Đám ma Vũ Trọng Phụng

Nguyễn Bá Đạm

Một cỗ xe tang do hai con ngựa kéo lặng lẽ bước đi từ số nhà 73 Cầu Mới đến nghĩa trang Quảng Thiện (ở khu vực Thanh Xuân hiện nay). Theo sau là khoảng ba trăm người vừa đi bộ vừa dắt xe đạp, họ là thân quyến, bạn bè người quá cố, đa số là người viết văn, làm báo. Tiếng khóc của người vợ trẻ nghe não nùng, thảm thiết. Con gái Vũ Trọng Phụng còn trứng nước, chưa đầy một năm tuổi, được một bà bế trên tay. Trông nó bụ bẫm, hai con mắt đen như hạt nhãn. Người ta đội cho nó một cái mũ mấn khâu bằng vuông vải trắng. Bàn tay nhỏ bé của nó quờ quạng như muốn giật ra. Mới sáng mà cái nắng gắt như giữa mùa hè. Bước chân của đoàn người chầm chậm đi từng bước, qua khỏi cổng, trên lối đi có xây hồ hình chữ nhật, ở giữa có xây một bệ cao đặt pho tượng Phật Thích Ca.

Có biết bao người nằm xuống, hỏi trong số đó đã mấy ai để lại cho đời những gì cần ghi nhớ? – Tôi cứ bâng khuâng nghĩ vậy. Mải nghĩ, khi ngoảnh lại thì những người phu đòn mặc đồng phục màu đen, nẹp trắng, đội nón chóp sơn đen, đã đi khá xa, phải rảo cẳng bước nhanh mới theo kịp. Trước mắt tôi là khu mộ mới. Mộ thi sĩ Tản Đà cũng nằm gần đây, chỉ cách mươi mươi mười lăm bước.

Hố huyệt đã được đào từ chiều hôm trước. Linh cữu vừa được từ từ hạ xuống thì người vợ nhà văn, vì quá thương chồng đã lăn xuống huyệt. Người ta phải ra sức kéo lên. Mái tóc xõa xượi, chân run lẩy bẩy, vợ nhà văn đi không vững, phải hai người xốc nách mới lê nổi từng bước. Mội người tìm lời an ủi, bảo rằng số trời đã định, tránh sao cho khỏi…

Lúc nhỏ tuổi, Vũ Trọng Phụng được người mẹ chăm sóc, lo cho ăn học để nên người và đưa vào học ở Trường tiểu học Hàng Vôi. Năm 15 tuổi, Vũ Trọng Phụng theo học Trường Bưởi. Nhưng chỉ được một năm, vì nghèo, ông đã phải nghỉ học để đi làm lấy tiền nuôi bà và mẹ. Đầu tiên ông được làm thư ký ở cửa hàng Gôđa, làm được hai tháng thì phải nghỉ việc. Sau lại nhờ người quen giới thiệu vào làm ở Nhà in Viễn Đông (I.D.E.O) giữ việc đánh máy chữ, nhưng chỉ được ít lâu sau thì bị chủ sa thải vi trong giờ làm việc vẫn ham mê đọc sách báo. Âu cũng là duyên nợ với nghiệp văn chương. Cái nghề bạc bẽo, không danh vọng, địa vị nhưng phù hợp với lý tưởng cao đẹp mà lâu nay ông hằng ấp ủ. Vào năm 1931, ông đã viết một số truyện ngắn đăng rải rác trên tờ Ngọ báo, báo ra hàng ngày do Bùi Xuân Học làm chủ nhiệm. Bạn đọc cũng bắt đầu làm quen với ông từ đấy.

Ông viết đủ các thể loại: văn xuôi, phóng sự, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, xã luận, bút chiến, thời đàm, phê bình văn học. Ông được mọi người tôn sùng là “vua phóng sự đất Bắc”.

Thay mặt cho giới văn hữu, Lưu Trọng Lư đọc điếu văn. Giọng ông run run, nói lên quan hệ bạn bè thắm thiết và tài năng của nhà văn. Điếu văn có đoạn: “… Anh là một nhà văn. Tên tuổi anh sẽ sống mãi cùng sự nghiệp của anh. Anh đã chuyển bại thành thắng, ở chỗ này, tử thần đã không làm gì được nữa…”. Bùi Huy Phồn đọc đôi câu đối nhớ thương Vũ Trọng Phụng:

“Cạm bẫy người” tạo hóa khéo căng chi, qua “Giông tố” tưởng nên “Số đỏ”;

“Số độc đắc” văn chương vừa túng thế, nỡ “Dứt tình”, “Không một tiếng vang”

Trần Huyễn Trân, Thâm Tâm, Lê Tràng Kiều lấy làm tâm đắc thấy hay vì Đồ Phồn đã khéo sắp xếp tác phẩm của Vũ Trọng Phụng dồn vào hai câu đối. Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Tuân, Tam Lang và Tất Tố cũng tấm tắc ca ngợi.

Mọi người ném xuống mộ nhà văn những nắm đất to nhỏ không đều, chỉ trong khoảnh khắc ngôi mộ đã cao dần và được đắp cho chắc chắn. Những thỏi vàng bồ cũng được rắc lên. Lan Khai và Phùng Tất Đắc suốt mấy ngày bận rộn lo việc tang ma cho bạn, nay lại lanh lẹn vác vòng hoa đặt lên mộ, Phạm Cao Củng mang theo máy ảnh chụp một vài kiểu. Những nén nhang từ từ cháy, làn khói cuộn dần lên theo gió.

Mọi người nghiêng mình, cúi đầu hoặc hai tay chắp vái từ biệt Vũ Trọng Phụng lần cuối. Lúc đó là 9 giờ 45 phút sáng ngày Chủ nhật, 15-10-1939. Vũ Trọng Phụng mới 27 tuổi và đã để lại nhiều kiệt tác văn chương.

N. B. Đ.

Đã in trong Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ XIX-XX. Nxb. Văn học, H., 2010, tr. 211-214.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn