Vấn đề lương thực và hình thức Thực Dân Mới

Nguyễn Toàn (Tổng hợp)

Trong những năm gần đây, một số quốc gia có nhiều tiền dự trữ như Ả Rập, Trung Quốc, Hàn Quốc và Âu Châu đã triển khai những chương trình đầu tư mua, thuê đất nông nghiệp dài hạn tại các nước đang phát triển vùng châu Phi, châu Á để canh tác thực phẩm hay cây công nghiệp cần thiết cho kỹ nghệ. Đối với họ, đây là một chương trình đầu tư với tầm nhìn xa, mang lại nhiều lợi tức: sự cố biến đổi khí hậu hoàn cầu sẽ làm giảm diện tích đất nông nghiệp trong khi dân số thế giới càng ngày càng tăng, như vậy thực phẩm sẽ trở nên khan hiếm và đắt đỏ .

Theo tường trình của Tổ chức Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (UN-Agrar-Organisation) và Quỹ Nông nghiệp Quốc tế (Internationaler Agrarfond) về tình trạng điển hình tại 5 nước châu Phi: Uganda, Ethiopa, Sudan, Madagascar và Mali, chỉ cần tính riêng những hợp đồng mua, nhượng trên 1000 hecta, thì đã có 2,5 triệu hecta đất nông nghiệp bị đổi chủ vào tay các nhà đầu tư ngoại quốc, tiêu biểu như một dự án 450.000 hecta đất để trồng cây công nghiệp tại Madagasca hay dự án 100.000 hecta cho công trình dẫn thủy tại Mali. Để có ấn tượng về tầm qui mô của các dự án đầu tư này, chúng ta có thể so sánh: Với một diện tích trồng cà phê khoảng 500.000 hecta, năm 2012 Việt Nam đã thu hoạch được 1,6 triệu tấn cà phê trị giá 3 tỷ US đô la, vượt qua Brazil để trở thành nước xuất khẩu cà phê đứng đầu thế giới.

Việc đầu tư đất nông nghiệp tại các nước đang phát triển đã gây ra nhiều ý kiến phản biện khác nhau: trong khi Viện nghiên cứu Earth Institute của Đại học Columbia, New York và Tổ chức Cứu Đói Thế Giới (Welthungerhilfe thuộc Chương trình Lương thực Thế giới WFP của Liên Hiệp Quốc) cho rằng những dự án đầu tư này sẽ tạo cơ hội  mở rộng hạ tầng cơ sở như hệ thống dẫn nước, đường xá, giúp dân bản xứ có thêm việc làm và phát triển xuất nhập khẩu trong nước với thế giới, thì một số chuyên gia khác cùng trong Tổ chức Cứu Đói Thế Giới lại lên tiếng cảnh báo đây là những dự án "rút ruột đất canh tác  của người nghèo", và sự kiện chuyển dụng đất trồng thực phẩm sang đất trồng cây công nghiệp sẽ càng làm cho thực phẩm bị khan hiếm, người dân bản xứ phải chịu nhiều hậu quả xấu nhất vì thực phẩm trong nước sẽ trở nên khan hiếm và đắt đỏ.

Các chuyên viên này đã cho việc đầu tư đất nông nghiệp  là một hình thức "Thực Dân Mới". Ông Olivier de Schutter, Đặc ủy của Liên Hiệp Quốc về "quyền-con-người xử dụng thực phẩm" (das Menschenrecht auf Nahrung) cho biết: "những nhà đầu tư chủ ý tìm mua đất tại các quốc gia đang phát triển, vì nguồn tài nguyên tại đây dồi dào và tiền lương nhân công rẻ. Chính phủ của các nước này lại quản lý kém, luật lệ lỏng lẻo nên các nhà đầu tư có thế lợi dụng thương lượng mua, nhượng đất với cấp địa phương sở tại rồi khai thác theo ý của họ".

Theo các chuyên gia Tổ chức Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc và Quỹ Nông nghiệp Quốc tế thì  nông dân là những người bị thiết hại nhiều nhất trong những dự án mua bán đất đai này: vừa bị mất đất canh tác, vừa bị thiệt thòi vì họ thường không có đầy đủ các giấy tờ chứng minh chủ quyền đất. Trong khi đó thì quốc hội và những tổ chức dân sự phi chính phủ lại không có quyền kiểm soát nhà cầm quyền cho nên các hợp đồng mua nhượng đất đai rất mờ ám, thiếu  minh bạch. Không ai được biết những diễn tiến trong việc điều đình các hợp đồng mua bán đất và nguồn tiền thu nhập sẽ chảy vào đâu, một điều chắc chắn là có những hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các vụ mua, nhượng đất đai này.

Bài học Madagascar: Ở đây tưởng cũng nên nhắc lại sự kiện mua bán đất nông nghiệp tại Madagascar đã đưa đến việc lật đổ chính phủ  Ravalomanana vào năm 2009. Madagascar là một đảo quốc nghèo có diện tích lớn (587.000 km2), nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trồng và xuất cảng cà phê, va-ni. Khi đắc cử chức Tổng thống vào năm 2002 để thay thế cho chính phủ xã hội độc tài tiền nhiệm, ông Ravalomanana đã được dân chúng xem là một mầm hy vọng cho tương lai Madagascar. Nhưng trái với kỳ vọng này, những tệ nạn tham nhũng, tiêu cực càng ngày càng trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội vì Tổng thống Ravalomanana đã đặt quyền lợi của bản thân và phe nhóm lên trên quyền lợi người dân. Đỉnh điểm của tham nhũng và lạm quyền đã bộc lộ vào năm 2009, khi tập đoàn Daewoo của Hàn Quốc ngang nhiên xem Madagascar như một "thuộc địa" của họ, công bố dự án thuê đất nông nghiệp dài hạn 99 năm tại Madagascar gồm 1 triệu hecta để trồng bắp ngô đưa về Hàn Quốc nuôi heo và 300.000 hecta trồng dừa làm dầu công nghiệp cho Hàn Quốc. Tổng cộng dự án thuê đất của Daewoo sẽ chiếm hết một nửa diện tích đất màu nông nghiệp của Madagascar, trong khi chính nước này còn đang ở tình trạng thiếu kém thực phẩm, phải nhập khẩu thêm gạo ăn. Daewoo giải trình dự án này sẽ tạo việc làm cho dân Madagascar nhưng không cho biết những chi tiết về giá cả cũng như điều kiện thuê nhượng trong hợp đồng đã thỏa thuận với chính phủ. Sau công bố của Daewoo, người dân Madagascar lại biết được tin Tổng thống Ravalomanana đã mua và tái trang bị riêng cho mình một chiếc Boeing 737 với giá 50 triệu USD. Từ ngỡ ngàng đến phẫn nộ, nhiều người đã hưởng ứng lời kêu gọi của Thị trưởng thủ đô Antananarivo là ông Andry Rajoelina, tham gia biểu tình đòi chính phủ phải từ chức.

Trước làn sóng chống đối từ nhân dân, viên Bộ trưởng Nông nghiệp đã tìm cách làm chìm xuồng sự kiện, cho biết là hợp đồng "chỉ" nhượng 100.000 hecta, số đất còn lại là "dự án", chưa có quyết định dứt khoát. Những giải trình che dấu này đã không còn thuyết phục được dân Madagascar, nhưng trong khi Daewoo phải xuống nước tuyên bố sẽ duyệt lại toàn bộ dự án thì tổng thống Ravalomanana lại dùng quân đội, công an và lính đánh thuê châu Phi đàn áp các cuộc biểu tình, mặt khác tung tiền mua chuộc, thưởng cho những ai có công tố cáo những người chủ động biểu tình. Bạo động và xáo trộn kéo dài trong suốt nhiều tháng trường, cuối cùng thì quân đội đã ngả về phía nhân dân, tuyên bố nhiệm vụ của họ là bảo vệ nhân dân chứ không phải là đàn áp nhân dân, ép buộc Tổng thống Ravalomanana phải từ chức và trao quyền cho Thị trưởng Rajoelina cầm đầu một chính phủ chuyển tiếp. 

Trông người lại nghĩ đến ta: Năm 1898, Trung Quốc đã từng là nạn nhân của thực dân Anh, bị bắt ép phải cho Anh "thuê" Hongkong trong 99 năm. Hơn 100 năm sau, kịch bản lại được tái diễn, nhưng trong kịch bản mới này, vai trò đã đổi chủ: Chính phủ Trung Quốc rất chú ý triển khai các dự án đầu tư mua đất nông nghiệp tại ngoại quốc. Lý do rất dễ hiểu là Trung quốc sẽ cần rất nhiều đất  nông nghiệp trong tương lai: theo thống kê, tính trung bình vào năm 1950 thì đất nông nghiệp cho mỗi đầu người trên thế giới là 0,56 hecta/ 1 người, nhưng dân số thế giới càng ngày càng tăng, đến năm 2050 sẽ chỉ còn 0,15 hecta/ 1 người, trong khi hiện nay, Trung Quốc chỉ có 111 triệu hecta đất nông nghiệp cho 1,3 tỷ dân, tức là 0,085 hecta / 1 người Trung Quốc, còn thấp hơn cả con số dự kiến cho năm 2050. Như vậy, đối với họ, việc thuê mua đất đai nông nghiệp tại các nước đang phát triển là một điều đương nhiên cho sự tồn tại trong tương lai.

Liệu nhà nước ta đã có chiến thuật gì để đối phó với sách lược bành trướng thực dân mới này không?

25-10-2012

N.T.

Tổng hợp tin của chương trình Nano đài truyền hình 3SAT (của 3 nước Đức, Áo và Thụy Sĩ),  Die Tageszeitung, Spiegel Online.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

clip_image001

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn