Nụ cười của ông Ôn Gia Bảo và tương lai ASEAN

Ván cờ thế giới kể cũng thú vị. Hun Sen lộ mặt là một kẻ trơ tráo ôm chân chủ sòng không cần che đậy, nhưng dầu sao cái cách ngửa bài của hắn cũng còn dễ cho người khác liệu, hơn là những tay cò mồi, đã đi đêm với nhà cái từ lâu mà vẫn làm bộ ta đây đang muốn “ăn thua” thật, thỉnh thoảng lại đánh dứ quân bài xuống chiếu nghe đến “đét” một phát khiến người ngồi chung ván bài giật nẩy người, tưởng anh ta đã lật tất cả quân bài trong tay ra ù.

Bauxite Việt Nam

Khi ông Hun Sen, Thủ tướng Campuchia, nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, đọc tuyên bố bế mạc hội nghị và không nhắc đến một lần nào cụm từ “Biển Đông”, người ta hiểu rằng sẽ còn rất lâu nữa ASEAN mới trở thành một tổ chức có “quyền lực” thực sự trên trường quốc tế.

Ngày 18/11, thủ đô Phnom Penh rực rỡ cờ hoa và biểu ngữ để chào đón các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Trong số những quan khách ấy, có cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và hơn một chục vị nguyên thủ quốc gia khác nhưng thật lạ khi ở ngay cổng chào của Phnom Penh, người ta chỉ thấy những tấm biểu ngữ với dòng chữ: “Chào mừng Thủ tướng Ôn Gia Bảo!” hay “Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa muôn năm!”.

Có người nói, ông Ôn Gia Bảo đã mỉm cười khi nhìn thấy những dòng chữ này.

clip_image002

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo được chào đón một cách rất trọng thị tại Campuchia.

Khi các vị nguyên thủ lần lượt rời khỏi Campuchia, những tấm biểu ngữ màu xanh trắng ấy vẫn phất phơ trong gió ngay bên ngoài cung điện Hòa Bình như một lời nhắc nhở với tất cả rằng: Sức ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Phnom Penh đã rất lớn và những đồng tiền mà Bắc Kinh rót vào Campuchia đã đủ mạnh để gạt vấn đề tranh chấp lãnh hải ra khỏi bàn hội nghị bất chấp Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Philippines đã cương quyết đấu tranh để giữ lại.

“Có những quốc gia rất dễ bị thay đổi bởi tiền. Nếu họ nhìn thấy tiền, họ dễ dàng ném đi tất cả những nguyên tắc”, hãng tin Reuters trích dẫn phát biểu của một nhà ngoại giao ngay bên ngoài hành lang của của Hội nghị Đông Á, nơi tụ hội 10 vị nguyên thủ của các quốc gia ASEAN và những người đồng cấp ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc… “Trung Quốc đã thành công trong việc sử dụng sức mạnh (kinh tế và quân sự) của mình để mua sự trung thành của một số quốc gia châu Á”, nhà ngoại giao này kết luận.

Tuy phát biểu của ông này khá chung chung nhưng ai cũng hiểu ông ta muốn nhắc đến nước chủ nhà Campuchia. Một ví dụ khá điển hình và ai cũng nhận ra là Thủ tướng Hun Sen đã hơn một lần giúp cho Trung Quốc giành thắng lợi ngoại giao trong các Hội nghị thượng đỉnh của khu vực trong năm 2012 này khi liên tục trì hoãn việc mang vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông lên bàn thảo luận. Các nhà bình luận quốc tế cho rằng, khi Hội nghị thượng đỉnh Đông Á kết thúc, kẻ chiến thắng duy nhất là Trung Quốc.

Khi ông Hun Sen đọc bài tuyên bố bế mạc hội nghị dài 11 trang với vai trò là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, người ta không thấy ông nhắc đến một lần nào cụm từ Biển Đông (South China Sea) và đây lại là một chiến thắng nữa của Trung Quốc trong việc ngăn chặn vấn đề Biển Đông được đặt lên bàn nghị sự chính thức đa phương.

Một số phóng viên cho rằng họ đã nhìn thấy một nụ cười khác của ông Ôn Gia Bảo dù nó diễn ra rất nhanh.

clip_image004

Vẻ mặt thất vọng của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (ngoài cùng bên phải) tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

“Vai trò Chủ tịch của Campuchia trong năm nay đã thực sự là một thảm hoạ”, chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á, David Brown – người vừa rời khỏi phòng họp của Hội nghị – phát biểu.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã liên tục rót tiền vào đầu tư tại Campuchia cũng như cung cấp một cách khá hào phóng những khoản vay hỗ trợ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Hiện, tổng số nợ của Campuchia với Trung Quốc đã lên tới 4,7 tỷ USD, chiếm gần 1/3 tổng thu nhập của nền kinh tế nước này.

Cái giá của sự “hào phóng” ấy đã thể hiện rất rõ trong năm nay khi Campuchia đã tận dụng tối đa quyền lực của nước chủ tịch ASEAN để ngăn chặn những cuộc thảo luận về tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông trong sự phản đối mạnh mẽ của các quốc gia thành viên khác, hay thậm chí là chọc tức cả Philippines, đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực.

ASEAN, tổ chức 45 tuổi đời này bấy lâu nay đã được xây dựng trên cơ sở của sự đồng thuận và nhất trí nhưng những nguyên tắc này đã bị sứt mẻ khá nhiều khi họ tìm cách giải quyết thách thức an ninh lớn nhất của mình. Hồi tháng 7 vừa qua, tại Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, đã không có một tuyên bố chung nào được đưa ra, sự bất thường chưa hề có tiền lệ trong suốt lịch sử 45 năm tồn tại của khối. Nguyên nhân cũng chỉ vì sự bất đồng trong vấn đề Biển Đông giữa chủ nhà Campuchia và Philippines.

Tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo ASEAN trong tuần qua, những căng thẳng đã lại xuất hiện suýt chút nữa khiến Hội nghị bị đổ vỡ khi ông Hun Sen công bố bản tuyên bố dự thảo trong đó khẳng định rằng các quốc gia thành viên ASEAN đã “nhất trí không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và những tranh chấp chủ quyền giữa ASEAN và Trung Quốc”. Philppines ngay lập tức đã lên tiếng phản đối và bác bỏ tuyên bố này của chủ nhà Campuchia.

Tần Cương, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã “châm chọc” Manila rằng: “8 trong số 10 vị nguyên thủ của ASEAN đã đồng ý không quốc tế hóa những tranh chấp này. Điều đó rõ ràng là một sự nhất trí. Tôi nghĩ rằng những người tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á phải là những người rất giỏi toán. Vậy 10 trừ đi 2 thì số nào lớn hơn?”.

clip_image006

Các nhà bình luận quốc tế cho rằng, khi Hội nghị thượng đỉnh Đông Á kết thúc, kẻ chiến thắng duy nhất là Trung Quốc.

Trên Biển Đông, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền của mình thông qua một “đường chữ U 9 đoạn” (đường lưỡi bò) nhưng điều đáng nói là đường lưỡi bò này đã bao gần như trọn những vùng biển thuộc chủ quyền của các nước Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia. Chính tuyên bố ngang ngược này của Trung Quốc đã khiến các nước Việt Nam và Philippines phải tích cực tăng cường năng lực quốc phòng thông qua việc xây dựng một lực lượng hải quân mạnh hơn.

Không chỉ đổ tiền để “mua tình bạn”  với Campuchia, Trung Quốc cũng đang trở thành đối tác thương mại và đầu tư rất lớn của Lào hay Myanmar. Trước khi sang Campuchia tham dự Hội nghị thượng đỉnh, ông Ôn Gia Bảo đã ghé qua Thái Lan và ký bản thỏa thuận mua gạo của nước này – một hành động được cho là cạnh tranh sức ảnh hưởng của Trung Quốc với quốc gia vốn khá thân cận với Mỹ. Thỏa thuận mua gạo của Trung Quốc trong thời điểm này có ý nghĩa khá đặc biệt đối với Chính phủ của bà Yingluck Shinawatra bởi các chính sách dân túy và hỗ trợ nông dân của bà đã khiến Thái Lan đang tồn kho tới 14 triệu tấn gạo.

Dù vẫn khá tích cực gây ảnh hưởng bằng con đường ngoại giao và âm thầm chia rẽ ASEAN nhưng Trung Quốc biết rằng nếu biện pháp ngoại giao thất bại, họ vẫn có lợi thế khá lớn trên Biển Đông bởi chi tiêu cho quân sự của nước này lớn hơn rất nhiều so với tổng mức chi tiêu của 10 nước ASEAN cộng lại.

Trung Quốc vừa mới ra mắt thế hệ lãnh đạo mới nhưng trước khi chính thức kết thúc nhiệm kỳ, ông Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần phải tích cực hơn nữa trong việc nâng cao năng lực hải quân để bảo vệ quyền lợi quốc gia và cần phải “đảm bảo chiến thắng trong những cuộc chiến tranh ở khu vực”.

Bên cạnh tranh chấp với các quốc gia ASEAN ở Biển Đông, hiện Trung Quốc cũng đang có những cuộc đối đầu căng thẳng với Nhật Bản xung quanh việc tranh giành chủ quyền đối với quần đảo Senkaku.

Tuy vậy, hiện nay Trung Quốc cũng đang rất lo lắng trước viễn cảnh bị Mỹ bao vây trên khắp châu Á, đặc biệt là khi Tổng thống Obama công bố chiến lược “lấy châu Á – Thái Bình Dương làm trọng tâm”.

Nguồn: infonet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn