Đối phó với Trung Quốc bằng cách nào

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực, đã đến lúc phải nhìn vấn đề một cách cụ thể hơn, ngay cả tình huống chiến tranh sẽ được Trung Quốc tiến hành.

CHINA E-PASSPORT

AFP photo. Những tấm hộ chiếu điện tử Trung Quốc đang được in với bản đồ hình "lưỡi bò" bên trong hộ chiếu. Ảnh chụp hôm 08/5/2012

Đài Á châu Tự do đưa ra hai câu hỏi cho ba nhân sĩ trí thức hải ngoại nhằm tìm hiểu thêm nguyện vọng của một số lớn người Việt trước tình hình căng thẳng và rất nguy hiểm cho đất nước hiện nay.

Ba vị khách mời là Giáo sư Vũ Quốc Thúc hiện sống tại Pháp. Giáo sư đã giảng dạy tại Đại học Luật khoa Sài Gòn và từng giữ chức Quốc vụ khanh từ năm 1968 cho tới 1972 dưới Chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Khách mời thứ hai là TS Phùng Liên Đoàn chuyên viên về hạt nhân. Trước năm 1975 ông làm việc tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, sau năm 75 ông là Tổng giám đốc Công ty tư vấn Professional Analysis có văn phòng tại Nevada và Tennessee chuyên tư vấn các vấn đề về nhà máy hạt nhân.

Người thứ ba là ông Ngô Nhân Dụng, trước năm 1975 ông là giáo sư văn chương ở các trường Chu Văn An, Nguyễn Du. Sau năm 1975 ông giảng dạy tại các trường Võ bị Hoàng gia St. Jean, Đại học Concordia, Đại học McGill và Đại học Québec tại Montréal (UQAM) về môn Tài chánh xí nghiệp. Hiện nay ông là cây bỉnh bút của nhật báo Người Việt Tại California.

Việt Nam cần làm gì?

Mặc Lâm: Thưa Giáo sư, theo ông thì Việt Nam cần tập trung vào điều gì nhất trong chiến lược lâu dài nhằm đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông?

Giáo Sư Vũ Quốc Thúc: Theo tôi thì Việt Nam chúng ta phải tìm cách thay đổi thể chế của mình đã. Trước hết mình phải làm thế nào cho mỗi người Việt Nam trong hay ngoài nước đều hãnh diện mình là người Việt Nam. Chuyện làm tôi bận tâm nhất là một phần lớn người Việt ở hải ngoại không muốn về nước nữa. Trong khi đó lại có xu hướng người trong nước, nhất là người trẻ lại muốn được ra hải ngoại để sung sướng hơn. Chuyện Biển Đông một khi chúng ta thống nhất, đoàn kết, một lòng một dạ thì ta không sợ ai cả. Một khi nhất trí thì mình sẽ bảo vệ đất nước một cách dễ dàng còn nếu chia rẽ trong nội bộ thì ngoại quốc sẽ lợi dụng tình trạng đó để xâm chiếm lãnh thổ của mình. Phải thống nhất nhân tâm. Khi toàn dân đồng lòng và lúc đó các đường lối được áp dụng chỉ chú trọng tới quyền lợi tối thượng của dân tộc chứ không riêng cho ai cả.

Mặc Lâm: Cũng câu hỏi này xin được dành cho nhà báo Ngô Nhân Dụng.

Phải biến vấn đề này thành vấn đề quốc tế chứ mình không thể cứng được bởi vì Việt Nam chỉ thiệt mà thôi, bởi không có lợi gì trong cuộc đọ sức không cân xứng này.

TS Phùng Liên Đoàn

Nhà báo Ngô Nhân Dụng: Đối với vần đề Biển Đông tôi nghĩ chính quyền Việt Nam ngay bây giờ nên tìm cách quốc tế hóa vấn đề này. Đưa vấn đề này ra trước nhất tại Đông Nam Á và thứ hai là đưa ra trên các diễn đàn và các tòa án quốc tế để yêu cầu Trung Quốc phải giảm bớt những hành động có tính cách xâm lược, đè nén đối với người dân Việt Nam chứ không phải đối với chính quyền Việt Nam.

Đây là một việc cần làm ngay nhưng muốn cho công cuộc bảo vệ chủ quyền của nước ta ở Biển Đông hữu hiệu và lâu dài thì chuyện đầu tiên là Việt nam phải mạnh lên. Muốn mạnh lên thì Việt Nam cần phải đạt tới tỷ lệ tăng trưởng mỗi năm 9-10%. Việc phát triển kinh tế đó không phải là việc một chính quyền có thể một mình đứng ra làm đựơc mà cần phải có sự tham gia của toàn dân. Mà muốn toàn dân tham gia thì cần phải cải tổ không những cơ cấu kinh tế hiện nay quá chú trọng đến quốc doanh mà cần phải cải tổ cả chính trị để cho dân chúng có được tiếng nói về việc điều khiển công việc quốc gia thì lúc bấy giờ dân mới có thể giàu, nước mới có thể mạnh được.

Mặc Lâm: Và xin TS Phùng Liên Đoàn cho ý kíến.

TS Phùng Liên Đoàn: Theo tôi nghĩ mình là nước nhỏ, yếu mà lại gần Trung Quốc nhất nên họ sẽ đối xử với mình bằng nhiều chuyện như đã rồi. Giống như những trận đánh tại biên giới hay Hoàng Sa, Trường Sa thành ra mình phải hết sức mềm mỏng và phải tìm rất nhiều người bạn quốc tế. Phải biến vấn đề này thành vấn đề quốc tế chứ mình không thể cứng được bởi vì Việt Nam chỉ thiệt mà thôi, bởi không có lợi gì trong cuộc đọ sức không cân xứng này.

Nếu chiến tranh xảy ra...

VIETNAM-CHINA-MARITIME-NAVY-CEREMONY

Lính hải quân Việt Nam với mô hình đảo Trường Sa Lớn tại Hải Phòng hôm 21/10/2012. AFP photo

Mặc Lâm: Bằng kinh nghiệm của mình thì theo quý vị, người Việt hải ngoại có sẵn lòng để đóng góp tiền bạc, trí tuệ thậm chí xương máu khi có chiến tranh xảy ra với Trung Quốc hay không?

TS Phùng Liên Đoàn: Cả hai ba triệu người Việt ở hải ngoại, bất kể làm việc bằng đầu óc hay chân tay họ luôn luôn có những bầu máu nóng yêu nước, nhưng đóng góp bằng cách nào thì đó là một vấn đề khác. Vì đóng góp kể cả xương máu thì phải về Việt Nam đầu quân, nhưng sự thực vấn đề liên lạc giữa Chính phủ Việt Nam và người hải ngoại rất rời rạc không có một điều gì để thúc đẩy cho người Việt hải ngoại về Việt Nam thực hiện điều đó. Hai nữa đóng góp ở ngoại quốc thì bằng tiền bạc hay vận động những cơ quan bạn bè hay chính phủ của nước sở tại thì tôi nghĩ người Việt có thể làm được nhưng phải có tổ chức. Tổ chức ra sao, đóng góp cách nào thì cần phải có sự liên lạc rất là thân thiện giữa chính phủ và kiều bào.

Nhưng hiện giờ Chính phủ Việt Nam không màng gì tới ý nghĩ và sự đóng góp của người Việt trong nước. Một số nhỏ làm việc trong tư cách lãnh đạo nhưng quyết định tất cả các công việc hệ trọng của đất nước thành ra làm nản lòng những người muốn đóng góp trí tuệ cũng như sức lực, tiền bạc, xương máu cho đất nước.

Mặc Lâm: Xin được quay lại với Giáo sư Vũ Quốc Thúc.

Giáo Sư Vũ Quốc Thúc: Đó là bổn phận chứ không phải chuyện sẵn lòng hay không sẵn lòng một khi đã coi mình là dân Việt Nam. Nếu có xảy ra chiến tranh với Trung Quốc thì bằng mọi cách phải chống lại kẻ ngoại xâm. Nhưng điều trước tiên là ở trong nước phải làm thế nào để đoàn kết toàn dân. Hơn tám chục triệu người trong nước sẽ bị [hại] trước tiên nếu Trung Quốc xâm lăng. Rồi những người ở hải ngoại cũng sẽ về đóng góp, lúc đó sẽ có những người cho rằng tôi không phải là dân Việt Nam nữa thì những người đó phải có sự chọn lựa. Trái lại nếu bảo rằng Việt Nam không thay đổi nên tôi chẳng về, thế thì mình đã quên tư cách người Việt Nam của mình thì hà tất phải bàn về thái độ đó nữa vì người ta đã chọn lựa rồi.

Đó là bổn phận chứ không phải chuyện sẵn lòng hay không sẵn lòng một khi đã coi mình là dân Việt Nam. Nếu có xảy ra chiến tranh với Trung Quốc thì bằng mọi cách phải chống lại kẻ ngoại xâm.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc

Mặc Lâm: Và nhà báo Ngô Nhân Dụng, ông nghĩ thế nào?

Nhà báo Ngô Nhân Dụng: Bất cứ ai là người Việt Nam, phần lớn người Việt ở nước ngoài đểu có tấm lòng thiết tha đối với Tổ quốc vì vậy họ lúc nào cũng sẵn sàng đóng góp. Hoặc là hiểu biết, Hoặc là tiền bạc, sức lực vào việc bảo vệ chủ quyền của nước Việt Nam. Nhưng tất nhiên người ta cũng phải dè dặt và chỉ góp công vào nếu người ta thấy việc góp công đó đưa tới sự phồn thịnh thật sự cho đất nước. Đưa tới được một nước Việt nam trong đó người dân được tự do phát triển.

Điều kiện để cho tất cả mọi người Việt Nam hải ngoại tham gia vào việc bảo vệ Tổ quốc là phải có một nước Việt Nam thật sự tự do và độc lập.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn ba vị khách mời, cám ơn quý thính giả đã bỏ công theo dõi chương trình lấy ý kiến này.

M.L.

Nguồn: rfa.org

Trí thức Việt Nam phản đối hộ chiếu in hình "lưỡi bò" của TQ

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok

Hơn 140 trí thức Việt Nam tính đến ngày 27 tháng 11 đã ký tên vào Tuyên bố Phản đối Nhà cầm quyền Trung Quốc in hình 'lưỡi bò' lên hộ chiếu công dân.

CHINA E-PASSPORT ELECTRONIC PASSPORT

AFP. Một nữ công an Trung Quốc ở Giang Tô so sánh hộ chiếu Trung Quốc cũ (bên trái) và hộ chiếu điện tử mới (bên phải) hôm 14-05-2012.

Cách làm 'thâm hiểm' của Trung Quốc

Danh sách của số trí thức Việt Nam đầu tiên ký vào tuyên bố vừa nêu gồm những vị nhân sĩ, Giáo sư, các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực, các tu sĩ... Họ là những người đang sinh sống làm việc tại Việt Nam và cả ở nước ngoài.

Số trí thức Việt Nam có chung quan điểm cực lực phản đối hành động bị cho là khiêu khích của nhà cầm quyền Trung quốc khi cho phát  hành hộ chiếu công dân có in hình lưỡi bò trên đó.

Theo các trí thức ký tên trong tuyên bố phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc in hình 'lưỡi bò' lên hộ chiếu công dân thì hành động đó của chính quyền Trung Quốc có tính toán kỹ lưỡng bấy lâu nay.

Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học VN, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, một trong những người ký tên vào bản tuyên bố nhắc lại cơ sở phản đối của những trí thức Việt Nam đối với hộ chiếu in hình lưỡi bò của Trung Quốc như sau:

Quan trọng hơn nữa là một loạt những bản đồ mà có thể nói cuộc chiến bản đồ nằm trong toàn bộ âm mưu của giới cầm quyền TQ. Cho nên việc in đường 'lưỡi bò' hoang tưởng trên hộ chiếu của nước này là một bước tiến mới trong tham vọng khống chế Biển Đông

Giáo sư Tương Lai

Nghe đâu việc này đã có từ trước, lâu rồi và vừa rồi rộ lên và người ta mới thấy hóa ra đây mới là bộ mặt thật của giới cầm quyền Trung Quốc trong âm mưu muốn biến Biển Đông thành ao nhà riêng của họ. Thực ra âm mưu bành trướng này có từ rất lâu. Trong 50 năm qua họ liên tục có những bước đi thể hiện rõ ràng mục đích này: từ việc xâm chiếm các hòn đảo của các nước trong khu vực (Việt Nam, Philippines...); đồng thời đưa ra những tuyên bố trên mọi diễn đàn quốc tế.

Mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc có in đường 9 đoạn phi lý mà họ đòi hỏi trên Biển Đông. Ảnh: People Daily.

Mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc có in đường lưỡi bò mà họ đòi hỏi trên Biển Đông. Source báo TQ/peopledaily

Quan trọng hơn nữa là một loạt những bản đồ mà có thể nói cuộc chiến bản đồ nằm trong toàn bộ âm mưu của giới cầm quyền Trung Quốc. Cho nên việc in đường 'lưỡi bò' hoang tưởng trên hộ chiếu của công dân nước này là một bước tiến mới trong tham vọng khống chế Biển Đông. Nếu phân tích thì đây là một hành động cực kỳ nham hiểm không chỉ đối với Việt Nam mà cả các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế có chung quyền lợi trên Biển Đông.

Phân minh đúng sai, nói rõ cho dân

Một người nằm trong số 140 trí thức đầu tiên ký vào tuyên bố phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc in hình 'lưỡi bò' lên hộ hộ chiếu công dân, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, người trước đây từng học tập tại Trung Quốc cho biết cần phải làm đúng nguyên tắc:

Ai đến Việt Nam cũng đều có lý do riêng của họ và chúng ta thông cảm đối với họ; nhưng nếu Nhà Nước của họ mà làm thủ tục không được chấp nhận, quan hệ ngoại giao không được đúng thì họ phải chịu thôi. Họ phải tự đấu tranh với chính quyền của họ.

Tôi hoan nghênh anh em công an ở một vài cửa khẩu đã bắt đầu thế rồi. Song nhóm ngày hôm nay như thế, nhóm ngày mai có được thế không? Điều đó liên quan đến chỉ huy, mà chỉ huy nghe lệnh của ai thì chúng ta biết rồi!

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân

Người dân Trung Quốc hay bất cứ người nước nào đến đây cũng có lý do chính đáng. Đi chơi cũng là chính đáng – đi một ngày đàng học một sàng khôn, đi chơi cũng tốt, chúng ta hoan nghênh; nhưng nếu giấy tờ thủ tục ngoại giao không đúng thì ta phản đối. Phản đối tốt nhất là không chấp nhận, không làm. Đó là đúng đắn.

clip_image005

Bản đồ khu vực hình lưỡi bò mà Trung Quốc công bố chủ quyền trên biển Đông. AFP

Tôi hoan nghênh anh em công an ở một vài cửa khẩu đã bắt đầu thế rồi. Song nhóm ngày hôm nay như thế, nhóm ngày mai có được thế không? Điều đó liên quan đến chỉ huy, mà chỉ huy nghe lệnh của ai thì chúng ta biết rồi!

Trong tuyên bố, các trí thức cho biết họ ủng hộ tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam khi tuyên bố việc làm đó của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan đến Biển Đông.

Giáo sư Tương Lai cho rằng cần phải nêu rõ những âm mưu của phía Trung Quốc cho mọi người dân được thấy:

Nếu như ai đó chỉ đặt lợi ích kinh tế ví dụ như lợi ích du lịch, lợi ích đầu tư đi trước thì sẽ chấp nhận điều này, mà khi chấp nhận điều này thì tức đã 'bập' vào kịch bản của Trung Quốc: công nhận hành động bành trướng và thủ đoạn xâm lược của Trung Quốc. Đây là một toan tính mà không thể không vạch trần trước dư luận quốc tế.

Trong nước, việc vạch trần điều này ra có ý nghĩa lớn lắm vì từ lâu về mặt Nhà nước hay nói đến '16 chữ vàng' và '4 tốt' trong mối quan hệ với Trung Quốc. Thậm chí còn tuyên bố vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề 'toàn cục' trong mối quan hệ Việt - Trung, rồi 'đừng để vấn đề Biển Đông làm ảnh hưởng mối quan hệ Việt - Trung'. Đó là những luận điệu không thể nào chấp nhận được vì đó là sự 'ru ngủ' trước hành động xâm lược thực sự của Trung Quốc.

Nếu như ai đó chỉ đặt lợi ích kinh tế ví dụ như lợi ích du lịch, lợi ích đầu tư đi trước thì sẽ chấp nhận điều này, mà khi chấp nhận điều này thì tức đã 'bập' vào kịch bản của Trung Quốc: công nhận hành động bành trướng và thủ đoạn xâm lược của TQ.

Giáo sư Tương Lai

Cương quyết hơn

Đối với những động thái từ các cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện như công an ở một số cửa khẩu của Việt Nam không đóng dấu vào hộ chiếu có in hình 'lưỡi bò' của người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân vẫn còn nghi ngại và bà đòi hỏi cần phải quyết liệt hơn và phải làm đến cùng trong vấn đề này:

Thực sự mà nói tôi có hiểu một điều là nếu đụng độ mà chưa xảy ra, máu chưa đổ thì chưa thể thay đổi được. Ta làm việc gì đó mà chưa tích cực tức kéo dài quan hệ xấu, nuôi dưỡng quan hệ xấu. Nếu tích cực hơn, hôm nay có thể xấu nhưng ngày mai tốt lên. Đó mới là niềm hy vọng của mọi người.

Giáo sư Tương Lai nhắc lại những bài học lịch sử của Việt Nam trong việc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc từ phương Bắc:

Từ thế kỷ thứ 13, đứng trước lực lượng quá chênh lệch – mấy chục vạn quân Nguyên kéo đến, ông cha ta đã dùng sức mạnh dân tộc qua Hội nghị Diên Hồng để phát động tinh thần quyết chiến bằng cách ghi trên hai cánh tay hai chữ 'Sát Thát'. Chính nhờ đó mới có ba lần đánh thắng quân Nguyên.

Thực sự mà nói tôi có hiểu một điều là nếu đụng độ mà chưa xảy ra, máu chưa đổ thì chưa thể thay đổi được. Ta làm việc gì đó mà chưa tích cực tức kéo dài quan hệ xấu, nuôi dưỡng quan hệ xấu. Nếu tích cực hơn, hôm nay có thể xấu nhưng ngày mai tốt lên.

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân

Ngày nay âm mưu của Trung Quốc nham hiểm hơn; nhưng thế và lực của Việt Nam cũng khác trước rất nhiều. Đặc biệt bây giờ chúng ta có mối quan hệ với các nước ASEAN. ASEAN rất ngại âm mưu bành trướng của Trung Quốc sang Biển Đông xuống vùng Đông Nam Á. Mà Việt Nam là nước cận kề mà Trung Quốc xem như là khúc xương mắc ngang cuống họng không cho họ nuốt trôi vùng Đông Nam Á và Biển Đông.

Lợi ích của họ đối với Biển Đông có thể nói rất lớn, và họ đang muốn trở thành cường quốc về biển nữa, cho nên họ tăng cường lực lượng hải quân. Điều đó uy hiếp sự độc lập và phát triển của các nước Đông Nam Á cũng như của nhiều nước có mối quan hệ gắn bó với Châu Á - Thái Bình Dương từ Châu Âu, Châu Mỹ. Nếu nhà cầm quyền Việt Nam biết tranh thủ được lợi thế đó thì có thể nói có thể làm nhiều điều tốt hơn ông cha ta đã làm từ thế kỷ thứ 13.

Bản Tuyên bố Phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc in hình 'lưỡi bò' lên hộ chiếu công dân mà các trí thức Việt Nam đưa ra được làm tại ba thành phố Hà Nội- Huế- Sài Gòn hồi ngày 25 tháng 11 năm 2012.

G.M.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn