đẫm máu, nhân dân bị buộc phải sống trong khuôn khổ bị chỉ huy toàn diện.

Khát vọng tự do của nhân dân và của một bộ phận lớn những người có ý thức trong đảng Cộng sản Liên Xô đã thúc dục họ cùng nhau tự đứng lên, làm một cuộc cách mạng thay đổi thể chế cũ của 80 năm qua, sang thể chế mới: Từ bỏ chủ nghĩa xã hội, giải tán đảng Cộng sản, chuyển sang cơ chế dân chủ, hội nhập vào thế giới, không xem quốc gia khác là kẻ thù, chỉ chăm lo cho sự phồn vinh của đất nước mình trong tinh thần cạnh tranh toàn cầu theo luật chơi bình đẳng. Liên Xô, vốn là quốc gia đi đầu, được xem là thành trì của phong trào Cộng sản quốc tế, nay không còn nữa. Hệ tư tưởng chủ nghĩa Cộng sản đã bộc lộ tính bất khả thi về mặt thực tiễn, lẫn rối loạn về mặt lý thuyết ở quy mô thế giới (điển hình thực nghiệm tại hai quốc gia lớn nhất là Liên Xô và Trung Quốc đều thất bại). Từ đây cũng chính thức chấm dứt cuộc đấu tranh ý thức hệ của chủ nghĩa Cộng sản quốc tế, mà Việt Nam đã là nạn nhân đẫm máu lâu dài nhất. Còn lại ngày nay, chỉ là sự rơi rụng cuối mùa của giai đoạn lịch sử, tiếc thay, trong đó có Việt Nam, Lào, Bắc Triều Tiên, mà Trung Quốc là kẻ đứng đầu, còn mang tên là chủ nghĩa xã hội.

Tên gọi, thật ra không quan trọng, vì nó chỉ là sự giả danh.

Giả danh, có nghĩa là ẩn danh để lợi dụng. Nó có giá trị cho kẻ lợi dụng và có nguy hại cho người bị lợi dụng.

Chế độ cộng sản Trung Quốc, thực chất chưa bao giờ mang khát vọng xã hội chủ nghĩa như khát vọng tốt đẹp ban đầu của người khai sinh ra chủ thuyết Cộng sản (Karl Marx). Cộng sản Trung Quốc, trong suốt thời kỳ cai trị của Mao Trạh Đông, thực hiện mô hình xã hội chủ nghĩa theo cách của mình, hơn nửa thế kỷ đã không thành công. Nội bộ không ngừng đấu tranh giành quyền lực, liên tiếp gây ra những đợt thanh trừng đẫm máu, người dân sống trong nghèo đói và lạc hậu.

Lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, bên ngoài vẫn khoác áo “xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc”, nhưng bên trong âm thầm chuyển sang chủ nghĩa dân tộc Đại Hán cực đoan với tham vọng bành trướng.

Tận dụng thời cơ Mỹ đang bận bịu với cuộc chiến tranh Việt Nam, Mao kết giao với Mỹ, phản bội Việt Nam – người cùng chiến hào xã hội chủ nghĩa – vào thời điểm cheo leo nhất của Việt Nam, họ chớp thời cơ chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (1974).

Vào thời kỳ Đặng Tiểu Bình, nhằm lúc Việt Nam khó khăn nhất, họ tiến quân công khai đánh Việt Nam (1979), chiếm thêm 5 đảo của quần đảo Trường Sa Việt Nam (1988). Sau đó, chúng giương cao chiêu bài 16 chữ vàng để khỏa lấp việc chiếm đoạt và trấn an người Việt Nam nhẹ dạ, dưới danh nghĩa “gác lại tranh chấp” vì “cùng chung lý tưởng xã hội chủ nghĩa”, “cùng là đảng Cộng sản anh em”!

Trong 10 năm phản bội Việt Nam và kết giao với Mỹ, Đặng đã nhanh chóng phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, hiện đại hóa quân sự, và trở thành một cường quốc thế giới. Và nay, Bắc Kinh quay ra thách thức với Mỹ, giành quyền phân chia trật tự thế giới theo tham vọng của mình. Cụ thể, chúng muốn khống chế các quốc gia vùng châu Á, mưu toan chiếm trọn biển Đông và tham vọng chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ và thế giới còn lại. Chúng bất chấp đời sống của nhân dân Trung Quốc, và cả nhân dân thế giới, về sinh mạng, về nhân phẩm, về giá trị quyền làm người, về mọi giá trị chung mà nhân loại đang vun đắp. Chúng đang hiện hình trước mắt nhân loại là một con quỹ dữ. Chúng quên rằng chúng sẽ gặt bão sau khi chúng đã gieo gió.

Chiến tranh gọi là ý thức hệ giữa hai phe, giờ đây hoàn toàn chấm dứt. Thay vào đó là cuộc khủng hoảng giữa tham vọng bành trướng vai trò nước lớn của Trung Quốc, với các lực lượng chống bành trướng của các nước trong khu vực, kể cả Mỹ, đã đặt Việt Nam vào tình huống cực kỳ khó khăn trong vùng xoáy khốc liệt.

Vòng xoáy của nước lớn. Vì vị trí địa – chính trị, Việt Nam luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió, tự nó là yếu tố nguy hiểm, luôn là thử thách ý chí Việt Nam về sự quyết định sinh mệnh của mình.

Phía Trung Quốc với tham vọng bành trướng bá quyền thì đã rõ, chúng đang uy hiếp an ninh các nước khu vực biển Đông, đặc biệt Việt Nam là chặng đầu trên con đường xâm lược, với tương quan lực lượng ở thế áp đảo Việt Nam.

Phía Mỹ đang toan tính giữa các chọn lựa đối sách với Trung Quốc: Kiềm chế quyền lực – chia sẻ quyền lực – hay nhường sự lãnh đạo khu vực châu Á cho Trung Quốc? Giáo sư Hugh White (Đại học Quốc gia Úc), tác giả của phân tích nói trên, trong tác phẩm mới xuất bản “Sự lựa chọn Trung Quốc” (The China choice) cho rằng Trung Quốc đã lớn mạnh ở mức cân bằng, thậm chí có khả năng đảm nhiệm thay vai trò của Mỹ tại đây. Cả ông người Việt, GS Nguyễn Mạnh Hùng (Đại học George Mason, Hoa Kỳ) cũng tán thành phương án giữa: “Tốt nhất, Hoa Kỳ nên chọn chia sẻ quyền lực với Trung Quốc và buông lỏng uy thế tối cao của mình”, đặc biệt ở khu vực Đông Dương cũ (Việt – Miên - Lào). Nguyên Thủ tướng Úc, Paul Keating cũng đồng tình: “Chúng ta (Úc) cần một kết cấu nhằm giúp Trung Quốc can dự vào khu vực (châu Á – Thái Bình Dương) thay vì kiềm chế họ”. Khi bà Ngoại trưởng Clinton chạy vòng quanh châu Á nhằm củng cố tinh thần các nước đồng minh, thì ngày 4-9, tại Bắc Kinh, Dương Khiết Trì nói thẳng với bà: “Quan điểm của Trung Quốc là nhất quán và rõ ràng, Trung Quốc có chủ quyền tại các đảo ở biển Đông và vùng nước lân cận”, và gợi ý chia phần: “không nơi nào mà Trung Quốc và Mỹ chia sẻ lợi ích và tương tác thường xuyên hơn là khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Trước đó mấy ngày, Tổng thống Mỹ Obama thì nói lơ lửng về phương án chia sẻ quyền lực, rằng: “Đó là điều không dễ làm”!

Chúng ta không biết thật sự điều gì sẽ xảy ra.

Họ e ngại cái giá phải trả cho sự xung đột có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân, trước một Trung Quốc quá tham lam và liều lĩnh đang cố vươn lên này?

Tiến sĩ Tim Huxley (Viện Nghiên cứu Quốc tế London), người khá hiểu Việt Nam, cho rằng suốt lịch sử Việt Nam đã từng lệ thuộc và từng chiến đấu với Trung Quốc, trong trường hợp thả rơi Đông Dương vào tay Trung Quốc, với lời tiên đoán có lẽ không sai: “Đưa Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Quốc, cũng giống như bắt đầu một cuộc chiến” (ý nói rằng Việt Nam sẽ không chịu khuất phục và sẽ tiến hành cuộc chiến đấu chống lại như lịch sử đã từng diễn ra).

Vấn đề Trung Quốc, không chỉ riêng là vấn đề liên quan Việt Nam.

Chúng ta đã từng nghe và thấy, nước Mỹ luôn đề cao và can thiệp mạnh mẽ các vấn đề về nhân quyền trên khắp thế giới. Và đây, con quỹ dữ Bắc Kinh, chính là vấn đề nhân quyền ở quy mô thế giới, đang là một thử thách nặng nề cho nhân loại hôm nay. Nó không được giải quyết, đồng nghĩa với sự suy sụp nghiêm trọng về khát vọng vươn lên của một loài người có ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, một buổi tiệc có vui vẻ náo nhiệt hay không, cũng tùy thuộc thái độ của từng thành viên tham dự, cũng như trong kinh thánh đạo Ki-tô có câu: “Nếu ngươi không chịu xòe bàn tay ra, thì ân sủng của Chúa cũng không đến được”. Sự xòe bàn tay ra không có nghĩa là van xin hay dấu chỉ sự yếu thế, đối lập với động thái màu mè, mà là bộc lộ tính quyết đoán của mình, là giá trị của tính cách trong sự chọn lựa. Thái độ của Việt Nam sẽ quyết định sinh mệnh của Việt Nam, như lịch sử đã mách bảo cả hai chiều: kiên quyết hay nhu nhược.

LỰC HÚT CỦA QUỸ ĐẠO TRUNG QUỐC

Lịch sử mấy ngàn năm cho thấy, mỗi thời kỳ Trung Quốc hưng thịnh thì đem quân đi đánh chiếm các quốc gia lân cận. Việt Nam mãi mãi là miếng mồi ngon của chúng, như miếng mỡ trước miệng mèo, con mèo của bản năng nguyên thủy.

Thời đại ngày nay các quốc gia đều có mối liên hệ ràng buộc toàn cầu, không cho phép một quốc gia đem quân đi đánh chiếm một quốc gia khác theo cách trắng trợn. Nhưng một Trung Quốc cộng sản ngoại lệ, có thể làm điều ngoại lệ.

Một mặt chúng tìm cơ hội khiêu khích để lấy cớ gây chiến tranh, một mặt, chúng tạo áp lực và gặm nhấm dần từng ngày, từng phần đất liền, biển và đảo. Mặt khác, mưu mô hơn, là sách lược xâm lăng bằng “sức mạnh mềm”mà chúng đã thực hiện lâu nay. Ngày xưa, khi quân nhà Thanh kéo sang xâm lược Việt Nam với khẩu hiệu “Phù Lê, diệt Trịnh” (ủng hộ nhà Lê, tiêu diệt chúa Trịnh), nay ý đồ của chúng là phương châm “Phù Đảng, diệt Quốc” (ủng hộ đảng cộng sản Việt Nam, thôn tính nước Việt Nam) dưới chiêu bài hai nước cùng là chủ nghĩa xã hội, cùng là Đảng cộng sản anh em!

Sự ngu trung của trí tuệ và trạng thái bạc nhược của tinh thần, dưới ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, Đảng cộng sản Việt Nam đã dắt dẫn Việt Nam dấn bước vào con đường ngày càng khó khăn.

Sau 10 năm chiến tranh vừa công khai vừa âm thầm, mất đất và mất đảo, Đảng cộng sản Việt Nam sang tận bên Tàu, tại Thành Đô năm 1991, ký kết với Đảng cộng sản Trung Quốc một Hiệp ước bí mật, mà 20 năm sau, nhân dân và “Quốc hội” Việt Nam chưa biết nội dung, chỉ biết đó là văn kiện tái bang giao, hữu nghị với khẩu hiệu16 chữ vàng được treo dán khắp nơi. Mọi đau thương, mất mát vừa qua (sinh mạng, đất liền, biển đảo) đã không được phép nhắc tới.

Hai mươi năm, vô vàn sự kiện nguy hiểm cho Việt Nam đã được Trung Quốc triển khai thực hiện ở Việt Nam.

Căn cứ trên những lời phát biểu của các lãnh đạo Việt Nam, có thể nhận biết rằng, những gì Trung Quốc muốn, Việt Nam gần như đồng thuận, những vấn đề nhân dân quan tâm thì cho là nhạy cảm, nói úp mở và né tránh. Lãnh đạo Việt Nam đang tiếp tục nêu cao tinh thần đạo đức trong quan hệ hữu nghị, tính trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, tình cảm Đảng rất anh em… để bày tỏ tấm lòng thành trước nhân dân Trung Quốc, và để tuyên truyền, dạy dỗ về đạo đức của đảng cho dân chúng!

Qua các cuộc tiếp xúc mới đây (đầu tháng 9) giữa các lãnh đạo Việt Nam và Tướng Tàu, đầy lời lẽ quanh co, chớt nhã, mà không ai có thể biết tính chân thực của mỗi bên nằm ở đâu. Người dân chỉ thấy Việt Nam như trượt dài trong quỹ đạo của Trung Quốc, như một nửa thân người đã nằm trong miệng cọp.

Một bên, Tướng Tàu Mã Hiếu Thiên, thì nói khơi khơi.

Một bên, Việt Nam thì nói mơ hồ kiểu “biện chứng”.

Ta thử lướt qua vài câu đối thoại của những người tử tế nói trên.

- Mã Hiểu Thiên: Hai nước phải có cách giải quyết các khác biệt “một cách đúng đắn” và phải “kiểm soát khủng hoảng.

Thế nào là đúng đắn khi anh cướp đoạt trắng trợn của người? Và đang đe dọa đánh người? Ai gây ra khủng hoảng? Và ai có thể kiểm soát khủng hoảng của ai? Đó là cách nói của kẻ cướp, đánh người mà không cho nạn nhân la, lại hồ đồ nói đạo đức.

- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Việc hai bên còn bất đồng trong vấn đề trên biển là thực tế khách quan”.

Chủ tịch nói gì thế? Chỉ là “trên biển” thôi ư? Tiếng “đảo” không tiện nhắc tới sao? Còn “khách quan” thì có nghĩa là gì? Là chẳng có ai gây ra cả! Hẳn không phải do Chủ tịch Trương Tấn Sang hay Đảng cộng sản Việt Nam, cũng không phải là Mã Hiểu Thiên hay Đảng cộng sản Trung Quốc! Nó trên trời rơi xuống vậy! Hay tiền nhân để lại? Cách nói này thì đúng là, chẳng có vấn đề gì cả, cũng như chuyện “nhà cháy là vì lửa”. Đúng vậy, rất khách quan!

-Mã Hiểu Thiên nói với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Hữu nghị hợp tác vẫn là dòng chủ lưu trong quan hệ Trung-Việt”.

Dòng chủ lưu này sẽ chảy thông thống từ Bắc vào Nam của Việt Nam, chứ không chảy ngược sang Tàu, và qua đại lộ cửa khẩu Lạng Sơn hoành tráng vừa khánh thành với trống giong cờ mở!

- Thượng tướng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh: “Giải quyết vấn đề này (Biển Đông) trên cơ sở “đại cục” mối quan hệ hai đảng và hai nước… và là vận mệnh chung của hai dân tộc”.

Con cá bé nằm trong bụng con cá lớn là vận mệnh chung được sao?

- Nguyễn Chí Vịnh nói: Bộ Quốc phòng hai nước thống nhất: “Không để vấn đề Biển Đông làm ảnh hưởng đến đại cục”.

Biển Đông bao gồm các đảo, vùng nước lân cận, đường lưỡi bò… không là đại cục, thì còn cục nào lớn hơn để mà ảnh hưởng? Lẽ nào đại cục “siêu cường Trung Quốc” là của chung sao? Lời của Nguyễn Chí Vịnh làm người ta nhớ đến sự xuất hiện một cách công khai mà rình rập, lá cờ 6 sao đón Tập Cận Bình năm trước ở ngay thủ đô Hà nội. Có ai còn mơ hồ gì nữa không?

Các lãnh đạo cũng đã nhắc lại các cụm từ rất “đồng thuận” sau đây, mà dân chúng đều hiểu theo cách riêng của mình:

- “Âm mưu diễn biến hòa bình” nhà nước muốn ám chỉ bọn phản động nào đó ở phương Tây, thì dân hiểu là bọn phương Bắc, kể cả diễn biến hòa bình bằng súng nữa.

- “Truyền thống hữu nghị” thì dân cho là truyền thống xâm lược và chống xâm lược. Dù đôi khi có “hữu nghị thật” thì rất ngắn ngủi, mà “hữu nghị giả” thì dài cả lịch sử. Trong khi hữu nghị ngắn ngủi lại đầy âm mưu hắc ám.

- “16 chữ vàng và 4 tốt”, lãnh đạo thì trân trọng, nhưng dân nghe nhắc đến là hãi hùng, không tin là sự thật tai mình nhận được những âm thanh bùa ngãi đó.

- “Hợp tác toàn diện” thì dân thấy bủn rủn tay chân, không biết chạy đi đường nào, vì cảm nhận cấp bách về một sự bao vây khắp đủ 10 phương, mà bao vây vòng một là của chính lãnh đạo Việt Nam, cùng với hệ thống an ninh và cảnh sát, các hệ thống tuyên truyền văn hóa, tư tưởng, chính trị, kinh tế…!

Qua các cụm từ đồng thuận trên, và các cuộc đối thoại, chúng ta không nhận ra đâu là ranh giới của hai quốc gia, tức là hai chủ thể, đặc biệt qua câu nói của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: hai dân tộc có “chung sinh mệnh”.

Quốc hội Việt Nam có hiểu câu nói này có nghĩa là gì? Hay có sự nhầm lẫn, lẫn lộn về quốc gia? Vào triều đại phong kiến, nhà Vua sẽ trợn mắt, quay đầu hỏi Sử quan: “Ý nầy là ngang tội nào trong bộ luật hình pháp của quốc gia?”.

Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore – dù một đảo quốc nhỏ bé – đã hiển thị tư thế quốc gia của mình khi nói ở Bắc Kinh, đơn giản nhưng có trọng lượng: “Chính sách ngoại giao của chúng tôi là hành động độc lập, dựa trên lợi ích quốc gia của mình”. Ông Lý Hiển Long đã nói tiếng nói của đồng bào mình, đâu dám tự cá nhân mình đem sinh mệnh của cả dân tộc gán ghép vào một quốc gia nào khác! Thể chế nào đã tạo nên một lời nói có tư cách đó?

Đến bao giờ, người dân Việt Nam có thể nghe được, từ những vị lãnh đạo đất nước, có lời nói đích thật là lời nói của Đất Nước, lời nói của Tổ quốc, lời nói của Dân tộc, lời nói của Sức Mạnh Chân Chính với tư cách một Quốc gia?

Hiếm hoi để có thể nghe một lời nói chân thật, đúng sự thật, như được nghe lời xác định rành mạch của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, tuy không có vai trò lớn lắm của quốc gia: “…một phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước vẫn còn bị nước ngoài chiếm đóng, chủ quyền lãnh thổ vẫn còn nguy cơ bị nước ngoài xâm phạm, tạo nên một thách thưc vô cùng lớn đối với nước ta...”.

Đúng như vậy, người đại diện đã nói lên được sự thật với đối phương, và cũng nói lên được sự thật với nhân dân.

CUỘC KHÁNG CHIẾN LẠI BẮT ĐẦU

Việt Nam ngày nay chọn lựa lối đi nào trong bối cảnh gay cấn này?

Đó là câu hỏi bức thiết cho mỗi người Việt Nam, cho toàn dân Việt Nam.

Đó cũng sẽ là một câu trả lời nặng nề dành cho Đảng cộng sản Việt Nam những người đang gánh trên vai trách nhiệm lịch sử đối với dân tộc và quốc gia của mình trước kẻ thù xâm lược, lại vừa cùng chung với kẻ thù một “nỗi niềm xã hội chủ nghĩa”, hoặc là một quá khứ quá nặng nề vì tự ám ảnh. Thiết nghĩ, cũng cần phải làm rõ cho nhân dân biết.

Ông Robert Templer, nhắc lời ông Hồ Chí Minh: “(Tôi) thà ngửi chút phân của Pháp trong vài năm còn hơn ăn phân Tàu trong ngàn năm tới” [*].

Câu nói làm nhức nhối tâm can của người Việt Nam lương thiện.

Một câu nói khác, tôi muốn nhắn gửi đến “người Việt Nam đang cùng lo cho đại cục Trung Quốc”, và cũng dành sẵn cho những ai đó: (Tôi) thà ngửi chút phân của Tàu trong vài năm, rồi sau đó toàn dân sẽ ăn phân của Tàu trong ngàn năm tới.

Và như thế, một cuộc chiến phải được bắt đầu, một cuộc kháng chiến của toàn dân.

Tháng 9-2012

H.Đ.N.

[*] Sách “Bóng và Gió” của Robert Templer, xuất bản 1999. Câu nói được trích dẫn này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Việt Nam chưa từng thấy sách nào ghi chép, có lẽ cũng dễ hiểu, vì tính “nhạy cảm” của nó trong bối cảnh Việt Nam đang có “đảng anh em” và “16 chữ vàng”. Câu nầy nói lên một tầm nhìn thấu suốt về tính nhân văn của một xứ sở ăn thịt người, điều mà chưa từng được khám phá ở bất cứ bộ lạc nào trên thế giới.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn