Lý Văn Phức: nhà ngoại giao nhiều lần công cán ngoại quốc

Hồ Bạch Thảo

Lý Văn Phức tự là Lan Chi, người huyện Vĩnh Thuận tỉnh Hà Nội, nay thuộc huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội; đậu Hương cống năm Gia Long thứ 18 [1819]. Khoảng đầu năm Minh Mệnh được bổ Hàn lâm viện biên tu, sung chức Sử quán, nhiều lần được thăng chức Thiêm sự Bộ Lễ, Hiệp lý trấn Quảng Ngãi, rồi chuyển làm Tham Hiệp dinh trực lệ Quảng Nam. Ông là nhà ngoại giao bất đắc dĩ, nhân bị tội phải sung hiệu lực công cán ngoại quốc; trải qua mấy năm trời thử thách, đi hết biển Ðông [Trung Quốc, Phi Luật Tân], biển Tây [Tân Gia Ba, Nam Dương] lập công, nên được vua Minh Mệnh ban khen như sau :

Tháng 3 năm Minh Mệnh 13 [1832]

Lý Văn Phức bị lỗi nặng, đã gia ơn chuẩn cho gắng sức chuộc tội, nhiều lần sai phái đi biển Tây, biển Ðông, trải qua nhiều bước gian nan nguy hiểm… Vậy nay đặc cách cho khai phục, để khi có việc đi ngoại dương tức thì sai phái (1).

Một trong những chuyến đi nguy hiểm, được mô tả qua lời tựa bài thơ Vọng kiến Vạn Lý Tràng Sa tác trong Ðông hành thi thuyết thảo; cũng xảy ra vào năm Minh Mệnh thứ 13 [1832]. Lúc này thuyền chở Lý Văn Phức đi Phi Luật Tân, bị gió đẩy đến gần Vạn Lý Tràng Sa, tức quần đảo Hoàng Sa ngày nay; quang cảnh xảy ra, khiến mọi người trên thuyền đều kinh hoảng:

Vạn Lý Tràng Sa là một dải cát trắng từ bể nổi lên, phía Tây tiếp dương phận trấn Quảng Ngãi, phía Đông giáp dương phận nước Lữ Tống, phía Bắc tiếp dương phận tỉnh Quảng Ðông và Phúc Kiến. Dằng dặc kéo ngang, không thể lường đo được. Trù tính là không lầm, một đường thẳng vo, lấy hướng kim Mão Ất (Đông hơi xế Nam) mà tiến. Không dè gió trái, nước xiết, con thuyền không tiến. Thình lình trưa hôm sau, ngóng trông thấy nó. Sắc cát lờ mờ, khắp chân trời đều trắng. Tất cả người trên thuyền, trong lòng bừng bừng, nước mắt rưng rưng. Trên thuyền, ngoảnh lại hỏi đà công (người cầm lái). Y là một tay lão luyện Tây dương. Nó nói rằng: “ Lấy thước Ðạc thiên (Lục phân, sextant) mà đo thì may thuyền chưa chạm vào chân bãi cát, còn chuyển buồm kịp”.

Bèn lấy hướng kim Dậu (Tây) nhắm Quảng Ngãi mà lùi. May nhờ phúc lớn của Triều đình, về đến cửa bể Thái Cần (2) mà tạm đỗ. Cuối cùng không việc gì (3).

Lại một lần khác, Lý Văn Phức gặp tai nạn gần cửa biển Hổ Môn, thuộc huyện Ðông Hoàn, tỉnh Quảng Ðông; sự kiện được ghi nhận như sau:

Tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 17 [1836]

Phái viên đi phía đông là bọn Lý Văn Phức, Viên ngoại lang bộ Công về nói rằng : khi qua đảo Hổ Môn, hai lần gặp bão, trong thuyền đọng nước hàng thước, dây buồm đứt hết, tình thế rất nguy cấp. Biền binh hết sức chèo chống, may không việc gì. Vua khen thưởng bọn Phức, gia 1 cấp, biền binh được cho thăng thụ, cất bổ và thưởng tiền có thứ bực khác nhau (4).

Ngoài vụ tai nạn tại vùng biển Quảng Ðông nêu trên, thuyền công cán của Lý Văn Phức còn có nhiều dịp đến Trung Quốc. Sử nước ta ghi nhận, một lần thuyền binh nhả Thanh trôi dạt vào tỉnh Thanh Hóa, được Triều đình giúp đỡ và sai Lý Văn Phức đáp thuyền chữ “Bình” hộ tống về nước:

Tháng 4, năm Minh Mệnh thứ 15 [1834]

Thuyền binh của Trần Tử Long, bộ biền tỉnh Quảng Ðông nhà Thanh bị bão dạt vào cửa Y Bích(5) của Thanh Hóa. Vua sai quan tỉnh giúp cho tiền, gạo. Lại sai Viên ngoại lang Bộ Binh là Lý Văn Phức và Hàn lâm thừa chỉ Lê Bá Tú đi thuyền hiệu chữ “Bình” hộ tống về (6).

Sự kiện nêu trên, được chép kỹ hơn trong Thanh Thực Lục, kèm thêm chi tiết về vua Ðạo Quang ban sắc khen lao tưởng thưởng Triều đình nước ta và quan lại có công như Lý Văn Phức:

Ngày 28 tháng 8 năm Ðạo Quang thứ 14 [30/9/1834]

Dụ Nội các:

Ngày hôm nay nhận được tờ tâu của Lô Khôn [Tổng đốc Lưỡng Quảng] chuyển gấp qua trạm dịch rằng nước Việt Nam sai quan hộ tống thuyền binh và quân lính Quảng Ðông về đến tỉnh này.

Vào ngày 26 tháng 3 năm nay Tả doanh ngoại ủy Quảng Ðông Trần Tử Long tại xưởng phủ Quỳnh Châu lãnh điều khiển chiếc thuyền Lạo Hội số 1 của Tả doanh cùng binh đinh tổng cộng 27 người. Thuyền bị bão trôi dạt đến tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam; được quan xứ đó đưa vào cảng, tư cấp tiền gạo. Lại được viên Quốc vương phái quan đến đãi yến tiêc, ban cấp cho Ngoại ủy và quân lính tiền gạo, cho sửa sang tu bổ thuyền và khí giới, rồi phái quan là bọn Lý Văn Phức điều thuyền hộ tống đến tỉnh Quảng Ðông...

Nay giáng sắc khen lao, cùng tưởng thưởng các thứ lụa đoạn. Những đồ vật nước này mang để dằn thuyền, cùng các vật tương lai mua để xuất khẩu đều được ban ơn miễn thuế. Vẫn tuân theo chương trình cũ, cho mở cửa thuyền bán hàng để khỏi đình trệ. Những vật thưởng ban cho Quốc vương, lệnh viên Tổng đốc biên thư trước báo cho viên Quốc vương hay biết. Ðợi sắc dụ phát hành, giao cho Bộ Binh đem đi kèm với thưởng vật, do trạm dịch chuyển đến tỉnh Quảng Ðông. Trường hợp gặp thuyền của xứ này, viên Tổng đốc cho mang về để chuyển đến viên Quốc vương. Nếu như không tiện thuyền, thì giao cho viên Tuần phủ Quảng Tây ước lượng gửi ổn thỏa. Còn những quan sai đến như bọn Lý Văn Phức, lệnh viên Tổng đốc ưu đãi ban thưởng; giao cho viên Quốc vương ban cấp. Bộ liên quan phải hiểu rõ (Tuyên Tông thực lục quyển 255, trang 32-33).

Một lần khác vua Minh Mệnh sai Lý Văn Phức đáp thuyền Bình Dương, chạy dọc ven biển Trung Quốc để thăm dò những thuyền nước ta bị gió bão trôi dạt mất tích:

Tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 17 [1836]

Vua nói rằng: “ Trước đây, Bắc Kỳ có 5 thuyền chở của công và 2 chiếc thuyền tào vận, bị bão đánh bạt đi, đã lâu không có tin tức. Nay cứ lời báo thì những thuyền ấy cũng chẳng vượt ngoài một dải hải phận Quảng Ðông”. Bèn sai bọn Viên ngoại Lang Bộ Công Lý Văn Phức, Chủ sự Lê Quang Quỳnh đem thủy sư và lính pháo thủ đội Ngân sang dinh Thần cơ, đáp thuyền Bình Dương đi khắp nơi để dò (7).

Việc đáp thuyền đi khắp nơi để dò, có thể bị nhà Thanh hiểu rằng đi do thám nội tình Trung Quốc, nên bị vua quan nước này dựa vào quy chế có sẵn, tìm cách phản đối:

Ngày 12 Kỷ Sửu tháng 3 năm Ðạo Quang thứ 17 [16/4/1837]

Lại dụ:

Bọn Ðặng Ðình Trinh dâng tâu triệp rằng nước Việt Nam sai sứ tìm hỏi thuyền bị bão; xin thông báo cho nước này hãy tuân theo định lệ.

Từ trước đến nay thuyền các nước Di đến Quảng Ðông, đều có tờ trình của Quốc vương làm bằng; nếu như gặp thuyền Di bị nạn, thì do tỉnh liên hệ xét biện, rồi cho tống đưa về nước; lòng thể tuất của Thiên triều đối với nước Phiên bên ngoài hết sức đầy đủ. Nước Việt Nam được liệt vào những nước Phiên phong, hết sức cung thuận; các Sứ gỉả hàng hải đến, phải tuân theo định lệ. Vào tháng 7 năm trước, có thuyền nước này ghé biển Kê Cảnh ngoài cửa Áo Môn. Cứ viên Sứ thần Lý Văn Phức xưng rằng nghe tin có thuyền hiệu chữ Bình, do viên Thủy sư nước này bị bão trên biển, trôi đến phủ Quỳnh Châu tỉnh Quảng Ðông; nên được viên quan Thương bạc sai bọn y đi tìm. Qua viên Hải phòng đồng tri Mã Sĩ Long hội đồng với viên chức tại doanh tra hỏi, bọn chúng trình xuất một tờ chứng nhận của viên quan Thương bạc, nhưng không có tờ trình của viên Quốc vương. Tuy tra xét thuyền này, không mang hàng hóa đến, nhưng theo định lệ vẫn không phù hợp. Theo viên Tổng đốc, đã thông sức cho thuộc hạ, rồi được phúc trình rằng không có thuyền nào của nước này phiêu bạt đến biên cảnh; lại phái thuyền quân hộ tống thuyền [đi tìm] ra khỏi lãnh thổ.

Vẫn ra lệnh Ðặng Ðình Trinh dụ cho viên Quốc vương rõ về chương trình cũ. Từ nay trở về sau nếu có thuyền gặp bão phiêu dạt đến vùng biển Quảng Ðông, nhất định tống đưa về nước, quyết không để lâm vào cảnh không có chỗ nương dựa. Viên Quốc vương cần tuân định lệ, không được sai hàng hải từ xa đến. Thảng hoặc có việc cần giao thiệp với nội địa, đều do viên Quốc vương soạn văn thư trình, giao bằng đường bộ cho châu Khâm chuyển giao đến tỉnh, để được phù hợp theo định chế (Tuyên Tông thực lục quyển 295, trang 13-14).

Việc nhà Thanh nghi ngờ Triều đình nước ta muốn do thám nội tình Trung Quốc cũng không phải là ngoa. Vào tiền bán thế kỷ thứ XIX, các nước Tây phương diễu võ dương oai tại Trung Quốc, Phi Luật Tân, Nam Dương, Tân Gia Ba; vua Minh Mệnh đã đưa nhiều đoàn công cán đến các nước này tìm hiểu. Ngay khi quân Thanh bị thua bởi người Anh trong Chiến tranh Nha phiến tại tỉnh Quảng Ðông, vua Minh Mệnh sai Nguyễn Tri Phương, Lý Văn Phức báo cáo về vũ khí của quân Thanh, và được trả lời mỉa mai rằng vũ khí quân Thanh giống như là đồ thờ thần trong đền, chứ không phải là thứ thực dụng có thể đánh nhau được:

Tháng Giêng năm Minh Mệnh thứ 21 [1840]

Vua lại hỏi Nguyễn Tri Phương và Lý văn Phức rằng: “Năm ngoái bọn ngươi đi Quảng Ðông xem binh lính khí giới của họ thế nào, mà Hồng Mao [Anh] lại dám ngoan ngạnh như thế?

Bọn Phương tâu rằng: “Binh khí nước Thanh cũng giống như nghi trượng thờ thần”.

Vua nói rằng: “Binh cần giỏi không cứ nhiều. Binh khí của Quảng Ðông như thế, người Hồng Mao đi lại buôn bán đã biết rồi, cho nên mới dám kháng cự lại mà thôi…” (8)

Nói đến chỗ nhược của quân Thanh, vua Minh Mệnh muốn liên hệ đến quân mình, với lời lẽ như sau:

“… Hỏi, người nước Thanh cũng nói quan Thiên Bồi đốc quân đánh giặc, nghe tiếng súng là chạy, thì tướng lược ở đâu? Xét ra người ta đang ở trong cuộc thì mê, người đứng xem bên cạnh thì tỏ tường. Việc hay hèn của người khác không cần phải biện bạch cho kỹ. Như tướng thần nước ta, giữ sao được, không có dụng tâm như Thiên Bồi, mà không bị người khác nghị luận ư?” (8)

Ngoài những lần đi công cán Trung Quốc bằng đường thủy, sau khi vua Minh Mệnh mất, Lý Văn Phức được vua Thiệu Trị cử làm Chánh sứ dùng đường bộ sang Trung Quốc cáo phó và xin phong:

Ngày 28 Canh Thìn tháng 7 năm Ðạo Quang thứ 21 [13/9/1841]

Người nối dõi tại nước Việt Nam là Nguyễn Phúc Tuyền (9) sai Sứ xin phong, cung tiến sản vật địa phương, mệnh lưu lại cho kỳ cống sau; ban thưởng như thông lệ.

Ban cho cố Quốc vương Việt Nam Nguyễn Phúc Kiểu (10) một lần tế; cho người nối dõi là Phúc Tuyền làm Quốc vương Việt Nam. Mệnh Án sát sứ Quảng Tây Bảo Thanh đến phong.

Bọn Sứ thần Việt Nam Lý Văn Phức 3 người, chiêm cận tại cầu Ðại Hồng (Tuyên Tông thực lục quyển 354, trang 34).

Ngoài các chuyến đi Trung Quốc bằng đường thủy, đường bộ được trình bày phần trên, Lý Văn Phức cũng có nhiều lần đến biển Tây [Tân Gia Ba, Nam Dương]; như chuyến hải hành đem người Bút Tu Kê bị an trí tại Ðà Nẵng, qua Tân Gia Ba tức Hạ Châu, để trở về nước:

Tháng Giêng năm Minh Mệnh thứ 15 [1834]

Khiến bọn Cai đội Nguyễn Lương Huy và Chủ sự Lý Văn Phức coi quản các thuyền hiệu Ðịnh Dương, Thanh Dương đi công cán sang Hạ Châu, đem theo Cà Lộ và Tu La (hai người này trước bị an trí tại tấu sở Ðà Nẵng), người Bút Tu Kê, thả cho về nước (11).

Từ một nhà ngoại giao bất đắc dĩ, ông trở thành chuyên viên giao thiệp với người nước ngoài. Nhân Quốc trưởng nước Nhã Di Lý sai Sứ gỉả đến xin thông thương, thuyền đậu tại vụng Lấm, tỉnh Phú Yên. Vua Minh Mệnh sai Nguyễn Tri Phương, Lý Văn Phức đến giao thiệp:

Tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 13 [1832]

Quốc vương nước Nhã Di Lý (nước này ở Tây Dương, hoặc gọi Hoa Kỳ, hoặc gọi là Ma Ly Căn, hoặc gọi là Anh Cát Lợi đều là biệt hiệu nước ấy) sai bọn bề tôi là Nghĩa Ðức Môn La Bách Ðại, Uy Ðức Giai Tâm Gia (tên hai người) đem quốc thư xin thông thương, thuyền ở vụng Lấm thuộc Phú Yên. Vua sai Viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương, Tư vụ Lý Văn Phức đi hội với quan tỉnh, lên trên thuyền thết tiệc và hỏi họ đến đây làm gì. Họ nói: “Chỉ đến vì muốn giao hiếu và thông thương”…

Vua sai quan Thương bạc trả lời, đại lược rằng:

Nước ấy muốn xin thông thương cố nhiên là ta không ngăn trở, nhưng phải tuân theo pháp luật đã định. Từ nay, nếu có đến buôn bán thì cho đỗ ở vụng Trà Sơn, tấn sở Ðà Nẵng, không được lên bờ làm nhà, vượt quá kỷ luật; rồi giao thư cho họ mà bảo họ đi(12)

*

Rồi vận nước nối tiếp thăng trầm, ảnh hưởng đến sự nghiệp của Lý Văn Phức. Vào tháng 2 năm Thiệu Trị thứ 7 [1847], có 2 chiếc binh thuyền Pháp đậu tại cửa biển Ðà Nẵng với thái độ kiêu ngạo, sự việc được phi tấu lên. Vua Thiệu Trị sai Tả tham tri Bộ Lễ Lý Văn Phức đi ngay, cùng với Tuần phủ Phan Ðình Tân, Lãnh binh Nguyễn Ðức Chung tùy nghi đối đáp. Khi Lý Văn Phức đến cửa biển, định ngày với người Pháp hội họp. Ðến ngày họp, viên cầm đầu người Pháp đem vài chục tên đồ đảng, đeo gươm, đeo súng, đến thẳng ngay công quán; ngăn lại không được. Chúng đưa ra một lá thư bằng chữ Hán, lời lẽ phần nhiều ngông càn, Phức không chịu tiếp nhận; viên cầm đầu Pháp quát to lên dọa nạt, đặt lá thư lên trên ghế rồi đi. Lý Văn Phức và Phan Ðình Tân bàn với nhau rằng:

Nhận lấy thư là có tội, mà đốt thư đi cũng có tội, không gì bằng cho chạy trạm về đệ tâu lên”.

Vua Thiệu Trị giận là làm mất quốc thể, sai vệ Cẩm Y đóng gông giam, rồi bắt cách chức, phát đi làm quân (13); sau được khai phục chức Thị độc, đến năm Tự Đức thứ nhất [1848] được thăng Lang trung.

Lý Văn Phức cũng là một tay văn học có tiếng, từng giữ chức Chủ khảo trường thi Nghệ An vào năm Thiệu Trị thứ 3 [1843]; sự nghiệp trước tác có các tập: Tây hành kiến văn lục, Mân hành thi thảo, Việt hành thi thảo, Việt hành tục ngâm, Chu nguyên tập vịnh (14).

H.B.T.

(1) Ðại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, Nhà xuất bản Giáo dục, TP Tam Kỳ, 2007, Tập 3, trang 294.

(2) Tấn Thái Cần: tại cửa biển thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

(3) La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1998, Tập 2, trang 1362.

(4) Ðại Nam thực lục, sđd, Tập 4, trang 896-897.

(5) Tấn Y Bích: thuộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa; còn gọi là cửa biển Linh Trường, vì có núi Linh Trường chắn tại cửa.

(6) Ðại Nam thực lục, sđd, Tập 4, 152.

(7) Ðại Nam thực lục, sđd, Tập 4, trang 967.

(8) Ðại Nam thực lục, sđd, Tập 5, trang 637.

(8) Như trên

(8) Tuyền: tên húy của Thiệu Trị xưng với Trung Quốc, lại còn tên húy khác là Tông dùng trong nước.

(10) Kiểu: tên húy của vua Minh Mệnh xưng với Trung Quốc, còn tên húy khác là Ðảm.

(11) Ðại Nam thực lục, sđd, Tập 4, trang 29.

(12) Ðại Nam thực lục, sđd, Tập 3, trang 412-413.

(13) Theo Ðại Nam thực lục, sđd, Tập 6, các trang 975, 984.

(14) Ðại Nam liệt truyện, bản dịch của Viện Sử học, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2005, Tập 3, trang 535.

Nguồn: diendan.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn