Luật giám sát điện hạt nhân Việt Nam "chưa rõ"

Lãnh đạo Cục An toàn hạt nhân nói luật Việt Nam hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng về chức năng kiểm tra an toàn.

clip_image001

Ông Vương Hữu Tấn nói việc cấp phép hiện nay đang có quá nhiều đầu mối

Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân, Bộ Khoa học Công nghệ, nói với các phóng viên tại Hà Nội rằng về cơ chế giám sát cần phải có hai yếu tố.

“Chủ đầu tư phải đủ năng lực để quản lý, đảm bảo an toàn cho nhà máy và cơ quan quản lý hay còn gọi là cơ quan pháp quy phải thực hiện tốt chức năng giám sát.

“Nhưng luật Việt Nam hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng, hiệu quả với cơ quan pháp quy có chức năng thanh, kiểm tra tính an toàn của nhà máy”.

Ông Tấn được truyền thông trong nước dẫn lời nói với các phóng viên tại triển lãm quốc tế Điện hạt nhân 2012 diễn ra tại Hà Nội rằng cấp phép hiện nay đang chia quá nhiều đầu mối.

“Cấp phép xây dựng là Bộ Khoa học Công nghệ, cấp phép vận hành là Bộ Công thương. Trong khi Bộ Công thương lại là cơ quan chủ quản, vi phạm nguyên tắc độc lập trong vấn đề quản lý an toàn quốc tế”.

‘Tham vọng bậc nhất’

clip_image002

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nằm giáp vùng biển

Lãnh đạo Cục An toàn hạt nhân cũng liên hệ tới điều mà ông gọi là Nhật Bản cũng đã bị phê phán rất nhiều vì tình trạng này [chồng chéo giám sát vận hành] và đã thay đổi.

“Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi luật Năng lượng nguyên tử, chúng ta cũng đang nghiên cứu một mô hình quản lý giám sát về điện hạt nhân, đảm bảo các quyết định không bị chi phối bởi bất kỳ điều gì, nếu nhà máy không đảm bảo an toàn sẽ không được vận hành”, ông Tấn nói thêm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về lo ngại cho rằng nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam khó đáp ứng được nhu cầu cho kế hoạch triển khai điện hạt nhân, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam nói “nhân lực là một trong những vấn đề cấp bách và quan trọng nhất, đang được viện này tích cực triển khai”.

"Nhân lực là một trong những vấn đề cấp bách và quan trọng nhất tuy không thể làm được trong ngày một ngày hai"

Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam

“Tuy nhiên, không thể làm được trong ngày một ngày hai, mà phải đưa ra chương trình, chiến lược để phát triển tốt nguồn nhân lực”.

Mặc dù gặp một số phản đối, Đảng Cộng sản Việt Nam, trong một nghị quyết ban hành hành tháng Một năm nay, khẳng định điều họ gọi là “tập trung đầu tư phát triển các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và Ninh Thuận II”.

"không hiểu vì sao Nhật Bản đang cố gắng xuất khẩu tới các nước kém phát triển một thứ gì đó mà trong nước họ đã chối bỏ"

Giáo sư Phạm Duy Hiển

Vào tháng Ba năm nay, báo New York Times có bài về Việt Nam triển khai chương trình điện hạt nhân họ gọi là "tham vọng vào loại bậc nhất trên thế giới".

Bài báo dẫn lời Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện phó Viện Năng lượng Quốc gia nói ông "không hiểu vì sao Nhật Bản đang cố gắng xuất khẩu tới các nước kém phát triển một thứ gì đó mà trong nước họ đã chối bỏ".

Trình chính phủ

clip_image003

Báo cáo thanh tra về sự cố Fukushima cho rằng thảm họa có yếu tổ về lỗi của con người

Được biết tại triển lãm quốc tế Điện hạt nhân, Phó Trưởng ban Quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, Phan Minh Tuấn đã cho biết các dự án Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 đang được triển khai ở giai đoạn ông gọi là “các bước khảo sát địa điểm và lập báo cáo nghiên cứu khả thi”.

“Theo dự kiến, năm 2013, báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 được hoàn thành và trình Chính phủ”.

Nhật Bản, một trong những nước đối tác của Việt Nam trong kế hoạch phát triển điện hạt nhân vào tháng trước công bố lộ trình giảm dần cho tới không dùng điện hạt nhân vào năm 2030.

Thay đổi cơ bản về chính sách được quyết định sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima vào năm ngoái, sau động đất và sóng thần.

Quyết định này có nghĩa Nhật sẽ cùng Đức là hai nước dựa nhiều vào điện hạt nhân có chủ trương "nói không với điện hạt nhân", mặc dù kế hoạch ngưng dùng điện hạt nhân của Đức được triển khai tốc độ nhanh hơn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ra lệnh đóng phân nửa nhà máy điện hạt nhân nước này vào năm ngoái và cam kết thay điện hạt nhân bằng nguồn năng lượng khác trong thập niên sau.

Trước khi xảy ra sự cố Fukushima, điện hạt nhân cung cấp khoảng một phần ba nguồn điện tại Nhật Bản.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn