Trong vương quốc của Kim Jong Un

Susanne Koelbl

Phan Ba dịch từ Der Spiegel  41/ 2012

Giới lãnh đạo của đất nước nghèo nàn này không còn có thể tránh né sự toàn cầu hóa được nữa. Người dân mong chờ chế độ mở cửa và cải cách. Người trẻ tuổi đứng đầu nhà nước ra vẻ an cần với dân chúng, nhưng bộ máy của ông ấy vẫn còn giám sát tất cả mọi việc.

clip_image001

Thành phố cảng Wosan của Triều Tiên. Ảnh: Der Spiegel

Cuộc trao đổi khựng lại, thêm lần nữa. Người phiên dịch phải chuyển ngữ khái niệm “làng Potemkin”. Anh ấy ngần ngừ. “Điều đấy có nghĩa là gì?”, anh Kim hỏi. “Có nghĩa là chúng tôi chỉ nhìn thấy bề ngoài ở đây thôi”, anh ấy nhận được câu trả lời: “Các anh chỉ cho chúng tôi xem những cái giả là tăng trưởng và tiến bộ, như hầu tước người Nga Potemkim ngày xưa.” Anh Kim nên google diễn đạt này. Nhưng người phiên dịch không thể google “làng Potemkin” được. Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là nước duy nhất trên thế giới mà người dân của nó không có kết nối với mạng lưới khắp thế giới.

Người phiên dịch 21 tuổi đấy chưa từng bao giờ rời Triều Tiên, anh ấy tin vào chiến thắng sắp tới đây của cuộc Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa và bây giờ muốn giới thiệu những thành quả của quê hương anh ấy: thủ đô được làm đẹp để kỷ niệm ngày sinh thứ 100 của người lập quốc Kim Nhật Thành cùng với khu nhà cao tầng mới trông giống như kiến trúc của Hundertwasser, nhưng với nhiều bê tông. Giới ngoại giao phương Tây ở Bình Nhưỡng gọi nó nửa yêu mến nửa chế nhạo là “Manhattan Skyline” mới.

Anh Kim không  hiểu tại sao những người khách nước ngoài lúc nào cũng đặt ra những câu hỏi đấy: Tại sao ở đây có nhiều người đàn ông mặc quân phục đến như vậy? Triều Tiên có thật sự cần tên lửa tầm xa không? Tại sao 60% ngân sách nhà nước lại được dùng cho vũ trang trong khi tổng sản phẩm nội địa hàng năm trên đầu người chỉ vừa tròn 960 dollar và một người trưởng thành trung bình hàng ngày chỉ có được 2150 calo? Chính quyền cần trại cải tạo để làm gì? Tại sao chúng tôi chỉ đi xe trên những con đường đẹp nhưng không được vào xem các khu phố dân cư bình thường. Và cuối cùng: Tại sao không bao giờ chúng tôi được phép đi lại mà không có người theo dõi?

Điều đấy quá nhiều đối với anh Kim. Vào cuối ngày, anh ấy xin được thay bằng người khác.

Vào buổi tối, đứng trước khách sạn Yanggakdo, một công trình xây dựng mới của 1995 với 47 tầng lầu, là một người đàn ông với đôi mắt nhanh nhẹn và mái tóc thưa. Bộ complê của ông ấy thật là lịch sự, như thể Emporio Armani vừa mới cắt nó cho Mao Trạch Đông vậy.

Ông Hong tự giới thiệu mình là người hướng dẫn mới cho nhóm chúng tôi. Vấn đề là đi xem xem trong Triều Tiên có thay đổi điều gì dưới quyền của nhà độc tài Kim Jong Un hay không. Mười ngày với tàu hỏa và ô tô qua một đất nước đóng kín, sẽ có nhiều câu hỏi. Ông Hong 57 tuổi, trước đây ông đã làm việc trong Đại sứ quán Triều Tiên ở Berlin, trước khi thống nhất và sau khi thống nhất. Ông Hong quen biết thế giới.

Ông ấy thân thiện chìa tay ra, ông ấy mỉm cười. Trong Bình Nhưỡng, ai ở cấp bậc này và ở độ tuổi này mà nhận hướng dẫn những người khách tò mò thì theo thông tin của các chuyên gia phương Tây chắc chắn là thuộc bên an ninh.

Ngày kế tiếp đây sẽ là một ngày đặc biệt cho người giám sát chúng tôi cũng như cho chúng tôi, những người khách. Trước đây đúng 64 năm, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được tuyên bố thành lập. Có diễu hành đông người, múa tập thể, biểu diễn thể dục đông người trong sân vận động, những cái vượt quá tất cả các tưởng tượng của biên đạo múa, có 100.000 người biểu diễn.

Chẳng bao lâu sau đó, ông Hong trợn mắt lên, ông ấy gọi to: “Những bức ảnh này, ngừng ngay! Anh làm cho tôi đau đầu!” Sự tức giận của Hong là dành cho nhiếp ảnh gia Andreas Taubert, người đơn giản là cứ chụp ảnh quá ư là nhiều. Cuộc tranh cãi về ảnh đúng và ảnh sai của Triều Tiên sẽ đi theo chúng tôi cho tới ngày cuối cùng của cuộc hành trình.

clip_image002

Nhà mới trong thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Der Spiegel

Chụp ảnh tập thể dục đông người trên nguyên tắc là được phép, ngay cả khi trong sân vận động có người biểu diễn đông gấp ba lần người xem. Nhưng diễu hành quân đội là điều cấm kỵ, đặc biệt là khi quân đội đến trên những chiếc xe tải xả khói mù mịt của họ, những chiếc vì thiếu xăng dầu mà một phần phải chạy bằng củi.

Những người bán pin, ngồi xổm ở ven đường và buôn bán với hàng hóa ít ỏi của họ, là bị cấm, đấy có thể trông giống như sự thất bại của nền kinh tế kế hoạch. Ô tô trong giao thông thủ đô có thể được cho xem, nếu không thì người ta lại nói rằng đường phố của Bình Nhưỡng trống vắng, ông Hong nói, nhưng những chiếc VW Touareg sáng chói của quan chức cấp cao thì không. Vườn táo và trại nuôi súc vật thì được phép, chúng cho thấy sự sản xuất thực phẩm tốt, không hoan nghênh là hình ảnh những người phụ nữ đội vật nặng trên đầu hay nữ công nhân đổ mồ hôi trên đồng ruộng.

Triều Tiên vẫn là quốc gia khó hiểu nhất trên thế giới. Giống như lịch sử đã trùm một cái vòm bằng kính lên trên đất nước này và giữ thời gian lại – ngay trong cuộc Chiến Tranh Lạnh.

Ở gần thành phố cảng Wonsan, trong nhà máy sản xuất nông nghiệp “Nguồn Ba Làng”, phụ nữ đã dùng liềm cắt lúa ngay từ lúc mặt trời mọc. Họ mang ngôi sao đỏ trên những chiếc mũ lưỡi trai của họ. Tấm ảnh của người nữ nông dân tốt nhất được treo trước nhà câu lạc bộ của đội, được viền quanh bởi một vòng hoa bằng nhựa. Em trai Jun Hak Ljong năm tuổi, em đứng trong bếp của bố mẹ, những người đã ra đồng. Hôm nay em làm gì? “Chờ”, em nói. Ước ao lớn nhất của em là gì? “Làm lính”.

Quân đội đã dựng chướng ngại vật bằng thép lên trên con đường là ngõ ra của Wonsan. Những người lính trong quân phục màu nâu có thắt băng trên cánh tay kiểm soát ô tô và mỗi một người đi bộ. Tất cả đều cần một giấy thông hành. Không ai trong đất nước này rời một huyện, một tỉnh hay chỉ một khu phố mà không có ai biết.

Nhà nước ở khắp nơi, giám sát và thống trị cuộc sống của người dân, như một người cha.

Trẻ em ba tuổi học bước đều hành quân trong nhà trẻ, thiếu niên tiền phong được chia công việc lao động, đó là những đứa trẻ con mười, mười một tuổi. Đàn ông phải đi lính ít nhất là ba năm, họ dường như hoạt động ở khắp nơi, đổ mồ hôi trong những chiếc áo quân phục màu xanh của họ trên công trường, trong những con hào cạnh đường, trên các quảng trường. Cứ giống như là những chàng trai trẻ tuổi đó dùng cuốc xẻng đào tung cả đất nước lên. Chỉ vì toàn bộ sinh viên trước đó đã được điều động từ trường đại học đi lao động một năm mà thủ đô mới được đánh bóng kịp thời trong tháng 4 nhân các buổi lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Kim Nhật Thành.

Ở Triều Tiên không có cá nhân, chỉ có tập thể.

Con người ở đây gầy ốm và trẻ con quá bé so với tuổi. Cơm và kim chi, rau cải muối cay, tuy làm cho no nhưng thiếu vitamin và protein. Người ta thích dẫn khách đến các trang trại nuôi đà điểu và rùa. Đó là sự tiến bộ, người ta cho là thế.

Thế nhưng lực hút của toàn cầu hóa cũng đã đến với khu dự trữ Stalin cuối cùng. Có một ít tiền còn vương lại trong nước, và thế là người ta có thể quan sát thấy ngay rằng lý tưởng Xã hội Chủ nghĩa đã bị mua chuộc đút lót như thế nào.

clip_image003

Xe tải chạy bằng củi đốt. Ảnh: Der Spiegel

Trong chuyến tàu đêm từ Bắc Kinh về Bình Nhưỡng chỉ còn có một lối đi hẹp giữa tất cả những thùng cacton cho loa Hi-Fi, máy điều hòa nhiệt độ, đồ dùng làm bếp. Những người đàn ông đang hút thuốc, những người mặc áo thun lót chơi bài ở trong toa, là công nhân viên nhà nước và quân nhân của chế độ Bắc Triều Tiên. Ở biên giới, nhân viên hải quan quay mặt đi vì một vài trăm đồng nhân dân tệ Trung Quốc và một tút thuốc lá.

Bây giờ, máy điện thoại di động có giá 150 dollar Mỹ ở Bình Nhưỡng, ít nhất, gấp 100 lần lương tháng của một thầy giáo. Mặc dù vậy, đã có hơn một triệu người dân sở hữu một chiếc điện thoại di động. Tiền cho việc đấy đến từ những con đường đen tối. Họ không thể gọi ra nước ngoài, và người Bắc Triều Tiên chỉ có thể nói chuyện với người Bắc Triều Tiên. Thế nhưng nước Cộng hòa đã thông thoáng hơn. Tin tức lan truyền đi trong vòng vài phút từ thành phố cảng Haeju ở miền Nam đến Kyongwon ở tít miền Bắc.

Trung Quốc đã đi trước và bây giờ mở cánh cửa đi đến Chủ nghĩa Tư bản cho người Bắc Triều Tiên. Hàng ngày, có những chiếc tàu thủy đầy container với màn hình mỏng, quần áo thời trang và thực phẩm rời cảng Đại Liên của Trung Quốc hướng về thành phố cảng Nampo của Triều Tiên. Ở Bình Nhưỡng, cửa hàng mua sắm Rakwon (“Thiên Đàng”) mới đây đã bán Whiskey từ Kenntucky, giày thể thao của Adidas và các loại nước hoa thông dụng nhất của Pháp lấy dollar cứng.

Đó có là Chủ nghĩa Xã hội mới không? Ông Hong nheo mắt lại, ông ấy biết rằng ở đây có nhiều thứ không còn phù hợp với nhau nữa, những tòa nhà cao tầng của thủ đô và những lán nhà ở nông thôn, ba chiếc Maybach mà thời gian vừa qua các nhà quan sát từ Phương tây cho rằng đã nhìn thấy trong thủ đô, và những chiếc  xe bò trên đồng ruộng.

Đối với ông Hong, việc đấy không chỉ là một vài mâu thuẫn. Lúc nào thì chế độ sẽ sụp đổ? Nhiều nhà ngoại giao phương Tây tự hỏi ở đây mỗi ngày. Những người như Hong làm việc để ngăn chận điều đó.

Và cho tới nay thì lần sụp đổ đã không xảy ra. Người ta loay hoay tìm phương cách, tốt như có thể. Ví dụ như bác sĩ Un Ja Su. Nhà y khoa này là một người đàn ông trong độ tuổi năm mươi, tóc dầy, cười to và răng vàng. Bác sĩ Un làm việc trong một phòng khám bệnh nhỏ ở nông thôn, bệnh nhân của ông là nông dân, những người đã trượt xuống dưới bánh xe máy kéo, hay công nhân xây dựng ngã xuống từ trên mái nhà. Dự trữ trong chiếc tủ thuốc bằng kính của bác sĩ Un hiện giới hạn ở cồn và dung dịch diệt khuẩn, ống tiêm dùng một lần bơi trong một dung dịch tẩy rửa.

Ông cần điều gì cấp bách nhất? “Hiện đại hóa”, người bác sĩ nói. Bác sĩ Un cũng không nên nói nhiều hơn, ông Hong hối thúc ra đi, nhanh chóng.

10.000 người Bắc Triều Tiên hiện đang là công nhân khách ở Trung Quốc trong nhà hàng và trên công trường xây dựng. Họ gửi tiền về nhà, Đại sứ quán Trung Quốc vừa cấp thêm 10.000 thị thực lao động nữa, thêm từng ấy người đang đốn cây trong những khu rừng của Nga hay làm việc trong các quốc gia vùng Vịnh, ở Dubai, Abu Dhabi.

Theo thông tin của Bộ Ngoại giao ở Bình Nhưởng, một bác sĩ Bắc Triều Tiên có giá 1900 euro một tháng, nếu như ông ấy được mượn sang Đức như lao động có chuyên môn, và Un Kjung Kim hy vọng rằng chẳng bao lâu sau này sẽ thuộc vào trong số đó. Người nữ bác sĩ 25 tuổi, cô đang học một khóa ngoại ngữ trong Cung Nghiên cứu Nhân dân, giống như một đại học nhân dân cho số đông. Un Kjung Kim nói hầu như không có giọng địa phương: “Chị có khỏe không? Tôi rất thích sang đất nước của chị.”

Người Bắc Triều Tiên có thể để cho người Mỹ trả tiền, nếu như họ từ bỏ chương trình hạt nhân của họ hay ít nhất là cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế thanh tra.

Thế nhưng chính phủ Bình Nhưỡng thích thực hiện một chính sách nhiều rủi ro hơn: tăng trưởng qua thương mại với Trung Quốc, qua những mối liên kết mới với nước Nga mà chính phủ của nó vừa xóa một phần lớn nợ cho đất nước nghèo này. Và có một niềm hy vọng to lớn mới: du lịch như là nguồn mang lại ngoại tệ. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng chẳng bao lâu nữa 100.000 khách thăm hàng năm sẽ giúp đổi mới nền kinh tế đang nằm kiệt quệ đó.

clip_image004

Người hướng dẫn khách Hong. Ảnh: Der Spiegel

Ông Hong trẻ hơn nước Cộng hòa chỉ một vài năm. Là đứa con đầu của bảy người con của một kỹ sư đường sắt từ thành phố cảng Wonsan, ông ấy trải qua thời kỳ đầu hân hoan của Chủ nghĩa xã hội, ông ấy học trung học, học đại học. Không có nạn mù chữ trong Triều Tiên, đất đai màu mỡ, con người khôn ngoan, siêng năng. Cho tới cuối những năm 60, nước Cộng hòa Nhân dân công nghiệp hóa đứng trước Hàn Quốc.

Rồi đất nước trượt vào khủng hoảng, như tất cả các nước của khối phía Đông. Nó không bao giờ hồi phục được. Bức màn sắt rơi xuống, và đến một lúc nào đó, phần lớn những người cộng sản đều trở thành nhà tư bản, chỉ Triều Tiên là cương quyết giữ vững đường lối. Có lẽ chế độ này cũng sống sót được vì nhiều người Bắc Triều Tiên, khác với con người ở Nga hay Ba Lan, có cảm giác gắn bó với người lãnh tụ của mình giống như một sự tôn thờ trong tôn giáo, trong một gia đình mở rộng. Đó không phải lúc nào cũng là những hình ảnh giả vờ, khi người lãnh tụ trẻ tuổi, đồng chí Kim Jong Un, đi thăm quân đội và muốn để cho chụp ảnh lần lượt với các nữ học viên sĩ quan trẻ tuổi, đang phát cuồng lên và mắt ướt đẫm.

Ông Hong cũng như hầu hết người Bắc Triều Tiên đều hãnh diện vì chương trình nguyên tử của Triều Tiên. “Tác động rất lớn, ngoài ra thì ai sẽ bảo vệ chúng tôi?”. Tên lửa Mỹ từ Hàn Quốc đe dọa Bình Nhưỡng, người ta chỉ bảo vệ mình thôi.

Người Bắc Triều Tiên xây lò phản ứng nguyên tử 5 MW của họ hầu như không có sự giúp đỡ, trong cái được gọi là thiết kế Magnox. Trong những năm 90, các kỹ sư hạt nhân đã có thể hiện đại hóa rất nhiều chương trình này nhờ vào nhà khoa học nguyên tử Pakistan Abdul Qadir Khan.

Trong tháng 4, vào dịp duyệt binh nhân ngày sinh của Kim Nhật Thành, Quân đội Nhân dân Triều Tiên trình diễn một loại tên lửa tầm xa, cái, nếu như nó hoạt động, có thể vươn đến bờ biển phía Tây của Hoa Kỳ với một cái đầu đạn hạt nhân. Giới tình báo không biết rõ mô hình này đã hoàn chỉnh cho tới đâu. Nhưng chắc chắn là chính quyền ở Bình Nhưỡng vẫn muốn tiếp tục thách thức Hoa Kỳ hùng mạnh. Con đường quay trở về bàn thương lượng dường như tạm thời bị chận lại.

Đại úy Kim Shang Shin đứng trên một tháp quan sát ở đường phân ranh giới, với một cái ống nhòm chính xác, ông ấy nhìn sang phía bên kia của Triều Tiên. Người cha là lính trong Chiến tranh Triều Tiên, người con trai đóng quân tại đồn biên giới này từ tám năm nay. Đại úy Kim quan sát những người lính Nam Hàn đang tập họp để tập thể dục buổi sáng ở phía sau cái hàng rào cao.

Không còn xảy ra vụ việc nào trong khu vực của ông ấy từ năm 1980. Bù vào đấy, người ta tăng cường vũ trang bằng mồm trong những ngày này. “Một phát súng từ bọn họ thôi, và toàn bộ quân đội của chúng tôi sẽ hoạt động”, Kim nói, ông ấy kéo khóe miệng xuống dưới và chỉnh chiếc mũ sĩ quan lại cho ngay ngắn.

Quyết định về chiến tranh và hòa bình phụ thuộc vào một người đàn ông trẻ tuổi mà người ta còn không biết chắc chắn tuổi của ông ấy nữa, ông ấy có thể là 29 tuổi, có lẽ mới 28. Kim Jong Un, đứa cháu trẻ tuổi nhất của người lập quốc, đã tiếp nhận công việc chính phủ từ sau cái chết của người cha ông ấy Kim Jong Il trong tháng 12 năm 2011.

Ông Hong thấy rằng cho tới nay ông ấy đã làm việc tốt. “Người dân quý mến ông ấy và vợ của ông ấy.” Trong một chế độ độc tài với đảng thống nhất, trại cải tạo và trại lao động cho tù nhân chính trị, hầu như không thể nói một điều gì khác đi được.

Nhưng cũng có thể có một cái gì đó là sự thật ở trong đấy.

clip_image005

Cửa hàng ở Bình Nhưỡng. Ảnh: Der Spiegel

Cho tới tận những lọn tóc xoăn trên trán, các nhà cố vấn vẻ ngoài cho Kim Jong Un đã khiến cho người cai trị trẻ tuổi đó trông giống ông nội của mình một cách đáng ngạc nhiên. Người đàn ông trẻ tuổi đó còn đội cả cái nón rơm lỗi thời của ông ấy, kiểu đấy bây giờ lại là mốt trên đường phố của Bình Nhưỡng. Người con trai của một vũ nữ sinh tại Nhật dường như quyết tâm cải tạo di sản của cha mình theo một cách riêng biệt.

Trong giới công cộng, Kim Jong Il gần như không nói toàn vẹn được một câu, và ông ấy hầu như không bao giờ xuất hiện. Có thể thấy người con trai hàng ngày trong truyền hình, ông ấy nói đùa và nói nhiều. Vào lúc ban đầu, Kim Jong Un chỉ đi thăm quân đội.

Mới đây, ông ấy cũng tạt qua nhân dân, ông ấy chỉ bảo cách nêm trong bếp ăn và ngồi trên sàn nhà trong phòng khách của người dân Bình Nhưỡng. Đàn ông uống rượu và người vợ trẻ tuổi của Kim, Ri Sol Ju, một bạn đồng học cũ, rửa bát. Có thể xem tất cả những cái đó vào buổi tối, được phát trong một vòng bất tận trong chương chình duy nhất của truyền hình Bắc Triều Tiên.

Khu vực chính trị ở đây cũng bí ẩn như những cuộc tranh giành quyền lực Xô viết trong điện Kreml ngày xưa. Câu hỏi hiện đang quan trọng nhất là: Kim Jong Un thật sự có quyền lực hay không, hay nó nằm ở những người đàn ông già nua xung quanh ông ấy?

Vụ thay thế Tổng tham mưu trưởng Ri Yong Ho vào giữa tháng 7 có thể cho một câu trả lời. Người ta cho là trong giới quyền lực cao nhất đã có tranh cãi về việt cắt giảm ngân sách cho quân đội, một quân đội mà đã phồng ra quá to và trong khi đấy thì lại hoàn toàn lỗi thời; với 1,2 triệu lính, Bắc Triều Tiên có quân đội lớn thứ tư thế giới. Tướng Ri nhiều quyền lực không muốn chấm dứt học thuyết “quân đội trước hết” đã có hiệu lực cho đến nay, và hẳn ông ấy đã nghĩ rằng có thể thành công được. Cho tới nay, giới quân đội thống trị Đảng, bây giờ thì dường như ngược lại, Đảng tái kiểm soát quân đội.

Ngày nay, liệu Tướng Ri có ngồi ở nhà như người về hưu, hay rơi vào trong một trại giam hay đã chết, người ta không biết được. Giới mật vụ chỉ có thể tường thuật về những vụ hành hình có nhiếu thêm, do người cai trị trẻ tuổi ban hành.

Lần mở cửa dè dặt hướng đến nhiều tự do trong kinh tế hơn có được trả giá bằng tăng cường đàn áp hay không? Có thể nhìn thấy sự tiến bộ cụ thể nhất là ở đâu?

Ông Hong lại trợn tròn mắt lên, ông ấy rít thật dài điếu thuốc lá của ông ấy. “Không, không, không, đấy không có trong kế hoạch của chị!”, ông ấy nói. Ông Hong đã nói bảy lần rồi, và ông ấy vẫn còn kiên cường mỉm cười. Chúng tôi chửi rủa, chúng tôi xoa dịu, chúng tôi cùng nhau uống ba ly rượu lúa mì. Ông ấy không đổi ý. Chợ Tong Il là điều cấm kỵ.

Trong khi đấy thì chính ông Hong lại ở đối diện với chợ Tong Il, trong một ngôi nhà cao tầng của Bình Nhưỡng. Tong Il có nghĩa là thống nhất, được cho là mục đích chính trị công khai của miền Bắc. Nhưng dường như mục đích này xa vời hơn bao giờ hết.

Bù vào đấy thì chợ Tong Il hiện giờ là mục đích được ưa thích nhất của thủ đô. Không nơi nào khác mà người ta có thể mua sắm được tốt như ở phía sau các cổng vòm của ngôi nhà bê tông to lớn này. Có củ cải và ớt tây, cà chua, những cái được trồng trong vườn tư nhân hay từ lượng thừa ra của sản xuất nông nghiệp.

Phụ nữ trong áo màu xanh lá mạ và yếm đỏ chói đứng chen chúc với nhau, bán thịt tốt với giá tốt. Nón đi xe gắn máy, bàn phím máy tính, giày, vải, hầu như không có thứ gì mà không có ở đây, và tất cả mọi người đều mua, quân nhân, cảnh sát, nhân viên nhà nước.

Ông Hong cũng mua bộ complê của ông ấy ở chợ Tong Il. Ít nhất thì ông cũng thú nhận điều đấy, mỉm cười trong lúc đó.

S.K.

Nguồn: phanba.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn