Đám cưới Vũ Trọng Phụng

Nguyễn Bá Đạm

Khi cô Vũ Mỵ Lương – ở nhà thường gọi là Gái – mới trên một tuổi thì ông thân sinh đã qua đời. Lớn lên, cô được gia đình kể lại rằng bố làm nghề lang thuốc, chữa bệnh mát tay, có lần chữa khỏi bệnh ổ gà cho Quận công Hoàng Cao Khải nên được thưởng hàm cửu phẩm. Vì thế, dân làng Giáp Nhất quen gọi là Cụ cửu Tích.

Cụ mất năm 1945, để lại 4 bà vợ và 16 người con vừa trai vừa gái. Cô Lương là con gái út bà thứ tư.

Mẹ cô giữ nghề cũ của chồng, cũng làm được thuốc viên, thuốc bột, hàng ngày ngồi bán ở chợ Mọc. Chợ ít hàng quán nhưng rợp bóng cây đa, ở ngay vùng ven đô Hà Nội.

Trong các loại thuốc bà bán có cao dán nhọt, thuốc cam, thuốc đau mắt hột đựng trong ống lông ngỗng, đều được tiếng, lại có cả thuốc nhuộm răng đen. Trông vào nghề thuốc, gia đình cũng sung túc, có của ăn của để.

Cô Lương được gia đình nuông chiều, chỉ quanh quẩn ở nhà, ít khi theo mẹ ra chợ, ở nhà thường có hai anh em, anh Quy hơn em ba tuổi, hay châm chọc, bắt nạt em. Bánh trái mẹ đi chợ đem về chia cho, thế nào anh cũng lấy phần hơn. Ngược lại, em thì nhường nhịn, sẻ hẳn một phần quà đưa cho anh.

Một lần anh mắc tội nghịch dại. Năm đó, anh độ bảy, tám tuổi; em mới lên bốn lên năm. Vì một xích mích nhỏ, vào giữa buổi trưa em đang nằm ngủ, anh đem dốc những hạt cườm vào lỗ tai em. Em choàng dậy, chân tay giãy đành đạch, miệng khóc thét lên. Trong tai nghe ùng ục như những tảng đá trút xuống vực sâu. Nước mắt chảy ra giàn giụa.

Mọi người trong nhà nghe tiếng khóc thất thanh vội chạy tới, bế xốc em ra chợ Mọc, nhờ bác Hàm làm nghề cắt tóc dùng đồ lấy ráy tai, gắp những hạt cườm trong tai ra. Nhưng không hết, còn một vài viên lọt sâu vào bên trong, không gắp ra được. Tai bị ù, sau này cô trở thành nghễnh ngãng.

Lớn lên, cô Lương cần cù, chịu khó, khéo tay hay làm, ăn nói dịu dàng, ai cũng mến. Cô còn thạo đường kim mũi chỉ, biết may vá, mụn lụa tết thành chiếc nơ, làm bùa tui bùa túi có chiếc khánh, chùm quả nhỏ xinh xinh để bán cho trẻ em vào dịp Tết Đoan ngọ, mồng 5 tháng 5. Cô còn nặn được những con giống bằng bột bán vào dịp Trung thu.

Trong tay cô, những quả đu đủ xanh được gọt tỉa thành hoa hồng, hoa trà, hoa mẫu đơn… Những thứ hoa này, cô thường bày ở nhà, ít khi đem bán.

Nhiều khi rảnh rỗi, cô thường ra chơi nhà bà ngoại ở Hàng Bạc để học thêm nghề làm bánh.Cụ có cửa hiệu Thanh Quang chuyên làm bánh đậu xanh, bánh cốm, bánh su sê nổi tiếng.

Ở đây, có bà cả Lượng mà cô gọi bằng dì. Tiếng gọi là dì nhưng chỉ hơn cháu trên dưới chục tuổi. Hai dì cháu hợp tính nhau nên cô thường lui tới luôn.

Cô Lương đang độ tuổi xuân phơi phới, có nhiều chàng trai muốn nhờ người dạm hỏi làm vợ. Anh chàng Mạnh làm thư ký Sở Ty rượu Văn Điển, nhờ người bạn cùng làng, ở cạnh nhà cô, mối lái giùm. Anh chàng Hoan học giỏi, đẹp trai, con nhà giàu, người làng Khương Hạ, bạn học với Quy, anh ruột cô cũng chịu khó đi lại nhiều lần, ngỏ ý muốn xin làm em rể.

Nhưng cô Lương đều tìm cách khước từ. Cô ước mơ ngươi bạn trăm năm phải là người giỏi văn thơ. Tuy không làm được thơ nhưng cô cũng thuộc một số thơ Đường.

Trong khi ấy, bà cả Lượng có người anh là ông Phạm Xuân Tiến làm ở hiệu thuốc Tây Chassagne, phố Hàng Khay, thân quen với Vũ Trọng Phụng vì ở cùng phố Hàng Bạc, chỉ cách nhau trên chục nóc nhà.

Đi lại nhà nhau nhiều lần, ông Tiến biết rất rõ hoàn cảnh gia đình người bạn thân. Bố Phụng, ông Vũ Văn Lân, người huyện Mỹ Văn – Hưng Yên, làm thợ điện ở xưởng sửa chữa ôtô Boillot ở phố Ngô Quyền bây giờ. Mẹ Phụng là bà Phạm Thị Khách, quê ở Chèm, làm nghề khâu vá thuê. Năm 24 tuổi, bà đã góa bụa, ở vậy nuôi con ăn học đến khi vào đời. Còn Phụng, được sinh ở phố Hàng Vôi; lúc bố mới mất vì bệnh lao, ông mới được 7 tháng. Khi còn bé, gia đình vẫn gọi là Tý. Chỉ học được năm thứ nhất Trường Bưởi – nơi hiện vẫn còn giữ được lá đơn Phụng viết bằng tiếng Pháp, xin Ban giám hiệu cấp học bổng, có chữ ký xác nhận của ông trưởng phố – Phụng đã phải rẽ ngang, đi làm đỡ mẹ. Vào những năm đầu thập kỷ 30, cũng như Ngô Tất Tố , Lan Khai, ông Phụng là một thanh niên đội khăn xếp, mặc áo the đen, đi đôi giày hạ. Sau này, vào một mùa hè, được anh em làng văn khuyến khích, ông mới thắng bộ quần áo Tây vải trằng ít tiền. Ông đi làm thư ký ở nhà Gôđa, rồi nhà in Viễn Đông, sau đi hẳn vào con đường văn nghiệp. Truyện ngắn đầu tay Chống nạng lên đường của ông đăng ở Ngọ báo (Báo buổi trưa) của Bùi Xuân Học (hiện còn giữ được hai thẻ nhà báo, một ở Nông Công Thương của Phạm Chấn Hưng cấp năm 1932, một ở báo Nhật tân của Đỗ Văn cấp năm 1933). Đến năm 1939, không kể truyện ngắn, ông Phụng in được 18 cuốn tiểu thuyết, phóng sự và kịch, tiếng tăm lừng lẫy. Tuy nghèo nhưng anh em văn hữu rất mến ông.

clip_image002

clip_image004

clip_image006

Ảnh: sachxua.net

Hiểu được tâm tư thầm kín của cô Lương, ông Tiến ngỏ ý muốn làm mối cho hai người. Bà cả Lượng cũng vun thêm vào.

Buổi đầu, Phụng và Lương gặp nhau đã thấy tâm đầu ý hợp. Mối tình đầu của nhà văn cũng rất tiểu thuyết. Chắc chắn chưa có anh con trai đương thời nào lại yêu mãnh liệt như ông. Mỗi tuần, ông viết cho người tình một lá thư, tình cảm tuôn trào lai láng, bằng một truyện ngắn. Những lá thư xanh của “chàng” bay đi, văn chương bao nhiêu, thì những lá thư xanh của “nàng” bay tới đậm đà, ý tứ, kín đáo của hương đồng gió nội bấy nhiêu. Khi mối tình đã khăng khít keo sơn, Phụng ngỏ ý muốn cưới Lương vào dịp cuối năm, được hai bên gia đình đều chấp thuận.

Vốn tính cẩn thận, ông Phụng cùng Vũ Đình Liên lên tận Chèm, tìm nhà ông giáo Pha, nhờ so đôi tuổi. Ông Pha am hiểu tử vi, sau khi hỏi rõ, thấy Phụng tuổi Nhâm Tý, thuộc cung Chấn, mạng Tang đốc mộc. Còn cô Lương tuổi Giáp Dần, thuộc cung Cấn, mạng đại khê thủy. Như vậy, hai tuổi Tý và Dần là hợp. Chồng hơn vợ 2 tuổi.

Hỏi qua ông thầy khác, ông Phụng thấy đều nói như vậy nên chỉ chờ ngày lành, tháng tốt là xin dẫn lễ cưới.

Chủ nhật 23-1-1938, tức 22 tháng Chạp năm Đinh Sửu. Chỉ còn 8 ngày nữa là Tết.

Trong nhà bà Cửu Tích bỗng nhộn nhịp khác thường. Chả là hôm nay bà cho cô Lương đi ở riêng.

Nửa tháng trước, nhà trai đã làm lễ ăn hỏi, dẫn đến nhà gái đầy đủ lễ vật. Hôm sau, nhiều nhà trong làng Giáp Nhất được chia một bánh chưng, một bánh dày, một gói nem, kèm với quả cau và lá trầu.

Từ hôm trước, bà con trong họ, trong làng đã kéo đến làm giúp, dựng rạp, kê bàn ghế, làm cỗ… Khách khứa ăn uống ở 5 gian nhà chính và 3 gian nhà ngang, còn phải làm thêm rạp ở ngoài sân mới đủ chỗ ngồi. Nhìn sang phía bên, một vườn cây cảnh và cây ăn quả rộng thênh thang.

Cỗ cưới ăn đã hai ngày, mỗi ngày ngả một lợn, xếp vài chục mâm. Hôm nay đưa dâu về nhà chồng, ít ra cũng phải làm một lợn nữa.

Người được mời đến ăn, mang đến mừng bao chè, chai rượu hay đồng bạc hoa xòe, phong bao vào giấy hồng điều.

Mới sáng ra, trẻ con trong làng đã tụ tập bên bờ ao đình, nhìn sang con đường Láng, chờ xem ôtô đám cưới. Đến gần trưa, một đoàn mười chiếc ôtô sơn đen đi theo hàng một, vượt qua cầu Mọc, rẽ trái, về làng Giáp Nhất. Gần tới cổng làng, đoàn xe đi từ từ, rồi dừng lại.

Họ nhà trai xuống xe, người mặc âu phục, người mặc quốc phục, trong đó có chú rể đội khăn, mặc áo đoạn, đi giày hạ. Người lớn, trẻ con trong làng ùa ra xem. Vũ Trọng Phụng người xương xương, mỏng manh, mắt nhỏ, trán nở và cao, miệng có quai ở hai bên mép, vai hơi ngang. Ông có cái nhìn tinh anh, cái cười hóm hỉnh. Trong số người đi cùng với chú rể có nhiều nhà văn già, trẻ.

Mọi đám cưới, trẻ con thường kéo đến chăng dây, nhà trai muốn đi qua phải nộp một phong bao, trong đó có năm, sáu đồng xu bằng đồng. Nhưng ở đám cưới này, chúng nghe có cả các ông nhà báo về dự nên bảo nhau bỏ cái tục không hay ấy đi. Lần đầu tiên, đám cưới Vũ Trọng Phụng được hưởng nếp sống mới.

Tiếng pháo nổ giòn, xác hồng bắn cả lên giàn phong lan và những cây địa lan trồng trong chậu. Đôi bên tay bắt mặt mừng, chào hỏi, nói cười hoan hỉ.

Chú rể đi tới bàn thờ gia tiên, vừa lúc cô dâu ở trong buồng ra. Chú rể bước lên sập, lễ tiếp. Hôm nay, cô dâu chít khăn vành dây màu lam, đeo hoa tai đầm, kiềng vàng, mặc áo dài màu hồng, đi giày nhưng đen thêu hạt cườm. Mấy năm trước, làng mở hội, có đánh cờ người, cô đã được chọn làm quân sĩ.

Giờ hoàng đạo – giữa trưa – sắp đến. Nhà trai xin phép đón dâu.

Mở đường là cụ già râu tóc bạc phơ, đạo mạo, mặc áo sa màu lam, tay cầm lư hương khói nghi ngút. Tiếp theo là chú rể Vũ Trọng Phụng và hai phù rể. Cô dâu đi phía sau, hai tay nâng chiếc quạt che mặt. Hai cô phù dâu mặc đẹp chẳng kém, dáng e lệ, đi hai bên. Hai gia nhân mang quả tráp đựng trầu đi sau. Thêm hai người nữa, mỗi người đội một chiếc hòm sơn then, trên đặt cái chăn bông bọc vải hoa màu hồng, đôi gối trắng thêu cành hồng, con bướm.

Hai họ đi bộ tới cổng làng, mới lên ôtô.

Hơn nửa giờ sau, đoàn xe dừng bánh ở bên số chẵn phố Hàng Bạc, trong tiếng pháo nổ ran, dân hàng phố kéo đến xem đông nghịt, đứng kín cả vỉa hè.

Hai họ phải nhường nhau mới lên nổi căn gác hẹp. Nhìn lên ba bức tường thấy vài câu đối bằng vóc hồng thêu kim tuyến hoặc bằng satanh đỏ thêu con trĩ bên hoa phù dung.

Cô dâu lễ gia tiên với chú rể xong, tiếp tục tiếp khách.

Chuyện trò hồi lâu, nhà gái xin cáo lui. Riêng các văn hữu còn uống rượu, trò chuyện đến khuya mới chịu về.

Trong “Sổ ghi ơn” (carnet de reconnaissance) của Vũ Trọng Phụng để lại, có ghi rõ những người mừng cưới hoặc giúp công việc cưới:

- Nguyễn Tuân đi thuê ôtô ở Hàng Bông.

- Ngô Tất Tố và Phạm Cao Củng mừng bức trướng có 4 chữ vàng “Hồng diệp chi thanh”.

- Ông Nguyễn Văn Da, chủ nhiệm báo Phụ nữ thời đàm mừng câu đối: “Lan thất vinh khan hào phượng vĩ – Hương đường chính ỷ dẫn quy linh”.

- Nhà xuất bản Mai Lĩnh in tặng 110 giấy báo hỷ và mừng đôi câu đối thêu: “Ngoài bể sóng vang, mây tới ngán thay đời thiết huyết – Trước vườn hoa nở, ánh dược hồng có bạn quần thoa”.

- Nhà thơ Tchya (Đài Đức Tuấn) mừng một bài thơ lồng trong khung kính.

- Nhà thuốc Lê Huy Khánh mừng 4 chữ đại tự “Quân tử hảo cầu” (Trích 44 chữ trong câu Kinh thi “Yểu điệu thục nữ, Quân tử đến tìm”.

- Hai anh em nhà thơ Nguyễn Giang và Nguyễn Nhược Pháp mừng hai giỏ hoa thủy tiên đặt trong cốc thủy tinh.

- Ngọc Giao, Vũ Bằng, Phùng Bảo Thạch mừng 3 chai vang Emer của Pháp.

- Vũ Đình Liên mừng một hộp thuốc lá Lucky.

- Ông giáo Pha mừng cây đàn nguyệt và 3 đồng Đông Dương.

- Bà cả Viên, chị ruột cô dâu, mừng nhiều nhất (7 đồng Đông Dương) để nộp tiền cheo cho làng.

clip_image008

clip_image010

clip_image012

Ảnh: sachxua.net

Trong sổ còn thấy ghi Lê Tràng Kiều, Ngô Bích San, ông giáo Khôi, ông Minh Phương nhưng không nói rõ đồ mừng. Hoặc chỉ ghi đồ mừng nhưng không có tên ai như: đồng hồ để bàn, pho tượng đồng, áo đoạn, mũ phớt, rượu ngoại, ấm chén Giang Tây và nhiều món tiền, cộng được 63,50đ – bằng gần nửa lạng vàng thời ấy.

Sau lễ cưới linh đình, bà Phụng mở một hiệu sách nho nhỏ ở đầu phố Hàng Nón.

Rồi ông Phụng bỏ cái gác hẹp, chuyển về ở căn nhà số 73 Cầu Mới, gần Ngã Tư Sở.

Nhưng bệnh lao đã ở cuối thời kỳ thứ ba. Về nơi ở mới được nửa tháng, nhà văn lớn của chúng ta đã ra đi vào ngày 13-10 -1939, ở tuổi 27 với tác phẩm cuối cùng Trúng số độc đắc.

Vào mùa thu 1989, tại Văn Miếu, Viện Văn học và các bậc sĩ phu đã long trọng tổ chức cuộc hành hương đến với cố nhà văn Vũ Trọng Phụng. Còn con gái Hằng, con rể Sơn từ Sài Gòn ra – lại có vinh hạnh mời các nhà văn tụ hội dưới mái nhà lưu niệm ở làng Giáp Nhất.

N. B. Đ.

(In trong Hà Nội, Những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ XIX-XX, Nxb. Văn học, H, 2010, tr. 200-210)

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn